Chương II: Quá trình vận động thành lập đảng bộ (1926-1929)
CHƯƠNG II
QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ
(1926-1929)
I. TÌNH HÌNH NAM ĐỊNH NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX
Sau khi hoàn thành xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Các tỉnh lớn được chia cắt thành tỉnh nhỏ, các đơn vị cấp dưới bị dồn lại có lợi cho việc tổ chức cai trị của chúng.
Năm 1890, chúng cắt phần đất thuộc tả ngạn sông Hồng của Nam Định để lập tỉnh Thái Bình và một số xã ở phía tây bắc cho tỉnh Hà Nam. Tỉnh Nam Định lúc này bao gồm phần đất thuộc hữu ngạn sông Hồng và hai huyện Ý Yên, Phong Doanh bị tách sang Ninh Bình từ năm 1875 đến đây được sáp nhập trở lại.
Ở cấp huyện, chỉ trừ huyện Thượng Nguyên do chạy dài theo sông Hồng và sông Châu nên bị cắt nhỏ cho các huyện lân cận, còn nhìn chung các huyện khác vẫn giữ địa giới cũ. Phủ không còn là cấp trung gian giữa tỉnh và huyện mà quyền hạn chỉ ngang với huyện. Tên phủ cũ được dùng để gọi thay cho huyện trước đây do phủ thống hạt, còn các huyện vẫn giữ tên cũ.
Như vậy tỉnh Nam Định lúc này có các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Phong Doanh, Trực Ninh (tách từ Nam Chân năm 1833), Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu (mới lập năm 1888).
Bộ máy thống trị hàng tỉnh của thực dân Pháp đứng đầu là công sứ người Pháp, có phó sứ giúp việc, quyết định toàn bộ công việc cai trị. Bộ máy quan lại bản xứ tuy vẫn được dán cái nhãn cũ là tổng đốc, bố chính và án sát song thực chất chỉ là bù nhìn, thừa hành những công việc cụ thể.
Về quân sự, thực dân Pháp thâu tóm quyền chỉ huy các đơn vị đóng ở thành phố và những điểm trọng yếu như Lạc Quần, Quất Lâm, Tam Tòa, Trần Phương...
Từ năm 1897, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất; xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cần thiết cho việc khai thác thực dân, đẩy mạnh nền sản xuất công nghiệp và thương mại của thực dân Pháp ỏ Đông Dương; thiết lập hệ thống thuế khóa mối để tăng cường ngân sách.
Thành cổ Nam Định bị phá bỏ. Nhánh sông Vỵ chảy sát thành bị lấp để mở rộng thành phố. Nam Định trở thành một trong ba thành phố lớn của Bắc Kỳ cùng với Hà Nội, Hải Phòng. Nhánh sông thẳng ra sông Hồng trước đây được bồi nông nay được đào rộng và sâu xuống được gọi là sông Đào. Đầu thế kỷ XX, đường xe lửa xuyên Việt và đường quốc lộ số 1 được thông đường. Năm 1920, nhà cầm quyền Pháp còn xây dựng dự án làm đường sắt tuyến Nam Định - Thái Bình và Nam Định - Lạc Quần. Một loạt đường liên tỉnh số 10, 12, 21 được hoàn thành cùng các tuyến đường liên huyện đã giao nhau tại thành phố tạo nên một mạng lưới giao thông liên hoàn, thuận tiện cho các cuộc hành quân đàn áp và chuyên chở hàng hóa phục vụ công cuộc khai thác của thực dân.
Song song với việc thiết lập bộ máy cai trị và cơ sở hạ tầng, thực dân Pháp bắt tay vào việc bóc lột người bản xứ, mở rộng thị trường, vơ vét tài nguyên chở về chính quốc và phục vụ cho cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914- 1918).
Thành phố Nam Định trở thành trung tâm thu hút sức người, sức của của cả một vùng rộng lớn. Là nơi có nghề tằm tơ phát triển lâu đòi, ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX các thương nhân Hoa kiều đã đến mở các xưởng sợi, dệt vải khá phát đạt. Nhìn rõ đây là một ngành có điều kiện phát triển và khả năng bóc lột thu hút lợi nhuận cao, tư bản Pháp đã từng bước thâu tóm để lập Công ty bông sợi Bắc Kỳ tại Nam Định, một "liên hiệp các xí nghiệp sợi - vải" vào loại lớn nhất Đông Dương.
Năm 1908, hãng Emory và Toócten đứng ra thành lập Công ty tơ lụa xuất khẩu Pháp - Việt (SFATE) với số vốn là 1,4 triệu phơrăng. Từ năm 1928, nhà máy còn có chi nhánh ở Lạc Quần, Quy Phú, Thượng Kỳ.
Sau khi Nhà máy sợi, Nhà máy tơ ra đời và làm ăn phát đạt, thực dân Pháp bắt tay xây dựng một loạt các nhà máy công nghiệp nhẹ như Nhà máy rượu... để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của tư bản Pháp.
Bên cạnh hệ thống nhà máy của tư bản Pháp, ở Nam Định còn có nhiều cơ sở thương mại và công nghiệp của tư sản Hoa kiều và tư sản Việt Nam như xưởng cơ khí Nguyễn Thế Môn - Nguyễn Văn Viễn; nhà in Trương Phát, Nam Việt và Mỹ Thắng, xưởng dệt đũi Vũ Tư Cấu và Đặng Vũ Tiêu; xưởng ôtô của Lê Trường Xuân và Nguyễn Công Thảo. Riêng Bạch Thái Bưởi, sau khi thắng thầu một hiệu cầm đồ ở thành phố Nam Định, năm 1909 ông đã bỏ tiền thuê ba chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long, Khoái Tử Long) của Mácty, cho chạy hai tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Dần dần ông thâu tóm cả các đội tàu của các công ty Pháp và Hoa phá sản. Năm 1915, ông mua lại xưởng đóng tàu của Mácty. Năm 1916 ông cho chuyển trụ sở của hãng từ Nam Định xuống Hải Phòng.
Cùng với hàng vạn công nhân làm việc trong các nhà máy, đồn điền, trên địa bàn thành phố Nam Định còn có hàng ngàn công nhân làm các nghề khuân vác, kéo xe, đầu bếp, giao thông công chính và hàng ngàn công nhân làm thuê cho các hãng tư nhân của tư sản Hoa kiều và Việt Nam. Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đội ngũ công nhân ở địa phương đã xuất hiện. Với hai bàn tay trắng, bán sức lao động một cách rẻ mạt, đời sống của những người công nhân Nam Định vô cùng cực khổ và luôn trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.
Xuất thân từ nông thôn, nhất là vùng nông thôn ven thành phố như Mai Xá, Mỹ Trọng, Đồng Phù, Địch Lễ, hằng ngày những người công nhân làm việc trong các nhà máy phải dậy từ 2-3 giờ sáng để lo cơm nước và làm đến 8-9 giờ tối, có trường hợp đến tận 11-12 giờ đêm mới về đến nhà. Nhằm mục đích bòn rút được nhiều sức lao động của họ, bọn chủ nhà máy sợi đã cho làm khu nhà lá cho công nhân tại làng Mỹ Trọng, để lý trưởng và hộ phố kiểm soát được chặt chẽ.
Với một hệ thống từ chủ nhà máy, đốc công, cai ký đến xúbadăng người công nhân lúc nào cũng căng thẳng và nghẹt thở vì họ có thể bị đánh, bị thu thẻ bất cứ lúc nào. Do chỉ biết chạy theo lợi nhuận nên chủ các nhà máy đã bỏ qua tất cả các biện pháp an toàn, điều kiện để làm việc cũng như sức khỏe, tính mạng của công nhân.
Triệt để lợi dụng sức lao động của trẻ em và phụ nữ là một thủ đoạn bóc lột dã man của giới tư bản và thực dân Pháp. Nhà máy nào chúng cũng dùng rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Hơn thế nữa, chúng còn bắt họ phải làm việc 14-15 giờ một ngày. Từ năm 1927, do công nhân đấu tranh buộc chúng phải thực hiện chế độ làm việc hai ca, mỗi ca 12 giờ. Đến năm 1936 giảm xuống mỗi ngày ba ca, mỗi ca tám giờ. Do thời gian lao động kéo dài, cường độ lao động trở nên hết sức căng thẳng nhưng đồng lương của công nhân lại hết sức rẻ mạt, bị bớt xén và cúp phạt và đóng đủ loại thuế, mỗi năm hết 5-6 đồng. Đó là chưa kể chúng còn lợi dụng tôn giáo để trói buộc người công nhân. Trong nhà máy có đủ miếu, chùa, nhà thờ để công nhân cầu cúng. Ở Nhà máy tơ - nơi có nhiều công nhân công giáo, chúng còn bố trí cố Cao vào hẳn trong đó giảng đạo và theo dõi các hoạt động của công nhân, lập ra tổ chức Thanh niên công nhân Thiên Chúa giáo. Ở Nhà máy rượu, chúng cũng cho truyền đạo và ép công nhân gốc lương theo đạo Thiên Chúa.
Sự phát triển và mở rộng phương thức sản xuất mới trên địa bàn Nam Định trong những năm đầu thế kỷ XX đã khiến cho bộ mặt đô thị ở đây biến đổi nhanh chóng với lối kiến trúc và cách làm ăn khác với truyền thống cũ. Về xã hội cũng có sự biến đổi sâu sắc. Trong số 5-6 vạn dân thì một phần ba là công nhân các nhà máy và có hàng ngàn Hoa kiều, Ấn kiều tới làm ăn sinh sống.
