Chương VII: Từng bước tháo gỡ khó khăn, bước đầu chuyển đổi kinh tế - xã hội trên con đường hình thành cơ chế mới 1981-1985
CHƯƠNG VII
TỪNG BƯỚC THÁO GỠ KHÓ KHĂN,
BƯỚC ĐẦU CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI
TRÊN CON ĐƯỜNG HÌNH THÀNH CƠ CHẾ MỚI
1981-1985
1. Tỉnh Hà Nam Ninh những năm đầu thập kỷ 80
Sau 5 năm xây dựng đất nước thống nhất theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp đã bộc lộ ngày một rõ hơn những yếu kém trầm trọng. Mặt khác, do sự bao vây cấm vận của Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới cùng thiên tai chi phối, nền kinh tế - xã hội của đất nước những năm đầu thập kỷ 80 gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt lạm phát năm 1981 lên tới 179%. Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1981-1985, trong bối cảnh chung của cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: nông, công nghiệp chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; lương thực, thực phẩm thiếu thốn; hàng hoá, vật tư khan hiếm... Trước tình hình đó, nhiều địa phương trong cả nước đã có những bước thử nghiệm, tìm tòi hướng đi mới. Đảng và Nhà nước đã từng bước có những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nhằm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 19-2-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 537-NQ/TU về việc thành lập Ban chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII và Hội đồng nhân dân tỉnh do đồng chí Phạm Văn Bổng - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 26-4-1981: toàn tỉnh đã có 99,49% cử tri đi bầu cử, 26 đại biểu trúng cử. Kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh: có 99,5% cử tri đi bầu cử; 140 đại biểu trúng cử; trong đó: phụ nữ chiếm 22,4%, tuổi trẻ 15% có trình độ đại học và trên đại học 42,14%. Các cuộc bầu cử đều diễn ra an toàn, tiết kiệm, đúng luật và bảo đảm dân chủ. Kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khoá III đã tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1981-1985, đồng chí Trịnh Văn Thuật được bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tiếp tục củng cố vai trò, chức năng của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 6-6-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 637-NQ/TU về việc thành lập Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III. Nghị quyết chỉ rõ mục đích nhiệm vụ của Đảng đoàn là bằng công tác thuyết phục vận động quần chúng thực hiện đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng, tăng cường ảnh hưởng của Đảng, tăng cường đoàn kết và mối liên hệ chặt chẽ giữa cán bộ, đảng viên và người ngoài Đảng, nghiên cứu đề nghị cấp ủy quyết định phương hướng, chủ trương công tác đối với tổ chức mà mình hoạt động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh là Bí thư Đảng đoàn Hội đồng nhân dân.
Đi đôi với kiện toàn Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo 79 tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy nghiên cứu đề xuất chủ trương, tổ chức chỉ đạo chống tiêu cực và sự phá hoại của địch trong Đảng, cơ quan nhà nước và xã hội; hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành, phối hợp tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của tỉnh và tiến hành tốt việc chống tiêu cực ở cấp, ngành mình. Ngày 4-4-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 670-QĐ/TU kiện toàn Ban chỉ đạo 79 do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban.
Để tăng cường xây dựng cấp huyện, ngày 9-11-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 860-QĐ/TU kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện, do đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo xây dựng cấp huyện có nhiệm vụ giúp Thường vụ Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo, kiểm tra về công tác xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện; chỉ đạo các ty, ban, ngành và các huyện, thành, thị trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp huyện; xác định mối quan hệ giữa ngành, tỉnh và huyện; nghiên cứu tổ chức lại ngành.
Năm 1982, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo đại hội đảng các cấp. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tổ chức thành hai vòng. Từ ngày 8 đến ngày 16-1-1982, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III (vòng 1) đã diễn ra tại thành phố Nam Định. Các đồng chí Song Hào, Nguyễn Lam thay mặt Trung ương về dự Đại hội. Đại hội đã tập trung trí tuệ, thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bầu 46 đại biểu chính thức, 5 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng.
Tháng 3-1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đánh giá những thành tựu cơ bản và chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm của 5 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đề ra; đặt ra yêu cầu tổng kết thực tiễn để đi đến xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đại hội nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đưa ra quan điểm về chặng đường đầu tiên trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; điều chỉnh lại quy mô, tốc độ của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, dồn sức cho những công trình trọng điểm mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời đầu tư mạnh cho nông nghiệp, xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu.
Thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TW ngày 8-5-1982 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác chuẩn bị đại hội các cấp vòng 2 của tỉnh được tiến hành khẩn trương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí ủy viên Thường vụ đi nghe và cho ý kiến trực tiếp về nội dung công tác chuẩn bị đại hội của các huyện, thành, thị và đảng ủy trực thuộc; đồng thời chỉ đạo tiến hành đại hội điểm ở huyện Hải Hậu để rút kinh nghiệm. Nhiệm vụ chủ yếu của đại hội các cấp vòng 2 là bàn phương hướng, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá mới. Đại hội đảng bộ cơ sở, đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương vòng 2 đều thực hiện đúng sự chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo nguyên tắc, thủ tục, đạt chất lượng cao.
Từ ngày 25 đến ngày 29-3-1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III (vòng 2) được tổ chức tại Nhà văn hoá 3-2, thành phố Nam Định, có 507 đại biểu chính thức về dự Đại hội. Đồng chí Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng thay mặt Ban Bí thư về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội thông qua Báo cáo về công tác xây dựng đảng, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá II), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá III gồm 43 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu 13 Ủy viên Ban Thường vụ, đồng chí Nguyễn Văn An được bầu là Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Bình được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trịnh Văn Thuật được bầu là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III, vòng 2, tháng 3-1983.
Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung cho những năm tới là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học - kỹ thuật làm then chốt; tăng cường đoàn kết toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tận dụng khai thác mọi nguồn lao động, đất đai, rừng, biển, ngành nghề, tiếp tục xây dựng kinh tế và phát triển văn hoá theo hướng tập trung, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, từng bước xây dựng cơ cấu hợp lý nông - công nghiệp từ cơ sở, trên địa bàn huyện và hình thành cơ cấu công - nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lí kinh tế, cải tiến phân phối lưu thông, kiên quyết xoá bỏ hành chính quan liêu bao cấp, thực sự chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phấn đấu tạo thế cân đối mới, nhất là cân đối tài chính, tiền - hàng, bảo đảm kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Thường xuyên đề cao cảnh giác, tăng cường lực lượng quốc phòng, an ninh, kiên quyết đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch và sẵn sàng chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và nghĩa vụ quốc tế được Trung ương giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ chung, Đại hội đề ra một số nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu: Sản lượng lương thực bình quân đạt 82 vạn tấn/năm; giá trị sản lượng công nghiệp địa phương 340-350 triệu đồng/năm; xuất khẩu đạt 100-120 triệu đồng/năm; huy động lương thực đạt 17 vạn tấn/năm; mức ăn bình quân đạt 16 kg/tháng/người... Đại hội quyết định tập trung vào thực hiện 4 nội dung lớn:
Đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, bảo đảm ổn định và tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trong tỉnh, trước hết là vấn đề lương thực, thực phẩm. Giải quyết tốt hơn những nhu cầu về ăn, mặc, học tập, chữa bệnh, nhà ở và đi lại.
