Chương I: Nam Định - Vùng đất, con người và truyền thống
CHƯƠNG I
NAM ĐỊNH - VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG
Nam Định là tỉnh duyên hải ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, phía đông nam là biển Đông, phía đông bắc giáp tỉnh Thái Bình, phía bắc và tây bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía tây giáp tỉnh Ninh Bình. Nam Định có diện tích tự nhiên 1.671,5 km2, bằng 6,52% diện tích toàn quốc.
Toàn tỉnh hiện nay có 10 đơn vị hành chính gồm thành phố Nam Định và 9 huyện, tính từ bắc xuống nam là Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, với 225 xã, phường, thị trấn.
Nam Định là vùng đất nằm giữa hạ lưu hai con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy. Sông Hồng chảy vào Nam Định từa xã Mỹ Trung huyện Mỹ Lộc qua thành phố Nam Định và các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy rồi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt, tạo thành địa giới tự nhiên phía đông bắc giữa Nam Định với tỉnh Thái Bình. Sông Đáy chảy vào địa phận Nam Định từ xã Yên Phương, huyện Ý Yên qua huyện Nghĩa Hưng rồi đổ ra biển ở cửa Đáy, trở thành địa giới tự nhiên giữa Nam Định với Ninh Bình.
Ngoài hai con sông lớn, trong tỉnh còn có những chi lưu của sông Hồng chảy sang sông Đáy hoặc đổ ra biển. Từ bắc xuống nam có sông Đào làm địa giới quy ước cho hai vùng nam bắc tỉnh, sông Ninh Cơ đổ ra cửa Lác (thường gọi là Gót Chàng), sông Sò (còn gọi là sông Ngô Đồng) đổ ra cửa Hà Lạn.
Nam Định có bờ biển dài 72km từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy. Đây là vùng có tiềm năng kinh tế, là một trong những cửa ngõ của quốc gia, một phần phên dậu của đất nước và là vị trí tiền tiêu, khu vực biên phòng bờ biển của địa phương. Không những có bờ biển dài, tỉnh Nam Định lại có hệ thống giao thông đa dạng và thuận lợi: 6.898km đường bộ , 417km đường sông và đường biển, 42 km đường sắt chạy qua (từ ga Bình Lục về Nam Định qua Trình Xuyên, Gôi, Cát Đằng đi Ninh Bình), rất thuận tiện cho giao lưu và thông thương hai miền Nam - Bắc của đất nước và khu vực.
Tuy nằm ở khu vực đồng bằng châu thổ, song khu phía bắc và tây bắc của tỉnh còn nhiều núi, đồi đất đá xen lẫn như Bảo Đài, Ngô Xá (còn gọi là Thương Sơn, Mai Sơn – Ý Yên), Côi Sơn (còn gọi là núi Gôi), Non Côi, Hổ Sơn, Kim Bảng nay là Kim Thái, Trang Nghiêm tức núi Ngăm (Vụ Bản)... Phần lớn những đồi núi này thường kề cận những dòng sông nhỏ chảy quanh tạo ra cảnh trí đẹp, hữu tình. Non Côi – sông Vị là những danh thắng của Nam Định mà cả nước nhiều người biết đến.
Dưới chân các núi thường là những cánh đồng thoải dần. Các dải bãi phù sa ven sông Hồng, sông Đáy phần lớn là những dải võng, trũng sâu, mùa mưa ngập lụt, ngày xưa chỉ cấy được một vụ, thường được gọi là đồng chiêm nước đọng hay vùng chiêm trũng là do quá trình và hệ quả của sự cấu tạo địa hình đặc biệt ở đây. Hàng triệu năm trước, hầu hết vùng đất Nam Định còn chìm dưới biển. Do ảnh hưởng của sự chuyển động tạo sơn, nổi lên những dãy núi đá vôi chạy suốt từ Vân Nam (Trung Quốc)ra đến biển Đông và dãy núi đó liền một dải ở phía tây bắc Nam Định là vạt diềm ngoài của dải Trường Sơn... Sự chuyển động đã làm sụt lún phần còn lại và tạo thành những vùng võng. Tiếp đó là biển tiến rất mạnh đến sát vùng núi đá.
Hàng triệu năm tiếp theo, một đợt chuyển động tạo sơn mới đã nâng ghềnh phía hạ lưu sông Hồng lên. Biển lùi dần và vùng châu thổ sông Hồng dần dần hình thành trong đó có vùng đất Nam Định. Cho đến bây giờ, phía chân các dãy núi đá vôi vẫn còn dấu vết những vệt đá bị sóng biển xô vào bào mòn theo từng đợt biển rút. Còn dưới chân các quả đồi, dải núi chơ vơ giữa đồng ruộng vẫn còn dấu tích các loài động vật, thực vật chỉ sống ở vùng biển như sò, ốc, hến, rong tảo đã hóa thạch. Đây là thời kỳ biển lùi còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay. Có thể thấy rằng, đây là vùng đất được bồi đắp của sông Hồng từ triệu năm này đến triệu năm khác và con người đã đến chinh phục nơi đây qua biết bao thế hệ.
So với lịch sử kiến tạo địa hình vùng châu thổ sông Hồng, thì Nam Định là một vùng đất tương đối trẻ, trừ một số núi, đồi đất đứng xen trên những cánh đồng của hai huyện Vụ Bản và Ý Yên.
Địa hình Nam Định chia làm hai vùng tự nhiên. Phía bắc là vùng bị bào mòn, bồi tụ phù sa cổ, đất thấp, có những dải võng tạo thành địa hình ô trũng (Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc). Đất đai ở đây do bị ngập nước lâu ngày nên độ phì kém, độ PH cao, dần dần về sau được tiếp nhận phù sa của sông Hồng, sông Đáy nên màu đất thường nâu tươi, độ phì cao. Tuy nhiên, nằm sâu trong đất liền ở những huyện trên vẫn còn những lòng chảo trũng, do biển lùi nhanh, các núi đồi chung quanh và đê điều che chắn kín sóng, nước phù sa ít có dịp tràn vào cho nên những vùng đất này bị ngập úng triền miên, gây nhiều khó khăn, vất vả cho cư dân trước đây.
Ở phía nam tỉnh kiến tạo địa hình khác với phía bắc, đất đai ở đây đều do phù sa sông Hồng và sông Đáy bồi đắp, hằng năm thường lấn ra biển hàng chục mét. Đất vùng này tương đối bằng phẳng , màu mỡ. Song để có thể nuôi sống con người, người dân nơi đây đã tiến hành công cuộc khai khẩn lấn biển qua nhiều thế hệ, đắp đê ngăn mặn, đào ngòi tiêu nước thau chua rửa mặn cải tạo đồng ruộng: “làm như Nam hạ bốc đất”, câu ngạn ngữ ấy chỉ khái quát được một phần nào hình ảnh người dân nơi đây và tình hình khẩn hoang ở vùng biển Nam Định xa xưa. Cuộc chiến đấu chinh phục và chiến thắng thiên nhiên ở vùng đất này là bản anh hùng ca của nhiều thế hệ con người. Vùng đất này ngày càng mở rộng bao nhiêu thì càng thu hút người nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp bấy nhiêu. Họ đã hình thành một cộng đồng đòan kết, gắn bó keo sơn, hợp sức nhau lại giành giật với đất đai, trời biển những sản phẩm nuôi sống mình để tồn tại và phát triển. Sự đoàn kết này còn tạo thành và làm phong phú thêm nét đẹp truyền thống văn hóa làng xã bình dị nhưng giàu tính nhân văn.
Khi quốc gia Văn Lang được thành lập, vùng đất Nam Định thuộc bộ Giao Chỉ. Dưới thời Bắc thuộc, đất nước ta bị chia thành quận, huyện, Nam Định thuộc huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ và từ thời Tam quốc trở đi (giữa thế kỷ thứ III) Nam Định thuộc quận Vũ Bình.