Nhiều hiệu buôn đã được mở ra ở các phố Hàng Song, Hàng Tiện, Hàng Lọng, Hàng Thêu, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Đàn, Hàng Mũ, Hàng sắt, Hàng Mâm, Hàng Giấy, Hàng Thao, Hàng Nâu, Bến Ngự, Văn Miếu, Trường Thi, Cửa Bắc, Năng Tĩnh, Vải Màn, Phố Khách. Một số làng ven thành phố cũng bắt đầu sự đô thị hóa của mình.
Sự phát triển của công nghiệp cũng như thương mại đã thu hút về thành phố Nam Định một đội ngũ thợ thủ công lành nghề như rèn, gò, tiện và nhiều nghề tài khéo khác (thêu, may, dệt). Cùng với các viên chức, những người thợ thủ công từ khắp các làng quê Nam Định đã góp phần làm đông đảo thêm đội ngũ công nhân và tầng lớp tiểu tư sản thành thị, đây cũng là một nét đặc thù của những thành thị mới được lập nên ở khu vực các tỉnh đồng bằng ven biển Bắc Bộ.
Trong quá trình tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở Nam Định, thực dân Pháp còn cấu kết chặt chẽ với giai cấp phong kiến, địa chủ để áp bức bóc lột nhân dân. Ngoài thủ đoạn vơ vét, bóc lột nặng nề bằng đầu tư khai thác nguyên liệu, chúng còn ráo riết chiếm đoạt ruộng đất, lập các đồn điền, độc quyền về kinh tế, đặt hàng trăm các loại thuế khóa hết sức phi lý.
Tính đến cuối thế kỷ XIX, trên phạm vi Nam Định, thực dân Pháp đã lập ra 6 đồn điền, chiếm diện tích 2.648 ha với các chủ đồn điền như Buôcgioanh Mefrơ lập năm 1890 (6 ha); Gôbe Frerơ lập năm 1890 và 1891 (2 đồn điền, 90 ha); Đuypông- nhân viên hãng vận tải đường sông, lập năm 1892 (1,33 ha); Đôren - thương nhân ở Hải Phòng, lập năm 1893 (17 ha); Marông - nhân viên đo đạc ở Nam Định, lập năm 1896 ở vũng bãi bồi ven biển (2.534 ha).
Các chủ đồn điền tìm mọi cách mở rộng ruộng đất của mình và duy trì phương thức sản xuất có từ thời trung cổ. Các đồn điền dần dần trở thành một lãnh địa phong kiến.
Dựa vào thế lực của đế quốc và thần quyển, Nhà chung ở Nam Định cũng ra sức chiếm đoạt ruộng đất bằng mọi thủ đoạn. Tại Bùi Chu và Phú Nhai, ruộng đất của hàng chục làng là của cha cố Toà Giám mục Bùi Chu, chiếm tới 555,48 ha; nhà xứ An Bài chiếm 216 ha. Số ruộng đất trong toàn tỉnh Nam Định bị Nhà chung chiếm tới trên 2.061 ha thì riêng ba huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy đã là 1.800 ha (5.000 mẫu).
Nam Định là một trong những tỉnh có nhiều địa chủ (khoảng trên dưới 400 người), chiếm hàng vạn hécta. Có những tên địa chủ như Vũ Ngọc Hoánh chiếm của nông dân hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy tới 360 ha và của nông dân Hải Hậu tới 468 ha. Có một thực tế là, số đại địa chủ ở Nam Định sở hữu lớn không nhiều, hầu hết chỉ dừng lại ở mức từ 1,8 - 18 ha.
Người nông dân vô cùng cực khổ không chỉ vì phương pháp canh tác lạc hậu mà còn do chế độ nhân công hà khắc. Cố nông thì hoàn toàn bán sức lao động. Bần nông và một số ít trung nông lớp dưới không đủ ruộng cày cấy cũng phải làm thuê, làm mướn. Những người có chút công cụ sản xuất thì phải mướn ruộng của địa chủ để cày cấy, Nam Định là nơi có nhiều làng toàn thể dân đinh đều là tá điền của dăm ba tên địa chủ ở làng khác đến xâm canh. Dân các làng Hà Cát, Bạch Long, Thanh Hương đều là tá điền vì ruộng ở đó đều là của địa chủ Hành Thiện. Chúng đã coi người dân ở đây như đày tớ, làng xóm là ấp riêng. Các tá điền phải nộp địa tô lao động, địa tô hoa lợi và địa tô tiền. Chính vì vậy, sau khi trả xong các khoản địa tô, người nông dân không thể nuôi sống bản thân và vợ con của họ. Ngay cả khi bão lụt lớn xảy ra, mùa màng thất bát, người nông dân cùng khổ cũng không được miễn giảm. Theo tài liệu Bắc Kỳ nhân dân đại biểu Viện tổng thuật xuất bản năm 1929 thì ngày 30-7-1929, một trận bão dữ dội đã tràn vào Nam Định. Cây cối, nhà cửa, thuyền bè bị trôi đắm; đê điều và ruộng vườn bị chìm ngập. Toàn tỉnh bị đổ tới 78.640 nóc nhà, 10 vạn mẫu ruộng không cấy lại được. Sau trận bão lụt, nhân dân có đơn xin giảm thuế nhưng không được giải quyết.
Cùng hàng loạt chính sách bóc lột hà khắc trên, thâm độc hơn, thực dân Pháp còn thu vét mọi nguồn lợi về thuế quan, nắm đặc quyền thu bán muối và thuốc phiện. Chỉ riêng Nam Định đã có tới 63 đồn đoan và 769 đại lý bán rượu và thuốc phiện.
Vũ Quốc Thúc trong tác phẩm Kinh tế thôn xã Việt Nam đã dẫn ra một số liệu do Lốtdơ, cựu Công sứ Nam Định đã cho biết: 900.000 dân Nam Định đều là những người thiếu ăn, sống bằng thu nhập hằng năm của không đầy một mẫu ruộng và của sản phẩm lao động thủ công hoặc của tiền công đi làm thuê rất rẻ mạt. Mức sống của mỗi gia đình có năm người trong một tháng không quá 5đ (60 phơrăng). Trong nhiều trường hợp còn thấp hơn số tiền ấy nữa. Sau mùa gặt hai tháng, một bộ phận dân cư không thể đủ ăn mỗi ngày một bữa.
Từ thực trạng trên, số nông dân mất hết tư liệu sản xuất, chủ yếu là ruộng đất, ngày càng đông và chiếm một tỷ lệ lớn trong dân cư. Họ càng ngày càng lún sâu vào con đường phá sản, bần cùng. Ngay từ đầu thế kỷ XX, mỗi năm có hàng ngàn người phải rời bỏ quê hương đi vào hầm mỏ, công trường, đồn điền cao su hoặc chuyển cư lên các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên. Ngoài việc bán sức lao động, nhiều người phải tha phương cầu thực. Tính từ năm 1926 đến năm 1934, có 89.800 người của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đi tha phương cầu thực thì Nam Định chiếm 29,5%, bằng tỉnh Thái Bình, gấp bốn lần tỉnh Ninh Bình, hai lần tỉnh Hải Dương, sáu lần của ba tỉnh (Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nam) và hơn bảy lần hai tỉnh (Hưng Yên, Kiến An).
Để hỗ trợ cho sự bóc lột và củng cố nền thống trị của mình, thực dân Pháp khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đạo Thiên Chúa phát triển. Chúng đã dùng thần quyền, giáo lý để mê hoặc khống chế con chiên từng bước một. Đến đầu thế kỷ XX, toàn tỉnh có tới 700 nhà thờ xứ và họ lẻ, trong đó có Toà Giám mục Bùi Chu - trung tâm công giáo lớn ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Toà Giám mục này điều hành giáo hội sáu huyện miền nam của tỉnh. Ngoài ra còn có một Chủng viện thường xuyên đào tạo 500 chủng sinh nhà thờ, đền thánh. Phú Nhai được xây dựng với quy mô lớn nhất Đông Dương.
Cùng với rượu cồn và thuốc phiện, thực dân Pháp còn tạo điều kiện để thanh niên đi vào con đường ăn chơi sa đọa, cho phép nhà thổ và cô đầu công khai hoạt động ở thành phố thị trấn, huyện lỵ. Chỉ tính riêng ở thành phố Nam Định đã có 70 điểm nhà thổ và cô đầu.
Trong khi cố duy trì những hủ tục phong kiến, truyền bá nọc độc của chủ nghĩa tư bản, thực dân Pháp lại thực hiện chính sách "ngu dân" để dễ bề cai trị, kìm hãm sự phát triển dân trí, xã hội của ta. Mãi tới năm 1920, cả một vùng phía nam đồng bằng Bắc Bộ, chúng mới mở trường Pháp - Việt đầu tiên là trường Thành Chung tại thành phố Nam Định với mục đích là đào tạo một số ít công chức phục vụ cho bộ máy thống trị. Cho tới năm 1933, ở Nam Định cứ 100 người dân mới có một người được đi học, hơn 90% dân số bị mù chữ. Đúng như đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Lúc đó có một nghìn năm trăm ty rượu và thuốc phiện cho một nghìn làng trong khi chỉ có mười trường học cho bấy nhiêu làng".
Sự thống trị của thực dân Pháp, đặc biệt là từ sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã làm cho xã hội Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng nhanh chóng chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến với những biến động lớn cả về kinh tế, chính trị.