Tiếp tục xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, chủ yếu là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực, trước hết là nông nghiệp.
Đáp ứng các yêu cầu phòng thủ đất nước, bảo đảm kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh, trật tự.
Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tổ chức thành công, các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt nghị quyết tới cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở thực tế của từng địa phương, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp đều xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết với tinh thần chủ động, cụ thể, sát thực; đồng thời phát động phong trào thi đua sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, tạo ra khí thế mới trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đã thu được kết quả khá toàn diện.
2. Đảng bộ lãnh đạo bước đầu chuyển đổi cơ chế quản lý KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh
Những năm 1981-1985, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, thiên tai thường xuyên ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Tình hình thiếu lương thực trở nên gay gắt.
Ngày 13-1-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 28-CT/TU yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh phong trào sản xuất, tiết kiệm, xúc tiến trồng các loại rau màu ngắn ngày để tự cứu đói; đồng thời chú trọng luân canh, tăng vụ; động viên nhân dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; tổ chức khai thác, vận chuyển các nguồn lương thực do Trung ương, tỉnh bạn hỗ trợ và từ miền Nam ra để cứu đói cho dân. Các ban đời sống được củng cố kiện toàn, tích cực vận động nhân dân thực hiện tiết kiệm lương thực một cách nghiêm ngặt, không nấu rượu lậu, không dùng gạo làm bún, bánh, hoặc trao đổi và có các biện pháp để đảm bảo đời sống nhân dân.
Xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo và có nhiều biện pháp tích cực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ tỉnh chỉ rõ: lấy sản xuất lương thực, thực phẩm là trọng tâm, đồng thời tăng nhanh cây công nghiệp và nông sản xuất khẩu; khuyến khích các địa phương chủ động nghiên cứu, xác định đúng cơ cấu sản xuất, bố trí cây trồng, vật nuôi và luân canh hợp lý để đạt hiệu quả cao; lấy thâm canh làm phương hướng chiến lược cả trước mắt và lâu dài. Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo về tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, vận dụng triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách mới của Đảng và Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực. Từ huyện đến các hợp tác xã đều xây dựng kế hoạch và có biện pháp thiết thực để bảo đảm sản xuất, tự cân đối lương thực của địa phương. Diện tích trồng lúa được chỉ đạo giữ vững và mở rộng thêm; các điều kiện kỹ thuật như giống, thuỷ lợi, phân bón được chú trọng. Chính sách đầu tư được xây dựng phù hợp, ưu tiên cho các vùng lúa trọng điểm đạt năng suất cao, ổn định những hợp tác xã bình quân ruộng đất cao, có khả năng tăng nhanh lương thực hàng hoá. Phong trào tăng gia, sản xuất, tự cải thiện trong cán bộ, công nhân viên và thợ thủ công được phát động rộng rãi.
Trong những năm trước, thực hiện chủ trương đi lên sản xuất lớn với quy mô toàn xã và trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, các hợp tác xã nông nghiệp đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập trong quản lý. Tình trạng "ron công, phóng điểm" diễn ra phổ biến ở các hợp tác xã, đội sản xuất, giá trị ngày công lao động thấp; tinh thần làm việc của xã viên vì thế kém nhiệt tình và không gắn bó với hợp tác xã. Sức sản xuất trong nông nghiệp chưa được phát huy đầy đủ, quan hệ sản xuất không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Thực trạng đó đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp để mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá IV), ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW chỉ đạo khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Thực hiện Chỉ thị 100, hợp tác xã chịu trách nhiệm 5 khâu: Làm đất, tưới tiêu, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư; giống vốn, và bảo vệ đồng ruộng. Xã viên đảm nhận ba khâu: cấy, chăm bón và thu hoạch. Chỉ thị 100-CT/TW ra đời đã mang đến cho nông dân cả nước nói chung và nông dân Hà Nam Ninh nói riêng một cách làm mới, một hướng đi đúng; khuyến khích lợi ích chính đáng của người lao động, làm cho mọi người gắn bó với sản xuất, đem hết khả năng ra lao động sản xuất, vừa củng cố, xây dựng hợp tác xã, vừa nâng cao đời sống của bản thân người lao động, do đó đã phát huy được tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của xã viên, phát huy được khả năng tận dụng nguồn lực để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển, mở ra một hướng làm ăn mới trong sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Từ ngày 12 đến ngày 16-1-1981, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị lần thứ tư, bàn biện pháp thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, ra nghị quyết về cải tiến công tác khoán trong hợp tác xã nông nghiệp, chỉ đạo việc thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Tháng 3-1981, đồng chí Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thăm và khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 100 ở tỉnh. Đồng chí đã đi thăm các xã Hải Trung, Hải Vân (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Thủy), làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đồng chí yêu cầu phải nắm vững mục đích, nguyên tắc của việc khoán, bàn bạc dân chủ để có hình thức khoán thích hợp, không được khoán trắng và chia ruộng đất manh mún, cản trở việc sử dụng kỹ thuật; phải trên cơ sở thực tế để tổng kết kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình như Hải Hậu ra toàn tỉnh.
Sau khi chỉ đạo điểm, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng chỉ đạo các hợp tác xã trong toàn tỉnh tiến hành triển khai khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Vụ chiêm năm 1981, toàn tỉnh có 521/594 hợp tác xã nông nghiệp áp dụng khoán, chiếm 87,7% số hợp tác xã và diện tích khoán chiếm 85% tổng diện tích. Đến vụ mùa năm 1981 chỉ còn 3 hợp tác xã thực hiện khoán việc. Cơ chế khoán mới đã thực sự làm cho quần chúng phấn khởi, hăng hái lao động, tích cực thâm canh, chủ động đầu tư công sức, tiền vốn, mua thêm vật tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất. Nhiều nơi thiếu sức kéo, nông dân đã dùng cả sức người để cày, bừa, cào ruộng. Vì thế, ngay từ năm 1981, việc gieo cấy đã tương đối nhanh gọn. Hầu hết các diện tích đều được gieo trồng trong thời vụ tốt nhất. Đất đai từng bước được tận dụng tốt hơn, nhân dân đã tổ chức san ghềnh, lấp trũng, cải tạo mặt bằng, đắp bờ giữ nước để mở rộng diện tích gieo trồng.
