Chương VI: Khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa 1975-1980
CHƯƠNG VI
KHÔI PHỤC, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI,
TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG - AN NINH, GÓP PHẦN XÂY DỰNG
VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
1975-1980
1. Nam Hà sau ngày đất nước thống nhất và hợp nhất 2 tỉnh Nam Hà - Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh
Thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước.
Hoà chung với khí thế của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Nam Hà bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới với nhiều thuận lợi cơ bản: Đảng bộ đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng cũng như trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.
Bến cảng Nam Định những năm 1970-1980.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tạo ra khí thế phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng cao. Đây là những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định để toàn tỉnh vượt qua khó khăn, vươn lên giành thắng lợi trong giai đoạn cách mạng mới. Bên cạnh đó, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra rất nặng nề, chưa kịp khắc phục; cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ sản xuất nghèo nàn, lạc hậu, phân tán. Cùng với đó, cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất kém phát triển, hàng hoá khan hiếm, nhu cầu thiết yếu của nhân dân chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng giảm. Trong bối cảnh trên, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ từ cơ sở đến các huyện, thành, thị, đảng bộ trực thuộc; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Ngày 23-6-1975, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ III đã diễn ra tại thành phố Nam Định, tham dự Đại hội có 102 đại biểu chính thức. Qua sáu ngày làm việc vối tinh thần dân chủ, xây dựng, Đại hội đã thành công tốt đẹp. Đại hội đánh giá tổng quát tình hình thực hiện nhiệm vụ ba năm từ 1972 đến 1974, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong hai năm 1975-1976, trong đó trọng tâm là: Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của quần chúng và hiệu lực quản lý của chính quyền, thấu suốt tư tưởng cách mạng, ý thức tự lực cánh sinh, tinh thần khắc phục khó khăn, ra sức khai thác, sử dụng mọi tiềm năng và những điều kiện thuận lợi mới, quyết tâm xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; tiến hành tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý kinh tế trong các ngành , tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết hợp với củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa thực hiện việc phân công mới lao động xã hội theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo làm tròn nghĩa vụ với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước và cải thiện đời sống nhân dân. Kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng, tăng cường công tác quân sự địa phương, đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 37 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Đồng chí Phan Điền được bầu là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Tạ Hồng Thanh là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Thiện là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch uỷ ban Hành chính tỉnh.
Trong thời gian này, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) họp từ ngày 29-9-1975 ra nghị quyết nêu rõ về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: “Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III đã cụ thể hoá phương hướng nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh và nghị quyết của Trung ương để tổ chức thực hiện và đã giành được những thắng lợi quan trọng.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phong trào thi đua làm thuỷ lợi, thâm canh, tăng vụ được chú trọng. Bốn huyện hoàn chỉnh thuỷ nông sớm hơn kế hoạch 1 năm là: Xuân Thuỷ, Nam Ninh, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Hệ thống đê, kè được gia cố, nhiều công trình thuỷ lợi được đào đắp, nạo vét, tu sửa để đảm bảo chủ động nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất và đời sống.
Cuộc vận động “tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp từ cơ sở tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” theo tinh thần Nghị quyết 61 -CP của Hội đồng Chính phủ đem lại một số kết quả. Đến cuối năm 1975, trong số 845 hợp tác xã nông nghiệp có 237 hợp tác xã quy mô toàn xã, bình quân 1 hợp tác xã có 232 ha đất canh tác.
Tuy nhiên, cơn bão cuối tháng 8-1975 đã làm hơn 43.900 ha canh tác trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, chiếm 41% diện tích đất gieo cấy, do đó kết quả sản xuất lương thực năm 1975 đạt thấp, năng suất bình quân toàn tỉnh chỉ xấp xỉ 4,5 tấn/ha, không đạt chỉ tiêu đề ra. Riêng chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục phát triển, đặc biệt là chăn nuôi lợn tập thể; đàn trâu, bò và gia cầm tăng đáng kể.
Lĩnh vực xây dựng cơ bản và quản lý đô thị được quan tâm chỉ đạo. Những nơi bị địch tập trung đánh phá nhanh chóng được khôi phục, xây dựng lại, đặc biệt là thành phố Nam Định. Hưởng ứng “Ngày lao động xã hội chủ nghĩa”, hàng vạn cán bộ, công nhân viên chức, thanh niên, học sinh, lực lượng vũ trang cùng nhân dân tham gia san lấp hố bom, xây dựng lại nhà cửa, đường sá. Đến cuối năm 1975, đường giao thông, nhà cửa cơ bản được khôi phục; hệ thống điện thoại, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt được tu sửa, làm mới. Toàn tỉnh khôi phục 17.000m nhà ở, xây mới 100.000m2, trong đó có 27.000m2 nhà cấp bốn; 9 xã đã xây dựng trường cấp II quy mô hai tầng. Bệnh viện, trạm y tế ở nhiều địa phương được xây dựng mới, phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân.
Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cán bộ, công nhân tập trung vận chuyển máy móc, trang thiết bị từ vùng sơ tán trở lại nhà máy, xí nghiệp; các nhà xưởng được tiếp tục đầu tư xây dựng lại, mua sắm thêm các trang, thiết bị phục vụ sản xuất; phong trào đăng ký phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm được phát động. Do vậy, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Giá trị sản lượng toàn ngành năm 1975 tăng 32,30% so với năm 1972.
Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành văn hoá - thông tin đã chú trọng mở rộng mạng lưới truyền thanh tới các địa phương, đơn vị, đặc biệt là các khu vực dân cư. Các đội thanh niên tuyên truyền xung kích (thông tin lưu động) đã trở thành nòng cốt của phong trào thông tin, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Huyện Hải Hậu, huyện Ý Yên được tặng cờ thi đua “10 năm phấn đấu, 10 năm lớn mạnh”.
Phong trào quần chúng “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” được phát động rộng khắp với ba nội dung là bảo vệ vững chắc an ninh chính trị; bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa; giữ gìn tốt trật tự an toàn xã hội, củng cố tốt lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, làm nòng cốt cho công tác an ninh, trật tự ở cơ sở. Nghị quyết số 228-NQ/TV ngày 12-1-1974 của Bộ Chính trị về cuộc đấu tranh chống lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, chống làm ăn phi pháp tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự trị an, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất với tiết kiệm, phục vụ tốt đời sống nhân dân tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả. Sáu tháng đầu năm 1975, số vụ lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh giảm 65% so với 6 tháng đầu năm 1974. Công tác quản lý lao động xã hội từng bước được tổ chức lại, đã sắp xếp việc làm cho 21.165 người, kiểm tra và đăng ký kinh doanh cho 4.041 người và chuyển sang sản xuất cho 2.147 trường hợp. Kết quả thực hiện Nghị quyết 228-NQ/TW góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong việc bảo vệ của công, tài sản của tập thể, hạn chế hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Công tác quốc phòng, an ninh được chú trọng, các đơn vị lực lượng vũ trang được củng cố; thường xuyên duy trì tốt các đợt diễn tập quân sự, chế độ trực ban, tuần tra, canh gác, hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tuyển quân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra.
Cùng với nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế, văn hoá, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện chủ trương của Đảng chi viện cho các tỉnh miền Nam sau ngày giải phóng, tỉnh đã huy động hàng ngàn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ công an tăng cường cho các tỉnh phía nam, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền các cấp.
Để phù hợp với tình hình đất nước sau khi miền Nam được giải phóng, ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh, trong đó có Nam Hà và Ninh Bình được hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 9-12-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 2505-NQ/TW chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh, gồm 41 ủy viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 ủy viên. Đồng chí Phan Điền được chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Tạ Hồng Thanh là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Tạ Quang là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch uỷ ban Hành chính tỉnh.
Tại kỳ họp thứ hai, phiên họp ngày 27-12-1975, Quốc hội khoá V ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Nam Hà với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, với diện tích 3.636 km2; gồm 16 huyện, 1 thành phố, 2 thị xã; 430 xã, phường, thị trấn; dân số 2.781.409 người; tỉnh lỵ đặt tại thành phố Nam Định.
Năm đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, tập trung trí tuệ và sức lực, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Cơ sở hạ tầng được tăng cường xây dựng, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị được củng cố, quyền làm chủ tập thể của nhân dân được phát huy; các tổ chức đảng được kiện toàn, tạo ra thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vững bước tiến vào thời kỳ mới cùng cả nước triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (1976-1980). Với những thành tích đó, năm 1975, tỉnh đã được chủ tịch nước tặng cờ luân lưu “Thi đua Quyết thắng”.
2. Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Sau 21 năm chia cắt hai miền Nam, Bắc, để đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân và thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, ngày 25-4-1976, cử tri cả nước đã nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá V thắng lợi biểu thị hùng hồn ý chí của toàn dân ta đối với việc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VI đã quyết định lấy tên nước là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ đô là Hà Nội.
Bước vào giai đoạn mới, thực hiện kế hoạch 5 năm 1976-1980, với vị thế của tỉnh mới hợp nhất và phấn khởi chào mừng kết quả Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 19-1-1976, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh tổ chức phiên họp đầu tiên bàn việc triển khai lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ. Hội nghị đã thống nhất phân công công tác cho các ủy viên Ban Chấp hành; đồng thời ra nghị quyết về việc ổn định tổ chức bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn cách mạng mới là: “Ra sức khai thác tốt tiềm năng, tranh thủ thuận lợi khắc phục khó khăn, tăng cường đoàn kết nhân dân động viên khí thế cách mạng sôi nổi trong toàn tỉnh, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, hoàn thiện về cải tiến quản lý cơ sở, tổ chức và phân bổ lại lao động tiến hành cơ giới hoá nông nghiệp, đưa sản xuất nông nghiệp, công nghiệp địa phương phát triển mạnh mẽ theo hướng đi lên hiện đại hoá, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, tăng khả năng đóng góp, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, giữ gìn trật tự trị an, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (1976-1980). Công tác hợp nhất tỉnh, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của các ty, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, xây dựng trụ sở làm việc được tiến hành khẩn trương, nhanh gọn, sớm đi vào hoạt động ổn định.
Trên cơ sở những nhiệm vụ trọng tâm được xác định, Đảng bộ đã tập trung tổ chức quán triệt, nghiên cứu sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23, 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong các tổ chức cơ sở đảng và trong nhân dân.
Tỉnh ủy định hướng công tác tư tưởng, tập trung vào việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục quan điểm, tinh thần lao động mới, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng khu phố, thôn xóm văn minh; giáo dục nếp sống mới, kịp thời khắc phục các biểu hiện tư tưởng lệch lạc trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, tập trung trí tuệ góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới.
Ngày 3-2-1976, Tỉnh ủy tổ chức lễ kỷ niệm 46 năm ngày thành lập Đảng và công bố ra mắt lãnh đạo cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh Hà Nam Ninh, đồng thời phát động “Chiến dịch Hà Nam Ninh” với sáu mũi tiến công:
- Tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa, rau màu để có nhiều lương thực bảo đảm yêu cầu cải thiện đời sống nhân dân và đóng góp cho Nhà nước.