Sau khi giành được quyền độc lập tự chủ (thế kỷ thứ X) đến nay, vùng đất Nam Định trải qua nhiều cuộc biến đổi về địa giới hành chính, khi nhập, khi tách và tên gọi cũng thay đổi qua các thời, lúc là đạo, là lộ, là thừa tuyên, khi là xứ, là trấn, là tỉnh. Thời Lý, Nam Định thuộc lộ Hải Thanh và lộ Hoàng Giang. Thời Trần (1225 - 1400), phần lớn đất Nam Định được gọi là phủ Thiên Trường
Sau khi quân Minh xâm lược nước ta chúng đổi phủ Thiên Trường thành phủ Phụng Hóa. Khi Lê Lợi kháng chiến thắng lợi lấy lại tên cũ là phủ Thiên Trường. Đến năm 1469, Lê Thánh Tông đặt thừa tuyên làm đơn vị hành chính, sau đổi thừa tuyên thành xứ, Nam Định thuộc xứ Sơn Nam. Năm 1741, Lê Cảnh Hưng tách xứ Sơn Nam thành Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, thì Nam Định thành Sơn Nam Hạ bao gồm cả phần đất Thái Bình. Tới triều Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Sơn Nam Hạ được đổi gọi là Trấn Nam Định. Năm 1831 đổi trấn lập tỉnh, Nam Định gồm có 4 phủ 18 huyện. Năm 1890, tách hai phủ lập tỉnh Thái Bình, Nam Định còn hai phủ là phủ Thiên Trường và phủ Nghĩa Hưng.
Phủ Thiên Trường, lỵ sở đóng ở Giao Thủy đời Lý là Hải Thanh, đời Trần là Thiên Thanh, sau đổi là Thiên Trường (1226). Thời thuộc Minh là phủ Phụng Hóa, đến đời Lê là Thiên Trường, gồm có năm huyện là:
- Giao Thủy, đời Lý là hương Giao Thủy đến thời thuộc Minh, thăng lên là huyện Giao Thủy (sau triều Nguyễn tách thành Giao Thủy và Xuân Trường)
- Nam Chân, đời Trần là Tây Chấn, đời Lê đổi là Nam Chân.
- Chân Ninh, đời Nguyễn (năm Minh Mệnh thứ 14) chia Nam Chân ra thành Nam Chân và Chân Ninh (Nam Trực và Trực Ninh).
- Thượng Nguyên, đời Trần là huyện Thượng Hiền, thời thuộc Minh là huyện Thuận Vi, đến đời Lê đổi là Thượng Nguyên (đến triều Nguyễn nhập một phần vào huyện Thuận Vi và chuyển một số xã vào huyện Vụ Bản và Bình Lục).
- Mỹ Lộc, thời thuộc Minh thuộc phủ Phụng Hòa, đời Lê đổi là Mỹ Lộc.
Phủ Nghĩa Hưng, lỵ sở đặt ở huyện Đại An, đời Lý là Hiển Khánh, đời Trần là Kiến Hưng, thời thuộc Minh là Kiến Bình, đời Lê, niên hiệu Hồng Đức đổi là Nghĩa Hưng, gồm có bốn huyện:
Đại An xưa có tên là Đại Ác, đời Lý niên hiệu Minh Đạo (1042 - 1043) đổi là Đại An, thời thuộc Minh gọi là Đại Loan, sang đời Lê lấy lại tên cũ là Đại An.
Thiên Bản, thời xưa có tên Thiên Bản, thời thuộc Minh đổi là An Bản, đời Lê lại lấy tên cũ Thiên Bản, về sau triều Nguyễn đổi là Vụ Bản.
Ý Yên đời Trần đặt là huyện Ý Yên.
Phong Doanh thời xưa là Kim Xuyến, thời thuộc Minh là Vọng Doanh, năm Minh Mệnh thứ 13 đổi là Phong Doanh. Đến triều Nguyễn nhập Phong Doanh vào huyện Ý Yên.
Theo thời gian, vùng đất Nam Định ngày càng được mở rộng, lấn nhanh ra biển. Năm 1888 thành lập huyện Hải Hậu (tách hai tổng của Trực Ninh và hai tổng của Giao Thủy cùng với vùng đất mới khai khẩn do lấn biển lập thành huyện mới).
Từ năm 1926 (theo Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn) toàn tỉnh Nam Định gồm 2 phủ, 7 huyện, 78 tổng, 708 xã (thời gian này cấp phủ chỉ tương đương cấp huyện vì cấp phủ trung gian đã bị bãi bỏ).
Nam Định trở thành vùng đất hứa càng ngày càng rộng thêm, có sức lôi cuốn con người đến khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp. Thưở hàn vi, Đinh Tiên Hoàng đã từng đến Giao Thủy đánh cá. Sau này, một loạt các vị tướng có công dẹp loạn 12 sứ quân đã được nhà vua ban cho thái ấp, để mộ dân khai khẩn hưởng lợi ở nhiều huyện trong tỉnh. Lã Đường là một vị sứ quân có công, đã được cấp 200 mẫu ở Quang Xán (xã Mỹ Hà – Mỹ Lộc). Đến triều Lý, các vua nhà Lý cũng lập hành cung Lý Nhân và Ứng Phong (nay thuộc huyện Vụ Bản) thực chất là để theo dõi, điều hành sản xuất nông nghiệp.
Đầu thế kỷ XIII, dòng họ Trần ở Tức Mặc đã phát tích lập nên vương nghiệp triều Trần lừng lẫy những chiến công chống Mông – Nguyên trong lịch sử dân tộc. Những thái ấp Quốc Hương (Vụ Bản, Bình Lục) của Thái sư Trần Thủ Độ; thái ấp An Lạc (Mỹ Phúc – Mỹ Lộc) của An Sinh Vương Trần Liễu; thái ấp Độc Lập (nay thuộc Vụ Bản) của thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải..., ngoài ra nhà vua cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu mộ những người không có sản nghiệp làm nô tỳ rồi đưa đi khai khẩn lấn biển, nhiều thái ấp được hình thành, mở đầu cho sự hình thành các điền trang từ đây. Nhiều thái ấp không chỉ ở quê hương Mỹ Lộc mà còn lan ra các huyện phía bắc tỉnh cho đến phía nam: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường và tới cả Trường Yên - Ninh Bình. Đặc biệt, nơi hành cung Thiên Trường được xây dựng nguy nga, trở thành kinh đô thứ hai tạo nên thế “Ỷ giốc” cho kinh đô Thăng Long. Khu hành cung Tức Mặc – Thiên Trường có cuộc sống phồn vinh và cảnh trí rất tươi đẹp.
Thời Lê, vùng đất này có khá nhiều dấu tích di cư của tôn thất nhà Lê ra lập nghiệp (ở Mỹ Thịnh, tập trung nhất ở làng Lê Xá) ven sông Ninh Giang, con sông nối sông Hồng với sông Đáy có nhiều lộc điền của các tướng lĩnh nhà Lê. Lê Thánh Tông lập trên đất Nam Định các đồn điền như Vọng Doanh (Ý Yên) tuyển quân lính và mộ nông dân đến làm để sản xuất lương thảo cho quân sĩ của triều đình.
Thế kỷ thứ XIX đã ghi nhận một bước phát triển đáng kể ở vùng đất Nam Định. Thủ phủ Nam Định được thiết lập trên cơ sở vùng kho lương Vỵ Hoàng trước đây. Thành Nam bắt đầu được xây dựng vào năm 1804. Thành được đắp bằng đất . Có thành thì có phố, địa chỉ, “đất hứa” được mở rộng. Dân chúng trong nội hạt và ngoại tỉnh tụ tập buôn bán, làm nghề đông đúc. Thành lại có sông Đào chảy qua rất thuận lợi thông thương trong Nam ngoài Bắc và cả với nước ngoài, cho nên Thành Nam dần dần trở thành một cảng sầm uất vào bậc nhất ở miền duyên hải Bắc Bộ (lúc ấy chưa có cảng Hải Phòng), và trở thành vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng và yết hầu của thành Hà Nội. Vì vậy, khi thực dân Pháp nuôi âm mưu đánh chiếm nước ta, chúng đã nhận định: “chiếm được thành Hà Nội và thành Nam Định tức là chiếm được Bắc Kỳ”
Dưới triều Nguyễn, nhà nước đặt chức quan doanh điền sứ, tổ chức dân khai khẩn những vùng đất mới bồi đắp. Nguyễn Công Trứ là người điều khiển cuộc khai khẩn vùng biển Nam Định lập ra được hai tổng Ninh Nhất (nay là ba xã Hải An, Hải Toàn, Hải Phong huyện Hải Hậu) và Hoành Thu (nay là các xã Giao Thịnh, Giao Tân và một phần Giao Châu, huyện Giao Thủy). Doanh điền chánh sứ Nguyễn Chính và phó sứ Đỗ Tông Phát lập ra tổng Quế Hải (nay là các xã Hải Tân, Hải Quang và một phần xã Hải Đông, huyện Hải Hậu). Phạm Văn Nghị tổ chức khai thác vùng bờ biển Nghĩa Hưng lập ra tổng Sĩ Lâm (nay là các xã Nghĩa Hùng, Nghĩa Lâm).