Việc thực hiện Chỉ thị 100 đã đem lại hiệu quả thiết thực, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới. Năm 1981, tổng diện tích gieo trồng tăng 12%; năng suất lúa bình quân cả năm của toàn tỉnh đạt 46,96 tạ/ha, tăng 19,64%; tổng sản lượng cả năm đạt 797.100 tấn, tăng 31,7% so với năm 1980. Nhiều hợp tác xã yếu kém đã vươn lên khá. Toàn tỉnh có 5 huyện và 165 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ha hai vụ trở lên; 5 hợp tác xã đạt trên 9 tấn/ha, riêng hợp tác xã Xuân Tiến (Xuân Thuỷ) đạt 9,715 tấn/ha. Đặc biệt, việc thực hiện tốt Chỉ thị 100 đã gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là phát triển ngành nghề trong nông nghiệp, tạo điều kiện quan trọng cho việc đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp.
Nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nông, công nghiệp của tỉnh, ngày 22-6-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 27-NQ/TU chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện nghị quyết, từ tỉnh tới huyện, hợp tác xã đều thành lập Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo của tỉnh do đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban.
Thông qua công tác chọn lọc, tỉnh đã tạo ra những giống lúa tốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; từng bước xây dựng và điều chỉnh cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ hợp lý cho từng vùng sản xuất. Cơ cấu giống lúa xuân sớm ở vụ chiêm xuân tăng từ 8,22% năm 1980 lên 43,7% năm 1985. Các khâu kỹ thuật về thời vụ, gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch, chọn và bảo quản giống cũng được chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt. Hiện tượng mạ chết hàng loạt, cấy sâu, cấy muộn, lúa cấy không trổ bông, lúa mộng hầu như không còn xảy ra. Các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh tổng hợp được nhiều cơ sở xây dựng thành quy trình, chỉ tiêu kỹ thuật và thực hiện nghiêm túc. Do đó, trong nhiều năm, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, song 85% đến 90% diện tích vẫn được cấy bằng mạ dược ở thời vụ tốt nhất. Có hợp tác xã chỉ cấy gọn trong thời gian 10 ngày đối với vụ mùa, 15 ngày đối với vụ chiêm xuân. Các nguồn phân bón hữu cơ được tận dụng tốt hơn, trung bình từ 6 - 7 tấn/ha/vụ năm 1981 lên 7-8,5 tấn/ha/vụ năm 1985. Phân vô cơ được sử dụng ngày càng hiệu quả. Lực lượng bảo vệ thực vật, thú y chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời tới cơ sở. Sâu bệnh trên cây trồng và dịch bệnh trên đàn gia súc tuy diễn biến phức tạp nhưng đều được phát hiện, dập tắt kịp thời.
Ngày 13-8-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 18-NQ/TU, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở quan tâm làm tốt công tác thuỷ lợi nội đồng; thường xuyên chỉ đạo các hợp tác xã nạo vét, tu bổ sông ngòi, kênh, mương đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh đào đắp hàng vạn mét khối đất. Các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp được chú trọng. Khâu làm đất được tổ chức tốt hơn, có sự kết hợp giữa máy móc và sức người nên nhanh gọn, đảm bảo thời gian. Các công cụ sản xuất được các gia đình và hợp tác xã tích cực mua sắm, số lượng ngày càng tăng.
Để cải tiến công tác tổ chức, đổi mới quản lý, đưa các hợp tác xã nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức nhiều hội nghị bàn về công tác quản lý hợp tác xã, hoàn chỉnh khoán sản phẩm và đẩy mạnh xây dựng hợp tác xã. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, quy mô hợp tác xã lớn tiếp tục được điều chỉnh theo mô hình vừa, số lượng từ 606 hợp tác xã năm 1981 lên 686 hợp tác xã năm 1985. Các đội sản xuất cũng được điêù chỉnh lại quy mô cho phù hợp.
Do được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đầu tư tích cực của nông dân nên sản xuất nông nghiệp giai đoạn 1981-1985 đạt được những kết quả quan trọng. Việc chỉ đạo xây dựng các vùng thâm canh cao sản, ruộng cao sản đã có tác dụng khá rõ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lương thực. Tổng diện tích gieo trồng những năm 1981-1985 đạt 350.000 - 360.000 ha, trong đó diện tích lúa là 275.000 - 290.000 ha; năng suất lúa bình quân 5 năm đạt 55 tạ/ha/năm, tổng sản lượng lương thực bình quân 5 năm đạt 867.730 tấn, riêng thóc đạt trung bình gần 790.000 tấn. Bình quân lương thực đầu người 5 năm 1981-1985 đạt 317 kg/người/năm. Năng suất giữa các vùng ngày càng đồng đều hơn, những điển hình về năng suất 5 tấn trở lên được giữ vững và phát triển qua từng năm. Hải Hậu là huyện dẫn đầu về năng suất cả năm trên đất hai vụ, đạt 81,4 tạ/ha; huyện Nam Ninh đạt 76,57 tạ/ha; huyện Nghĩa Hưng 72,13 tạ/ha; huyện Xuân Thuỷ 71,56 tạ/ha. Số hợp tác xã đạt năng suất 10 tấn/ha trở lên cả năm tăng dần, từ 5 hợp tác xã năm 1982 lên 8 hợp tác xã năm 1984 và 10 hợp tác xã năm 1985, như Xuân Phương (Xuân Thủy) đạt 123 tạ/ha, Hải Vân (Hải Hậu) đạt 103 tạ/ha, Trực Đông (Nam Ninh) đạt 104 tạ/ha...
Nhân dân xã Xuân Hồng vui mừng đón đồng chí Trường Chinh về thăm quê hương năm 1981.
Thực hiện chủ trương chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các loại màu lương thực, tỉnh đã bước đầu xây dựng cơ cấu hợp lý cho từng vùng, đưa các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt vào cơ cấu cây vụ đông. Những giống ngô có năng suất cao đã được chú trọng mở rộng diện tích.
Nhưng thời gian này do tập trung cao cho cây lúa nên diện tích và sản lượng cây màu có xu hướng giảm. Diện tích trồng màu chiếm từ 14,2% diện tích gieo trồng năm 1981 xuống còn 7,9% năm 1984, sản lượng từ 110 ngàn tấn quy thóc năm 1981 xuống 62,5 ngàn tấn quy thóc năm 1985.