- Ra sức phát triển chăn nuôi lợn, gà, vịt, trâu, bò... đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính và phát triển toàn diện.
- Tích cực sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
- Quyết tâm đẩy mạnh hoàn chỉnh hệ thống thuỷ nông, tạo điều kiện để thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp và xây dựng cơ bản, phục vụ sản xuất và đời sống.
- Thực hiện tốt “Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ, mừng đất nước thống nhất, mừng tỉnh mới Hà Nam Ninh”.
- Tăng cường công tác quốc phòng và trật tự trị an, gắn liền với cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh, rèn luyện con người mới xã hội chủ nghĩa.
Khẩu hiệu của chiến dịch là: “Tất cả cho sản xuất, tất cả cho chiến dịch Hà Nam Ninh toàn thắng”.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Tỉnh ủy xác định ba khâu quyết định:
- Phát động phong trào quần chúng thi đua sôi nổi, mạnh mẽ liên tục và rộng khắp trong toàn tỉnh, đẩy mạnh lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm.
- Làm tốt công tác đẩy mạnh sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp và trong các ngành kinh tế khác theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
- Tăng cường công tác xây dựng đảng, nâng cao sự lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 của Trung ương.
Chào mừng tỉnh mới được thành lập và hưởng ứng “Chiến dịch Hà Nam Ninh”, trong tháng 1 và 2-1976, nhân dân toàn tỉnh đã tập trung cho sản xuất đông xuân, phấn đấu cấy hết diện tích lúa xuân trong điều kiện khó khăn, rét đậm kéo dài, nhiều trà mạ bị chết. Huyện Hải Hậu, Nam Ninh là hai đơn vị đi đầu, cấy đạt 90% diện tích.
Trong không khí thi đua sôi nổi, đẩy mạnh thực hiện “Chiến dịch Hà Nam Ninh”, ngày mồng 1 và mồng 2 tết Bính Thìn (1976), Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm và làm việc. Đồng chí đã đến thăm Hợp tác xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng), Nam Đồng (Nam Ninh), Hải Quang (Hải Hậu) là những đơn vị điển hình đạt thành tích cao trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Lê Duẩn đã khen ngợi những cố gắng, tiến bộ của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh, hoan nghênh kết quả bước đầu của việc hợp nhất tỉnh, giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh phải tích cực phấn đấu để sớm trở thành một tỉnh nêu gương sáng trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm xã Đồng Sơn, huyện Nam Ninh, đơn vị thực hiện thí điểm cơ giới hoá nông nghiệp của tỉnh, tháng 2-1976.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, ngày 25-2-1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 02-NQ/TU về tổ chức chỉ đạo thí điểm cơ giới hóa nông nghiệp. Mục tiêu của cơ giới hoá là nhằm tăng khối lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng năng suất lao động, cây trồng, gia súc, thực hiện phân công lại lao động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo làm thí điểm ở ba đơn vị, trong đó có huyện Nam Ninh làm thí điểm cơ giới hoá nông nghiệp toàn quốc. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ giới hoá nông nghiệp của huyện Nam Ninh, với số kinh phí đầu tư là 74.107.000 đồng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Nam Ninh triển khai làm điểm cơ giới hóa, trọng điểm 1; cụm 3/2 để qua đó rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Tỉnh đã đầu tư mua sắm, trang bị máy móc hiện đại ở từng cụm điểm, tăng cường củng cố trạm máy kéo, trang bị thêm các loại máy công tác hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Để phục vụ yêu cầu tổ chức lại sản xuất và cơ giới hoá nông nghiệp, Đảng bộ huyện Nam Ninh chỉ đạo xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy nông gồm 14 trạm bơm, 132 cái cống, nạo vét 22 kênh cấp I; đưa điện về được 13/36 hợp tác xã để phục vụ sản xuất. Hằng năm, huyện thực hiện cày bừa bằng máy từ 8.000 - 9.000 ha gieo cấy, góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất từ 45%/năm lên 55%/ năm; riêng cụm điểm 3/2 đạt 83%; bố trí lại đồng ruộng từ 2.341 vùng còn 1.258 vùng, đồng thời san lấp gò đống, mở rộng diện tích canh tác. Với cố gắng, quyết tâm cao nhất Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Ninh đã vượt qua khó khăn, triển khai từng bước kế hoạch cơ giới hóa nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm triển khai trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, khi thực hiện đề án, Trung ương và tỉnh chưa điều tra, khảo sát thực trạng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến có phần chủ quan, nóng vội khi mua sắm trang bị máy móc hiện đại, chưa xây dựng các cơ sở kết cấu hạ tầng đi kèm như: đường giao thông, cầu cống, nhà kho để máy móc thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật nên hiệu quả thực hiện để án chưa cao.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 12-3-1976, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về việc chỉ đạo lập quy hoạch và kế hoạch hợp nhất, mở rộng quy mô hợp tác xã nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất từ cơ sở trên địa bàn các huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lại sản xuất do đồng chí Phó Chủ tịch uỷ ban Hành chính tỉnh làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo tổ chức lại sản xuất của tỉnh đã tích cực hoạt động nhằm bố trí lại sản xuất một cách hợp lý theo hướng thâm canh sản xuất lớn để tăng nhanh năng suất lao động, từng bước thực hiện phân công lao động mới, tăng cường quan hệ sản xuất, nâng cao đời sống xã viên. Trên cơ sở kết quả thí điểm ở một số hợp tác xã, hầu hết các huyện đều tiến hành hợp nhất các hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã quy mô toàn xã. Đến cuối năm 1976, có 218 hợp tác xã nhỏ hợp lại thành 77 hợp tác xã lớn. Các hợp tác xã sau khi hợp nhất đã xác định rõ phương hướng sản xuất, bước đầu đi vào sản xuất nền nếp. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về sản xuất lớn nên một số hợp tác xã hợp nhất quy mô quá lớn, không phù hợp với trình độ và khả năng tổ chức quản lý, hiệu quả sản xuất không cao.
Nhằm giúp các huyện chỉ đạo chặt chẽ các ngành kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp và các hợp tác xã, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập các cụm kinh tế - kỹ thuật ở các huyện. Cuối năm 1976, có 54 cụm kinh tế - kỹ thuật hình thành ở các huyện trong tỉnh. Mỗi cụm gồm từ 5 đến 10 hợp tác xã trên cùng một khu dân cư tập trung, có bán kính từ 3-4 km, diện tích 3.000 - 5.000 ha, do đồng chí Thường vụ Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo. Các hợp tác xã đã tổ chức các đội chuyên làm giống, chăn nuôi, làm đất...; phân định lại ruộng đất cho các đội sản xuất, phân vùng chuyên canh lúa, màu, cây công nghiệp... thành lập thêm các tổ, đội ngành nghề và mua sắm thêm công cụ sản xuất; xây dựng hệ thống nhà kho, sân phơi theo quy mô tập trung và xây dựng một số công trình phục vụ đời sống nhân dân. Các hợp tác xã đã tiến hành đại hội xã viên thông qua phương án sản xuất và bầu ban quản trị mới.
Do sự tập trung chỉ đạo, đầu tư có hiệu quả vật tư, kĩ thuật nên năng suất và sản lượng lúa chiêm xuân năm 1976 của tỉnh đạt kết quả tốt. Huyện Nam Ninh cấy 14.277 ha, đạt 106,9% kế hoạch, năng suất 38,09 tạ/ha, đạt 115,4% kế hoạch sản lượng 54.394 tấn, đạt 123,4% kế hoạch. Huyện Xuân Thuỷ cấy 13.082 ha, đạt 103% kế hoạch, năng suất 39,92 tạ/ha đạt 119% kế hoạch, sản lượng 52.233 tấn, đạt 112,7% kế hoạch. Có 19 hợp tác xã đạt năng suất trên 5 tấn/ha. Nhiều hợp tác xã ở huyện Xuân Thuỷ tổ chức sản xuất tốt, tiêu biểu như Hợp tác xã Xuân Tiến, năng suất đạt 65,63 tạ/ha Hợp tác xã Hành Thiện, năng suất đạt 65,25 tạ/ha.
Đi đôi với bố trí lao động tại chỗ, tạo ra bước phát triển trong nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đưa nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên và Hoàng Liên Sơn. Sáu tháng đầu năm 1976, toàn tỉnh đã huy động 2000 hộ gồm 11.347 nhân khẩu đi xây dựng vùng kinh tế mới, tiêu biểu là huyện Nam Ninh, Nghĩa Hưng; riêng huyện Nam Ninh có 592 hộ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, do tỉnh chưa chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và sinh hoạt nơi ở mới nên bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới còn rất khó khăn, có trường hợp phải bỏ về quê cũ.
Phong trào trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ, mừng Tổ quốc thống nhất, mừng tỉnh mới Hà Nam Ninh” phát triển mạnh. Toàn tỉnh đã trồng được 21 triệu cây các loại, vượt 20% kế hoạch. Cây công nghiệp, rau màu phục vụ cho sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được mở rộng. Bảy tháng đầu năm 1976, toàn tỉnh thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước 228 tấn cói, 30 tấn kén tằm. Cây công nghiệp được trồng nhiều ở các địa phương như cói ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu, lạc ở Nam Ninh, Ý Yên, Vụ Bản.
Trước yêu cầu của thời kỳ mới, Đảng bộ luôn coi trọng công tác xây dựng đảng. Thực hiện Chỉ thị số 192-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng, đến tháng 3-1976, tỉnh đã tiến hành xử lý 13.259 đảng viên sai phạm. Qua việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, nhận thức và hành động của đảng viên có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch về chính trị, vững mạnh về tổ chức.
Thực hiện Chỉ thị số 240-CT/TW ngày 6-10-1976 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 26-CT/TU chỉ đạo các đảng bộ huyện, thành phố, thị xã và các đảng bộ trực thuộc tiến hành đại hội để kiểm điểm đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hai năm 1975-1976 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố xây dựng đảng bộ, chính quyền thời kỳ tiếp theo.
Sau khi hoàn thành việc chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc tổ chức đại hội, từ ngày 10 đến 21-11-1976, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I (vòng 1). Dự Đại hội có 700 đại biểu thay mặt cho hơn 102.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội vinh dự được đón đoàn đại biểu Trung ương do đồng chí Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn đầu về dự và ứng cử bầu làm đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.
Đại hội đã nghiên cứu Đề cương Báo cáo chính trị, Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) của Ban Chấp hành Trung ương; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV gồm 41 đại biểu chính thức (trong đó có 9 đại biểu của Trung ương) và 4 đại biểu dự khuyết.