Qua hàng ngàn năm lịch sử, vấn đề trị thủy – khẩn hoang lấn biển đã trở thành thường trực tất yếu, một công việc có cả bề dầy kinh nghiệm của nhiều thế hệ cư dân Nam Định. Truyền thống trị thủy – khẩn hoang , quai đê, thau chua, rửa mặn giành lấy những vùng bãi ven biển không chỉ là cội rễ tự nhiên của tinh thần cố kết cộng đồng dân cư từng nhóm, từng dòng họ mà còn là cơ sở thiết yếu của việc mở rộng địa bàn cư trú, cải tạo đất canh tác, phát triển ngành nghề, đặc biệt là nghề trồng lúa nước, trồng cói, làm muối và đánh bắt thủy hải sản. Quá trình đấu tranh sinh tồn vượt qua thử thách khó khăn, người Nam Định đã tích lũy, đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho sự mở mang miền đất lấn biển và làm cho vùng đất này ngày càng phồn thịnh.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh thay đổi theo thời gian. Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Nam Định thuộc Liên khu III. Năm 1953, bảy xã phía bắc sông Đào thuộc huyện Nghĩa Hưng được cắt nhập vào huyện Ý Yên, đồng thời ba huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên nhập vào tỉnh Hà Nam, đến tháng 4-1956 lại cắt trả ba huyện trên về tỉnh Nam Định. Tháng 5-1956, tỉnh Nam Định hợp nhất với Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Giữa năm 1967, huyện Mỹ Lộc cắt về thành phố Nam Định tám xã, về huyện Bình Lục bảy xã.
Ngày 22-12-1967, hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy hợp nhất thành huyện Xuân Thủy. Ngày 26-3-1968, cắt các xã miền Trực bên hữu ngạn sông Ninh Cơ của huyện Trực Ninh vào huyện Hải Hậu và hợp nhất hai huyện Nam Trực và Trực Ninh thành huyện Nam Ninh. Năm 1975, Nam Hà nhập với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1991, tái lập tỉnh Ninh Bình và Nam Hà. Ngày 6-11-1996, tỉnh Nam Định được tái lập. Ngày 26-2-1997, các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường, Mỹ Lộc được tái lập. Tỉnh Nam Định bao gồm thành phố Nam Định và chín huyện như hiện nay.
Chùa Keo Hành Thiện (chùa Thần Quang) làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, xây dựng năm 1145, xây dựng lại năm 1588
Với đặc điểm hình thành đất đai, vùng đất Nam Định thường xuyên chứa đựng cả những yếu tố thuận lợi và khó khăn. Song với xu hướng phát triển của lịch sử, con người luôn luôn tiến từ vùng núi cao xuống vùng đất thấp, từ vùng núi xuống đồng bằng. Những đợt di dân đó diễn ra hàng ngàn năm nay bất chấp sự đe dọa, thử thách của bão tố, ngập lụt, nắng hạn, sự giận dữ của trời biển . Dấu tích về sự có mặt của con người đến đây khai thác mà người ta mới tìm thấy ở núi Lê (Kim Thái, Vụ Bản) thuộc hậu kỳ đồ đá mới hoặc sơ kỳ đồ đồng, cách ngày nay khoảng 5000 năm. Ngoài việc thu lượm những sản vật sẵn có trong thiên nhiên, người nguyên thủy ở đây đã biết sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.
Theo các truyền thuyết, cổ tích, thần tích, thần phả, văn bia, thư tịch cổ còn lưu giữ ở Nam Định cho thấy, người Việt cổ đã di dân từ miền đất trung du xuống định cư ở vùng hạ lưu ven sông biển Nam Định ngay từ thời vua Hùng dựng nước Văn Lang. Những trống đồng, mũi tên đồng, nhíp gặt lúa, những mảnh gốm nung thô sơ tìm thấy ở Vụ Bản, Nam Trực, Ý Yên là dấu tích của người Lạc Việt sinh sống trên đất Nam Định.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, vùng đất này ngày càng hướng về phía đông - đông nam do phù sa bồi đắp và biển lùi ra xa, do đó, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người tứ xứ: xứ Bắc (Hà Bắc), xứ Đông (Hải Dương), xứ Đoài (Hà Tây), xứ Thanh (Thanh Hóa). Họ mang theo cả những tập quán sản xuất thành thục, những truyền thống văn hóa lâu đời đến vùng đất này và nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển chung của nền văn minh Sông Hồng; đồng thời cũng chung đúc, hình thành nên cốt cách riêng của địa phương. Đến nay ở Nam Định có trên 50 dòng họ, chiếm 80% số họ của cả nước. Cư dân hầu hết là người Kinh. Tuy vậy trong lịch sử, đất Nam Định đã có người Mường sinh sống, sau đó cũng có một số ít người của các dân tộc khác đến cư trú, như thời Bắc thuộc có người Hán mà di tích là những ngôi mộ Hán cổ đã được khai quật. Trước năm 1945, thành phố Nam Định còn có Hoa kiều, Pháp kiều và Ấn kiều làm ăn sinh sống.
Ngay từ thưở sơ khai mở đất dựng nghiệp, những người dân đến đây đã chiếm lĩnh khu đất cao làm nhà ở, quần tụ bên nhau để bảo vệ cuộc sống. Thời cổ làng được gọi là kẻ như Kẻ Giầy, Kẻ Kho, Kẻ Gạo... được phiên âm Hán Việt trong văn tự như Kẻ Sĩ thành Cổ Sư, Kẻ Hầu thành Hào Kiệt, Kẻ Kho thành Khố Thôn. Có nhiều làng có tên Nôm được chuyển thành Hán Việt như làng Sộp thành Động Phấn, làng Lúa thành Phong Cốc, làng Hè thành Hạ Xá, làng Môi thành Mai Xá, làng Găm thành Nghiêm Trang, làng Ngói thành Ngõa Thôn. Muộn hơn một chút và lui dần về phía nam, tên làng đều có chữ Cổ: Cổ Chử, Cổ Lung, Cổ Ra. Một số làng lại có từ An kèm theo như An Cự, An Thứ, An Lá, An Nhân... Trong nhân dân lưu truyền Thiên Bản lục An, Nam Chân thất Cổ (Thiên Bản có sáu làng An, Nam Chân có bảy làng Cổ). Tất cả chỉ rõ người Việt đã có nhiều đợt di cư từ đất trung du xuống miền hạ Nam Định. Ở đây có những xóm làng bố trí thành những dãy dài tỏa theo hình nan quạt trên các cồn cát. Tên gọi đứng đầu bằng chữ Quần – phản ánh bóng dáng xa xưa của các cồn cát duyên hải nhưng nay đã nằm sâu trong đất liền như : Chợ Cồn (Văn Lý), Cồn Vành, Cồn Tròn, và bị san phẳng đến mức không còn nhận ra hình dạng của cồn cát.
Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, những chính sách khuyến nông và cả những cuộc nội chiến kéo dài đã thúc đẩy quá trình khai hoang lấn biển diễn ra với nhịp độ nhanh hơn, lập nên nhiều vùng quê mới. Ruộng vườn cứ mở rộng mãi, con người càng sinh sôi phát triển và ý thức về cội nguồn, về cuộc sống lao động, chiến đấu ngày càng trở nên sâu sắc.