Cây công nghiệp được xác định là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho công nghiệp và nguồn hàng nông sản xuất khẩu nên tỉnh đã chỉ đạo xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp có sản lượng lớn và ổn định. Các loại cây trồng như đay, mía, lạc, dâu... được đầu tư tăng thêm diện tích. Diện tích trồng cói là khoảng gần 3.000 ha mỗi năm; năng suất đạt 57,72 tạ/ha, sản lượng đạt 19.000 tấn năm 1985 Diện tích trồng đay từ 1.000 đến 2.000 ha/năm; năng suấl trung bình 20 tạ/ha, sản lượng khoảng 4.200 tấn năm 1985. Diện tích cây lạc năm 1985 đạt hơn 6.000 ha, tăng 28% so với năm 1981; năng suất đạt 12 tạ/ha năm 1985 (riêng ở Nam Ninh đạt gần 20 tạ/ha), sản lượng trên 7.200 tấn năm 1985. Các loại cây lấy sợi, cây dược liệu cũng được phát triển đã tăng thêm nguyên liệu dệt vải và thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Các địa phương có cơ chế dành quỹ lương thực và các loại vật tư thiết yếu chuyên dùng để bảo đảm cung cấp kịp thời cho các vùng chuyên canh cây công nghiệp và có chính sách giá cả thu mua kịp thời, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất. Trong tổ chức thực hiện, trên cơ sở thâm canh, tăng năng suất cây lúa, vấn đề lương thực từng bước được giải quyết, nhiều nơi đã chuyển một số diện tích sang mở rộng trồng cây công nghiệp để tăng nguồn hàng xuất khẩu và nguyên liệu cho công nghiệp. Từ năm 1981 đến 1985, diện tích trồng cây công nghiệp được mở rộng, những cây trực tiếp xuất khẩu tăng nhanh và hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn. Hàng hoá xuất khẩu từ sản phẩm nông nghiệp và từ ngành nghề trong nông nghiệp chiếm 75% tổng lượng hàng xuất khẩu của tỉnh. Riêng sản phẩm từ 4 loại cây trồng: lạc, đay, cói, dâu tằm chiếm 51,61%. Nhiều cơ sở đã tích cực mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu để đổi lấy vật tư, kỹ thuật phục vụ thâm canh và phân bổ sử dụng hợp lý lao động.
Để đảm bảo yêu cầu cơ bản về thực phẩm cho tiêu dùng, sức kéo cho sản xuất, hoàn thành nghĩa vụ với Trung ương và dành một phần cho xuất khẩu, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi toàn diện cả ba khu vực: quốc doanh, tập thể, gia đình; phục hồi và phát triển đàn lợn, chú ý tăng cả số lượng và trọng lượng xuất chuồng, nhất là đàn lợn lai kinh tế; kết hợp chặt chẽ giữa chăn nuôi trâu, bò cày kéo và trâu, bò sinh sản trong các gia đình. Các loại gia cầm được khuyến khích phát triển. Diện tích mặt nước ao hồ được triệt để tận dụng để nuôi thả cá. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, trong 5 năm 1981-1985, đàn lợn phát triển ổn định, trung bình là 677.400 con mỗi năm; năm cao nhất (năm 1984) đạt 716.440 con. Sản lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 5 năm đạt 30.000 tấn/năm, bằng 128,7% kế hoạch, tăng 2.540 tấn/năm. Mỗi năm tỉnh bán nghĩa vụ cho Nhà nước từ gần 11.000 đến trên 15.000 tấn. Các địa phương coi trọng và tích cực chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật và chăn nuôi, nhằm tăng nhanh đàn trâu bò sinh sản. Số bê con được sinh ra mỗi năm tăng nhanh, đạt gần 6.700 con năm 1985, gấp 3 lần năm 1980. Số lượng gia cầm, nhất là gà công nghiệp tăng từ 2,5 triệu con năm 1980 lên 3,4 triệu con năm 1985, tăng 36%. Giống vịt Anh Đào đã được thử nghiệm lai với vịt cỏ để tạo ra giống vịt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có triển vọng mở rộng trong toàn tỉnh.
Nhằm phát triển ngành thuỷ sản, ngày 12-5-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 51-CT/TU chỉ đạo về việc đẩy mạnh nuôi thả tôm, cá nước ngọt. Các hợp tác xã đánh cá ven biển Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng tiếp tục được khuyến khích, tạo điều kiện; mỗi năm đánh bắt từ 5.000-5.500 tấn cá biển. Việc nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản bước đầu được tổ chức lại, song chuyển biến chậm phong trào nuôi thả cá nước ngọt nhìn chung còn yếu.
Cùng với phát triển chăn nuôi, lĩnh vực làm muối cũng được phát triển, sản xuất muối từ năm 1981 đến 1983 tăng 25% mỗi năm, đạt 90.000 tấn năm 1982, 117.000 tấn năm 1983. Năm 1985 do ảnh hưởng thời tiết, song cũng đạt 95.300 tấn.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được chú trọng đầu tư phát triển. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ III của tỉnh chỉ rõ phải tăng cường phát triển công nghiệp địa phương, từng bước tạo sự liên kết giữa công nghiệp và nông nghiệp. Những năm 1981- 1982 tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng mất cân đối giữa yêu cầu sản xuất và khả năng cung ứng năng lượng, vật tư diễn ra khá phổ biến. Nhà nước chỉ cung cấp được 50% yêu cầu nguyên vật liệu; mất điện xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng đến sản xuất. Thực hiện Quyết định số 25/CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh, Quyết định số 26/CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ vể việc mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng các hình thức tiền lương trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước và Quyết định số 64/CP ngày 23-2-1981 của Hội đồng Chính phủ về việc giao nộp sản phẩm các xí nghiệp quốc doanh và tập trung các nguồn thu tiền mặt vào Nhà nước, ngày 9-7-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 34-CT/TU chỉ đạo triển khai thực hiện các quyết định của Hội đồng Chính phủ về cải tiến quản lý ở các đơn vị sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Các xí nghiệp được phép xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế ba phần: phần Nhà nước giao, phần tự làm và phần sản phẩm phụ; đồng thời mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm, tiền thưởng trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ thế, nhiều ngành công nghiệp đang có nguy cơ ngưng trệ như công nghiệp cơ khí, công nghiệp thực phẩm được phục hồi. Trước yêu cầu phát triển và nhu cầu quan hệ, liên kết mới của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngày 15-2-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 14-CT/TU chỉ đạo về việc tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác liên kết kinh doanh. Việc thực hiện các chỉ thị trên có tác dụng thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh phát triển. Nhiều sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch như: vải, sợi, thiết bị nông cụ, phụ tùng ô tô, xe đạp, thuốc chữa bệnh, vôi, đá gạch, chiếu cói; có 5 sản phẩm tăng từ 3-10%. Đặc biệt ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh có thêm nhiều sản phẩm mới và một số sản phẩm đã được cấp dấu chất lượng Nhà nước. Bốn ngành mũi nhọn là ngành dệt, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến lương thực, thực phẩn chiếm từ 60-66% giá trị sản lượng toàn ngành. Nhiều sản phẩm công nghiệp đã phục vụ ngày càng thiết thực cho sản xuất nông nghiệp như: máy xay xát, máy tuốt lúa đạp chân thuyền xi măng, cày bừa thủ công, cào cỏ cải tiến, xe cải tiến máy nghiền thức ăn gia súc... Bình quân trong 5 năm, giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt 1 tỷ 974,5 triệu đồng/năm bằng 103,9% kế hoạch, trong đó, quốc doanh chiếm gần 30% (trên 600 triệu đồng); tiểu thủ công nghiệp chiếm hơn 60% (gần 1.330 triệu đồng). Một số xí nghiệp đã có chuyển biến theo hướng xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, làm ăn có lãi, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trong việc sắp xếp, tổ chức chỉ đạo và thực hiện của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp triển khai còn chậm và nhiều lúng túng, nhất là việc xác định ranh giới kế hoạch ba phần; tốc độ phát triển của ngành công nghiệp địa phương chưa ổn định, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp và còn mặt giảm, vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu phát triển.