Những năm đầu thế kỷ XX, công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã tác động sâu sắc, làm chuyển động nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội của Nam Định. Chính sách khai thác, bóc lột, chiếm đoạt và đặc quyền những ngành kinh tế quan trọng cùng với chính sách cấu kết với bọn phong kiến cường hào nông thôn đã đẩy người dân từng bước đến con đường bần cùng hoá. Hàng vạn người phải dời bỏ quê hương, nơi gắn bó bao đời để ra thành thị, đến các đồn điền, hầm mỏ, bán sức lao động kiếm sống nhọc nhằn. Theo Guru - một học giả người Pháp viết trong tập khảo cứu Nông dân đồng bằng Bắc Kỳ thì: ở các hầm mỏ Bắc Kỳ có khoảng bốn, năm vạn cu ly mộ dưới đồng bằng, theo thống kê thì Nam Định và Thái Bình là nơi cung cấp nhiều người nhất. Và ngay tại thành phố Nam Định cũng đang dần hình thành đội ngũ công nhân với xu hướng ngày càng tập trung và tăng nhanh về số lượng.
Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của tư bản Pháp trùm lên phương thức sản xuất phong kiến lỗi thời đã dẫn đến sự phân hoá các giai tầng xã hội và hình thành những giai cấp mới, đồng thời, những mâu thuẫn xã hội cũng ngày càng trở nên sâu sắc.
Địa chủ Nam Định chỉ chiếm 2% dân số nhưng chiếm đoạt 20% tổng số ruộng đất. Được đế quốc nâng đỡ, chúng trở thành tay sai đắc lực của đế quốc và bóc lột cùng kiệt sức lao động của nông dân. Khi bị đế quốc đụng chạm tới quyền lợi và khi phong trào cách mạng lên cao, một số địa chủ nhỏ có thái độ chống Pháp với mức độ khác nhau. Song nhìn chung, đây là chỗ dựa của đế quốc để áp bức bóc lột nhân dân ta.
Tư sản Nam Định hình thành rõ rệt từ sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, tập trung ở thành phố Nam Định. Phần lớn tư sản chuyên kinh doanh thương nghiệp, một số ít đầu tư vào sản xuất công nghiệp nhẹ, một số tư sản còn kiêm địa chủ. Tư sản ở Nam Định cho đến những năm 30 của thế kỷ XX số lượng ít, cơ sở kinh tế yếu kém, không có địa vị chính trị; bị tư bản nước ngoài chi phối, chèn ép cho nên họ cũng mâu thuẫn với đế quốc, nhưng về mặt kinh tế thì vẫn móc nối với chúng và làm giàu bằng bóc lột công nhân. Vì vậy, thái độ chính trị của họ mang tính hai mặt: Một mặt chống đế quốc, phong kiến, tán thành độc lập dân tộc và dân chủ tự do. Mặt khác, có thái độ lừng chừng. Khi phong trào cách mạng lên cao thì ngả theo cách mạng. Khi đế quốc mạnh thì dễ thỏa hiệp cải lương.
Tiểu tư sản Nam Định bao gồm nhiều tầng lớp trong thủ công nghiệp, tiểu thương, viên chức, trí thức, học sinh. Tầng lớp này ra đời gắn liền với quá trình đô thị hoá thành phố Nam Định. Tầng lớp tiểu tư sản đời sống bấp bênh, luôn bị đe dọa về kinh tế. Trừ một thiểu số có quan hệ với đế quốc, phần lớn đội ngũ này có tri thức, rất giàu tình cảm cách mạng, căm ghét bọn đế quốc, tay sai, luôn luôn là lực lượng mở đường cho trào lưu tư tưởng cách mạng mới.
Nông dân Nam Định chiếm gần 90% dân số là hình ảnh điển hình, đặc trưng của người nông dân Bắc Kỳ. Họ bị đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề bằng sưu cao, tô tức nặng; bị chiếm đoạt ruộng đất, bị bần cùng sống lay lắt, đói nghèo. Nông dân các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc - nơi vùng đồng chiêm trũng còn cực khổ hơn. Quanh năm trong cảnh sống ngâm da, chết ngâm xương với một vụ chiêm thất bát và đói nghèo bám riết. Nông dân theo đạo Thiên Chúa còn bị Nhà chung lợi dụng thần quyền, giáo lý bóc lột thậm tệ, do đó nông dân Nam Định rất căm thù đế quốc phong kiến, có tinh thần yêu nước nồng nàn.
Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trên địa bàn Nam Định, một đội ngũ công nhân sớm ra đời và ngày càng phát triển. Số lượng công nhân trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, giao thông, vận tải, xây dựng... có khoảng 1,5 vạn người. Hầu hết công nhân sống tập trung ở thành phố Nam Định - một trong ba trung tâm công nghiệp lớn ở Bắc Kỳ. Công nhân Nam Định có trình độ kỹ thuật, tác phong công nghiệp hình thành sớm. Xuất thân từ nông dân, có mối liên hệ tự nhiên và mật thiết với nông dân, cùng chia sẻ nỗi thống khổ với nông dân và cùng có chung kẻ thù là đế quốc, phong kiến - đó chính là cơ sở vững chắc của khối đoàn kết công - nông Nam Định.
Khác với nông dân, người công nhân phải tuân thủ chế độ làm việc với giờ lao động tối đa từ 12 đến 14 giờ một ngày. Lương thấp, bị hành hạ vô cùng tàn nhẫn, không có bảo hiểm tối thiểu, lại luôn luôn bị đe dọa đuổi việc nên đời sống rất bấp bênh, công nhân bị thương tật, bị chết thê thảm vì tai nạn ngày càng nhiều. Công nhân còn phải gánh chịu một chế độ thuế khóa nặng nề; thuế thân mỗi suất 2đ5; thuế cư trú (đối với những người ở ngoại thành) lđ57 cùng các loại lễ lạt khác.
Trong cảnh khốn cùng của nước mất, nhà tan, đội ngũ công nhân Nam Định sớm nhận rõ kẻ thù của dân tộc cũng là kẻ thù giai cấp. Ý thức dân tộc, ý thức giai cấp ngày càng hòa quyện một cách sâu sắc. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng công nhân Nam Định có lòng yêu nước cao, có tinh thần cách mạng triệt để, đoàn kết chặt chẽ với nông dân, có mối liên hệ mật thiết với công nhân toàn quốc và cả phong trào công nhân quốc tế nên sớm trở thành lực lượng tiền phong của cách mạng.
II. QUÁ TRÌNH TRUYỀN BÁ CHỦ NGHĨA MÁC - LÊ NIN VÀ XÂY DỰNG CÁC TỔ CHỨC CÁCH MẠNG
Trong quá trình ra đời và hình thành giai cấp, công nhân Nam Định đã không ngừng đấu tranh chống bọn tư bản để bảo vệ quyền sống của mình. Năm 1909, nhân ngày Quốc tế Lao động, nữ công nhân Nhà máy chai đã bãi công phản đối bọn chủ dùng "Tây đen" gác cổng, khám xét thợ khi tan tầm về, xúc phạm nhân phẩm người lao động nữ. Tháng 2-1922, thợ Nhà máy tơ bãi công. Tiếp theo đó, từ ngày 27-2 đến ngày 7-3-1924, hàng trăm công nhân dệt ở Nhà máy tơ bãi công chống chủ nhà máy bắt chụp ảnh, làm thẻ căn cước. Ngày 11-9-1924, toàn thể công nhân Nhà máy rượu bãi công chống sự đối xử hà khắc của tên giám đốc Rơga.
Hai năm 1924-1925, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng mạnh mẽ. Nổi bật là cuộc đấu tranh ngày 30-4-1925 của 2.500 công nhân Nhà máy sợi đòi tăng lương và phản đối việc sa thải 300 công nhân trước đó đã tham gia đấu tranh. Cuộc bãi công gây tiếng vang lớn. Trong tham luận tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V họp tháng 8-1928, đồng chí Nguyễn An, đại biểu những người cách mạng Việt Nam đã dẫn chứng cuộc đấu tranh này để chứng minh cho khả năng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam và sự cần thiết phải thành lập một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.
Một phần nhà máy dệt Nam Định trước năm 1965
Sự phản kháng mạnh mẽ của giai cấp công nhân ở thành phố Nam Định đã có tác động lớn, khiến cho bọn thực dân bóc lột phải hốt hoảng. Phó công sứ Nam Định Đơmâyna trong tường trình gửi về Bộ Thuộc địa Pháp đã viết: "Không phải nghi ngờ gì nữa, như thư từ mà họ (công nhân Nam Định) viết qua Pháp hay nhận được từ Pháp, thư từ mà họ viết qua Trung Quốc, thư từ đi lại qua các trung tâm, kỹ nghệ khác ở Bắc Kỳ, hoặc bằng cách đọc sách báo, truyền đơn mà họ nhận được, bằng những cách đó, họ biết rằng bãi công là một thứ vũ khí dũng mãnh trong tay những người làm công. Họ được tin tức và họ bàn tán với nhau về các cuộc bãi công ở Hồng Kông, Nhật Bản và ở các nước phương Tây và họ biết rằng phần nhiều các cuộc bãi công ấy được thắng lợi". Rõ ràng bọn chủ tư bản đã nhìn thấy sức mạnh của giai cấp công nhân người bản xứ.
Từ đầu thế kỷ cho tới năm 1924-1925, phong trào đấu tranh của công nhân Nam Định tuy mang tính chất tự phát, vì mục tiêu kinh tế nhưng nó đã quy tụ được tính giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật và làm tiền đề cơ bản cho tổ chức cách mạng có khả năng quy tụ cả phong trào yêu nước và phong trào công nhân.