Người Nam Định rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ, các anh hùng dân tộc, những người tài cao học rộng, những ông tổ nghề nghiệp, những vị thần có công với nước. Những ngày giỗ, lễ, tết đều được tổ chức long trọng, trang nghiêm. Hai nơi có lễ hội lớn là lễ hội đền Trần ở Tức Mặc, Bảo Lộc (Mỹ Phúc) thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (tháng tám) và hội Phủ Giầy ở Kim Thái (Vụ Bản) thờ Mẫu Liễu Hạnh (tháng ba). “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, thu hút du khách thập phương về chiêm ngưỡng, lễ bái. Hầu như làng xã nào ở Nam Định cũng có ngôi đình, đền, miếu , phủ, từ đường để suy tôn, tưởng nhớ những người có nhiều công đức.
Lễ hội Phủ Giày
Ngoài tín ngưỡng thì nhiều tôn giáo cũng phát triển ở Nam Định, sớm nhất là đạo Phật, đến đạo Thiên Chúa và Tin Lành.
Đạo Phật xuất hiện ở Nam Định cách đây khoảng 2000 năm , thịnh hành nhất vào thời Lý – Trần, nhiều nhà sư rất nổi tiếng như Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải. Vua Trần Nhân Tông quê ở Tức Mặc (xã Lộc Vượng ngoại thành Nam Định) đã có công lớn trong việc Việt hóa Đạo Phật, được mệnh danh là ông tổ của phái Trúc Lâm thiền tông. Người Nam Định phần lớn theo đạo Phật (khoảng 67% dân số) và hầu như làng xã nào cũng có một ngôi chùa thờ Phật, đã thống kê được 752 ngôi, tiêu biểu là Tháp Phổ Minh (xã Lộc Vượng), chùa Tháp Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), vừa là trung tâm đạo Phật, vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc độc đáo.
Đạo Thiên Chúa du nhập vào Nam Định sớm nhất cả nước. Năm 1533 thời Lê Trang Tông, một số giáo sĩ người phương Tây đến truyền giáo ở Quần Anh (Hải Hậu), Ninh Cường (Trực Ninh), Trà Lũ (Xuân Trường), dần dần phát triển rộng ra khắp nơi. Từ cuối thế kỷ XVIII với sự truyền giáo của các giáo sĩ người Pháp, đạo Thiên Chúa phát triển mạnh mẽ, dần dần hình thành các trung tâm truyền giáo đầu não là Bùi Chu (Xuân Trường), Vĩnh Trị (Ý Yên) sau chuyển về Kẻ Sở (Thanh Liêm). Những nhà thờ ở đây cũng là những nhà thờ đầu tiên ở Việt Nam. Đến thời thuộc Pháp, đạo Thiên Chúa được khuyến khích phát triển và Nam Định cùng với Phát Diệm (Ninh Bình) trở thành trung tâm Thiên Chúa giáo lớn nhất Đông Dương. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa chiếm trên 20% dân số toàn tỉnh, tập trung đông ở các huyện ven biển (Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy). Hiện nay, toàn tỉnh có 139 nhà thờ xứ, 506 nhà thờ họ, 36 nhà nguyện, 17 cơ sở, 5 dòng tu.
Sau đạo Phật, đạo Thiên Chúa, ở Nam Định còn số ít theo đạo Tin Lành, tập trung ở thành phố Nam Định, chiếm khoảng 0,3% dân số toàn tỉnh với một số nhà thờ.
Trong quá trình hình thành vùng đất này, người dân Nam Định thường xuyên phải vật lộn với thiên tai, biển dữ, phải đổ ra biết bao mồ hôi và cả máu xương mới có được những làng xóm trù phú, những cánh đồng bát ngát, mùa màng tốt tươi. Từ bao đời nay nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ yếu ở Nam Định. Với địa hình không bằng phẳng, nơi trũng quá thường xuyên chịu cảnh “chiêm khê mùa thối”, nơi vùng cao lại hạn hán kéo dài, có nơi phù sa ngập mặn..., nhưng người dân Nam Định, bằng sức lao động cần cù, bền bỉ và sáng tạo đã ngăn đập, đắp đê, khơi ngòi đào mương, dựng kè cống, thau chua rửa mặn, cải tạo đất canh tác phục vụ tích cực cho trồng trọt, nhất là cây lúa. Trong quá trình lao động sản xuất nông nghiệp đầy thử thách khó khăn, cha ông ta đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc thâm canh lúa và hoa màu, tạo nên những sản phẩm nổi tiếng như gạo tám xoan Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, khoai lang lim chợ Chùa - Nam Giang, làng hoa Vị Khê và trong chăn nuôi cũng có nhiều con vật quý như lợn ỷ Nam An, Lạc Đạo, gà Vân Đồn (Nam Trực)... Cho đến thời gian sau này, Nam Định vẫn là vùng nông nghiệp đầy tiềm năng phát triển, là một trong những vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ.
Nằm kề bờ biển dài hơn 70 km, cư dân Nam Định đã sớm khai thác lợi thế phát triển nghề làm muối. Những cánh đồng muối ở Giao Thủy và Hải Hậu đã cung cấp hàng chục vạn tấn muối mỗi năm; đồng thời nghề đánh bắt thủy hải sản thu hút hàng ngàn lao động, hằng năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn tôm cá. Nước mắm Sa Châu, muối Bạch Long (Giao Thủy), muối Văn Lý (Hải Hậu) là những mặt hàng nổi tiếng trong nước. Ngoài ra, vùng ven biển có nhiều cánh rừng ngập mặn thu hút nhiều loài chim, tạo ra cảnh quan thiên nhiên vừa phong phú hấp dẫn, vừa đầy tiềm năng phát triển kinh tế.
Một góc Thành Nam
Bên cạnh nghề trồng trọt, chăn nuôi và khai thác hải sản biển, người dân Nam Định còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống. Vùng Hải Hậu phải kể đến nghề dệt lụa, dệt vải, dệt chiếu. Tơ lụa Quần Anh nổi tiếng cả nước. Các phiên chợ Lương, chợ Trung hàng tơ lụa bày bán la liệt, khách hàng khắp nơi về mua tạo nên vẻ tấp nập đông vui. Vụ Bản cũng là một huyện có nhiều nghề như rèn Bảo Ngũ; sơn mài Hổ Sơn, Vân Bảng, Ngọ Trung; dệt vải Lập Vượng, Vân Cát, Quả Linh, Giáp Ba; gò đồng ở Bàn Kết; chạm đá Thái La; làm gối mây Tiên Hào; đan lưới Vọng Cổ. Huyện Ý Yên có nghề mộc La Xuyên, dệt đũi Thượng Đồng, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Vạn Điểm, đúc gang Tống Xá, đan võng Hoàng Nê, Vọng Doanh. Huyện Nam Trực có nghề rèn Vân Tràng, đúc đồng Đồng Quỹ, làm bánh kẹo Thượng Nông. Huyện Trực Ninh có nghề đục đá Nam Lạng, ươm tơ dệt vải Cổ Chất, Phương Để, thêu ren Trung Lao. Huyện Mỹ Lộc có nghề chạm khắc ở Mỹ Trung, Mỹ Phúc, nghề làm chăn bông ở Mỹ Thắng. Vùng Mỹ Lộc xưa còn có nghề đóng thuyền gắn với nghề đánh bắt cá. Sau này, do nhu cầu, nghề đóng thuyền chuyên phục vụ cho công việc thông thương bằng đường thủy và còn phục vụ cho quân sự cũng như cho công việc đi lại của các vua Trần mỗi khi từ Thăng Long về Tức Mặc. Nhiều làng nghề đã ra đời từ thế kỷ thứ X như La Xuyên, Cát Đằng, Tống Xá (Ý Yên), Quần Phương (Hải Hậu), Phương Để (Trực Ninh), Vân Tràng (Nam Trực)...