Trước những khó khăn về vốn, nhiên liệu và sự xuống cấp của phương tiện, cơ sở vật chất, để phát triển ngành giao thông vận tải phục vụ cho sản xuất và đời sống, tỉnh chỉ đạo ưu tiên tiền vốn, vật tư để ngành giao thông vận tải tập trung sửa chữa những phương tiện hư hỏng, đóng thêm nhiều phương tiện mới, chú trọng mở rộng hệ thống bến cảng, phương tiện bốc xếp, cải tạo mặt đường, đẩy mạnh phong trào giao thông nông thôn... Các tuyến đường và cầu cống hư hỏng thường xuyên được tu bổ, sửa chữa như: quốc lộ 21, quốc lộ 10, các tuyến đường tỉnh như đường 12, 51, 54, 55, 56... Kết quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa đường sá, cầu cống năm 1985 đạt 176% kế hoạch; với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã huy động được 76,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, vận tải đường thủy cũng phát triển, góp phần tích cực vào việc cân đối vận tải trên địa bàn tỉnh. Ngành giao thông đã thành lập các đại lý vận tải để phục vụ cho chuyên chở các mặt hàng chủ yếu như phân bón hoá học; thóc cho nhà máy xay; lương thực, muối, hàng xuất khẩu. Năm 1985, khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 1.467 triệu tấn; vận chuyển hành khách đạt 1,933 triệu lượt hành khách (bằng 98,5% kế hoạch về lượt người và 105% kế hoạch về lượt người/km)...
Ngành bưu điện đã tập trung vào việc sắp xếp lại tổ chức, đầu tư trang thiết bị, phục vụ hoạt động của các cấp, các ngành, nhất là khi có sự kiện đột xuất, đảm bảo thông tin liên lạc thông suổt. Ngành điện lực có nhiều cố gắng phục vụ sản xuất và đời sống, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, khắc phục hậu quả thiên tai....
Xác định xuất nhập khẩu là một vấn đề chiến lược và mũi nhọn kinh tế quan trọng, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở phải xây dựng mục tiêu, kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, bảo đảm nghĩa vụ Trung ương giao và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Ngày 10-11-1983, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm (khoá III) ra Nghị quyết chỉ đạo về tăng cường đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu những năm 1983-1985. Tỉnh ủy chỉ rõ để thực hiện thắng lợi công tác xuất nhập khẩu, các cấp, các ngành cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm tự lực, tự cường, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng; phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia sản xuất và triệt để tiết kiệm tiêu dùng, dành nhiều hàng tốt, hàng có giá trị cho yêu cầu xuất khẩu. Ngày 4-5-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 15-NQ/TU chỉ đạo đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu của tỉnh. Thực hiện chủ trương trên, tỉnh tiến hành quy hoạch và tổ chức phát triển xây dựng những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cói, đay, lạc, đậu tương, bánh đa nem, khăn bông; tranh thủ làm hàng gia công xuất khẩu, tận dụng cả các mặt hàng có khối lượng ít nhưng giá trị thu ngoại tệ cao như tinh dầu, vừng, ớt, tỏi, long nhãn; mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ, khuyến khích mọi gia đình, đơn vị đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng để tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu. Do những cố gắng đó, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh đã có bước phát triển mới. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 1985 đạt 60 triệu đồng, tăng 3,6% so với kế hoạch và tăng 14,4% so với năm 1984. Các mặt hàng xuất khẩu từ nguyên liệu địa phương tăng 84,7%.
Khởi công xây dựng trung tâm ao cá Bác Hồ - đồi Anh hùng tại thành phố Nam Định, năm 1979.
Đi đôi với đẩy mạnh xuất khẩu, công tác nhập khẩu có tiến bộ, cơ bản đúng hướng phục vụ sản xuất và tiêu dùng, hàng năm tỉnh nhập về 1/3 lượng phân đạm, một phần phân lân, thuốc trừ sâu cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp; sắt thép, xi măng, sợi, nhựa phục vụ cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và một số hàng hoá tiêu dùng phục vụ đời sống. Nhờ vậy xuất nhập khẩu đã gắn bó hơn với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm và cân đối tiền hàng, ngân sách của địa phương, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Ngành tài chính tích cực khai thác tăng thêm các nguồn thu, nhất là các nguồn thu chủ lực; phối hợp các cấp, các ngành giúp cho các đơn vị kinh tế quốc doanh mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để tạo ra những nguồn thu lớn hơn. Với những giải pháp đó, tình trạng thất thu giảm dần, nguồn thu đảm bảo hơn. Năm 1985, thu trên địa bàn đã đảm bảo được 48% chi ngân sách địa phương. Phong trào xây dựng ngân sách xã được tiếp tục đẩy mạnh.
Để củng cố hoạt động ngân hàng, ngày 10-11-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 61-CT/TU chỉ đạo về công tác ngân hàng. Ngành ngân hàng đã chủ động kết hợp với ngành thương nghiệp, tài chính và các ngành khác tìm biện pháp giải quyết quan hệ cân đối giữa tiền - hàng trên thị trường; có biện pháp quản lý tiền mặt và huy động các nguồn vốn nhàn rỗi, nhất là phát động phong trào gửi tiết kiệm. Do đó, thực hiện tốt hơn chức năng thanh toán và quản lý, cải tiến và mở rộng công tác tín dụng, đầu tư đúng hướng, có hiệu quả, phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Trên lĩnh vực đầu tư và xây dựng cơ bản, chủ trương của tỉnh là cải tiến công tác đầu tư, thực hiện phương châm kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường thêm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Trong thực hiện, tỉnh chỉ đạo tiến hành kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả những công trình còn dang dở; điều chỉnh, bố trí lại cho phù hợp với khả năng tiền vốn, vật tư hiện có; rà soát, dừng những công trình chưa có hiệu quả hoặc chưa thật cần thiết, tập trung vào thi công dứt điểm những công trình trọng điểm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Hướng đầu tư là tập trung cho yêu cầu nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Vốn đầu tư xây dựng tăng từ 7,729 triệu đồng năm 1981-1982 lên 35,29 triệu đồng những năm 1983-1985.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, sau khi xem xét đề án quy hoạch cải tạo xây dựng thành phố Nam Định trong những năm 1980 do Viện Thiết kê trình bày, ngày 27-1-1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 31-NQ/TU khẳng định việc xây dựng cải tạo thành phố Nam Định là cần thiết và phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Hà Nam Ninh, đồng thời để thành phố công nghiệp xã hội chủ nghĩa, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, chủ yếu là công nghiệp dệt, chế biến thực phẩm, cơ khí tiêu dùng và phục vụ nông nghiệp giao thông vận tải. Thành phố Nam Định còn là đầu mối giao thông có tính chất trung chuyền cả về đường bộ, đường sắt, đường thuỷ. Quy mô dân số khoảng 18 vạn người vào năm 1990; 20 vạn người năm 2000. Địa giới thành phố sẽ được mở rộng ra hai bên bờ sông Đào và một số xã ngoại thành. Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng một số cơ sở kinh tế, văn hoá và nhà ở phục vụ nhu cầu sinh hoạt và đời sống của nhân dân.