Bên cạnh những cuộc bãi công của công nhân, thời kỳ này, phong trào yêu nước theo khuynh hướng tư sản và vô sản cũng diễn ra sôi nổi. Các cuộc vận động Đông Du, Đông kinh Nghĩa thục, Việt Nam Quang phục hội có ảnh hưởng nhiều tới địa phương.
Năm 1906, Nguyễn Thượng Hiền, đốc học tỉnh Nam Định đã về Hành Thiện (Xuân Trường) thăm người anh em đồng hao là tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên (cả hai đều là con rể Tôn Thất Thuyết) và tiếp nhận bốn học trò xuất sắc của ông là Đặng Đoàn Bằng - con tiến sĩ Đặng Hữu Dương; Đặng Tử Mẫn - con tú tài Đặng Hữu Duệ; Đặng Quốc Kiều - con tú tài kép Đặng Vũ Đông và Nguyễn Xuân Thức - con cử nhân Nguyễn Xuân Tiên, đang làm Án sát Thanh Hoá. Cả bốn người đã mang thư giới thiệu, vượt biển sang Nhật Bản, bắt đầu cuộc hành trình Đông Du của mình.
Tiếp bước lớp người đi trước, nhiều thanh niên Hành Thiện như Đặng Vũ Giá, Đặng Văn Nhã, Đặng Hữu Quỳ, Đặng Vũ Hoàn tiếp tục sang Nhật Bản, Trung Quốc hoặc gia nhập Duy Tân hội, Việt Nam Quang phục hội. Năm 1907, Đặng Kinh Luân lên Hà Nội tham gia thành lập Đông kinh Nghĩa thục. Bị thực dân Pháp khủng bố, ông đã gia nhập Việt Nam Quang phục hội, được cử làm trưởng ban Ám xã.
Ngoài ra còn nhiều hoạt động của thanh niên Hành Thiện như Nguyễn Xuân Khải, Đặng Nguyên Roanh, Đặng Xuân Mậu, Đặng Kinh Bang, Đặng Ngọc Đỉnh, Đặng Hữu Lai, Đặng Hữu Cảnh, Đặng Vũ Long, Đặng Vũ Mậu... đã góp nhiều công sức trong việc liên lạc, dẫn người xuất ngoại trong phong trào Đông Du. Cuối năm 1922, nhiều thanh niên của Việt Nam Quang phục hội đã rời bỏ tổ chức này, cùng nhau lập ra Tâm Tâm xã. Trong số này có Đặng Xuân Hồng, một thanh niên yêu nước Nam Định.
Những truyền thống và hoạt động yêu nước ấy đã thắp sáng ý thức người dân lao động và biểu lộ thành hành động cụ thể trong phong trào đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và truy điệu nhà ái quốc Phan Châu Trinh vào những năm 1925, 1926.
Năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Trung Quốc. Chúng đưa cụ về nước và đem ra xử tại phiên toà Hội đồng Đề hình Hà Nội. Tin ấy bay đi khắp cả nước. Ngày 23-11-1925, nhiều thanh niên, trí thức yêu nước Nam Định đã lên Hà Nội để tỏ lòng tôn kính, ái mộ Phan Bội Châu và được tận mắt chứng kiến vụ xét xử. Tại phiên toà, trước Hội đồng xử án và đông đảo đồng bào ngưỡng mộ nhà chí sĩ yêu nước họ Phan, tú tài Nguyễn Khách Doanh (tức Tú Khách, người làng Dầm, Nam Bình, Nam Trực) đã tự nguyện chịu án thay cụ Phan. Hành động nghĩa cử đó đã được nhiều báo đăng tải làm xúc động lòng dân và thôi thúc tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân. Tại Nam Định, công nhân, thanh niên, học sinh đã làm đơn, lấy chữ ký gửi toàn quyền Varen đòi thả cụ Phan. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân cả nước, bọn cầm quyền buộc phải thả cụ Phan, đưa về an trí tại kinh thành Huế.
Trong khi cuộc đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu thắng lợi còn để lại những dư âm tốt đẹp trong lòng người dân Nam Định, thì cuối tháng 3-1926, tin cụ Phan Châu Trinh từ trần tại Sài Gòn truyền đi cả nước gây sự xúc động lớn trong mọi tầng lớp nhân dân. Lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước được tổ chức trọng thể ở khắp nơi. Tại Nam Định, một số trí thức tiến bộ như Tú Du, Tú Khắc, cử Bình đứng ra xin phép nhà cầm quyển tổ chức lễ truy điệu cụ Phan nhưng không được chấp thuận. Ngày 11 và 12-3, nhiều trường học trong thành phố mà nòng cốt là trường Thành Chung đã nhất loạt bãi khoá để gây áp lực đấu tranh. Suốt hai ngày, học sinh tỏa về các đường phố, khu lao động vận động nhân dân phối hợp, được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Bọn thống trị hoảng sợ bắt khoảng 200 học sinh mà chúng cho là cầm đầu giam tại sở cẩm. Hành động đó càng làm cho quần chúng phẫn nộ, kiên quyết ủng hộ phong trào. Đàn áp không được, bọn thống trị phải nhượng bộ. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại nghĩa trang Bắc Tế (Mỹ Trọng, Mỹ Xá, ngoại thành Nam Định). Ngày hôm đó, dòng người nườm nượp đổ về nghĩa trang, nhiều người từ Hà Nam xuống, từ Thái Bình, Ninh Bình sang. Trước bàn thờ trang trọng treo ảnh cụ Phan nổi bật đôi câu đối thấm đượm tinh thần dân tộc:
"Truy điệu Tây Hồ nhật
Hoán tỉnh Quốc dân hồn"
(Ngày truy điệu Tây Hồ
Thức tỉnh hồn dân nước).
Lễ truy điệu được tổ chức một cách trang nghiêm, thành kính đã thể hiện lòng ngưỡng mộ sâu sắc của nhân dân Nam Định đối với nhà yêu nước Phan Châu Trinh, đồng thời thôi thúc lương tâm, trách nhiệm của mỗi con người trước vận mệnh đất nước.
Lo sợ trước ảnh hưởng của phong trào, ngay sau lễ truy điệu, chúng sa thải một số công nhân và đuổi học nhiều học sinh. Riêng trường Thành Chung có 54 học sinh bị đuổi hẳn, 63 học sinh bị đình chỉ có thời hạn. Số còn lại trong 200 học sinh bị bắt đều bị lưu ban hoặc năm thứ tư thì không được dự thi. Số học sinh bị đuổi học đã hăng hái tìm đường cứu nước.
Những sự kiện dồn dập xảy ra trong hai năm 1925- 1926 kể từ sau tiếng bom của Phạm Hồng Thái ở Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) đã huy động hầu hết quần chúng ở thành thị vào các sinh hoạt chính trị - mà nổi trội hơn cả là bộ phận quần chúng trí thức tiểu tư sản hăng hái và giàu lòng yêu nước. Đây là dịp thử thách lớn nhất đến với mọi lực lượng chính trị trong xã hội Việt Nam đương thời, tạo ra một hệ quả cũng như những tiền đề quý báu cho bước ngoặt của lịch sử dân tộc sẽ xảy ra vào mùa xuân năm 1930.
Giữa lúc cao trào dân chủ 1925-1926 dâng lên như vậy, một số tùng thư, thư xã như Nam Đồng thư xã (Hà Nội), Quan Hải tùng thư (Huế), và đặc biệt Cường Học thư xã (Sài Gòn) của Trần Huy Liệu đã cho xuất bản nhiều sách đề cao tinh thần dân tộc, tư tưởng yêu nước. Quan Hải tùng thư và báo La Cloche Fêléc (Tiếng chuông rè) đã cho dịch nhiều tác phẩm có khuynh hướng mácxít và in toàn văn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Mác - Ăngghen viết. Nhiều tác phẩm văn học khêu gợi lòng yêu nước được công luận hoan nghênh cũng từ các nhà xuất bản này ra như Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc, Tiếng cuốc kêu của Việt Quyên. Nhiều tài liệu, thơ văn yêu nước tiến bộ được lưu hành ở thành phố Nam Định và nhiều nơi khác trong tỉnh - trong đó có báo Thần Chung, L'An Nam, Việt Nam hồn và đặc biệt là tờ Le Paria (Người cùng khổ) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc xuất bản tại Pháp được bí mật truyền bá về Việt Nam và đưa về Nam Định đã có ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức tư tưởng của nhiều người, nhất là giới trí thức, học sinh, công nhân tiên tiến đã đón nhận những tư tưởng cách mạng mới với tấm lòng tha thiết và ngưỡng mộ và coi đó là nguồn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, thức tỉnh ý thức dân tộc.
Ngay từ năm 1923, nhà giáo Phạm Gia đang dạy học ở tổng Văn Lãng (Trực Ninh) đã lập ra Hội học sinh, Hội đọc sách báo, Hội hiếu học. Từ đây phong trào được thầy giáo Trương Đình Phú phát triển xuống Cát Trung (Trực Ninh) thu hút nhiều phần tử tích cực như Phạm Đức Ngữ, Phạm Đức Hiểu, Trần Ngọc Ứng, Trần Văn Tiến (Cát Trung), Đoàn Kim Quỹ (Thượng Trại), Trần Thanh Liêm (Phú Văn)...