Trong bảy ngày, từ ngày 14 đến 20-12-1976, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Đại hội đã xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa... xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội”. Đại hội vạch ra đường lối kinh tế và phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ năm 1976 đến năm 1980 nhằm hai mục tiêu cơ bản: vừa đảm bảo nhu cầu đời sống nhân dân, vừa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành công của Đại hội đã mang lại niềm tin tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh đối với sự lãnh đạo của Đảng, với tương lai đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 24-1-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU về công tác tuyên truyền giáo dục Nghị quyết Đại hội IV của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp tiến hành, đồng thời phân công trách nhiệm cho các cấp ủy đảng chỉ đạo tổ chức thực hiện, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Năm 1977, các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai sâu rộng việc nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội IV của Đảng theo từng chương trình phù hợp với từng đối tượng. Trường Đảng của tỉnh đã tổ chức cho 3.613 cán bộ dự các lớp nghiên cứu Nghị quyết Đại hội IV của Đảng. Toàn thể cán bộ, đảng viên đều tham gia nghiên cứu nghị quyết. Qua đợt học tập, sinh hoạt chính trị, nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng bộ và nhân dân được nâng lên, tăng cường sự đoàn kết nhất trí, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nghị quyết Đại hội IV của Đảng và thực tiễn những năm đầu hợp nhất tỉnh là điều kiện quan trọng giúp Đảng bộ tỉnh xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội lần thứ I (vòng 2) của Đảng bộ.
Từ ngày 21 đến ngày 27-4-1977, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (vòng 2) được tổ chức trọng thể tại Nhà hát 3-2 thành phố Nam Định, về dự Đại hội có 700 đại biểu. Đại hội được đón đoàn đại biểu Trung ương do đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn đầu về dự. Đồng chí đã phát biểu, nhấn mạnh Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì điều kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, làm tốt công tác xây dựng đảng và tăng cường đoàn kết hơn nữa. Đồng chí chỉ rõ, toàn Đảng bộ và các cấp cần xây dựng tác phong mới, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong điều kiện mới đi sâu, đi sát cơ sở, đặc biệt là học tập kinh nghiệm của những huyện điển hình trong phong trào thi đua.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ I, vòng 2, tháng 4-1977.
Trong bảy ngày làm việc, Đại hội đã nghe thông báo kết quả và nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng; thảo luận Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ sau hơn một năm hợp nhất, phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 1976-1980 và nhiệm vụ hai năm 1977-1978. Đại hội nhận định sau hơn một năm hợp nhất (tháng 12-1975 đến tháng 4-1977), Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, giành thắng lợi lớn về nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên đà phát triển. Thắng lợi về sản xuất nông nghiệp là sự thể hiện kết quả của việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp.
Đại hội xác định nhiệm vụ của Đảng bộ trong giai đoạn mới là: Tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thế của nhân dân lao động, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, lấy cơ khí hoá làm khâu trung tâm; tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý kinh tế theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nhằm khai thác tốt mọi tiềm lực về lao động, đất đai, tài nguyên, phát huy thế mạnh của ba vùng kinh tế trong tỉnh; ra sức đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, trước hết là giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm và phân bổ, sử dụng lao động; nhanh chóng hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, bảo đảm kết hợp chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp, kinh tế Trung ương với địa phương, tiêu dùng trong tỉnh với đóng góp cho Nhà nước và xuất khẩu, kinh tế và quốc phòng; phấn đấu xây dựng Hà Nam Ninh sớm trở thành một tỉnh công - nông nghiệp, có quốc phòng địa phương vững mạnh, có đời sống vật chất, văn hoá phong phú, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh khoá I gồm 39 ủy viên, trong đó có 35 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị lần thứ nhất (từ ngày 10 đến 14-5-1977), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Phan Điền được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Soạn làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Tạ Quang làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.
Đại hội lần thứ I (vòng 2) Đảng bộ tỉnh là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, khẳng định sự đoàn kết, thống nhất ý kiến của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Thành công của Đại hội tạo ra những thuận lợi mới để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vững bước tiến vào giai đoạn phát triển tiếp theo, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng tỉnh vững mạnh toàn diện.
Sau Đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 01 NQ/TU ngày 18-6-1977 về việc tiếp tục học tập Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, phổ biến quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Thực hiện Nghị quyết số 125-CP ngày 27-4-1977 của Hội đồng Chính phủ về hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện, thị xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 01-CT/TU về tiến hành hợp nhất một số huyện, thị xã và thành lập Ban chỉ đạo hợp nhất các huyện, thị xã trong tỉnh. Theo đó, 9 xã của thành phố Nam Định nhập vào huyện Bình Lục. Khu vực Nam Định cơ bản vẫn giữ nguyên 6 huyện, gồm: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Ninh, Hải Hậu, Xuân Thủy, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, ngày 15-11-1977, Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh (khoá I) ra Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp. Nghị quyết xác định: Tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của các cấp bộ Đảng, công tác quản lý của chính quyền các cấp; và nêu nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện là: Tích cực xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học - kỹ thuật làm then chốt. Ra sức củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, nắm vững việc đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, tăng cường và cải tiến công tác tổ chức quản lý, chế độ quản lý và bộ máy quản lý; gắn liền với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất, hoàn chỉnh và nâng cao công tác thuỷ lợi; tăng cường và áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước thực hiện cơ khí - điện khí hoá; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ văn hoá, kỹ thuật cho quần chúng, xây dựng con người mới, gia đình văn hoá mới, nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
Để “Chiến dịch Hà Nam Ninh” tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, Tỉnh ủy phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi như “Đồng khởi thi đua xã hội chủ nghĩa tiến quân mạnh mẽ vào chiến dịch Hà Nam Ninh đợt 2”; phát động “Cuộc tiến công 25 ngày đêm giành vụ mùa, vụ đông toàn thắng” trong “Chiến dịch Hà Nam Ninh” đợt 3, phấn đấu đạt 94 vạn tấn lương thực trong năm 1977, một triệu tấn lương thực trong năm 1978... Qua ba đợt phát động, năm 1978, Tỉnh ủy mở Hội nghị Sơ kết “Chiến dịch Hà Nam Ninh”, đánh giá kết quả đạt được trên mặt trận sản xuất nông nghiệp.
Năm 1978, do ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, bão lũ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng. Vụ chiêm xuân năm 1978, rét đậm kéo dài làm chết hàng vạn hécta mạ mới gieo, vụ mùa năm 1978, mưa lớn gây úng lụt nhiều địa phương, làm mất trắng 16% diện tích lúa, làm hư hại hàng vạn hécta lúa và hoa màu, nhiều nơi, tính mạng và tài sản nhân dân bị đe doạ. Trước tình hình đó, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh thâm canh, chuyên canh tăng vụ và mở rộng diện tích canh tác, phát huy khả năng đến mức cao nhất để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Tỉnh chỉ đạo các huyện tăng cường đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, hướng dẫn bà con xã viên kỹ thuật chăm bón giống lúa mới, mang lại năng suất cao. Ba năm 1976-1978 diện tích gieo trồng tăng 8,6%/năm so với ba năm 1973-1975. Qua các phong trào thi đua sản xuất, nhiều điển hình mới xuất hiện như huyện Hải Hậu, Xuân Thủy, Nam Ninh, năng suất lúa cả năm đạt gần 7 tấn/ha; hợp tác xã Xuân Tiến (Xuân Thuỷ) đạt trên 10 tấn/ha; hợp tác xã Giao An (Xuân Thuỷ) đạt 7,4 tấn/ha; hợp tác xã Hải Quang Hải Bắc (Hải Hậu) duy trì năng suất 5,5-5,9 tấn/ha và hàng trăm hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ha.
Đi đôi với phát triển nông nghiệp, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển, đảm bảo cung cấp một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong “Chiến dịch Hà Nam Ninh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ngày 12-12-1978, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết số 18-NQ/TU phát động “Chiến dịch Trần Hưng Đạo”. Chiến dịch được triển khai trong hai năm 1979-1980, động viên toàn Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ tình hình, nhiệm vụ của đất nước, của địa phương, nêu cao tính tự lực, tự cường, phát huy mọi khả năng về lao động, đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật, tập trung giải quyết tốt vấn đề lương thực và thực phẩm, ra sức phát triển hàng tiêu dùng, nguyên liệu cho công nghiệp và các mặt hàng xuất khẩu...; phát động một cao trào sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ vững chắc địa phương, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ hai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng.
Thực hiện các mục tiêu của chiến dịch, nhân dân trong tỉnh đã hăng hái thi đua sản xuất. Sáu tháng đầu năm 1980, tuy thời tiết diễn biến phức tạp, trên 4 vạn hécta đất trồng trọt thiếu nước nhưng sản xuất vụ đông năm 1979- 1980 đã trở thành vụ chính. Cây hoa màu và cây công nghiệp được tỉnh chú trọng chỉ đạo phát triển, toàn tỉnh trồng được 34.573 ha cây hoa màu, tăng 2 lần so với năm 1976 và tăng 1,5% so với năm 1978; trong đó có 15.106 ha khoai tây, 10.793 ha khoai lang; tổng sản lượng hoa màu đạt 15 vạn tấn. Các hợp tác xã trồng cây vụ đông đạt 50- 70% diện tích canh tác là Yên Nhân (Ý Yên); Liên Minh, Thành Lợi (Vụ Bản). Bước đầu hình thành hai hợp tác xã vành đai trồng rau quanh thành phố Nam Định. Tuy nhiên, cây công nghiệp chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên diện tích, năng suất bị sụt giảm. Năm 1979 so với năm 1978, diện tích lạc giảm 3,9%, năng suất giảm 2,9%, sản lượng giảm 4,9%; diện tích mía đạt 100,4%, năng suất giảm 2,9%, sản lượng giảm 2,4%. Vụ chiêm xuân năm 1980, tổng sản lượng màu quy thóc vẫn đạt mức trung bình so với các năm. Một số huyện vẫn giữ được truyền thống thâm canh tăng năng suất đạt 3 tấn/ha/vụ như Hải Hậu. Những cố gắng và kết quả trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần thiết thực giải quyết khó khăn về lương thực của nhân dân trong tỉnh.
Phong trào trồng cây trong nhân dân tiếp tục phát triển. Năm 1979, toàn tỉnh trồng 19 triệu cây, đạt 72,8% kế hoạch năm. Phong trào trồng tre ven biển, trồng cây làm nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu vẫn được duy trì. Nhiều nơi đã xây dựng vườn cây ăn quả, vườn cây Bác Hồ. Các huyện làm tốt phong trào trồng cây là huyện Xuân Thủy, Hải Hậu.
Sau khi triển khai thực hiện cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý nông nghiệp, cải tiến quy mô hợp tác xã theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, các huyện đã tiến hành hợp nhất các hợp tác xã; số hợp tác xã toàn xã, hợp tác xã liên thôn tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, do quy mô hợp tác xã quá lớn so với khả năng quản lý, trình độ kỹ thuật, nhiều mục tiêu đề ra không thể thực hiện được, sản xuất kém hiệu quả. Do vậy, từ năm 1979, Tỉnh ủy chỉ đạo cải tiến lại hợp tác xã, những hợp tác xã quá lớn sẽ chia tách và chỉ đạo làm điểm ở hợp tác xã Đồng Sơn (Nam Ninh). Đây là hợp tác xã quy mô lớn trên 1.000 ha, được chia thành 3 hợp tác xã. Các hợp tác xã đã tiến hành đại hội xã viên, kiện toàn ban quản trị. Song quá trình tổ chức lại quy mô hợp tác xã diễn ra chậm. Nguyên nhân do trình độ quản lý của cán bộ yếu kém, một số có tư tương chần chừ, ngại khó khăn, không muốn thay đổi.
