Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế (1958-1960)

CHƯƠNG IV: HẢI HẬU KHÔI PHỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1954-1975)

2. Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế (1958-1960)

Cuối năm 1957, sau khi hoàn thành sửa sai trong cải cách ruộng đất, huyện tập trung xây dựng và phát triển tổ sản xuất đổi công.

Năm 1958, theo quyết định của Chính phủ, thị trấn Cồn được thành lập trên cơ sở tách một phần diện tích của xã Hải Tiến và Hải Tân. Đến thời điểm này, huyện Hải Hậu gồm 39 xã và 1 thị trấn, dân số khoảng 149.000 người. Ngày 13/8/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự hội nghị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định được tổ chức tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, là nơi thí điểm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở địa bàn tỉnh. Người đã khen ngợi và nhắc nhờ cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Nam Định thi đua làm theo.

Đến vụ mùa năm 1958 đã phát triển được 2.476 tổ đổi công ở 18.405 hộ, đạt tỷ lệ 59,54%, trong đó đổi công thường xuyên có 1.199 tổ ở 8.930 hộ, đạt tỷ lệ 28,8% số hộ nông dân.

Tháng 8/1958, thí điểm xây dựng Hợp tác xã Tiền Phong xã Hải Long. Từ một hợp tác xã Tiền Phong - xã Hải Long là hợp tác xã đầu tiên của huyện Hải Hậu gồm 38 hộ với tỷ lệ 0,15% số hộ nông dân tham gia, đến cuối năm 1959 toàn huyện đã có 237 hợp tác xã. Đến cuối năm 1960 đã xây dựng được 330 hợp tác xã.

Năm 1958 chuyển những hộ đánh cá thuê, tập trung ngư dân để xây dựng các tập đoàn đánh cá biển và chuẩn bị xây dựng hợp tác xã nghề cá. Cuối năm 1959, toàn huyện có 4 hợp tác xã nghề cá gồm 103 hộ, đạt tỷ lệ 15% so với tổng số hộ ngư dân. Sau khi nhận được Chỉ thị 212 của Bộ Chính trị về chính sách kinh tế miền biển, tháng 8/1960 huyện mở hội nghị 6 xã ven biển nhằm đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa miền biển. Đến cuối năm 1960 đã có 15 hợp tác xã nghề cá với 470 hộ, chiếm tỷ lệ 95,5% số hộ ngư dân.

Cuối năm 1958 có 218 tổ đổi công với 1.588 hộ, đạt tỷ lệ 65,3% tổng số hộ diêm nghiệp. Đầu năm 1959 tổ đổi công vẫn duy trì với 221 tổ với 2.120 hộ đạt tỷ lệ 88%, trong đó 86 tổ bình công chấm điểm với 827 hộ. Đến năm 1959, thành lập hợp tác xã diêm nghiệp đầu tiên ở Xuân Hà gồm 38 hộ, đạt 1,6% tổng số hộ diêm nghiệp trên địa bàn toàn huyện. Cuối năm 1960 tăng lên 35 hợp tác xã, đạt tỷ lệ 82% số hộ diêm dân vào hợp tác xã, trong đó có 32 hợp tác xã nơi Công giáo toàn tòng gồm 1.665 hộ diêm dân.

Từ những tổ sản xuất và gia công, ban đầu toàn huyện gồm 1.603 người, đến cuối năm 1960 đã thành lập 42 hợp tác xã thủ công ở các nghề dệt, mộc, rèn, may mặc gồm 2.278 xã viên chiếm tỷ lệ 80% số hộ ngành nghề.

Đến cuối năm 1960, toàn huyện đã vận động 88,5% số hộ tiểu thương vào tổ hợp tác mua bán và 552 người chuyển sang trực tiếp sản xuất.

Đầu năm 1958, toàn huyện thực hiện phong trào thuỷ lợi hóa chống chua mặn gắn với cuộc vận động cải tiến kỹ thuật. Hàng ngàn người đã tham gia đắp đê biển, đê sông Ninh Cơ, khai sông, vét ngói, dẫn nước về đồng thau chua, rửa mặn. Đến năm 1960, toàn huyện đã cải tạo 4.470 ha ruộng đất chua mặn cấy 1 vụ, nay được ngọt hóa trồng cấy 2 vụ. Cuộc vận động cải tiến kỹ thuật nhằm thay đổi thói quen "Bừa chùi, cấy thưa, cấy chay” bằng kỹ thuật canh tác mới "Bừa kỹ, cấy dây và dùng các nguồn phân chăm bón".

Năng suất lúa năm 1959 bình quân đạt 22,5 tạ/1 ha, tăng 77% so với năm 1958. Đến năm 1960, tổng sản lượng thóc đạt 41 ngàn tấn.

Năm 1960, huyện triển khai vượt lập xây huyện lỵ tại khu vực xóm Đông Biên xã Hải Bắc (nay là khu vực Tổ dân phố số 5 thị trấn Yên Định) thay cho huyện lỵ cũ trước đây đặt tại khu vực xóm Đào mãn - Đông Cường (xã Hải Bắc); năm 1961 hoàn thành việc xây dựng trụ sở mới và từ đó là nơi làm việc của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân huyện". Từ đây, khu vực Yên Định được xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Hải Hậu. Cũng trong năm 1960, trường phổ thông cấp 3 đầu tiên của huyện Hải Hậu được thành lập, học chung địa điểm với trường cấp 2 quốc lập (nay là khu vực trường Trung học cơ sở thị trấn Yên Định).

Họ Mai Trà Trung Họ Mai Hải Nam Họ Mai Hải Hậu Họ Mai Nam Định Họ Mai Việt Nam