Do kinh tế phát triển, việc giao lưu hàng hóa ngày càng mở rộng. Thành Nam xưa trở nên một thương cảng sầm uất, các thuyền bè từ Nam Ngãi, Thanh Nghệ ra, từ Móng Cái - Quảng Yên xuống và cả từ ngoại quốc thường xuyên lui tới qua đường biển vào cửa sông Đáy, sông Hồng tới sông Vỵ. Thế kỷ XIX, cảng Nam Định là một cảng vào loại lớn nhất Bắc Kỳ, khi mà phố Hiến nằm sâu trong nội địa và cảng Hải Phòng chưa định hình.
Nam Định từ xưa vẫn được coi là một vùng đất văn hiến mặc dù không cổ kính lâu đời như các xứ Bắc, xứ Đông, xứ Đoài. Ngay từ thời Lý (đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII), Phật giáo được coi là quốc giáo, các vị thiền sư là những trí thức cao cấp; ở đất Hải Thanh đã xuất hiện hai bậc đại thiền sư người địa phương là Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải uyên thâm giáo lý, nổi tiếng về thi ca và là những danh y có tài. Hai ông cùng xây dựng nên chùa Keo tức ‘Thần Quang Tự”, một trong những trung tâm Phật giáo thời đó. Năm 1218 nhà Lý mở khoa thi thái học sinh chọn nhân tài cho đất nước, ở huyện Thượng Hiền (tức Thượng Nguyên về sau) đã có Vương Văn Hiệu đạt học vị cao, tương đương với thám hoa. Đây là nhà khoa bảng đầu tiên của tỉnh Nam Định.
Nhà Trần là một hiện tượng độc đáo trong các triều đại phong kiến Việt Nam, ngoài những chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách, lừng lẫy trong lịch sử, thì các đời vua đều là nhà thơ, nhiều vị uyên thâm Phật học, tiêu biểu như Trần Nhân Tông. Thái sư Trần Thủ Độ tuy không được học hành nhiều, song khi nắm trọng trách điều hành đất nước, luôn luôn là mẫu mực cho đạo đức "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Các vị tướng lĩnh, công hầu trong ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên hầu hết là tôn thất nhà Trần, không những giỏi chinh chiến mà còn là tác giả những áng “thiên cổ hùng văn” như Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Tùng giả hoàn Kinh sư của Trần Quang Khải...; có võ tướng thông thạo âm luật, biết nhiều ngoại ngữ như Trần Nhật Duật...
Vương triều Trần còn tiêu biểu cho một sức trẻ vươn lên mạnh mẽ. Phần lớn các vua đều là anh quân và đều lên ngôi từ rất trẻ, trung bình 16 tuổi. Nguyễn Hiền quê ở Dương A (Nam Trực) đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi (1247). Tuy còn tuổi thiếu niên mà Nguyễn Hiền đã làm cho sứ nhà Nguyên phải khâm phục, kính nể bởi tài trí thông minh uyên bác. Văn Túc Vương Trần Đạo Tái - con của Thái sư Trần Quang Khải - đã đỗ bảng nhãn dưới triều Trần Thánh Tông (1257 - 1278) khi mới 14 tuổi. Trạng nguyên Đào Sư Tích ở Cổ Lễ (Trực Ninh - 1374) không hề run sợ trước cái chết, luôn nghĩ về dân tộc qua “Kế sách phục hưng Đại Việt”.
Chùa Phổ Minh còn gọi là chủa Tháp, thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định
Thời Lê, Nam Định có trường thi hương ở thành Vị Hoàng cho sĩ tử các trấn phía nam đồng bằng sông Hồng. Năm 1463, nhà Lê mở khoa thi có hơn 1.400 sĩ tử đua sức đua tài. Ở Nam Định có Lương Thế Vinh người làng Cao Phương - Thiên Bản (nay thuộc xã Liên Bảo - Vụ Bản) đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (tức trạng nguyên). Ông rất giỏi văn thơ, được cử làm Tao Đàn sái phú (dọn vườn cho làng thơ của hội Tao Đàn) cùng với tiến sĩ Phạm Đạo Phú người Đại An là ngôi sao sáng trong Tao Đàn nhị thập bát tú. Ông am hiểu nhiều lĩnh vực, là người soạn ra Đại thành toán pháp - cuốn sách toán học kinh điển, viết tác phẩm Hý Trường phả lục là sách lý luận đầu tiên về sân khấu ở Việt Nam. Khi từ quan về nghỉ, ông còn nghiên cứu sâu về đạo Phật, đạo Lão.
Năm 1475, Vũ Tuấn Chiêu người Cổ Ra (Nam Trực) đỗ trạng nguyên khi ông 55 tuổi, nêu một tấm gương sáng về vượt khó, kiên trì học tập vẫn thi đỗ trạng nguyên.
Dưới triều đại nhà Lê, Nam Định còn có hơn hai chục người đỗ tiến sĩ, làm rạng rỡ xứ Sơn Nam. Học vấn sâu rộng của các vị đại khoa làm phong phú thêm kho tàng văn học và các môn khoa học khác cũng được mở mang.
Triều Mạc, Nam Định có tới vài chục vị đại khoa. Đỗ cao nhất là Trần Văn Bảo, người làng Cổ Chử, Giao Thủy (nay là Nam Trực) đỗ trạng nguyên năm 27 tuổi. Trong khi làm quan, nhiều lần Trần Văn Bảo tâu trình Mạc Mậu Hợp những kế sách hay nhưng không được dùng. Ông đã bỏ quan trường về ở ẩn (tại làng Phù Tải, Bình Lục).
Sau khi lập vương triều, nhà Nguyễn đã tổ chức thi cử để chọn nhân tài bổ sung cho bộ máy cai trị. Nam Định là đất học, có trường thi được lập ra từ thời Lê (kỳ thi đầu tiên vào năm 1441) đến năm 1845 được xây trên đất làng Năng Tĩnh. Trong trường có 21 tòa nhà lợp ngói chia làm ba khu vực (nội trường, ngoại trường và nơi để sĩ tử cắm trại kê lều chõng làm bài mỗi kỳ thi). Nhà Nguyễn không lấy đỗ trạng nguyên, Nam Định có Trần Bích San (người thành phố Nam Định) đỗ tam nguyên (trong số ba người của cả nước). Đặc biệt, tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh (Ý Yên) được cử giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (hiệu trưởng trường đại học duy nhất cả nước lúc bấy giờ). Từ năm 1886, cả Bắc Kỳ còn một trường thi hương ở Nam Định gọi là trường Hà Nam (trường Nam thi lẫn với trường Hà) đến năm 1915 là kỳ thi hương cuối cùng. Trong các kỳ thi đó, cả ba người đỗ đầu đều là người Hành Thiện. Có hai gia đình, mỗi nhà năm cha con cùng đỗ cử nhân.
Nói đến vùng đất văn hiến không thể không nói đến số lượng người đỗ đạt. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hơn 800 cử nghiệp Nam Định có 87 vị đại khoa, trong đó học vị trạng nguyên có năm vị, bảng nhãn ba vị, thám hoa ba vị, hoàng giáp 14 vị, tiến sĩ và phó bảng 62 vị (hai huyện nhiều hơn cả là Nam Trực: 24; Ý Yên: 18).
Nhiều dòng họ, nhiều gia đình có truyền thống hiếu học. Làng Cổ Lễ (Trực Ninh) có Đào Toàn Bân đỗ tiến sĩ, con là Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên. Làng Cổ Chử (Nam Trực) có Trần Văn Bảo đỗ trạng nguyên, con là Trần Đình Huyên đỗ tiến sĩ. Làng Tam Đăng (Ý Yên) có Phạm Văn Nghị đỗ hoàng giáp, ông có một con đỗ phó bảng và ba con đỗ cử nhân, ở La Ngạn (Ý Yên), có gia đình cha là Đỗ Huy Uyển đỗ phó bảng, con là Đỗ Huy Liên đỗ hoàng giáp. Làng Thượng Lao (Nam Trực) có hai anh em Lê Hiến Giải và Lê Hiến Tứ cùng đỗ đại khoa trong một kỳ thi. Nổi trội nhất là làng văn hiến Hành Thiện với bảy vị đại khoa (trong đó có tiến sĩ Đặng Xuân Bảng vừa là nhà khảo cứu uyên thâm, vừa là người có đầu óc cách tân), 81 vị cử nhân, 145 tú tài.