Từ năm 1980, Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý ở các hợp tác xã trong các cụm điểm kinh tế, gắn liền với phân cấp cho cấp huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn ba cụm làm điểm ở ba khu vực. Khu vực Nam Định có cụm 3/2 với diện tích 3.518 ha của huyện Nam Ninh. Các hợp tác xã ở cụm 3/2 đã lấy việc thâm canh lúa làm ngành sản xuất chính; chăn nuôi lợn, phát triển ngành nghề là ngành sản xuất bổ sung; chuyển dần từng bước chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính, ở các cụm điểm, bước đầu thực hiện phương thức liên doanh trong sản xuất. Đây là một hình thức tổ chức mới, làm cơ sở định hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Việc phân vùng quy hoạch các hợp tác xã điểm phù hợp với việc phân vùng quy hoạch của tỉnh. Phương hướng sản xuất của từng cụm hợp tác xã được xác định phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương. Từ kết quả làm điểm, tỉnh đã tổng kết và triển khai trên địa bàn các huyện.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề làm thử chế độ phân phối mới ở hợp tác xã nông nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo làm điểm ở hai huyện: Tam Điệp và Vụ Bản. Hợp tác xã Trung Thành và Đại Thắng (Vụ Bản) là điển hình làm tốt chế độ phân phối mới. Đó là chính sách phân phối theo định suất, định lượng và phân phối theo lao động. Nhưng trong quá trình thực hiện, cách phân phối này bộc lộ nhiều hạn chế, không mang lại hiệu quả như mong muốn. Do vậy, từ năm 1979 Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành xoá bỏ phân phối theo định suất, định lượng, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời chú ý tăng phúc lợi xã hội.
Trong quản lý, điều hành, do duy trì quá lâu mô hình hợp tác xã nông nghiệp theo phương thức quản lý tập trung, quy mô lớn, chế độ “khoán việc” không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Các định mức khoán chưa thích hợp thiếu kiểm tra, nghiệm thu, thưởng phạt không công bằng dẫn tới tình trạng “rong công, phóng điểm” đã hạn chế nhiệt tình sản xuất của nông dân, dẫn đến mâu thuẫn giữa lợi ích của người nông dân và lợi ích của toàn xã hội.
Để khắc phục bất cập trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện Thông báo số 22-TB/TW ngày 22-10-1980 của Ban bí thư Trung ương về một số công tác trước mắt trong việc củng cố hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng huyện đồng bằng và trung du miền Bắc, Tỉnh ủy ra nghị quyết chỉ đạo các huyện tiến hành làm thử khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn 9 hợp tác xã làm điểm: Hợp tác xã Nam Hải (Nam Ninh), Khánh Lão (Vụ Bản), Yên Khánh (Ý Yên). Tây Phú (Nghĩa Hưng), Lộc An (thành phố Nam Định), Giao Hương, Giao Hà, Xuân Hồng (Xuân Thuỷ), Hải Nam (Hải Hậu). Kết quả làm điểm đã khẳng định phương thức khoán mới tạo điều kiện cho người nông dân bước đầu chủ động trong sản xuất, gắn lao động của xã viên với kết quả cuối cùng của sản xuất, đem lại lòng tin cho hộ xã viên. Từ kết quả làm điểm, Tỉnh ủy triển khai hình thức khoán mới trên diện rộng. Trong tổng số 564 hợp tác xã, có 116 hợp tác xã thực hiện hình thức khoán sản phẩm 100% diện tích; 180 hợp tác xã khoán sản phẩm một phần diện tích; 264 hợp tác xã khoán sản phẩm cho nhóm lao động. Huyện làm tốt công tác khoán này là Xuân Thuỷ với 36/41 hợp tác xã.
Chăn nuôi là ngành sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp nhưng do kết quả sản xuất vụ mùa 1975 thấp nên năm 1976, ngành chăn nuôi của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tổng đàn lợn đến thời điểm tháng 10-1976 có 706.136 con, đạt 93,9% kế hoạch và bằng 95,5% so với năm 1975, trong đó đàn lợn tập thể đạt 119.156 con, bằng 90% so với năm 1975; đàn trâu đạt 97,5% kế hoạch. Tuy nhiên, do chăn nuôi tập thể thời gian này có xu hướng sụt giảm, cộng với ảnh hưởng của chiến tranh tác động, đến tháng 10-1979, đàn lợn có 673.445 con, trong đó, đàn lợn tập thể có 124.478 con. Đàn trâu tiếp tục sụt giảm, có 79.446 con, đạt 90% kế hoạch và 94% so với năm 1978. Nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở các huyện ven biển: Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Huyện Hải Hậu đã hình thành 21 cơ sở nuôi cá, bước đầu tự túc được giống, sản xuất có lãi, tăng thu nhập cho hợp tác xã Huyện Nam Ninh là lá cờ đầu đạt thành tích cao trong phong trào chăn nuôi của tỉnh, hằng năm, đàn lợn của huyện duy trì ở mức 18 đến 20 nghìn con.
Ngày 1-3-1979, tỉnh phát động phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”. Phong trào được triển khai rộng khắp tới các huyện, xã trong toàn tỉnh. Tỉnh ủy, uỷ ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo cải tạo hồ Tức Mặc (thành phố Nam Định) thành trung tâm “Ao cá Bác Hồ”. Sau khi hoàn thành việc cải tạo hồ, hợp tác xã Lộc Vượng đã thả 10 vạn con cá giống các loại. Các hợp tác xã điển hình trong phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” là: Hải Xuân (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Thuỷ), Chính Nghĩa, Nam Thái (Nam Ninh), Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), Yên Chính (Ý Yên), Hợp Hưng (Vụ Bản), Trường cấp III Lý Tự Trọng (Nam Ninh).
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống, tỉnh đã chú trọng chỉ đạo công tác xây dựng cơ bản. Năm 1979, toàn tỉnh khởi công xây dựng 30.000m2 nhà ở, đưa vào sử dụng 25.000m2 (có 2.000m2 nhà cao tầng), xây dựng 4.764m2 trường học, 1.450m2 bệnh viện, trạm y tế. Các huyện ở khu vực Nam Định tích cực xây dựng hệ thống thuỷ lợi ở vùng trọng điểm lúa Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nam Ninh và các vùng trọng điểm kinh tế của huyện Nam Ninh, thành phố Nam Định. Tỉnh triển khai đắp đê sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ, nạo vét hàng triệu mét khối đất, khơi thông kênh mương; xây dựng quy hoạch thành phố Nam Định, tập trung xây dựng cụm kinh tế 3/2 ở Nam Ninh.
Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng vùng kinh tế mới, năm 1977, Ban kinh tế mới và Ban chỉ đạo kinh tế B đã hợp nhất và lấy tên là Ban kinh tế mới, trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh. Ngày 19-4-1978, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 13-NQ/TU chỉ đạo đẩy mạnh cuộc vận động khai hoang mở rộng diện tích, xây dựng vùng kinh tế mới, đồng thời chỉ đạo các huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhân dân xây dựng vùng kinh tế mới đạt kết quả tốt. Từ năm 1976 đến 1979, tỉnh lập thêm các xã mới vùng ven biển gồm: Nghĩa Điền, Nam Điền (Nghĩa Hưng) và Hải Thịnh (Hải Hậu).
Cùng với việc phân bổ lại dân cư trên địa bàn, tỉnh chỉ đạo tiếp tục cuộc vận động đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh Tây Nguyên và Trung du, miền núi phía Bắc. Qua 4 năm thực hiện (1976-1979), các huyện, thành phố thuộc khu vực Nam Định đã đưa 6.476 hộ với tổng số 49.568 nhân khẩu đi xây dựng vùng kinh tế mới. Các huyện làm tốt công tác này là: Nam Ninh, Xuân Thuỷ, Hải Hậu. Tại các vùng kinh tế mới, nhân dân ra sức khai hoang, phục hoá, xây dựng nhà cửa, ổn định đời sống, tập trung phát triển kinh tế. Chính sách khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới góp phần phân bổ lại dân cư lao động hợp lý hơn, giảm sức ép dân số ở các vùng nông thôn đông dân cư, mở rộng diện tích đất đai canh tác, hình thành nên những đơn vị hành chính mới.
Đi đôi với sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từng bước được tổ chức lại theo hướng tập trung chuyên môn hoá, hợp tác hoá sản xuất giữa các ngành và xí nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kĩ thuật ngày càng tăng.
Thực hiện Chỉ thị số 97-CT/TTg ngày 27-3-1979 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 5-4-1979 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường chỉ đạo cải tiến quản lý thực hiện Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, sau khi làm điểm ở 4 xí nghiệp, tỉnh đã mở rộng ra 31 xí nghiệp và 5 công ty. Phong trào thi đua lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất tăng năng suất, sản lượng ở các xí nghiệp, nhà máy diễn ra sôi nổi. Tiêu biểu như Xí nghiệp gạch Nam Định đã liên hệ với Xí nghiệp vận tải lương thực, Công ty điện lực tiến hành cải tiến quản lý xí nghiệp, sửa đổi lại định mức kinh tế, chấn chỉnh khâu bảo quản, giao nhận nên tiết kiệm hàng chục tấn xăng dầu, hàng nghìn tấn than và nhiều vật tư xây dựng. Trong điều kiện thiếu nguyên liệu, một số xí nghiệp mạnh dạn đưa ra sáng kiến tận dụng nguồn nguyên liệu phế thải, khai thác nguyên liệu địa phương để duy trì sản xuất như: Xí nghiệp giấy Nam Định, Xí nghiệp sản xuất chăn bông Nam Định.
Nhằm phát triển hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân, năm 1980, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Ban Kinh tế - Kế hoạch và Ban Công nghiệp, đồng thời chỉ đạo chú trọng sản xuất tư liệu phục vụ nông nghiệp. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành công nghiệp trong tỉnh đã tập trung sản xuất các mặt hàng thiết thực phục vụ cho nông nghiệp. Trong số 80 mặt hàng chủ yếu, có 30 mặt hàng phục vụ nông nghiệp, nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn cao như phụ tùng máy kéo, máy bơm...
Song song với việc đẩy mạnh xây dựng công nghiệp quốc doanh, ngành tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt ngành nghề thủ công trong nông nghiệp cũng được mở rộng. Nhiều hợp tác xã phát triển tiểu thủ công nghiệp đạt giá trị kinh tế từ 2-4 triệu đồng, chiếm 40-60% giá trị kinh tế công nghiệp của xã như: Hải Vân (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Thuỷ)... Tổng sản lượng công nghiệp trong ba năm 1977-1979 so với ba năm 1974-1976, bình quân mỗi năm tăng 31%. Năm 1979 toàn tỉnh có 7 huyện đạt giá trị sản lượng công nghiệp 10 triệu đồng trở lên. Riêng huyện Nam Ninh và thành phố Nam Định, mỗi đơn vị đạt gần 40 triệu đồng. Phong trào thi đua trong công nghiệp đã xuất hiện những điển hình tiên tiến như: Xí nghiệp cơ khí Nam Hà, Hợp tác xã cơ khí thủ công nghiệp Tân Tiến (Nam Ninh), Xí nghiệp gạch ngói Nam Ninh... Những điển hình tiên tiến đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý về xây dựng công nghiệp địa phương, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Khu vực Nam Định đã hình thành trung tâm công nghiệp ở thành phố Nam Định và trung tâm tiểu thủ công nghiệp là huyện Nam Ninh. Thành phố Nam Định vẫn giữ vững vị trí lá cờ đầu trong ngành dệt may của miền Bắc. Thành phố đầu tư xây dựng nhiều xí nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành công nghiệp nặng phục vụ phát triển kinh tế địa phương và đời sống nhân dân.