Ngày 19-6-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục họp bàn về quy hoạch cải tạo và xây dựng thành phố Nam Định và xác định rõ thành phố Nam Định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, là thủ phủ của tỉnh Hà Nam Ninh, có vị trí chiến lược kinh tế của tỉnh, là địa bàn trọng tâm để tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng trên phạm vi toàn tỉnh. Tỉnh ủy tiếp tục đặt ra yêu cầu phải xây dựng thành phố Nam Định thành một đơn vị kinh tế hoàn chỉnh, có chức năng quản lý các hoạt động kinh tế, hành chính, dân cư, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh và xác định rõ mỗi phường là một đơn vị kinh tế cơ sở, có kế hoạch và ngân sách, có chức năng quản lý toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội. Việc xây dựng thành phố vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nguyện vọng chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh, do đó tỉnh phải có trách nhiệm đầu tư thoả đáng cả về vật chất, tinh thần cho việc xây dựng thành phố. Sự chỉ đạo của Tỉnh ủy đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển của thành phố trong những năm tiếp theo.
Do những khó khăn chung của nền kinh tế hàng hoá, vật tư khan hiếm nên lĩnh vực phân phối lưu thông luôn diễn biến phức tạp. Phần lớn vật tư, hàng hoá thiết yếu đã sử dụng vào thu mua trao đổi theo hợp đồng hai chiều và phương thức thoả thuận với nông dân; hệ thống bán lẻ của Nhà nước hoạt động khó khăn. Nhằm quản lý thị trường và ổn định đời sống, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V), tháng 7-1984 đã ra nghị quyết về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế. Nghị quyết chỉ ra phương hướng cải tiến cơ chế quản lý kinh tế và giải quyết vấn đề cấp bách của lưu thông phân phối, từng bước xây dựng cơ chế kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Ngày 12-7-1984, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 46-CT/TU chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện Nghị quyết 06 của Trung ương, trong đó nhấn mạnh phải tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về Nghị quyết; xác định chương trình hành động thiết thực và biện pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết; tạo ra sự chuyến biến mạnh mẽ trong quản lý kinh tế ở mọi ngành, mọi cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực phân phối lưu thông.
Ngày 17-6-1985, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) ra Nghị quyết số 25-NQ/TW về giá - lương - tiền. Thực hiện nghị quyết của Trung ương, từ ngày 10 đến ngày 12-7-1985, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp bàn biện pháp thực hiện, xác định việc xoá bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp trong giá và lương là yêu cầu cấp bách, khâu đột phá có tính chất quyết định và là sự đổi mới có ý nghĩa cách mạng cả về lý luận và thực tiễn. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhằm tạo được những chuyển biến mạnh mẽ theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương. Trong chỉ đạo thực hiện, Tỉnh ủy nhấn mạnh cần khẩn trương, tích cực chuẩn bị chu đáo và vững chắc các điều kiện về tư tưởng, tổ chức cán bộ, nắm nguồn hàng, nắm tiền và tăng cường quản lý thị trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8. Đây là công tác trọng tâm đột xuất trong năm 1985, là vấn đề hết sức quan trọng, quan hệ đến mọi cấp, mọi ngành, nên lãnh đạo chỉ đạo phải vừa tích cực, khẩn trương, kiên quyết, vừa thận trọng, vững chắc. Đồng thời Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành làm trước việc bù giá các mặt hàng cung cấp theo định lượng và không định lượng vào lương và đưa lương đã bù giá vào giá thành sản phẩm. Trong tháng 7 tiến hành làm điểm, tháng 8 sẽ tiến hành mở rộng ra toàn tỉnh. Ngày 29-7-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Kế hoạch số 119-KH/TU thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về giá - lương - tiền, thành lập Ban chỉ đạo giá - lương - tiền ở các huyện, thành, thị, các đơn vị sản xuất kinh doanh để chỉ đạo thực hiện chủ trương trên.
Tháng 9-1985, Nhà nước tiến hành đổi tiền trong toàn quốc. Trong quá trình thực hiện, do chủ quan nóng vội, chưa chuẩn bị kỹ nên kết quả thu được không cao, gây nhiều biến động xã hội, có những phức tạp mới, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, đặc biệt, mặt trận phân phối lưu thông có nhiều diễn biến phức tạp, gay gắt. Để đưa công tác quản lý đi vào nền nếp, tỉnh chỉ đạo ngành thương nghiệp đẩy mạnh tổ chức thu mua, nắm nguồn hàng, huy động các nguồn vốn trong tỉnh, mở rộng liên kết với các tỉnh bạn, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, hoạt động thu mua hàng địa phương, nhất là thu mua lương thực và những nông sản chủ yếu tăng lên, đạt từ 15-21% tổng sản lượng lương thực hằng năm. Từ năm 1983 đến 1985, các chỉ tiêu về giá trị đều đạt và vượt kế hoạch, bảo đảm cung cấp các mặt hàng theo định lượng đối với công nhân viên chức và lực lượng vũ trang. Một số mặt hàng thu mua tăng khá như: lạc củ tăng 135%, đay tăng 204%, cói tăng 21,3%, thuốc lá tăng 116%. Việc thực hiện cơ chế một giá góp phần giữ giá cả thị trường. Có những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức kinh doanh và tinh thần phục vụ của thương nghiệp. Nhiều chỉ tiêu nghĩa vụ đóng góp cho Trung ương đạt và vượt kế hoạch, trong đó lợn hơi tăng 36,3%; lạc củ tăng 43%; cói tăng 20%; thuốc lá tăng 1,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Huy động lương thực cho Nhà nước mỗi năm trung bình hơn 161 ngàn tấn, đạt gần 95% kế hoạch.