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở Nam Trực, Nam Định
Trường tư Tam Đăng do hoàng giáp Phạm Văn Nghị chủ trì, có thể coi là trung tâm giáo dục lớn ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ đương thời, thu hút hàng ngàn lượt nho sinh, không những ở địa phương mà còn ở nhiều tỉnh ngoài, với nhiều tên tuổi lừng lẫy, như tam nguyên Trần Bích San, hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, tiến sĩ Vũ Hữu Lợi (Nam Định), tam nguyên Nguyễn Khuyến (Hà Nam), tiến sĩ Tống Duy Tân (Thanh Hóa), phó bảng Lã Xuân Oai, phó bảng Đặng Ngọc Cầu, thủ khoa Nguyễn Cao (Bắc Ninh) và hàng trăm cử nhân, trong đó có một viên đại thần Phạm Thận Duật (Ninh Bình)... Trước nạn ngoại xâm, ông tổ chức ra trường Hoành Nha (Giao Thủy) là một trường đặc biệt vừa dạy văn, vừa luyện võ, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử nước nhà. Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng ngoài việc mở trường dạy học còn soạn nhiều sách, tổ chức in ấn cho học trò và nho sĩ, lập ra thư viện Y Long nổi tiếng nhất Bắc Kỳ hồi ấy.
Nam Định còn có nhiều làng văn hóa truyền thống, những giáo phường độc đáo, những lễ hội kèm theo diễn xướng, trò chơi dân gian, những sinh hoạt phong phú như hội chùa Keo, Phủ Giầy, đền Trần, múa hát Dặm, múa Phương Bông... Người Nam Định đã sáng tạo nền văn học dân gian vô cùng phong phú, đóng góp chung cho kho tàng của dân tộc một tài sản vô giá. Thiên nhiên và cuộc sống con người hiện lên trong ca dao, tục ngữ với một phong vị rất riêng, rất đậm đà và không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác trên đất nước Việt Nam.
Xây dựng nước gắn liền với đấu tranh giữ nước là một quy luật sinh tồn, phát triển của dân tộc. Đó cũng chính là truyền thông quý báu của nhân dân Nam Định. Truyền thống đó đã thấm sâu vào tâm linh mọi người, qua tín ngưỡng thờ cúng gia tiên - một biểu hiện của đạo lý uống nước nhớ nguồn, tục lệ thờ cúng thành hoàng mà hầu hết là những nhân thần có công dựng nước, giữ nước. Những bản thần phải được bảo lưu ở nơi thiêng liêng, được truyền tụng trong dân chúng, thực tế là những bài học yêu nước sâu sắc, sinh động được bảo lưu muôn đời. Ở nhiều nơi trong tỉnh còn lưu giữ dấu tích lịch sử là sự minh chứng rõ nét. Từ đầu kỷ nguyên, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại ách xâm lược của quân Đông Hán (Trung Quốc) nhân dân khắp các quận Giao Chỉ, Cửu Chân... đã nhất tề hưởng ứng, đặc biệt nhiều người là những phụ nữ tài ba đã trở thành những tướng giỏi của Hai Bà, hiện nay vẫn còn đền thờ Thục Côn công chúa tại làng Thượng Lỗi - Lộc Vượng. Các bà Lê Thị Hoa người làng Giềng (Đại Thắng), bà Mai Hồng ở làng Vụ Nữ (Hợp Hưng) huyện Vụ Bản với thù nhà nợ nước chồng chất, các bà đã tập hợp nghĩa binh ở quê hương nổi dậy giết giặc lập nhiều công lớn. Bà Mai Hồng được phong Hồng nương nữ tướng. Bà Đỗ Thị Dung và em trai là Đỗ Quang làng Cao Sơn, bà Phan Thị Trâm ở huyện Tây Chân đã vào tận Hoa Lư (Ninh Bình) lập căn cứ đánh quân Hán... Từ khắp mọi miền, người dân Nam Định đã nổi dậy lập nhiều chiến công góp phần quét sạch quân Tô Định.
Năm 545, khi Trần Bá Tiên đem quân chiếm nước ta thì ở làng Lập Vũ (Vụ Bản) có tướng Đinh Lôi, Hoàng Tề đã theo Triệu Quang Phục lập nhiều công lớn đánh cho quân nhà Lương tan tác phải rút về nước.
Năm 776-779, hào trường đất Đường Lâm, quan lang nước Việt là Phùng Hưng lãnh đạo khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường, thường đóng quân trên vùng đất thuộc hai huyện Đại An và Ý Yên (nay còn nhiều đền thờ tại đây) được nhân dân hai huyện đồng tình giúp đỡ. Thời dẹp loạn "Thập nhị sứ quân", Trần Lãm - bố nuôi Đinh Bộ Lĩnh, người Giao Thủy đã chỉ huy một sứ quân chiếm giữ cửa biển Kỳ Bố, có công lớn giúp nhà Đinh thống nhất giang sơn, được phong "Phụ dục quốc chính thượng công".
Khi bị Đinh Bộ Lĩnh tiến đánh tướng giặc Kiều Công Hãn chạy qua huyện Nam Chân đã bị thổ hào Nguyễn Tấn chém chết... Rất nhiều người dân Nam Định đã có công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp giặc. Dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, định phẩm trật cho các quan văn võ, ban thưởng cho những người có công. Nguyễn Tấn được phong là Kiến nghĩa hầu, được thu thuế ở huyện Thượng Nguyên quê nhà làm bổng lộc. Tạ Hùng Ly, người có công phá vây khi Đinh Bộ Lĩnh lâm nguy, được cấp thực ấp ở An Nhân (Vụ Bản). Lã Đường được cấp 1.000 mẫu ruộng lộc điền ở Quang Xán (Mỹ Lộc)...
Thời Lê Hoàn đánh Tống, bình Chiêm, nhiều người Nam Định đã góp công sức cùng nhà vua đánh giặc. Theo truyền thuyết thì Lê Hoàn đã đến Kiên Lao (Xuân Trường) khen thưởng dân nơi đây đã đóng thuyền giúp vua cứu nước.
Đền Trùng Hoa, nơi thờ 14 vị vua Trần
Là vùng đất dấy nghiệp và phát tích của nhà Trần, trong ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, đội quân đã từng chinh phạt từ Âu sang Á, nhân dân Nam Định đã sát cánh cùng quân dân Đại Việt chiến đấu chống giặc. Khi chiến sự diễn ra quyết liệt, trước sức mạnh ồ ạt của giặc, vua tôi nhà Trần đã rút khỏi kinh thành Thăng Long về hành cung Thiên Trường tìm kế chống giặc. Vua Trần rất chú trọng xây dựng phòng tuyến phía nam đề phòng giặc Mông - Nguyên từ phía biển đánh vào. Hưởng ứng việc xây dựng phòng tuyến chống giặc, hai anh em sinh đôi Bùi Khiết, Bùi Tuyết ở Trực Ninh đã về Xối Đông chiêu nạp binh sĩ đóng đồn Thượng, đồn Trung. Hằng ngày quân sĩ luyện tập đao, kiếm, cưỡi ngựa, đánh gươm sẵn sàng giết giặc. Cùng thời gian đó, ông Trương Long giỏi võ nghệ cũng về đây chiêu binh nạp sĩ, dựng lầu cao (đồn Hạ) làm nơi quan sát tình hình địch. Ba đồn binh này hình thành cụm căn cứ liên hoàn, án ngữ bờ nam sông Hồng, phòng ngừa quân giặc.
Đầu xuân Ất Dậu (1285) chính quân tướng ở ba đồn binh này đã phục binh, rút ván cầu làm cầu giả lừa quân Nguyên từ phía bắc xuống, xua chúng qua cầu rồi rút ván cho rơi xuống sông. Bọn sống sót hoảng loạn tháo chạy thì sa vào trận địa phục kích sẵn, bị đánh tơi tả và thất bại hoàn toàn. Từ trận chiến thắng quân Mông - Nguyên mùa xuân ấy, cầu được mang tên là cầu Vô Tình.