Ngoài một số thanh niên yêu nước người Nam Định như Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thế Rục, Bùi Lâm, Trần Đình Long, Đặng Huy Hải được gửi sang học tại Trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva, còn hầu hết thanh niên trí thức tiểu tư sản của địa phương sau bãi khoá và lễ truy điệu cụ Phan vẫn chưa tìm được chìa khoá mở đường. Kẻ thù cũng đang ra sức tìm mọi biện pháp để đối phó như tung ra chiêu bài Pháp - Việt đề huề, sử dụng tôn giáo để mê hoặc quần chúng, sử dụng pháp luật hà khắc và nhà tù để đe doạ và đàn áp nhân dân. Giữa lúc ấy, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu, Trung Quốc. Tổ chức cách mạng này đã xuất bản tờ báo Thanh niên để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Tại Quảng Châu, Người mở nhiều lớp và trực tiếp huấn luyện cho những thanh niên Việt Nam yêu nước ở nước ngoài và được đưa ở trong nước sang học tập. Các học viên đã được truyền thụ những nguyên tắc cơ bản của cách mạng vô sản và phương pháp vận động cách mạng rồi trở về nước hoạt động. Năm 1927, những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu đã được xuất bản thành sách Đường kách mệnh. Những hoạt động tích cực đó có tác động và ảnh hưởng sâu sắc về trong nước nói chung và Nam Định nói riêng.
Nhà số 7 phố Bến Ngự là cơ sở của phong trào yêu nước và Cách mạng tỉnh Nam Định.
Trên nền tảng của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, một số đại biểu tiên tiến mà đa số là trí thức, học sinh đã bắt liên lạc được với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tổ chức đưa người sang Quảng Châu để học tập. Nhà số 7 phố Bến Ngự và tại gia đình ông Đinh Huy Ngạc thôn Cát Đằng (Yên Tiến - Ý Yên) là hai địa điểm hội tụ, đầu mối liên lạc với cụ Đinh Chương Dương để đưa những người yêu nước Nam Định sang Quảng Châu. Giữa năm 1925, đồng chí Lê Hồng Sơn từ Quảng Châu về nhà số 7 phố Bến Ngự gặp Đinh Chương Dương đặt vấn đề vận động thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện quân sự. Cụ Đinh Chương Dương đã cử Hoàng Vì Hùng, học sinh Nam Định đi thăm đường, dự lớp đầu tiên và tiếp tục lựa chọn để cử người đi tiếp. Từ ngày 14-7-1926 đến cuối năm 1926, đã có ba đoàn được tổ chức đi bằng những ngả đường khác nhau ra Móng Cái để sang Trung Quốc. Nhưng do sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp, chỉ có hơn một chục người vượt được biên giới đến nơi an toàn như Nguyễn Công Thu, Nguyễn Tường Loan, Nguyễn Danh Thọ, Trần Trung Tín, Lã Quý Tiếp... Từ giữa năm 1926 đến đầu năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát triển mạnh về Nam Định qua nhiều nguồn. Nguồn thứ nhất do Kỳ bộ Bắc Kỳ phái về bắt mối chủ yếu vào những học sinh trường Thành Chung bãi khoá bị đuổi học, được Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên huấn luyện tại Quảng Châu và kết nạp vào tổ chức, khi về nước được phân công về Nam Định phát triển tổ chức (Nguyễn Văn Hoan, Trần Trung Tín). Nguồn thứ hai do các nhà nho, nhà giáo yêu nước, hoạt động trong nhóm Tập kinh khách sạn ở Nam Định liên lạc được với một số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội và được giao trách nhiệm gây dựng phong trào ở địa phương (Vũ Huy Hào, Vũ Khế Bật). Nguồn thứ ba do các hội viên được kết nạp ở nơi khác chuyển về tiếp tục hoạt động như Đào Đình Mẫn (Thái Bình), Đỗ Quang Nhân, Lê Thiều Hưng (Thanh Hoá), Nguyễn Tường Thuý (Nghệ An).
Quá trình vận động để phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định là quá trình rèn luyện, quy tụ những tư tưởng cách mạng mới và tự đào thải. Ngay từ cuối năm 1926, đầu năm 1927, một số người, sau khi mãn khoá học ở Trung Quốc về nước được Kỳ bộ phân công trở về các địa phương đã hoạt động tích cực và gieo mầm tổ chức nhanh chóng. Riêng ở Nam Định có ba người là Lã Quý Tiếp, Nguyễn Đồng Phương và Phan Quý Thọ nhưng cả ba người đều sa ngã, bỏ hàng ngũ cách mạng.
Đến tháng 4-1927, Kỳ bộ phân công đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Trần Trung Tín về hoạt động ở Nam Định. Lúc đầu đồng chí Nguyễn Văn Hoan tập trung phát triển cơ sở trong hàng ngũ công nhân Nhà máy sợi. Đồng chí Trần Trung Tín gây cơ sở trong trí thức, học sinh rồi dần dần mở rộng ra các đối tượng khác.
Thầy giáo Đào Đình Mẫn, dạy học ở thôn Phú An (xã Trực Thành, Trực Ninh) được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ lúc còn ở quê hương Thái Bình, sang Trực Ninh dạy học tiếp tục tuyên truyền tổ chức trong các nhà giáo, học sinh.
Từ những hạt nhân ban đầu, hoạt động có tính chất biệt lập, phong trào đã dần dần phát triển. Đến giữa năm 1927, ở Nam Định đã hình thành một số chi hội đầu tiên, chủ yếu hội viên là công nhân nhà máy, giáo viên, học sinh và một số nhà nho yêu nước. Đó là các chi hội:
- Chi hội đường phố có năm hội viên: Vũ Huy Hào (trí thức nho học - Bí thư), Trần Quang Tặng (trí thức nho học đang làm công nhân cho hãng tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi), Vũ Khế Bật (trí thức nho học), Đỗ Ngọc Bích (thư ký Nhà máy sợi), Trần Minh Tấn (trí thức tiểu tư sản).
- Chi hội giáo học có sáu hội viên: Đào Đình Mẫn (Phú An, Trực Ninh - Bí thư), Phạm Gia (Nam Lạng, Trực Ninh), Trương Đình Phú (Đại Đê, Trực Ninh), Tống Văn Trân (An Lộc, Ý Yên), Lưu Tế Mỹ (thư ký Toà sứ Nam Định), Trần Trung Tín (học viên trường Quảng Châu về, được Kỳ bộ phân công phụ trách công tác vận động trong đội ngũ giáo viên).
Chùa Phúc Chỉ, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, địa điểm họp hội nghị "Thôn Bộ" của hai tỉnh Nam Định - Ninh Bình, tháng 2-1931
- Chi hội ghép của công nhân có tám hội viên: Trần Văn Lan (thợ điện Nhà máy sợi - Bí thư), Hồ Công Chương (thợ nguội Nhà máy sợi), Trần Văn Chuyên (thợ nguội Nhà máy sợi), Trần Văn Sinh (thợ nguội Nhà máy sợi), Nguyễn Chương Mão (thợ nguội Nhà máy tơ), Trần Văn Thụ (thợ nguội Nhà máy sợi), Nguyễn Văn Thìn (thợ chữa máy bưu điện), Nguyễn Văn Tiếu (giao thông nhà Ngân hàng Đông Dương).
- Chi hội học sinh trường Thành Chung có sáu hội viên: Phạm Văn Ngọc (học sinh - Bí thư), Trần Viết Dần (học sinh), Lê Đình Thảo (học sinh), Vũ Ngọc Thuấn (học sinh), Trần Viết Bảo (giáo viên), Nguyễn Văn Tiến (giáo viên).
- Chỉ hội học sinh trường Cửa Bắc có bốn hội viên: Phạm Ngọc Dự, Phạm Ngọc Nhĩ, Phạm Xuân Lẫm, Đặng Tiệm Quỳ (học sinh năm thứ tư trường Cửa Bắc - Bí thư).
Đến cuối năm 1927, với sự tuyên truyền, giác ngộ của các hội viên chi hội công nhân, tại Nhà máy sợi đã hình thành thêm một chi hội nữa gồm tám hội viên: Trần Trọng Hợp (thợ nguội - Bí thư), Trần Trọng Hoan (thợ nguội), ông Huỳnh già (thợ điện), anh Huynh (thợ điện), anh Ngọc lớn (thợ điện), anh Trí (thợ điện), Tạ Văn Cấp (thợ điện), Phạm Văn Ngọ (thợ nguội).
Trước đòi hỏi của phong trào đấu tranh ở địa phương đang vận động theo xu hướng mới, Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhận thấy cần phải có sự lãnh đạo thống nhất giữa các chi hội ở Nam Định, do đó, tháng 9- 1927, đồng chí Nguyễn Danh Đới - đại diện Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ triệu tập ba cán bộ chủ chốt nắm các đầu mối thanh niên ở Nam Định là Nguyễn Văn Hoan, Vũ Huy Hào, Trần Trung Tín họp tại nghĩa địa Hoa kiều (Mỹ Xá, thành phố Nam Định). Tại đây, các đồng chí đã bàn bạc, trao đổi và thống nhất nhận định phong trào cách mạng ở Nam Định đang có đà phát triển, cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền và mở rộng phong trào ra toàn tỉnh và hình thành Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định. Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời gồm ba đồng chí Nguyễn Văn Hoan (Bí thư) phụ trách tổ chức và giao thông của Kỳ bộ, Vũ Huy Hào phụ trách tài chính và kiểm soát, Trần Trung Tín phụ trách tuyên huấn. Ngoài việc chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Định, Tỉnh bộ còn có nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng ở cả Hà Nam và Ninh Bình. Trước nhiệm vụ và yêu cầu phát triển phong trào cách mạng ở địa bàn rộng lớn của hai tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, ngay sau khi thành lập, Tỉnh bộ Nam Định đã họp bàn và quyết định cử các đồng chí Vũ Khế Bật, Đào Gia Lựu sang Hà Nam cùng với đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tuyên truyền phát triển hội.