Trong điều kiện tình hình sản xuất và hàng hoá giảm, nhiều công ty thương nghiệp và cửa hàng ăn uống quốc doanh đã mở rộng quan hệ liên doanh, liên kết với tỉnh bạn, khai thác nông sản, thực phẩm, tăng thêm nguồn hàng phục vụ nhân dân. Ngành thương nghiệp còn tăng thêm các điểm mậu dịch, phát triển thêm nhiều quầy hàng rau, thực phẩm, mở rộng hình thức đưa hàng hoá vào các tiểu khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp, phân phối thông qua các hợp tác xã tiêu thụ; nhận đặt hàng cho các gia đình chính sách; thay đổi giờ bán hàng cho phù hợp với thời gian làm việc của cán bộ, nhân dân. Từ tháng 8-1979, Chính phủ ban hành quyết định bãi bỏ các trạm kiểm soát mang tính “ngăn sông, cấm chợ”, cho phép lưu thông hàng hoá. Quyết định đó tạo điều kiện cho việc giao lưu hàng hoá, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp giữa các tỉnh với Hà Nam Ninh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I xác định xuất khẩu là hướng mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngày 3-6-1977, Tỉnh ủy mở hội nghị chuyên đề, chủ yếu bàn về tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng nông sản, hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Ngày 17-8-1978, Tỉnh ủy ra Thông báo số 41-TB/TU quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác xuất khẩu do đồng chí phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Trong 5 năm 1976-1980, tại các huyện và thành phố thuộc khu vực Nam Định, ngoài 156 hợp tác xã đang làm xuất khẩu, có thêm 53 hợp tác xã chuyển sang làm xuất khẩu; 18 hợp tác xã có doanh số xuất khẩu từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, 5 hợp tác xã đạt doanh thu từ 500.000 đồng trở lên. Hợp tác xã Xuân Hồng (Xuân Thuỷ) là đơn vị đạt doanh thu cao nhất (trên một triệu đồng).
Thực hiện Nghị quyết số 251-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường đoàn kết giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào, tỉnh chính thức ký kết quan hệ hợp tác với tỉnh Uđômxay của Lào. Trong hai năm 1979-1980, tỉnh đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật gồm 21 người, 100 công nhân Công ty xây dựng số 3 sang Uđômxay giúp tỉnh bạn xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; triển khai kế hoạch khảo sát xây dựng thị xã Mường Xây, khởi công xây dựng đập Thẩm Nương, xây nhà văn hoá, đài phát thanh... Tỉnh đã viện trợ số lượng hàng hoá trị giá 271.802 đồng; tỉnh bạn viện trợ lại số hàng trị giá 29.689 đồng. Tháng 4-1980, đoàn đại biểu Uđômxay sang thăm hữu nghị tỉnh Hà Nam Ninh. Đoàn đã đi thăm huyện Hải Hậu. Hai bên tiến hành trao đổi, phối hợp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá đạt kết quả tốt. Việc thiết lập quan hệ đối tác giữa hai tỉnh Hà Nam Ninh và Uđômxay thể hiện tình đoàn kết hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc, hai quốc gia, sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và tăng thêm điều kiện khai thác, phát huy nguồn lực, phát triển kinh tế.
Để hoạt động tài chính, ngân hàng phát huy hiệu quả, ngày 28-6-1976, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 19-CT/TU về lãnh đạo công tác ngân hàng phục vụ nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng cường quản lý kinh tế tài chính. Thi hành chủ trương của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất lưu thông một loại tiền tệ trong cả nước, từ ngày 3 đến ngày 6-5-1978, tỉnh đã triển khai và hoàn thành công tác thu đổi tiền. Kết quả đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hoá giữa Hà Nam Ninh với các tỉnh trong cả nước. Ngành ngân hàng tích cực chủ động cho các hợp tác xã vay vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện quản lý thu, chi tài chính chặt chẽ, đảm bảo tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, do không đảm bảo nguồn thu, trong khi nguồn chi quá lớn, nên tình hình tài chính còn gặp nhiều khó khăn. Cơ chế bao cấp tập trung làm nảy sinh tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Việc huy động vốn gặp rất nhiều khó khăn, lạm phát gia tăng, giá cả đắt đỏ.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội luôn được Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Ngày 22-12-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 11-NQ/TU về công tác văn hoá, văn nghệ và thông tin. Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ công tác văn hoá thông tin là phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhân dân; phát triển mạnh mẽ, toàn diện sự nghiệp văn hoá, góp phần phát huy những truyền thống tốt đẹp của con người Hà Nam Ninh, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, giáo dục tinh thần làm chủ tập thể, ý thức lao động và giác ngộ cách mạng; đồng thời coi trọng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chuyên môn văn hoá; xây dựng nền nghệ thuật dân tộc, xã hội chủ nghĩa. Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới có nhiều tiến bộ. Ngành văn hoá đã chỉ đạo nhân dân tự giác thực hiện việc cưới, việc tang theo tinh thần tiết kiệm, giản dị mà vẫn giữ thuần phong mỹ tục, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; tổ chức xây dựng Bảo tàng lịch sử của tỉnh, Bảo tàng huyện Hải Hậu, huyện Nam Ninh và nhà truyền thống ở một số địa phương. Hoạt động văn hoá thông tin diễn ra sôi nổi, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, bầu cử Quốc hội thống nhất, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, lần thứ hai... Huyện Hải Hậu được Bộ Văn hoá thông tin tặng danh hiệu “Lá cờ đầu về phong trào văn hoá thông tin cấp huyện” toàn quốc lần thứ hai. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-1977) và 32 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 - 2-9-1977), Tỉnh ủy đã khởi công xây dựng “Ao cá Bác Hồ” và “Đồi anh hùng” trong khu công viên văn hoá Tức Mặc (thành phố Nam Định). Đây là công trình văn hoá có ý nghĩa chính trị sâu sắc nhằm giáo dục truyền thống cách mạng; thế hiện lòng biết ơn vô hạn của nhân dân đối với Bác Hồ, Đảng, Nhà nuớc và các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh.
Từ ngày 19 đến ngày 21-7-1977, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức đại hội thành công. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng sáng tác, coi trọng nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.
Nhằm tăng cường phong trào luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ cho cán bộ và nhân dân, góp phần xây dựng con người mới phát triển toàn diện, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 13-CT/TU về công tác thể dục, thể thao trong tình hình mới. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, công tác thể dục thể thao của tỉnh có nhiều tiến bộ. Toàn tỉnh có 130 đơn vị đạt danh hiệu tiên tiến, đơn vị điển hình là xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng), Trường cấp III Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định). Tuy nhiên, công tác thể dục thể thao của tỉnh chưa trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, phát triển không đồng đều, chưa vững chắc và chất lượng chưa cao.
Để không ngừng chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, ngày 5-9-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị về tăng cường công tác giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu nguyên lý giáo dục của Đảng; đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” theo gương các điển hình tiên tiến; phát triển sự nghiệp giáo dục một cách cân đối, vững chắc, đồng bộ theo tinh thần phổ cập các ngành học, cấp học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để đào tạo lớp người lao động mới; chuẩn bị tích cực mọi mặt cho cải cách giáo dục; hướng mọi hoạt động của nhà trường vào việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống mới.
Chủ tịch Trường Chinh xem sa bàn Hải Hậu kháng chiến tại Bảo tàng huyện Hải Hậu. Ảnh tư liệu Bảo tàng Nam Định
Các địa phương tập trung xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Năm học 1977-1978, toàn tỉnh đã làm mới 704 phòng học bằng gạch ngói và 290 phòng học bằng tre nứa, có 36 xã hoàn thành trường học cao tầng. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên, mở rộng các loại hình đào tạo, tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng. Năm học 1977-1978, toàn tỉnh có 24.645 giáo viên; số học sinh mẫu giáo là 119.769 em, đạt 118% kế hoạch; học sinh cấp I là 339.217 em, đạt 98,6% kế hoạch; học sinh cấp II là 225.827 em, đạt 95,1% kế hoạch; cấp III là 40.883 em, đạt 94,6% kế hoạch; học viên bổ túc văn hoá nông thôn là 48.825 người, đạt 80,7% kế hoạch; học viên bổ túc văn hoá thành phố là 6.830 người, đạt 89% kế hoạch. Năm 1977, tỉnh tổ chức sơ kết chiến dịch “Ánh sáng văn hoá”, xoá mù chữ cho 1.990 đoàn viên, thanh niên; triển khai phong trào vừa học, vừa làm ở 33 xã của huyện Hải Hậu và 31 xã của huyện Nam Ninh.
Chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ, đặc biệt là năm học 1977-1978, tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp cấp I, II đạt 96%; Cấp III đạt 94%. Bốn đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi toàn miền Bắc cấp I, cấp II đều đoạt giải, trong đó có 2 giải nhất, 1 giải nhì; ngoài ra có 22 giải cá nhân. Trường cấp III Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định), Trường cấp III Hải Hậu A; các trường cấp II Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), trường Giao Tiến (Xuân Thuỷ), trường Nam Thái (Nam Ninh)... vẫn giữ vững vị trí lá cờ đầu trong phong trào giáo dục của tỉnh.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được kết quả tốt. Tỉnh đầu tư và chỉ đạo ngành y tế xây dựng các phòng khám, trang bị phương tiện máy móc cho các bệnh viện, trạm y tế. Trong hai năm 1978-1979, tỉnh xây 16 phòng khám khu vực, 50 trạm y tế xã, mua thêm 390 giường bệnh, bình quân 16 giường bệnh/1 vạn dân. Phong trào thi đua thực hiện “5 dứt điểm” được đẩy mạnh, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, công tác khám chữa bệnh được bảo đảm, công tác y tế dự phòng được chú trọng, nhiều dịch bệnh được dập tắt kịp thời; nhân dân được khám chữa bệnh miễn phí. Phong trào trồng cây thuốc nam được mở rộng ở các địa phương, điển hình là huyện Vụ Bản, Hải Hậu. Các huyện và thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nhiều cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, xã viên hợp tác xã hưởng ứng thực hiện các biện pháp tránh thai có hiệu quả. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh giảm từ 3,67% năm 1975 xuống 2% năm 1979. Riêng huyện Vụ Bản năm 1979 đạt chỉ tiêu tăng dân số tự nhiên dưới 1,5%. Năm 1976, ngành y tế tỉnh đã mở hội nghị tổng kết phong trào nghiên cứu khoa học 5 năm (1971-1976), có 130 đề tài khoa học được ứng dụng phục vụ chữa bệnh. Nhờ đó, sức khoẻ nhân dân được đảm bảo, không có dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng.