Lúc nhà Trần suy, nhà Hồ thay thế. Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly thất bại, quân Minh sang xâm chiếm nước ta, nhân dân Nam Định đã đứng lên theo nghĩa quân của Trần Triệu Cơ. Trần Triệu Cơ đã đón Trần Ngỗi về làm minh chủ. Trong trận chiến nổi tiếng ở Bô Cô (Ý Yên) diễn ra ngày 10 tháng 2 năm Mậu Tý, nghĩa quân đã chém đầu trấn thủ Lưu Tuấn, đô đốc Lữ Nghi, tham chính Lưu Đức, đô chỉ huy sứ Liễu Tòng. Tướng Minh là Mộc Thạch phải kéo tàn quân tháo chạy về thành Cổ Lộng mới thoát chết.
Trần Ngỗi thất bại, nhân dân Nam Định lại tiếp tục phò vua Trần Quý Khoáng chống quân Minh. Khi nghe tin Lê Lợi dấy nghĩa ở Lam Sơn, nhiều người Nam Định đã bí mật tìm đến Lam Sơn tụ nghĩa. Nhiều thợ rèn ở Vân Tràng (Nam Trực) không sợ hiểm nguy đến tính mạng, ngày đêm sản xuất vũ khí cho nghĩa quân, chế ra dao, kiếm, giáo, mác, lao, thiết lệnh (ống pháo lệnh bằng sắt có kỹ thuật cao, nổ to). Đến nay, làng Vân Tràng vẫn còn gìn giữ được ống pháo lệnh nặng tới 30kg đặt trong đền thờ lục vị tổ sư nghề rèn.
Đặc biệt là trận hạ thành Cổ Lộng (Ý Yên) làm thay đổi thế trận giữa ta và địch lúc bấy giờ. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, chúng cho đắp thành Cổ Lộng (nay thuộc xã Yên Thọ - Ý Yên) chặn con đường thủy bộ chủ yếu từ miền Trung ra Thăng Long. Hằng ngày chúng xua quân đi tàn phá, cướp bóc các vùng lân cận. Không cam tâm ngồi nhìn giặc cướp phá, giày xéo quê hương, một phụ nữ áo vải ở Ngọc Quế (nay là Yên Nghĩa, Ý Yên) đã chủ động lập mưu diệt giặc. Bà đã rủ một số phụ nữ địa phương mở một quán nước gần thành để dò xét nội tình giặc và bày cách cho quân lính đêm đêm chui vào túi ngủ tránh muỗi. Một đêm, được mật báo từ trước và được chồng bà là ông Đinh Tuấn dẫn đường, nghĩa quân Lam Sơn đã bất ngờ tập kích thành. Do miệng túi đã bị thiết chặt, quân giặc trở tay không kịp, bị giết vô kể, thây quẳng xuống con sông nhỏ cạnh thành, nhân dân thường gọi là "Kênh ma". Thành Cổ Lộng bị phá, nghĩa quân thuận đường thẳng tiến. Dẹp tan quân Minh, vua Lê Thái Tổ luận công khen thưởng, coi trường hợp của bà là "một kỳ công hiếm có" được ban thưởng rất hậu. Song bà chỉ nhận danh hiệu "kiến quốc phu nhân" và xin một số ruộng hoang hóa làm lộc điền cho dân làng cày cấy nộp tô sinh sống. Ngày nay ở đền thờ bà tại quê hương vẫn còn tấm bia ghi công trạng đó.
Khi Lê Lợi tiến quân ra Bắc qua đất Nam Định đều được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Một người họ Đoàn ở Giáp Nhất (Nam Giang - Nam Trực) đã cùng trai tráng trong làng dùng vũ khí tự tạo diệt tàn quân Minh bại trận ở Thiên Quan chạy qua vùng này.
Từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam chuyển sang thời kỳ suy tàn. Nhân dân Nam Định cùng toàn thể dân tộc Việt Nam bước vào một thời kỳ đấu tranh với chế độ phong kiến tàn ác bên trong và giặc ngoại xâm bên ngoài. Dưới thời nhà Mạc, nhân dân Nam Định điêu đứng vì cuộc chiến Nam - Bắc triều, vì nạn tham quan ô lại. Năm 1596, ở làng Thi Vu (Đại An, nay thuộc Ý Yên) có Phạm Hang đã đến chiếm núi Đam Khê (Yên Mô - Ninh Bình) xây dựng căn cứ khởi nghĩa, rồi đưa quân đánh chiếm phủ Trường Yên, phủ Nghĩa Hưng. Sau một tháng dấy binh khởi nghĩa có hàng vạn người theo. Triều đình phải hao binh tổn tướng mới dẹp được tạm yên.
Thế kỷ XVIII ở Đàng Ngoài nhà Lê suy tàn, chúa Trịnh chuyên quyền lấn át, trong triều ngoài nội biến loạn. Năm 1740, Vũ Đình Dung chiêu tập vũ dũng, lập căn cứ ở ngay tại quê mình là làng Ngân Già (tục gọi làng Càng, nay thuộc xã Nam Cường, Nam Trực) đánh phá huyện nha trấn thành ở Nam Chân, Giao Thủy và Đại An, lấy của chia cho dân. Tổng trấn Sơn Nam đem quân trấn áp đã bị nghĩa quân giết chết, sau đích thân chúa Trịnh Doanh phải kéo đại quân về dẹp. Thủ lĩnh Vũ Đình Dung bị giết, làng Ngân Già bị xóa tên đổi thành Lai Cách.
Chùa Bi ở xã Nam Giang, huyện Nam Trực
Năm 1741, Nguyễn Hữu Cầu (quận He) phất cờ "Đông đạo tổng quốc báo dân đại tướng quân" từ Bắc Hà kéo về Nam Định với khẩu hiệu "lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo" được nhân dân Nam Định đồng lòng hưởng ứng. Sau vì lực lượng chênh lệch, Nguyễn Hữu Cầu phải chuyển vào vùng đất Nghệ An.
Nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu rút đi thì nghĩa quân của Nguyễn Kim Phẩm và Trần Xuân Trạch là người Sơn Lam lại nổi lên ở Quảng Yên rồi kéo về Nam Định đóng quân ở vùng Ngô Đồng, tiến đánh huyện Thượng Nguyên. Đến đâu nghĩa quân cũng được nhân dân giúp đỡ. Sau một thời gian, nghĩa quân phải chuyển vào miền Trung.
Năm 1786, sau khi đánh tan chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh. Quân Tây Sơn theo đường biển tiến ra chiếm thành Vị Hoàng (nay là thành phố Nam Định). Nhân dân Nam Định đã hết lòng giúp đỡ quân Tây Sơn, đi theo nghĩa quân góp sức xây dựng phòng tuyến Tam Điệp. Mọi tin tức của địch được báo cho quân Tây Sơn. Trong nghĩa quân Tây Sơn khi tiến công giải phóng Thăng Long đã có mặt những người con ưu tú của Nam Định như cha con ông Trần Bá Giáp, Trần Bá Dũng người làng Nho Lâm (nay là xã Bình Minh) đã chiến đấu ngoan cường với quân Thanh. Còn Trần Bá Hai, Trần Bá Ngọc bị Chiêu Thống bắt đi lính đã vận động anh em binh lính cùng quân ngũ chống lại quân Thanh, đưa lực lượng nhập vào quân của đô đốc Đông (Tây Sơn) tiến vào giải phóng Thăng Long.
Sau khi nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn tiêu diệt, nhân dân Nam Định lại nổi dậy chống chế độ thống trị bóc lột hà khắc của nhà Nguyễn, như cuộc nổi dậy của Hai Ngọc người làng Ngọc Tỉnh và Ba Luân ở Liên Tỉnh (Nam Chân) vào năm 1803. Cuộc nổi dậy của Xiển Văn Đạo ở Liễu Đề (Nghĩa Hưng) sau chuyển sang Thái Bình, lên đất Kinh Bắc. Mãi tới năm 1811 khi trụ ở Hà Tĩnh nghĩa quân mới bị tan rã.