Cùng với việc thành lập Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thời điểm này, nhiều sách báo, tài liệu bí mật cũng được chuyển về Nam Định. Trong đó, đặc biệt cuốn Đường kách mệnh do đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết được đồng chí Nguyễn Lương Bằng đưa từ nước ngoài về, trao cho đồng chí Nguyễn Văn Hoan tại số nhà 191 phố Hàng Cấp, thành phố Nam Định. Đây là tác phẩm lý luận cách mạng đầu tiên được truyền bá vào Nam Định. Việc thành lập Tỉnh bộ và tiếp nhận cuốn Đường kách mệnh là mốc lịch sử đánh dấu sự chuyển hướng đấu tranh cứu quốc theo phương pháp cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Năm 1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lâm thời Nam Định đẩy mạnh mọi hoạt động, tổ chức thêm nhiều chi hội tại Nhà máy sợi, Nhà máy tơ, Nhà máy đèn, Nhà máy rượu, Nhà máy chiếu, thợ thủ công, trường học, giáo viên, hãng buôn.
Tại huyện Ý Yên cũng thành lập được chi hội Phong Doanh do thầy giáo Phạm Hữu Thầm làm Bí thư, gồm Tống Văn Trân (Tân Cầu), Nguyễn Sinh Tài (dạy học tại Lũ Phong), Thái Bá Cơ (dạy học ở Bảo Ngũ - Vụ Bản), Vũ Ngọc Ngoạn (dạy học ở Mụa) và ba học sinh của thầy giáo Tống Văn Trân là Nguyễn Thị Tam (Lỗ Xá), Phạm Thị Thảo (An Lộc), Đào Văn Điệng (An Lộc). Đến cuối năm 1928 chi hội này phát triển tới 15 hội viên. Ngoài ra, đồng chí Vũ Khế Bật đã kết nạp thêm một số nhà nho, nhà tu hành như Phạm Đình Cấu tức Đồ Cấu (An Hoà), Nguyễn Đình Lệ tức Đồ Lệ (Tiên Bảng), Sư Tế (trụ trì ở chùa Ngô Xá).
Trên địa bàn Xuân Trường, thầy giáo Nguyễn Trường Thuý vốn là hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nghệ An đã tuyên truyền và lập ra tiểu tổ Lạc Nghiệp gồm năm hội viên (Hồ Gia Tưởng, Nguyễn Xuân Lầm, Trịnh Thế Cửu, Vũ Quý Huynh, Nguyễn Trường Thuý). Cũng vào thời gian cuối năm 1928, thầy giáo Đào Đình Mẫn dạy học ở Cát Xuyên đã giác ngộ cho nhiều học sinh của mình (Đinh Thúc Dự, Đinh Lại Hấp, Phạm Đình Duy, Nguyễn Văn Lữ, Đoàn Văn Truyền, Đinh Văn Huyền, Đinh Văn Trai, Đinh Ngọc Khiên, Phạm Khắc Liểu). Đồng chí Nguyễn Trường Thuý còn tới Định Tường, Lạc Nghiệp và nhiều nơi ở Giao Thuỷ để tuyên truyền kết nạp hội viên mới (Phạm Uý, Phạm Thanh Nhàn, Đỗ Hữu Rưa, Trần Thế Phiệt, Nguyễn Văn Chi).
Cây gạo ở Cầu Cao, xã Cát Thành, huyện Trực Ninh, nơi cắm cờ Đảng năm 1929.
Đối với Trực Ninh, sáu thanh niên trong Hội đọc sách báo là Phạm Đức Ngữ, Phạm Đức Hiểu, Trần Ngọc Uý, Trần Văn Tiến, Đoàn Kim Quỹ, Trần Thanh Liêm được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hai nhà giáo Đỗ Quang Nhân, Đào Đình Mẫn còn tuyên truyền, giác ngộ được nhà giáo Phạm Gia và kết nạp vào hội.
Ở Hải Hậu, đồng chí Nguyễn Trường Thuý từ Xuân Trường bắt mối sang Hội Khê Ngoại, kết nạp được hai hội viên. Đồng thời đồng chí Lâm Văn Thức, hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội cũng bắt nhân mối về Phúc Thụy (Hải Hà).
Đặc biệt công tác huấn luyện cán bộ là nhiệm vụ được Kỳ bộ hết sức quan tâm giúp đỡ. Tháng 4-1928, Kỳ bộ cử đồng chí Trịnh Đình Cửu về huấn luyện cho lớp cán bộ chủ chốt của tỉnh. Chương trình huấn luyện gồm những vấn đề cơ bản như: Xã hội tiến hoá sử, Các trường phái chủ nghĩa cách mạng, Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, Balê Công xã, Cách mạng Tháng Mười Nga và chế độ Xôviết, Lịch sử Việt Nam, Các tổ chức cách mạng và các bước công tác cách mạng... Lớp học này đã có hiệu quả rõ rệt. Các đồng chí được huấn luyện đã toả đi khắp tỉnh để hướng dẫn cho các chi hội. Từ đây, nội dung tuyên truyền của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định không chỉ giác ngộ tinh thần yêu nước mà còn trực tiếp đề cập tới nội dung cách mạng vô sản.
Hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin của các hội viên rất đa dạng và phong phú. Các đợt huấn luyện cấp tốc được mở ra ở khắp nơi, từ tập trung đến phân tán, nhỏ lẻ chỉ vài ba người. Báo chí trong nước và ở nước ngoài chuyển về được lưu chuyển giữa các chi hội. Các hội viên truyền tay nhau đọc rồi ghi chép phổ biến rộng rãi ra bạn bè. Chi hội trường học còn được giao nhiệm vụ dịch và hệ thống một số tài liệu học tập nghiên cứu bằng tiếng Pháp để phục vụ công tác bồi dưỡng và phát triển tổ chức của Tỉnh bộ.
Từ năm 1928, ở các trường học có đông hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên như Thành Chung, Cửa Bắc còn nổ ra cuộc tranh luận gay gắt giữa hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với các đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng về quan điểm, đường lối, phương pháp cách mạng. Trong quá trình đấu tranh để khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, quan điểm của tổ chức mình, các hội viên đã tranh luận sôi nổi với những lý lẽ có sức thuyết phục, nhiều đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng đã hiểu ra xu hướng cách mạng tiến bộ, và một số học sinh với lòng yêu nước đang hăm hở định đi theo Việt Nam Quốc dân Đảng cũng đứng sang đội ngũ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên như Nghiêm Tử Trình, Phạm Tuân.
Để xây dựng cơ sở, phát triển hội viên, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định đã biết lợi dụng những tổ chức công khai như Hội đá bóng, Hội ma chay,phường họ để tuyên truyền cho đông đảo quần chúng. Cuối năm 1928, ở một số nhà máy, xí nghiệp đã có tổ chức Công hội và ở nông thôn có Nông hội ra đời.
Thời kỳ này hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nặng về xây dựng cơ sở. Tuy nhiên, ở thành phố Nam Định cũng có một số hoạt động phát tán truyền đơn trong giới Hoa kiều để kêu gọi họ gây áp lực với Chính phủ Tưởng Giới Thạch thả một số đồng chí của ta bị chúng bắt giam ở Quảng Châu sau khi Công xã Quảng Châu bị thất bại; hoặc phát tán truyền đơn phản đối việc mộ phu đi Tân Đảo. Đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), từ mùa hè năm 1928 đã sáng lập ra tờ báo Dân cày, in litô, được 19 số ở làng Hành Thiện. Ngoài đồng chí là chủ bút còn có sự tham gia tích cực của Đặng Xuân Thiều, Đặng Xuân Quyền.
Cho tới nửa cuối năm 1928, cơ sở và ảnh hưởng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã rộng khắp, từ thành thị tới các vùng thôn quê. Phong trào cách mạng đều vận động theo con đường cách mạng mà Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã vạch ra. Sự lớn mạnh của phong trào đòi hỏi cần thiết phải củng cố tổ chức, thành lập một bộ máy lãnh đạo chính thức. Đáp ứng yêu cầu đó, tháng 9-1928, Tỉnh bộ lâm thời triệu tập Hội nghị đại biểu Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định. Để che mắt địch, hội nghị được tổ chức trên một chiếc thuyền nan, giữa cánh đồng nước thuộc hai làng Kênh và Hóp (nay thuộc xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định), gồm sáu đồng chí (Trần Văn Lan, Trần Quang Tặng, Đào Gia Lựu, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Văn Hoan, Vũ Huy Hào).
Từ đường chi Ất, họ Phan, thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, T.P Nam Định, nơi thành lập chi bộ Cộng sản thôn Địch Lễ, tháng 2-1938.
Đây là một hội nghị quan trọng sau hơn một năm hoạt động của các chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong tỉnh. Tại hội nghị này, Ban Tỉnh bộ lâm thời đã kiểm điểm đánh giá tình hình, bàn công tác mới và lần đầu tiên bầu đại biểu đi dự hội nghị Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, bầu Ban Chấp hành Tỉnh bộ chính thức gồm các đồng chí Nguyễn Văn Hoan (Bí thư), Đào Gia Lựu, Vũ Huy Hào. Hội nghị bàn sâu việc thực hiện chủ trương của Kỳ bộ để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phát triển cơ sở cách mạng. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới nông dân, công nhân trong công tác tuyên truyền và giác ngộ, tiến tới kết nạp hội viên mới.