Là tỉnh hợp nhất, có tới 16% số dân theo đạo Thiên Chúa, thấm nhuần quan điểm đoàn kết tôn giáo của Đảng ngày 7-1-1978, Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về công tác tôn giáo trong giai đoạn mới, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách đoàn kết tôn giáo, vận động bà con sống tốt đời đẹp đạo hướng các hoạt động tôn giáo vào việc phát triển văn hoá lành mạnh, vì lợi ích chung của toàn dân tộc. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được quy ước hoạt động tôn giáo trong các vùng có đông đồng bào theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa; tuyên truyền cho bà con có đạo hiểu về đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng, nâng cao cảnh giác cách mạng; đoàn kết các tôn giáo, tạo nên sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác an ninh trật tự được coi trọng, phong trào xây dựng “Tổ an ninh nhân dân” phát triển mạnh mẽ. Tháng 2-1977, Ty Công an Hà Nam Ninh đã triển khai làm điểm xây dựng “Tổ an ninh nhân dân” ở xã Chính Nghĩa, huyện Nam Ninh. Sau một thời gian ngắn, xã Chính Nghĩa đã xây dựng được 156 “Tổ an ninh nhân dân”. Đến tháng 10-1977, huyện Nam Ninh đã xây dựng được 3.433 “Tổ an ninh nhân dân”. Từ kết quả, kinh nghiệm của huyện Nam Ninh, Ty Công an tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình “Tổ an ninh nhân dân” trong toàn tỉnh, mở các lớp bồi dưỡng về chức năng, nhiệm vụ cho tổ trưởng “Tổ an ninh nhân dân”. Đến tháng 11-1978, toàn tỉnh đã xây dựng được 23.345 “Tổ an ninh nhân dân”. Các “Tổ an ninh nhân dân” đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tốt. Ý thức trách nhiệm của quần chúng được nâng lên. Quần chúng đã cung cấp cho cơ quan chức năng nhiều thông tin về hoạt động của bọn tội phạm để xử lý, góp phần giữ gìn tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phong trào xây dựng mô hình “Tổ an ninh nhân dân” của tỉnh được Bộ Nội vụ chỉ đạo tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm ra toàn quốc học tập.
Là tỉnh đông dân, đóng góp rất lớn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vì vậy, chính sách đối với gia đình bộ đội, quân nhân phục viên, gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công trong tỉnh được đặc biệt quan tâm. Từ năm 1975 đến năm 1979, toàn tỉnh có hàng vạn con em gia đình thương binh, liệt sĩ, ngươi tàn tật, người có công được tạo điều kiện giải quyết việc làm. Hơn 4.000 người được bố trí công tác ở các xã và các hợp tác xã, 25.000 người được sắp xếp vào làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp. Toàn tỉnh có 30 xã có nhà phụng dưỡng các mẹ liệt sĩ, những người mất sức không nơi nương tựa. Xã Đại Thắng (Vụ Bản) đã xây dựng khu vực điều dưỡng rộng 4 ha, gồm 20 gian nhà ở và khu vực tăng gia sản xuất. Các huyện Xuân Thuỷ, Ý Yên, Vụ Bản, thành phố Nam Định có nhiều cố gắng trong phong trào làm nhà, chăm sóc cho thương binh, đối tượng chính sách xã hội. Việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, chính sách xã hội ngày càng được Đảng bộ tỉnh quan tâm. Những hoạt động đó thể hiện đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ.
Từ sau khi đất nước được hòa bình, thống nhất, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.
Thực hiện âm mưu chống phá Việt Nam, những năm cuối thập kỷ 70, các thế lực thù địch bên ngoài và những phần tử xấu trong nước đã tung tin bịa đặt, dựng lên sự kiện “nại kiều”, dụ dỗ, cưỡng ép người Hoa rời bỏ Việt Nam về nước. Trên địa bàn tỉnh, nhất là thành phố Nam Định có nhiều người Hoa cư trú lâu đời, trong số đó, nhiều gia đình, nhiều người là công nhân, thợ kỹ thuật bậc cao, có kinh nghiện trong sản xuất, kinh doanh đã rời bỏ Việt Nam. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy kịp thời thành lập Ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề về người Hoa, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác vận động quần chúng làm cho bà con người Hoa nhận thức đúng đắn chính sách của Đảng và Nhà nước khẳng định người Hoa ở Việt Nam được hưởng mọi quyền lợi của công dân, được đối xử bình đẳng, được giúp đỡ tạo công ăn việc làm, nhà ở và phương tiện đi lại, sống trong tinh thần đoàn kết của đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng phấn đấu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, đồng thời đề cao cảnh giác, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Đa số người Hoa đã có chuyến biến tư tưởng tốt, ngày càng nhận thức đúng đắn, tiếp tục định cư ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người Hoa hoang mang rời bỏ Việt Nam về bên kia biên giới. Đến cuối năm 1979, tỉnh Hà Nam Ninh có 99 hộ, gồm 415 nhân khẩu người Hoa về Trung Quốc, thậm chí có một số phần tử có hành động quá khích, gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị - xã hội trong tỉnh.
Ở biên giới phía Tây Nam Tổ quốc, bọn phản động Pôn- pốt Iêngxary ở Campuchia đã tiến hành các hoạt động quân sự trắng trợn xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Ngày 21-4-1978 Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng vững mạnh. Nghị quyết nêu rõ: Kết hợp kinh tế với quốc phòng; tích cực xây dựng, tích luỹ tiềm lực quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh về mọi mặt, bao gồm lực lượng chính quy và dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 21-7-1978, chỉ đạo tăng cường công tác an ninh chính trị, trật tự xã hội trong tình hình mới.
Ngày 17-2-1979, chiến tranh nổ ra ở biên giới phía Bắc, đe dọa trực tiếp tới độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 17-3-1979, Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ra Nghị quyết số 20-NQ/TU về công tác bảo vệ an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lược với nhiệm vụ trọng tâm là:
- Nắm vững tình hình, chủ động tấn công và trấn áp địch trên địa bàn, củng cố quốc phòng vững chắc ở các vùng xung yếu trọng điểm.
- Đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở ba khu vực, đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và có nền nếp.
- Tăng cường công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ các lực lượng vũ trang và chuẩn bị căn cứ địa khi chiến tranh xảy ra.
- Tăng cường bảo vệ kinh tế, giữ gìn trật tự trong tình hình mới.
- Tăng cường xây dựng lực lượng công an nhân dân và các lực lượng bảo vệ.
Ngày 24-4-1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 620-NQ/TU thành lập Đảng bộ Sư đoàn dự nhiệm của tỉnh, bao gồm những cán bộ, đảng viên hiện đang công tác ở cơ quan tỉnh, huyện, thành, các cơ sở kinh tế, văn hóa trong tỉnh, thuộc diện quân nhân dự bị động viên của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định 11 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ sư đoàn, do đồng chí Nguyễn Trung Kiểu, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư.
Chấp hành lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước và chủ trương của Tỉnh ủy, các huyện, thành phố tích cực chủ động xây dựng lực lượng quốc phòng vững mạnh, triển khai thế trận quốc phòng toàn dân, sẵn sàng chiến đấu. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc sơ tán về địa phương, thu xếp chỗ ở, đi lại, đảm bảo an toàn cho đồng bào. Trước những biến động chính trị - xã hội, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thành tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến, quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên trong toàn thế cán bộ, đảng viên và nhân dân khơi dậy lòng yêu nước, nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng trấn áp, đập tan các thủ đoạn phá rối của các thế lực thù địch, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu trong hoàn cảnh mới. Thực hiện chỉ thị của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ tuyến biên phòng bờ biển, nhất là sau khi Chính phủ công bố các văn kiện về chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, lực lượng công an nhân dân vũ trang của tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện trên mặt trận bảo vệ an ninh địa phương như: xã Nam Chấn (Nam Ninh) là lá cờ đầu về trị an; phong trào “ba nhanh” ở xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng); hoạt động của tổ an ninh nhân dân ở các xã Hải Thịnh, Hải Chính (Hải Hậu)... Các cơ sở đánh cá như Xí nghiệp đánh cá Ninh Cơ, các hợp tác xã Hải Thịnh (Hải Hậu), Quất Lâm (Xuân Thuỷ), Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng)... được tổ chức thành các hải đoàn, các đội dân quân mạnh.
Song song với việc lãnh đạo thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng ủy quân sự tỉnh tập trung xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án phù hợp với tình hình địa phương, bảo đảm chủ động sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra; duy trì nghiêm chế độ tuần tra canh gác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn.
Công tác tuyển quân được thực hiện tốt, luôn đảm bảo 100% chỉ tiêu quân số được giao. Năm 1979, tỉnh tiến hành ba đợt tuyển quân đạt 100,85% chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều cán bộ, hạ sĩ quan chuyển ngành và phục viên về địa phương đã được động viên trở lại quân đội. Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi huyện xây dựng một trung đoàn dự nhiệm, mỗi hợp tác xã xây dựng từ 1 trung đội đến 3 đại đội dân quân. Lực lượng dự nhiệm, xung kích và dân quân được tổ chức luyện tập sát với yêu cầu thực tế. Các đơn vị phòng không trong tỉnh được tăng cường trang bị các loại pháo 37 mm, 57 mm, 100 mm và cối 82 mm.
Nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về tư tưởng và tổ chức trong lực lượng vũ trang, Tỉnh ủy đã phát động cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức chiến đấu” của các lực lượng vũ trang nhân dân trong 3 năm (1978-1980). Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tập trung chỉ đạo điểm ở E.182 và huyện Hải Hậu. Tỉnh đã tổ chức sơ kết cuộc vận động tại hai điểm, rút ra kinh nghiệm bước đầu để chỉ đạo chung, đưa cuộc vận động lên một bước mới.
Cùng với xây dựng lực lượng vũ trang, công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu được tăng cường. Đến tháng 11-1979 toàn tỉnh đã đào đắp được 176.782 hố cá nhân, 41.872 hầm kèo, 317 hầm thương binh, 108 đài quan sát, 298.773m giao thông hào, 2.813 công sự chiến đấu, 207 trận địa pháo 12,7 mm; 71 trận địa pháo 14,5 mm; 504 trận địa cối 82, 37 trận địa cối ĐKZ; 96 trận địa 37 mm và 122 mm, 554 hầm đạn, làm 4.000 bàn chông. Thực hiện nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, năm 1978, lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã sản xuất, thu hoạch 350 tấn gạo 30 tấn thịt, 20 tấn cá, 300 tấn rau xanh, đảm bảo nuôi quân và phục vụ chi viện sẵn sàng chiến đấu.