Khởi nghĩa lớn hơn và vang dội hơn cả là cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, ông gốc quê ở Trà Lũ (Xuân Trường) di cư sang Minh Giám (Thái Bình), nổi dậy ở xứ Đông, đem nghĩa binh đánh chiếm Trà Lý. Năm 1826 mới chuyển về lập căn cứ ở Trà Lũ. Nghĩa quân tiến công giết được Trấn thủ Nam Định Lê Mậu Cúc, làm rung chuyển cả triều đình nhà Nguyễn. Quân khởi nghĩa có tới hàng ngàn người, đánh chiếm cả vùng ven biển Nam Định, Thái Bình. Nhà Nguyễn phải cử nhiều tướng tài như Phạm Văn Lý, Nguyễn Công Trứ đem đại quân từ Huế ra trấn áp. Sau nhiều lần giao tranh ác liệt, căn cứ Trà Lũ bị bao vây từ nhiều mặt. Quân nhà Nguyễn với súng thần công là vũ khí hiện đại thời bấy giờ, cùng thuyền chiến, voi chiến tiến công nghĩa quân. Nghĩa quân anh dũng chống lại làm quân lính nhà vua thiệt hại nặng nề phải xin tăng thêm viện binh và vũ khí. Do bị vây hãm, nghĩa quân khơi một đoạn sông thông ra biển, song nước thủy triều cạn, Phan Bá Vành lại hy sinh. Tuy khỏi nghĩa thất bại, nhưng Nguyễn Công Trứ biết không thể dùng quân sự để đè bẹp nguyện vọng đòi quyền sống chính đáng của dân, nên ông đã chiêu mộ người nghèo đi khai hoang lấn biển.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta (1858), ngay từ lúc chúng nổ súng gây hấn ở Đà Nẵng, triều Nguyễn nhu nhược, khiếp sợ trước tàu đồng, súng đại bác của giặc chỉ một hai bàn "hòa" thì nhân dân Nam Định đã sôi sục ý chí quyết tâm "quyết chiến". Tiêu biểu cho giới sĩ phu - kẻ sĩ Bắc Hà là Đốc học Nam Định Phạm Văn Nghị. Ông đã gửi lên Tự Đức tờ tấu "Trà Sơn kháng sở", xin được tổ chức một đội quân tình nguyện Nam Tiến đánh giặc Pháp. Đầu năm 1860, đoàn nghĩa dũng của ông gồm 365 người, trong đó có khá nhiều học trò của ông vào đến Huế thì quân Pháp đã rút vào Gia Định để tập trung đánh chiếm Nam Kỳ. Nghĩa quân xin được tiếp tục hành quân vào Nam đánh giặc, song vua Tự Đức không đồng ý, buộc nghĩa quân phải trở ra Bắc. Tuy chưa có điều kiện trực tiếp đối mặt với giặc, song nghĩa cử đó có sức cổ vũ mạnh mẽ trong giói sĩ phu và dân chúng trong cả nước.
Cũng tháng 3-1860, tiến sĩ Doãn Khuê tạm thay Phạm Văn Nghị giữ chức Đốc học Nam Định đã cùng các viên giáo thụ, huấn đạo, tri phủ, tri huyện Nam Định làm sớ tâu gửi Tự Đức kịch liệt phản đối việc triều đình nghị hòa với giặc. Vua Tự Đức khi nhận xét về nhân dân Nam Định đã ngợi khen "... Có những người như Phạm Văn Nghị, Doãn Khuê, Đỗ Phát là những nhà nho lão luyện, các vị hưu quan mà biết vì nước bảo dân, không đến nỗi để lo cho triều đình". Năm 1862, triều Nguyễn buộc phải ký hòa ước cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, quần chúng phản ứng sôi sục. Khoa thi hương 1864 ở Nam Định sĩ tử hò reo phản đối không chịu vào thi. Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn phải nhận thay mặt sĩ tử viết sớ về triều đề đạt ý kiến xin "quyết định".
Pháp tấn công và đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà
Sự yếu hèn của triều đình đã dẫn đến việc Pháp tiến công xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất vào năm 1873. Nam Định được coi là một trọng điểm của cuộc đánh chiếm. Phạm Văn Nghị đang làm Thượng biện Hải Phòng sứ, được cử mang quân đến ngã ba sông Độc Bộ cùng với quân của lãnh binh Nguyễn Văn Lộc chắn tàu chiến giặc từ Ninh Bình ra Nam Định. Ông đã chỉ huy quân sĩ nã phát súng đầu tiên vào tàu giặc nhưng không cản được bước tiến của địch. Trận Độc Bộ thất bại nhưng chính Phrăngxi Gácniê đã ghi lại cảm nhận: "trận này cho chúng tôi biết rằng Nam Định sẽ đón tiếp chúng tôi như thế nào vào ngày mai 11-12-1873". Khi tàu Pháp tiến về Thành Nam đã bị Ngô Lý Diễn, các hào mục Đặng Huy Tính, Nguyễn Văn Hộ, bá hộ Trần Trí Thiện cùng dân binh chống trả quyết liệt. Còn sáng mãi tấm gương của Hiệp quản Trần Vĩnh Cát, xuất đội Ngô Triển đã phải lên mặt thành chiến đấu dũng cảm, hy sinh và hàng trăm binh sĩ hy sinh anh dũng bảo vệ thành. Thành Nam thất thủ, các văn thân tỏa về các vùng quê vận động nhân dân xây dựng lực lượng kháng chiến chiếm giữ vùng nông thôn. Mạnh nhất là căn cứ kháng chiến của Phạm Văn Nghị ở An Hòa (Ý Yên) đã chiêu mộ được 7.000 người ứng nghĩa, giữ yên cả một vùng Ý Yên, Phong Doanh, Thanh Liêm và giữ vững địa bàn cho tới khi giặc phải rút khỏi Bắc Kỳ.
Sau khi Pháp chiếm được thành Hà Nội (1882) trong lần đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, năm 1883 chúng lại kéo xuống đánh chiếm Thành Nam. Lần này, hỏa lực của giặc mạnh gấp 10 lần trước. Phía ta cũng được chuẩn bị, cho nên cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Ngày 27-3-1883, địch tiến công vào thành, quân ta dồn lực lượng tiến đánh, tên trung tá Carô chỉ huy quân Pháp bị thương nặng ngay gần cửa Đông (hai tháng sau thì chết). Dựa vào uy thế hỏa lực, địch phản công quyết liệt. Nguyễn Hữu Bản chỉ huy quân tiên phong giữ thành, hy sinh tại trận. Đề đốc Lê Văn Điếm bị thương ở bụng vẫn tiếp tục chỉ huy quân sĩ chiến đấu cho đến khi ngã xuống. Án sát Hồ Bá Ôn là quan văn vẫn xông pha chiến trận đến tử thương.
Pháp chiếm được thành song quân ta rút ra lập phòng tuyến vòng ngoài, giam chân chúng nhiều tháng trong thành.
Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống Chiếu Cần Vương, nhiều sĩ phu Nam Định đã nổi dậy hưởng ứng như Tạ Hiền, Lã Xuân Oai, Phạm Trung Thứ ở Thượng Đồng (Ý Yên), Vũ Hữu Lợi ở Nam Chân; Nguyễn Xuân Giá (Lỗ Xá), Phạm Nhân Lý (Yên Hòa), Hoàng Văn Tuấn (Phú Khê) thuộc Ý Yên, đội Võ (Giao Thủy), Đoàn Trí Trạch (Vụ Bản)... Phong trào kháng Pháp của các sĩ phu lan rộng khắp mọi miền quê Nam Định nhưng không được triều đình giúp sức. Sau khi triều đình ký hòa ước đặt nước ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp, các sĩ phu đều bị bắt bớ, tù đày hoặc bị mưu sát.
Các cuộc khởi nghĩa trên tuy nối tiếp nhau bị dập tắt, song đó là biểu hiện của tinh thần yêu nước thiết tha, ý chí quật cường bất khuất của các tầng lớp nhân dân. Đó chính là nguồn mạch nuôi dưỡng, bồi đắp thành những di sản quý giá của quê hương, là những tiền đề quan trọng để nhân dân Nam Định sớm tiếp nhận ngọn đuốc soi đường, ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào cách mạng theo khuynh hướng vô sản.