Sau hội nghị Tỉnh bộ Nam Định, phong trào cách mạng trong tỉnh có bước chuyển rõ rệt. Các cơ sở cách mạng ở nhà máy, nông thôn được xây dựng, phát triển nhanh và rộng ở địa phương. Sang năm 1929, bộ máy lãnh đạo của tỉnh có sự thay đổi. Đồng chí Nguyễn Văn Hoan được Kỳ bộ cử sang phụ trách, phát triển cơ sở hội ở Ninh Bình. Để tăng cưòng công tác và bộ máy lãnh đạo của tỉnh. Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ chỉ định Ban Tỉnh bộ mới gồm ba đồng chí Nguyễn Văn Phúc (Phúc ghẻ), làm Bí thư, Phạm Gia phụ trách tài chính, Đào Gia Lưu phụ trách tuyên huấn.
Ban Tỉnh bộ mới vẫn có trách nhiệm phụ trách phong trào ở các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Cơ quan Tỉnh bộ lúc này đặt ở một phố gần Ngã sáu Năng Tĩnh (thành phố Nam Định).
Thực hiện chủ trương vô sản hoá của Kỳ bộ, các cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định thuộc thành phần trí thức, học sinh đã vào lao động trong các xí nghiệp, nhà máy... Một số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở các tỉnh khác cũng được cử về vô sản hoá ở Nam Định như Khuất Duy Tiến, Ngô Huy Ngụ, Mai Thị Vũ Trang, Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển và trở thành cán bộ chủ chốt của Nam Định. Việc thực hiện chủ trương vô sản hoá có tác dụng rất lớn trong việc rèn luyện, nâng cao ý thức vô sản cho các cán bộ cách mạng xuất thân từ trí thức, học sinh, tiểu tư sản. Đồng thời đây cũng là thời cơ để tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tăng cường việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và phương pháp tổ chức công nhân đấu tranh. Thông qua những buổi sinh hoạt nội bộ, đọc sách báo, đội ngũ công nhân đã tiến bộ rõ rệt về trình độ tổ chức, nhận thức tư tưởng. Đó là những yếu tố cơ bản thuận lợi thúc giục tinh thần vùng lên đấu tranh của lực lượng công nhân với ý thức chính trị ngày càng cao.
Từ khi có sự chỉ đạo thống nhất của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào đấu tranh ở Nam Định phát triển khá mạnh mẽ. Nhiều cuộc đấu tranh của thợ thuyền đã nổ ra liên tiếp như cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sợi nổ ra ngày 23-11-1928 kéo dài bảy ngày và kết thúc thắng lợi, cuộc đình công của toàn bộ phu kéo xe ở thành phố ngày 1-10-1929, đặc biệt là cuộc đấu tranh kéo dài 10 ngày vào cuối tháng 3-1929 của công nhân xưởng sợi Nhà máy sợi đã gây ảnh hưởng lớn trong giới thợ thuyền cả nước.
Nguyên nhân cuộc bãi công này là do chủ nhà máy tăng thêm máy, sa thải bớt thợ, bắt công nhân phải làm thêm việc mà không được trả thêm lương. Khi công nhân đòi chủ tư bản phải giải quyết việc làm thêm thì bị chủ đánh đập. Lúc đầu, bãi công nổ ra ở một bộ phận xưởng sợi A, sau lan ra toàn xưởng A và xưởng B. Yêu sách của công nhân là tăng lương, không được dãn thợ và hành hạ thợ, đánh đập thợ. Hình thức đấu tranh là làm đơn, nêu yêu sách đồng thời bỏ việc để gây áp lực. Trong hơn một tuần lễ, ngày nào công nhân cũng tập trung ở cửa phòng giấy và cổng ra vào xưởng sợi để đấu tranh, buộc bọn chủ phải chấp nhận yêu sách tăng lương công nhật cho thợ đứng máy sợi con từ 18 xu lên 24 xu, lương thợ đổ sợi từ 11 xu lên 13 xu một ngày. Cuộc đấu tranh này gây tiếng vang lớn trong nước. Trong kỳ họp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu tháng 5- 1929, đồng chí Ngô Gia Tự, đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ, trong ý kiến phát biểu đề nghị thành lập Đảng Cộng sản đã lấy cuộc đấu tranh này làm dẫn chứng cho sự trưởng thành và yêu cầu cấp thiết phải có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản tiên phong của phong trào công nhân.
Thực tế ở Nam Định, phong trào công nhân đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đấu tranh không còn dừng lại ở mục đích kinh tế mà đã mang ý thức giai cấp, ý thức chính trị sâu sắc.Vì vậy, những cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, qua thực tế lãnh đạo phong trào, đã nhận thấy sự cần thiết phải thành lập một tổ chức để thay thế cho tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lúc này đã bộc lộ những hạn chế không đủ khả năng để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng đang ngày một vươn lên mạnh mẽ. Tại cuộc họp của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) vào cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Hoan, đại biểu Tỉnh bộ Nam Định đã nêu rõ vấn đề đó. Tiếp đến cuộc họp từ ngày 23 đến ngày 29-3-1929 của Kỳ bộ tổ chức tại tỉnh Sơn Tây, nhằm chuẩn bị cho Đại hội Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tỉnh bộ Nam Định đã cử đồng chí Trần Văn Lan (nguyên Bí thư chi bộ Nhà máy sợi) đi dự. Một lần nữa, bằng thực tế của phong trào cách mạng trong tỉnh, đồng chí Trần Văn Lan đã nêu lên yêu cầu bức thiết của các hội viên là cần thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để đáp ứng những yêu cầu về lãnh đạo của quần chúng cách mạng, Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không đảm đương được chức năng lãnh đạo cách mạng và đã hết vai trò lịch sử của mình.
Sau gần hai năm hoạt động, từ tháng 9-1927 đến tháng 3-1929, số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Đinh lên tới 168 người, trong đó khoảng 50% xuất thân từ trí thức tiểu tư sản, 25% xuất thân từ công nhân, 20% là nông dân, còn lại là các thành phần khác.
Chùa Tự Lạc nơi họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ, ngày 20-8-1945.
Tại thành phố Nam Định, cơ sở hội được xây dựng ở Nhà máy sợi, Nhà máy tơ, Nhà máy đèn, trường Thành Chung, trường Cửa Bắc, trường Nam Khê, Bến Củi và ở một số đường phố. Các huyện Phong Doanh, Ý Yên có các cơ sở ở An Hoà, Tiêu Bảng, Ngòi, Ngô Xá, Mai Sơn, Xuất Cốc, Lỗ Xá, Mụa, Phường, Lũ Phong, An Lộc, Bình Điền. Các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ có cơ sở được nhen nhóm ở Lạc Quần, Hội Khê Ngoại, An Cư, Quất Lâm, Tự Lạc, Diêm Điền, Hoành Nhị. Các huyện Trực Ninh, Nam Trực cơ sở hội được gây dựng ở Nam Lạng, Cát Trung, Quỹ Đê, Phú An, Duyên Hưng, Hưng Đễ, Phù Ngọc. Huyện Hải Hậu phong trào phát triển ở Thượng Trại, Phú Văn. Huyện Nghĩa Hưng phong trào được nhen nhóm ở thôn Tranh (nay thuộc huyện Ý Yên). Ngoài những vùng trên, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định còn góp phần phát triển sang một số vùng thuộc Hà Nam, Ninh Bình.
Là một địa phương có phong trào công nhân phát triển mạnh nên Kỳ bộ Bắc Kỳ rất chú trọng, luôn cử những cán bộ có khả năng, kinh nghiệm về bổ sung cho sự lãnh đạo nơi đây. Tháng 3-1929, Kỳ bộ cử đồng chí Nguyễn Hới và một số đồng chí về phụ trách phong trào cách mạng Nam Định để cùng với các đồng chí ở địa phương chuẩn bị tích cực về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản ở Nam Định.
Sau khi đề xuất ý kiến thành lập Đảng Cộng sản không được Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chấp nhận, Đoàn đại biểu Bắc Kỳ bỏ Đại hội về nước xúc tiến thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17-6-1929. Chính cương và Tuyên ngôn của Đảng được công bố. Tờ báo Búa liềm - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng ra đòi. Sự kiện này tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Nam Định. Sau hai ngày Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời nhiều truyền đơn, khẩu hiệu, Tuyên ngôn của Đảng và cờ búa liềm, xuất hiện ở nhiều nơi trong tỉnh. Đúng vào thời điểm quan trọng đó, tức ngày 19-6-1929, Ban Tỉnh uỷ lâm thời Nam Định được thành lập gồm các đồng chí Nguyễn Hới, Nguyễn Văn Ngọ, Lê Ngọc Rư do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Ban Tỉnh uỷ lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Nam Định đã đề ra chương trình hành động trước mắt:
- Xúc tiến xây dựng các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, kết nạp những hội viên tiên tiến trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào Đảng (lúc đó gọi là chuyển đảng).
- Gấp rút tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ cho phong trào.
- Phát triển mạnh mẽ các tổ chức quần chúng cách mạng và phát triển các cuộc đấu tranh của quần chúng.
Ban Tỉnh uỷ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định bố trí ngôi nhà số 12 phố Năng Tĩnh và một số nhà trong làng Mỹ Trọng (Mỹ Xá) làm nơi liên lạc, họp hành, ăn ở của cán bộ thoát ly - đó là cơ quan Tỉnh uỷ.
Công việc tuyên truyền được chú ý ngay từ đầu. Lần đầu tiên, một cơ sở in thạch của Tỉnh uỷ được tổ chức, địa điểm lần lượt đặt ở phố Hải Phòng, đường 110 (nay là đường Nguyễn Du) để in tài liệu bí mật, truyền đơn, báo chí của Trung ương như báo vô sản, Búa liềm và tờ báo Tiền phong của tỉnh. Đồng chí Trần Văn Lan được chỉ định là cán bộ Tỉnh uỷ, giúp đồng chí Nguyễn Hới lãnh đạo Công hội đỏ.