Đồng thời với việc xây dựng lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tại địa phương, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tích cực chi viện cho các tỉnh biên giới. Từ ngày 17-2 đến 1-4-1979 toàn tỉnh chi viện 16 tiểu đoàn bộ binh, trong đó có 7 tiểu đoàn tân binh và 9 tiểu đoàn cán bộ, chiến sĩ dự bị động viên, gần 200 cán bộ, chiến sĩ công an. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức 5 trung đoàn tự vệ gồm 1 vạn người đi xây dựng các công trình quốc phòng ở tỉnh Lạng Sơn. Hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc, nhiều cơ quan, xí nghiệp, trường học trong tỉnh đã ra sức sản xuất và tiết kiệm, dành tiền và hiện vật gửi về Ban vận động để chuyển lên biên giới. Với tình cảm hướng về đồng bào biên giới phía Bắc, phong trào ủng hộ của nhân dân trong tỉnh đã đạt kết quả tốt. Tiêu biểu như Xí nghiệp cơ khí Hà Nam Ninh có 460 cán bộ công nhân đã lao động thêm ngày chủ nhật, thu được 1.175 đồng góp vào quỹ ủng hộ đồng bào biên giới. Đến thời điểm ngày 30-3-1979, có 18 trong số 24 trường cấp I và cấp II ở thành phố Nam Định gửi về Ban vận động 7.000 cuốn sách giáo khoa, 500 thếp giấy, 1.000 quyển vở, 8.000 bút chì, hàng trăm bút máy, bút bi, hàng ngàn êke, thước kẻ. Những hành động đó thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết sẵn sàng chia lửa của nhân dân trong tỉnh đối với đồng bào biên giới.
Thực hiện Nghị quyết số 33-CP của Hội đồng Chính phủ về xây dựng cấp huyện thành một cấp hành chính, một đơn vị kinh tế, một cấp kế hoạch, ngày 11-01-1978, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo số 02-TB/TU về một số vấn đề xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện. Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các ngành giúp các huyện tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể của huyện. Đến đầu năm 1978 đã có 8 huyện xây dựng xong quy hoạch tống thể được tỉnh duyệt. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành sơ kết công tác này ở huyện điểm Nam Ninh, quyết định phân cấp các ngành, các cơ sở kinh tế cho huyện. Để đảm bảo cho bộ máy huyện Nam Ninh hoạt động bình thường sau khi phân cấp, Tỉnh ủy đã tăng cường 607 cán bộ về huyện, trong đó có 229 cán bộ các ngành của tỉnh và 378 cán bộ quân đội chuyển ngành.
Quá trình thực hiện phân cấp quản lý ở huyện Nam Ninh đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng do sự chỉ đạo thiếu tập trung, nhận thức của các ngành chưa đầy đủ, còn tư tưởng chần chừ chưa muốn phân cấp quản lý cho huyện nên công tác phân cấp còn chậm. Tuy nhiên, kết quả làm điểm ở huyện Nam Ninh đã giúp Tỉnh ủy có thêm kinh nghiệm chỉ đạo triển khai trên địa bàn các huyện.
Qua kinh nghiệm hai năm thực hiện phân cấp quản lý (1976-1977), uỷ ban nhân dân tỉnh đã quy định rõ chế độ công tác và sinh hoạt, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy các ban chuyên môn của uỷ ban nhân dân huyện. Tỉnh tiến hành phân cấp, giao cho huyện quản lý một số cơ sở kinh tế, văn hoá: Trạm máy kéo và cơ khí, các công ty quản lý thuỷ nông, trạm, trại phục vụ nông nghiệp; các xí nghiệp xây dựng và sản xuất gạch ngói, hợp tác xã mua bán, đài phát thanh.
Để tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, ngày 30-10-1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 2139-QĐ/TU thành lập Ban 79 gồm 19 đồng chí do đồng chí Trần Văn Soạn - Phó Bí thư Thường trụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ban có nhiệm vụ giúp Tỉnh ủy uỷ ban nhân dân tỉnh đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Sau khi thành lập, Ban đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hàng trăm vụ việc sai phạm của cán bộ, đảng viên; giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức đảng giữ nghiêm kỷ luật, đảm bảo thực thi quyền lãnh đạo trong giai đoạn cách mạng mới, lòng tin của nhân dân vào Đảng được củng cố.
Tỉnh ủy tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 81-CT/TW ngày 10-11-1979 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện nhiệm vụ đấu tranh khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, đã làm điểm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, thành phố Nam Định và ở 7 ngành; thực hiện Thông tri số 71-TT/TW ngày 5-2-1979 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị trong năm 1979 và 1980 tại 3 xã điểm: Nghĩa Tân, Nghĩa Bình, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng).
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ II, tháng 11-1979.
Công tác phát triển đảng được thường xuyên coi trọng. Trong 3 năm (1976-1978), bình quân mỗi năm toàn tỉnh kết nạp được 2.052 đảng viên mới, trong đó nữ chiếm 31,5%; đoàn viên thanh niên 71,63%; công nhân 17,5%; cán bộ, công nhân viên 39,9%.
Gắn liền với công tác xây dựng đảng, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo công tác xây dựng chính quyền. Ngày 20-5-1979, có 99,2% số cử tri đi bầu đại biểu hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương. Bộ máy hành chính các cấp được kiện toàn theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, có sự phân công trách nhiệm và ngày càng phát huy tính dân chủ, tự giác, tinh thần trách nhiệm phục vụ của các thành viên trong các cấp chính quyền.
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng bộ huyện Hải Hậu tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó chỉ đạo triển khai trong toàn tỉnh. Các đảng bộ đã tiến hành đại hội từ cơ sở đến huyện, thành phố, đảng bộ trực thuộc đạt kết quả tốt.
Từ ngày 26 đến ngày 30-11-1979, tại Hội trường 3-2 thành phố Nam Định, Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II với sự tham gia của 500 đại biểu. Đánh giá thành tựu, kết quả trong nhiệm kỳ 1977-1979, Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tại Đại hội khẳng định: “Ba năm qua vượt qua những thử thách lớn về địch họa, thiên tai, Đảng bộ và quân dân tỉnh ta đã giành được những thắng lợi quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, đảm bảo đời sống nhân dân, quốc phòng và an ninh vững mạnh, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được củng cố, cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội được tăng cường; trong khó khăn, nhiều đơn vị xã, huyện, xí nghiệp vẫn có bước phát triển mới”.
Đại hội cũng đã chỉ rõ những tồn tại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo là: Phong trào phát triển chưa mạnh chưa đều và thiếu vững chắc, nhiều chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ lần thứ I chưa đạt và có những chỉ tiêu đạt thấp. Nguyên nhân là do lãnh đạo chủ quan, duy ý chí, bước đầu chưa đúng quy luật.
Đại hội thông qua phương hướng, nhiệm vụ 2 năm (1980-1981) là: Phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu tinh thần tự lực, tự cường; nắm vững chuyên chính vô sản xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó, cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; tập trung sức mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, phấn đấu cân đối tiền - hàng trên địa bàn của tỉnh; tăng cường công tác an ninh - quốc phòng, đảm bảo kết hợp kinh tế với quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh kiên quyết chống các mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực của chính quyền và chức năng các đoàn thể, trọng tâm là củng cố cơ sở và kiện toàn cấp huyện, có chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức, quản lý kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực chỉ đạo thực hiện của các cấp, các ngành; phấn đấu xây dựng Hà Nam Ninh thành một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp phát triển, vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, có văn hoá, khoa học - kỹ thuật tiến bộ và Đảng bộ vững mạnh.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá II gồm 45 đồng chí (trong đó có 4 đồng chí dự khuyết). Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Tạ Hồng Thanh được bầu là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Văn Bổng là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Soạn là ủy viên Thường vụ, Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh.
Sau Đại hội, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đảng bộ huyện, thành phố tổ chức tốt các lớp học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I và lần thứ II, các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành giữa hai kỳ đại hội.
Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của toàn Đảng bộ, Tỉnh ủy luôn coi trọng công tác xây dựng, củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Công tác chính trị, tư tưởng được tăng cường. Các cấp ủy đảng coi trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, bồi dưỡng lập trường, quan điểm giai cấp công nhân, làm cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn về đường lối xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng mới; đồng thời tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống mọi biểu hiện suy thoái, ngăn ngừa tệ nạn tham ô, tham nhũng, thói quan liêu, hách dịch. Trong những năm 1978-1980, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Đảng bộ tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, nâng cao giác ngộ cách mạng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu phá hoại của kẻ thù, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt phê bình và tự phê bình. Qua các đợt học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết, tư tương và hành động trong cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực. Đại đa số đảng viên nhận thức đúng đắn đường lối cách mạng của Đảng và thực tiễn địa phương, từ đó, không ngừng học tập, trau dồi, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Năm 1978, các trường Đảng huyện đã mở 2 lớp sơ cấp cho 2.240 đảng viên học tập và 31 lớp chương trình trung cấp lý luận chính trị. Các huyện triển khai thực hiện tốt là Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nam Ninh.
Tỉnh ủy chỉ đạo, sắp xếp, hợp nhất, giải thể và thành lập mới một số tổ chức như: hợp nhất hai trường Đảng, bao gồm trường Đảng tỉnh và trường Đảng tại chức thành trường Đảng tỉnh; giải thể Đảng đoàn uỷ ban nhân dân tỉnh, lập Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, lập Đảng đoàn ở các tổ chức quần chúng gồm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Văn học - Nghệ thuật, Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Năm 1978, giải thể Đảng bộ dân, chính, đảng và chuyển số chi bộ, Đảng bộ ở đây về trực thuộc các huyện và Thành ủy Nam Định; chuyển 5 đảng ủy ngành, khối về trực thuộc các huyện, Thành uỷ. Số lượng tổ chức đảng trực thuộc tỉnh giảm từ 25 xuống còn 19 đơn vị (15 huyện và 4 đảng ủy trực thuộc). Tổng số tổ chức cơ sở đảng năm 1976 là 1.631, năm 1980 giảm còn 1.553. Số đảng viên năm 1980 là 105.025 đồng chí.
Năm 1980, thực hiện Chỉ thị số 83-CT/TW ngày 26-11-1979 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát thẻ đảng viên, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tổ chức cơ sở đảng và toàn thể đảng viên, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đảng bộ trong toàn tỉnh tiến hành ba đợt phát thẻ Đảng ở 1.210 tổ chức cơ sở đảng cho 66.275 đảng viên. Các đơn vị làm tốt công tác này là: Huyện Vụ Bản đạt 98,3%; Hải Hậu 97,1%; Ý Yên 95,4%...
Việc nâng cao chất lượng đảng viên được đẩy mạnh; phong trào giúp đỡ đảng viên trung bình được nhiều nơi thực hiện. Các đảng bộ huyện, thành phố tiến hành phân loại, xác định đảng viên trung bình, chỉ rõ thiếu sót và nêu phương hướng khắc phục đối với từng trường hợp. Phong trào có tác dụng tốt trong việc nâng cao chất lượng đảng viên và củng cố các chi bộ yếu kém trong toàn Đảng bộ. Hai năm 1975-1976, số đảng viên tích cực tăng 17,08%, đảng viên trung bình giảm 15,25%, đảng viên phải xem xét giảm còn 2,56%.