Theo chủ trương chung, việc tuyển lựa vào Đảng tiến hành rất chặt chẽ, nhằm vào những hội viên tiên tiến của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tán thành chủ nghĩa cộng sản, tán thành Chính cương của Đông Dương Cộng sản Đảng và đang tích cực hoạt động. Những người thuộc thành phần công nhân hoặc đã đi vô sản hoá thì được công nhận là đảng viên chính thức ngay. Nếu hội viên thuộc thành phần khác và chưa vô sản hoá thì phải qua sáu tháng dự bị. Hình thức đó gọi là chuyển đảng. Đây là một quá trình sàng lọc về tổ chức, đồng thời cũng là một quá trình đấu tranh tư tưởng, giác ngộ giai cấp cho đảng viên. Các chi hội thanh niên đều tổ chức khai hội, công bố chủ trương thành lập Đảng, giới thiệu Tuyên ngôn, Chính cương của Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng thời vạch rõ những hạn chế trong đường lối của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là không có khả năng lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giành chính quyền, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời đảm đương sứ mệnh lịch sử cao cả đó, có chức năng gắn liền phong trào cách mạng trong nước với phong trào cách mạng quốc tế.
Cờ Đảng được treo ở Nhà máy sợi Nam Định, trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 7-11-1930.
Đợt đầu tiên, Nam Định có gần 150 hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được chuyển đảng, trong đó thành phần đảng viên tiểu tư sản là 18%; nông dân là 35%; công nhân là 40%; các thành phần khác là 7%. Chỉ có vài ba chục hội viên, thành phần thuộc tầng lớp bóc lột hoặc trí thức tiểu tư sản, viên chức chưa thực sự rèn luyện, hoặc không tán thành cộng sản đã tự rút lui hoặc bị loại bỏ.
Việc thành lập Ban Tỉnh uỷ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước chuyển biến về chất của phong trào cách mạng địa phương. Từ đây, phong trào cách mạng địa phương đã có Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo và phát triển với quy mô ngày càng lớn. Tuy vậy, Đông Dương Cộng sản Đảng cũng chưa có Cương lĩnh hoàn chỉnh, chưa chỉ đạo việc chuyển đảng một cách chặt chẽ, làm cho nhiều đảng viên chưa được giáo dục, rèn luyện kỹ về lập trường quan điểm. Tình hình đó đã ảnh hưởng tới tinh thần đấu tranh của Đảng bộ sau này.
Sự kiện có ý nghĩa là cùng ngày thành lập tổ chức đảng đã nổ ra cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy đèn do chính Chi bộ Nhà máy đèn trực tiếp lãnh đạo.
Sáng ngày 19-6-1929, tại Nhà máy đèn, tên đốc công Giôly (Joly) đánh một công nhân, Chi bộ Đảng lập tức vận động toàn thể công nhân nhà máy gồm hơn 100 công nhân đã nhất loạt nghỉ việc, đưa các yêu sách đòi giới chủ phải thoả mãn:
- Không được đánh thợ.
- Phải tăng lương.
- Không được bắt người đình công.
Cuộc đấu tranh nổ ra đúng nơi "con tim" của nền công nghiệp tư bản địa phương, nơi cung cấp điện cho hầu hết các xí nghiệp và hệ thống đèn chiếu sáng trong thành phố. Bọn tư bản hoảng hốt, phải chấp nhận ngay mọi yêu sách của công nhân.
Cuộc đấu tranh đầu tiên do Đảng lãnh đạo thắng lợi có tác dụng cổ vũ lớn lao với phong trào chung. Tờ truyền đơn đề ngày 8-7-1929, do Tổng Công hội Bắc Kỳ phát hành cả nước có đoạn viết: "Công nhân Hà Nội (Gara Avia), Nam Định (Nhà máy đèn) và Hải Phòng (xưởng dệt) đều bãi công thắng lợi. Anh chị em thấy rằng, hễ chúng ta đoàn kết nhau lại chặt chẽ thì chúng ta thu được nhiều thắng lợi quyết định. Vì vậy mà nói rằng, chỉ có họp nhau thì vô sản mới cải thiện được đời sống của mình".
Sau đó, ở Nhà máy sợi Nam Định, công nhân liên tiếp bãi công. Ngày 4-7-1929 thợ nề bãi công. Từ ngày 7 đến ngày 18- 7-1929 toàn thể thợ xưởng nhuộm bãi công.
Từ ngày 20 đến ngày 21-7-1929, nữ công nhân Máy Lờ bãi công.
Cũng trong năm 1929, nhiều hình thức đấu tranh liên tiếp nổ ra ở các địa phương. Nhân ngày chống đế quốc chiến tranh 1-8, hầu hết những nơi có cơ sở Đảng ở thành phố Nam Định, các huyện Ý Yên, Xuân Trường, Trực Ninh đều treo cờ búa liềm, rải truyền đơn...
Sau khi Ban Tỉnh uỷ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định thành lập, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng là nhanh chóng đưa các tổ chức quần chúng cách mạng vào các tổ chức đỏ, tháng 7-1929, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Văn Sửu (Trần Học Hải) về Nam Định xây dựng Công hội đỏ. Sau khi gặp gỡ, bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh uỷ, công tác vận động công nhân, nông dân vào tổ chức Công hội đỏ và Nông hội đỏ được tiến hành khẩn trương. Sau gần hai tuần vận động, tổ chức, Công hội đỏ được thành lập ở các Nhà máy sợi, Nhà máy điện, Nhà máy rượu, Nhà máy đèn... Giữa tháng 7-1929, Tổng Công hội đỏ Nam Định được thành lập. Ban trị sự có đồng chí Trần Văn Lan (trưởng ban), Trần Văn Các, Nguyễn Như Đoan. Ngày 22-7-1929, Tổng Công hội đỏ Nam Định cử đồng chí Trần Văn Các, Nguyễn Như Đoan đi dự Đại hội đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội.
Khi phát hiện phong trào đấu tranh của công nhân lâu nay có sự tổ chức, lãnh đạo của tổ chức cách mạng, từ nửa cuối năm 1929, bọn đế quốc, tay sai đã ra sức lùng bắt một số cán bộ của Đảng và quần chúng yêu nước. Ngày 16-1-1930, Toà án Nam Định đưa ra xét xử 27 đảng viên và quần chúng cách mạng trước đông đảo nhân dân thành phố hòng uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng. Nhưng ngược lại, tinh thần hiên ngang bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trước toà đế quốc có ý nghĩa giáo dục và có tác dụng cổ vũ tinh thần yêu nước, thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong lòng dân chúng thành phố.
Trên đường dẫn giải từ đề lao Nam Định ra toà án, các chiến sĩ đã hát vang bài Quốc tế ca và Bài ca Hắc Hải bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
Trước toà án, khi tên Công sứ Sapula kết tội đồng chí Tống Văn Trân là "khuynh đảo chính phủ". Đồng chí đã hiên ngang trả lời: "Tôi rất chán ghét chế độ giáo dục nhồi sọ hiện nay, chỉ cốt dạy làm nô lệ, trung thành với thực dân. Tôi là đảng viên Đảng Cộng sản. Tôi thấy chủ nghĩa cộng sản rất chân chính, đem lại hạnh phúc chắc chắn cho nhân dân, nên tôi vui lòng theo để đánh đổ nhà nước chuyên chế của đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột công nông và lao động để lập nên nhà nước công nông mới mưu cầu hạnh phúc chắc chắn cho công nông và nhân loại".
Khi đồng chí Tống Văn Trân bị kết án tử hình và 24 người khác bị kết án từ một năm tù đến khổ sai chung thân, tất cả đã đứng phắt dậy hô vang khẩu hiệu Chống án bất công, Đả đảo đế quốc Pháp, ủng hộ Liên bang Xô viết Nga, Đông Dương Cộng sản Đảng muôn năm!
Trước đông đảo đồng bào, đồng chí Tống Văn Trân rút vuông vải đỏ tượng trưng cho cờ Đảng ở trong người phất cao và dõng dạc diễn thuyết về Lênin (nhân dịp kỷ niệm ngày mất của Người) và tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản.
Nhân dân Nam Định hết sức xúc động, khâm phục và bước đầu hiểu về Đảng Cộng sản, về những người cộng sản qua những hành động kiên cường của các chiến sĩ cách mạng trước toà án đế quốc.
*
* *
Với truyền thống yêu nước, nhạy bén vói những luồng tư tưởng mới của nhân loại, Đảng bộ và nhân dân Nam Định sớm đón nhận được tư tưởng cách mạng tiên tiến của thời đại đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng cách mạng đó đã trở thành ngọn cờ tiên phong dẫn dắt phong trào đấu tranh của địa phương ngày càng mạnh mẽ. Trí thức, học sinh Nam Định có vai trò hàng đầu trong quá trình đón nhận, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trào lưu tư tưởng mới với phong trào đấu tranh của quần chúng đã tạo nên nội lực cách mạng vững chắc và là tiền đề cho Đảng bộ ra đời và lãnh đạo cách mạng.
Từ khi Đảng bộ ra đời, phong trào cách mạng Nam Định có sự chuyển động mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm đấu tranh sôi sục, quyết liệt trong các cao trào cách mạng của cả nước, góp phần làm nên thắng lợi oanh liệt của Đảng là giành độc lập cho dân tộc, tự do cơm áo, hoà bình cho nhân dân.