Đi đôi với việc củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác kiểm tra, giữ gìn kỷ luật đảng. Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ, chức năng và mối quan hệ của các tổ chức, ban, ngành; quy định lề lối làm việc của các đảng ủy, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; luôn luôn nắm vững và xuất phát từ thực tiễn, lấy phê bình và tự phê bình làm động lực thúc đẩy hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thế.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 192-CT/TW và Thông tri số 22-TT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên, Tỉnh ủy đã chọn chỉ đạo làm điểm ở xã Trực Tuấn (Nam Ninh) để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo chung, sau đó, triển khai tiếp ở 40 điểm làm thử (20 xã và 20 cơ quan, xí nghiệp). Đến tháng 3-1978, các điểm đã mở hội nghị đảng viên nghiên cứu quán triệt Thông tri số 22. Riêng Đảng bộ xã Trực Tuấn đã phân loại và xử lý một số trường hợp; trong số 114 đảng viên của Đảng bộ xã, số đảng viên đủ tư cách là 83 người, chiếm 72,9%; số đảng viên cần xem xét tư cách là 31 người, chiếm 27,1%; thi hành kỷ luật 12 đảng viên. Trong năm 1978, toàn tỉnh có 992 tổ chức cơ sở đảng có đảng viên cần phải xử lý, có 32,1% số cơ sở xử lý đảng viên, 58,4% cơ sở đang xử lý và 9,2% cơ sở chưa xử lý; số đảng viên bị xử lý là 3.704 người; trong đó đưa ra khỏi Đảng 1.694 đảng viên. Huyện Hải Hậu, huyện Nam Ninh là những đơn vị đi đầu trong công tác xử lý đảng viên sai phạm. Qua thực hiện Chỉ thị số 192 và Thông tri số 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác xây dựng đảng có sự chuyển biến tích cực, nhận thức về vai trò của tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong gương mẫu của đảng viên nâng lên rõ rệt. Nhiều tổ chức đảng đã phát huy năng lực lãnh đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Một số đảng bộ, chi bộ yếu kém có chuyển biến tốt. Số đảng viên trung bình và kém có tiến bộ rõ rệt.
Công tác phát triển đảng có nhiều cố gắng. Sáu tháng đầu năm 1980, các huyện Hải Hậu, Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Xuân Thuỷ và Đảng ủy Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định mở 14 lớp bồi dưỡng đối tượng đảng cho 1.077 quần chúng ưu tú; kết nạp được 402 đảng viên mới.
Đi đôi với việc thực hiện tốt bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, bộ máy hành chính được sắp xếp kiện toàn theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, có sự phân công chặt chẽ, quy định lề lối làm việc, thường xuyên duy trì các buổi tiếp dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; tiến hành tổ chức các tiểu khu ở thành phố Nam Định với quy mô một vạn dân. Tỉnh chỉ đạo các huyện lập quy hoạch cán bộ, đề bạt nhiều cán bộ vào các vị trí chủ chốt. Toàn tỉnh triển khai góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp mới đạt kết quả tốt.
Bên cạnh công tác xây dựng đảng, chính quyền, Tỉnh ủy còn chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết toàn dân, tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền đề ra các biện pháp để tổ chức, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào, hành động cách mạng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tháng 12-1977, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Thông qua Đại hội, Mặt trận Tố quốc đã củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ và xác định rõ nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác vận động ngưòi Hoa năm 1978-1979; thường xuyên tổ chức các buổi tiếp dân, đi sâu đi sát cơ sở; lắng nghe và kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng với cấp ủy, chính quyền; tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết dân tộc. Tháng 9- 1978, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh mở đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề toàn dân bàn việc nước, mang lại hiệu quả thiết thực. Cơ cấu tổ chức của Mặt trận có nhiều thay đổi. Năm 1977, các huyện, thành, thị tiến hành đại hội. Thành lập ủy ban Mặt trận. Ngày 14-4-1978, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 01-CT/TU về việc thành lập các tổ Mặt trận trên địa bàn dân cư, trên cơ sở rút kinh nghiệm làm điểm ở hai xã Xuân Phương (Xuân Thủy), Nam Tiến (Nam Ninh), tạo điều kiện đẩy mạnh và đưa công tác mặt trận cơ sở đi vào hoạt động thiết thực hơn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp luôn khẳng định vai trò, vị trí của mình trên các lĩnh vực của hoạt động xã hội. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, của Trung ương Hội Phụ nữ, đầu năm 1977, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cơ sở tiến hành tổ chức đại hội. Tháng 6-1977, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Hội Phụ nữ các cấp đã vận động, tổ chức chị em tham gia các phong trào lao động sản xuất, làm thuỷ lợi, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, phát động phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gồm 4 nội dung: lao động, sản xuất và chấp hành chính sách; làm tốt công tác hậu phương quân đội; tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt; đoàn kết, học tập tiến bộ. Phong trào gửi tiền tiết kiệm, lập quỹ hỗ trợ sản xuất và giúp đỡ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả tốt. Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới phát triển rộng khắp. Năm 1977 có 253.077 chị em tham gia cuộc vận động; có 41.759 hộ hội viên ở nông thôn và 12.884 hộ hội viên là công nhân viên chức đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá mới. Xã Trực Thành (Nam Ninh) có trên 60% gia đình tự nguyện đăng ký; thành phố Nam Định có 180.000 hộ đăng ký, đạt 56%.
Liên đoàn lao động các cấp được kiện toàn, củng cố hoạt động, tập trung vào nhiệm vụ giáo dục, động viên cán bộ công nhân viên chức gương mẫu tham gia các phong trào cách mạng, tiêu biểu là phong trào “3 điểm cao”, “xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa” đạt kết quả tốt. Các cấp công đoàn hưởng ứng tích cực hai cuộc vận động lớn: phát huy sáng kiến hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, cải tiến tổ chức; triệt để tiết kiệm vật tư, nguyên, nhiên liệu. Đã có hàng nghìn sáng kiến được áp dụng, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm ngàn đồng. Năm 1979, có 151 cán bộ ở xí nghiệp đăng ký phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có 5.711 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất. Nổi bật nhất là cán bộ, công nhân viên chức Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định trong năm 1980 có 120 sáng kiến áp dụng vào sản xuất, làm lợi 736.864 đồng; tận dụng phế liệu sản xuất thêm 100 nghìn mét vải màn, 10 nghìn cốt chăn bông... Năm 1980, tỉnh đã tiến hành thành lập công đoàn các huyện; toàn tỉnh có 670 tổ chức công đoàn cơ sở với 136.239 đoàn viên. Thông qua hoạt động của các tổ chức công đoàn và dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân Hà Nam Ninh phát huy vai trò làm chủ tập thể, hăng hái thực hiện Điều lệ xí nghiệp quốc doanh, tham gia đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 5-1977, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam Ninh tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Thông qua Đại hội, Đoàn Thanh niên đã củng cố kiện toàn tổ chức, đánh giá tình hình hoạt động và xác định rõ nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đoàn Thanh niên phát động nhiều phong trào như: “Ba xung kích làm chủ tập thể”, “Phất cao cờ Đoàn, lập công dâng Đảng”. Nhiều cơ sở đoàn đã xung phong đảm nhận các công việc khó khăn, phát huy sáng kiến, tích cực đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Hàng nghìn đoàn viên thi đua lập thành tích cao nhất, đăng ký vượt ngày công, vượt định mức lao động của hợp tác xã. Phát huy truyền thống cách mạng, tuổi trẻ Hà Nam Ninh hăng hái tham gia vào hàng trăm công trình có ý nghĩa thiết thực, tình nguyện xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên và Hoàng Liên Sơn, tiến hành khai hoang lấn biển. Từ trong sản xuất, xây dựng quê hương, xuất hiện nhiều tổ chức đoàn tiên tiến, điển hình như: Huyện đoàn Nam Ninh, Huyện đoàn Hải Hậu, Thành đoàn Nam Định.
Trong cuộc chiến tranh biên giới, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên hăng hái xung phong lên đưòng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, luyện tập quân sự, góp phần xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc. Nhiều đoàn viên, thanh niên Hà Nam Ninh đã hy sinh vì độc lập dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi chung của cả nước, đánh bại quân xâm lược, giữ gìn toàn vẹn non sông đất nước. Đoàn Thanh niên còn tổ chức và thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn, các đối tượng chính sách, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao cho thiếu niên, nhi đồng. Đoàn đã giới thiệu hàng nghìn đoàn viên ưu tú đi học các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, nhiều đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, trở thành đảng viên gương mẫu trong công tác ở các địa phương, đơn vị.
Chấp hành Chỉ thị số 78-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân Việt Nam, Ban Thường trực Hội Nông dân tập thể đã mở Hội nghị thành lập Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh (ngày 10 và 11-4-1980). Sau hội nghị, Hội Nông dân các cấp đã nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động. Hội đã chú trọng phát triển hội viên, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền vận động nông dân thực hiện tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong giai đoạn 1975-1980, trong bối cảnh đất nước vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh, tình hình chính trị xã hội cuối những năm 70 có nhiều diễn biến phức tạp tỉnh Hà Nam Ninh được hợp nhất, thực tế đó đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh nhiều cơ hội và thách thức mới. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy truyền thông cách mạng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Hầu hết các xí nghiệp, cơ sở kinh tế được xây dựng lại, mở mang các ngành nghề, thu hút lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Nông nghiệp được tổ chức lại theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được mở rộng, đặc biệt là khu vực quốc doanh. Cơ sở hạ tầng được xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; xây dựng cơ bản và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. Văn hoá, thông tin, giáo dục, y tế có chuyển biến tích cực; an ninh - quốc phòng được giữ vững. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Đảng bộ tỉnh đã nêu cao quyết tâm, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, tổ chức lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh thực hiện hai nhiệm vụ: vừa xây dựng quê hương, vừa chủ động sẵn sàng chiến đấu; đồng thời chi viện sức người, sức của, góp phần cùng đồng bào biên giới và quân dân cả nước đập tan mưu đồ xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh thành tựu đạt được, công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn này còn bộc lộ nhiều hạn chế. Công tác quản lý kinh tế còn nhiều mặt yếu kém, các mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra chưa thực hiện được. Cuối thập niên 70, lạm phát và các biểu hiện tiêu cực xã hội gia tăng. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Đời sống nhân dân khó khăn, vấn đề khan hiếm, thiếu lương thực chưa được giải quyết khiến cho nhân dân trăn trở, lo lắng. Trong khi đó, trình độ của cán bộ, đảng viên còn yếu, nhiều đảng viên thiếu gương mẫu, còn biểu hiện tư tương trung bình chủ nghĩa... Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh còn biểu hiện tư tương nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Chính vì thế, đường lối, chủ trương, nghị quyết và các mục tiêu về kinh tế - xã hội đề ra chưa căn cứ vào tình hình thực tế, chưa tính hết khó khăn của thời kỳ hậu chiến, tính khả thi thấp nên thực tế thường không đạt được kế hoạch đề ra.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đạt được từ năm 1975 đến 1980 là rất quan trọng, khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tạo cơ sở để Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng tiếp theo.