Lĩnh vực quản lý lao động, giải quyết việc làm và đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước có nhiều cố gắng. Để giải quyết vấn đề dân số và lao động trong tỉnh, góp phần khai thác tiềm năng của đất nước, tỉnh đã tích cực động viên và có chính sách ưu đãi những hộ nông dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, cả ở trong tỉnh và ở các tỉnh khác. Trong 5 năm, tỉnh đã huy động hàng chục vạn lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới. Riêng 3 năm 1983-1985, tỉnh đã tổ chức cho 70,5 ngàn người, bằng 117,5% kế hoạch, trong đó có 33,2 ngàn lao động đi xây dựng kinh tế mới, bằng 132% kế hoạch. Các yêu cầu cung cấp về lao động cho Trung ương đều được thực hiện tốt.
Từ năm 1981 đến năm 1985, ngành giáo dục đào tạo thực hiện chương trình cải cách giáo dục từ hệ 10 năm lên hệ 12 năm, đưa chương trình giáo dục hướng nghiệp vào trường học, thực hiện huy động đóng góp của phụ huynh học sinh theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời xây dựng quỹ bảo trợ trường học. Song, do khó khăn của đời sống kinh tế - xã hội, cuộc sống của giáo viên không đảm bảo đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Tinh thần học tập của học sinh giảm sút, hiện tượng học sinh bỏ học ngày càng tăng. Tỉnh ủy đã ra nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ngày 6-7-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri số 37-TT/TU chỉ đạo về công tác nâng cao chất lượng giáo dục, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm giải quyết tốt vấn đề đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên; thành lập Hội đồng giáo dục các cấp, động viên đông đảo nhân dân và cha mẹ học sinh cùng với nhà trường tham gia quản lý tốt chất lượng giáo dục, tham gia xây dựng nội dung giáo dục trên một số mặt; chăm lo giáo dục đạo đức và công tác hướng nghiệp cho học sinh; đồng thời làm tốt công tác xây dựng đảng trong trường học. Ngày 26-12-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra nghị quyết về công tác giáo dục phổ thông, nhấn mạnh đến truyền thống học tập của tỉnh; hướng giáo dục vào dạy chữ, dạy người, dạy nghề; đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao số lượng, chất lượng đào tạo...
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, ngành giáo dục có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, vận động, tổ chức giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, phát động “Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng” trong giáo dục nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành đã chỉ đạo khắc phục khó khăn về đời sống và cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy học, sách vở, duy trì phong trào thi đua “hai tốt”; thực hiện chương trình cải cách giáo dục có kết quả. Các đoàn đi thi học sinh giỏi toàn quốc của tỉnh luôn đạt thành tích khá. Các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển chọn chuyển cấp được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả cao. Sự nghiệp giáo dục phổ thông, bổ túc văn hoá, giáo dục chuyên nghiệp có chuyển biến tích cực theo mục tiêu cải cách giáo dục cơ bản, đáp ứng yêu cầu học tập của thanh, thiếu niên. Các hoạt động giáo dục lao động, giáo dục hướng nghiệp trong nhiều trường phổ thông trung học, đào tạo kết hợp với lao động sản xuất theo ngành nghề trong một số trường chuyên nghiệp có chuyển biên, làm cho nhà trường gắn bó hơn với đời sống xã hội. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cô nuôi dạy trẻ, đội ngũ giáo viên theo hướng tiêu chuẩn hoá được quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục. Phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường học; dạy nghề cho thanh, thiếu niên; bổ túc tay nghề cho cán bộ công nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đại học bằng hình thức tại chức được mở rộng.
Trước thực tế khó khăn về kinh tế - xã hội, hoạt động của ngành Y tế có biểu hiện giảm sút. Số giường bệnh không đủ đáp ứng nhu cầu. Tỉnh ủy đã có nhiều giải pháp chỉ đạo ngành y tế từng bước xây dựng cơ sở vật chất, động viên tinh thần cho cán bộ nhân viên. Toàn ngành đã phát động nhiều phong trào thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ; bước đầu có sự kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc; chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện tỉnh, huyện từng bước được nâng lên. Phong trào vệ sinh phòng bệnh ở cơ sở được phát động rộng rãi; các dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời, không để các dịch lớn xảy ra. Đội ngũ cán bộ y tế được sắp xếp, hoàn chỉnh lại theo hướng nâng cao chất lượng. Số lượng y, bác sĩ tăng từ 2.446 người năm 1981 lên 2.833 người năm 1985. Việc phân phối, bảo quản, sử dụng thuốc, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và nâng cao đạo đức người thầy thuốc được tăng cường. Cuộc vận động thực hiện phong trào “5 dứt điểm” có nhiều cố gắng mới; từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc và khám chữa bệnh của nhân dân. Bốn năm liền, ngành y tế tỉnh được nhận Cờ luân lưu của Hội đồng Bộ trưởng.
Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường lãnh đạo cuộc vận động thực hiện nếp sống mới, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, xoá bỏ tệ nạn xã hội, quét sạch văn hoá phẩm đồi truỵ, ngày 14-5-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 29-CT/TU phát động phong trào thi đua bốn mũi tiến công, chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh, tiếp tục phong trào xây dựng gia đình văn hoá mới, xây dựng làng xóm, đường phố, khu tập thể hoà thuận. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá, đấu tranh với các hủ tục mê tín dị đoan, xây dựng đời sống lành mạnh trong nhân dân được phát động rộng rãi. Những nghi thức rườm rà, lạc hậu trong việc cưới, việc tang bị phê phán, loại bỏ dần. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, báo chí, truyền thanh đã có nhiều chuyển biến mới, hoạt động ngày càng sôi nổi, rộng khắp và có tiến bộ trong việc hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở. Tỉnh đã tổ chức nhiều đợt hội diễn văn nghệ quần chúng từ cơ sở tới tỉnh đạt kết quả tốt. Việc phát hiện, sưu tầm vốn văn hoá địa phương, xây dựng “Tủ sách quê hương” đã có tác dụng giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân trong tỉnh. Việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, các phong trào thi đua đạt danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu” được phát động rộng rãi. Trung bình mỗi năm có từ 13 đến 16 ngàn lượt người được xem phim, biểu diễn nghệ thuật. Năm 1985, vở kịch Mùa hè ở biển của Đoàn kịch nói tỉnh đã đạt Huy chương vàng Hội diễn toàn quốc mừng 10 năm giải phóng miền Nam (1975-1985). Huyện Hải Hậu 8 năm liền giữ vững danh hiệu là lá cờ đầu của cả nước về phong trào văn hoá cấp huyện. Hai năm 1984-1985, tỉnh được Bộ Văn hoá công nhận hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 18-8-1981 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác thể dục thể thao, ngành thể dục thể thao đã khắc phục những khó khăn, thiếu thốn, từng bước củng cố, phát triển, gắn thể thao hiện đại với phát huy thể thao truyền thống dân tộc. Các môn bóng đá, bóng bàn, bơi lội được triển khai, giữ vững. Tỉnh xây dựng được 2 đội bóng hạng Al là đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh và đội bóng Liên hợp Dệt; đồng thời chỉ đạo tổ chức thành công Hội khoẻ Phù Đông lần thứ I (năm 1983) và Đại hội thể dục thể thao lần thứ I của tỉnh (năm 1984). Năm 1985, đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh đứng đầu giải toàn quốc. Những kết quả của ngành đã có tác dụng tích cực trong việc động viên nhân dân rèn luyện sức khoẻ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, phong trào thể dục thể thao quần chúng, nhất là ở cơ sở còn hạn chế. Lực lượng vận động viên trẻ còn ít, điều kiện tập luyện còn nhiều khó khăn.
Nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, Tỉnh ủy đã chỉ đạo và triển khai toàn diện công tác quân sự địa phương. Hàng năm, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đểu có nghị quyết về công tác quân sự địa phương. Lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được chú trọng xây dựng, bảo đảm số lượng và chất lượng, thường xuyên huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, gắn với phong trào “Làm giàu đánh thắng”. Các phương án tác chiến, tổ chức diễn tập chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyến biển, nhất là vùng biển Xuân Thuỷ, Hải Hậu và chống địch đổ bộ đường không luôn được triển khai. Địa bàn tỉnh được Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 xác định là một hướng chiến dịch, một trong những trọng tâm tiến hành diễn tập về chống địch đổ bộ. Ngày 11-4-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 31-CT/TU về lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ diễn tập chống đổ bộ đường biển; xác định đây là một nhiệm vụ lớn, hết sức quan trọng của địa phương, có quan hệ trực tiếp đến nhiều cấp, nhiều ngành, do đó, các cấp ủy đảng phải quán triệt mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ diễn tập của cấp trên và lãnh đạo chặt chẽ, động viên nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trong khu vực diễn tập, phát huy được sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là xây dựng pháo đài quân sự cấp huyện. Tỉnh ủy chọn Hải Hậu là đơn vị thực hành diễn tập và yêu cầu các cấp, các ngành phải có kế hoạch vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm của ngành, vừa tham gia và phục vụ diễn tập tốt. Cùng với việc diễn tập chống địch đổ bộ đường biển hằng năm, các đợt huấn luyện và hội thao của tỉnh được tổ chức thường xuyên và luôn đạt kết quả xuất sắc.
Ngày 18-2-1983, Tỉnh ủy đã tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang toàn tỉnh”. Qua 4 năm thực hiện cuộc vận động, tỉnh đã hoàn thành tốt 5 mục tiêu về ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, năng lực làm chủ vũ khí, năng lực tổ chức chỉ huy và tổ chức tốt đời sống của bộ đội.
Để xây dựng lực lượng dự bị động viên mạnh, ngày 11- 10-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 25-CT/TU lãnh đạo tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tỉnh. Xã Yên Lộc (Ý Yên) là đơn vị điển hình trong việc xây dựng lực lượng dân quân và lực lượng dự bị động viên.
Gắn với sản xuất đã được tỉnh tống kết và chỉ đạo các đơn vị học tập. Mỗi năm, tỉnh tổ chức giao quân 2 đợt, nhưng từ năm 1984, 1985, chỉ trong đợt I, các đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu giao quân cả năm, bảo đảm cả số lượng và chất lượng. Sự kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với an ninh ngày càng chặt chẽ. Các phong trào lớn như cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang toàn tỉnh” đều được tỉnh quan tâm chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm. Các hoạt động chi viện cho tỉnh Hoàng Liên Sơn và hợp tác quân sự với tỉnh Uđômxay của Lào được duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả tốt. Chính sách hậu phương quân đội được các cấp, các ngành quan tâm và nghiêm chỉnh chấp hành.
Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động và những thay đổi của tình hình chính trị quốc tế, trong nước làm cho tình hình an ninh chính trị thời gian này diễn biến khá phức tạp. Trên biển, tàu đánh cá nước ngoài luôn xâm nhập trái phép vùng biển của tỉnh. Một số địa phương đã phát hiện có mìn của địch thả trôi về theo dòng sông Hồng, có trường hợp đã phát nổ, gây thương tích. Hoạt động vượt biên trốn đi nước ngoài diễn ra ở một số nơi. Nhiều vụ cắt trộm dây truyền thanh, điện lực, trộm cắp tài sản của Nhà nước, tập thể liên tiếp xảy ra. Các thế lực thù địch dùng các luận điệu tâm lý chiến, tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tác động đến tư tương của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt ở một số nơi, tình trạng lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái phép cũng diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III về: “Thường xuyên đề cao cảnh giác, tăng cường lực lượng quốc phòng, an ninh... đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”, Tỉnh ủy phát động đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giáo dục sâu rộng trong quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác, phòng gian, bảo mật, chống các loại chiến tranh gián điệp, tâm lý và những luận điệu phản tuyên truyền của địch. Các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng tăng cường giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các phương án chống gián điệp, biệt kích, chống xâm nhập, trốn đi nước ngoài, làm trong sạch địa bàn luôn được củng cố, bổ sung. Công tác giáo dục ý thức sẵn sàng chiến đấu được nâng lên. Ngành công an đã triển khai đẩy mạnh công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nắm hộ, nắm người, thường xuyên rà soát, làm tốt việc quản lý các đối tượng chính trị và hình sự, kịp thời phát hiện, ngăn chặn được một số vụ tố chức trốn đi nước ngoài và ngăn ngừa được các âm mưu hành động lợi dụng tôn giáo. Nhiều vụ trọng án, gây rối trật tự đã được điều tra, bắt giữ. Thành phố Nam Định đã mở các đợt tấn công truy quét mạnh bọn tội phạm, đạt kết quả tốt, được quần chúng rất hoan nghênh, ủng hộ. Cuộc vận động xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy được phát động rộng rãi trong toàn ngành. Ngày 10-2-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 16-NQ/TU về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Qua hai năm triển khai thực hiện nghị quyết, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh đã phát triển sâu rộng, liên tục, vững chắc trở thành phong trào quần chúng mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã xây dựng được 8.750 tổ, 1.680 liên tổ “An ninh nhân dân” với 208.088 người tham gia, góp phần làm giảm 16,4% số vụ phạm pháp, 18,2% số vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tốt như phường Phan Đinh Phùng (thành phố Nam Định), xã Xuân Phương (Xuân Thuỷ), Nhà máy dệt lụa Nam Định. Ngày 5-4-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 25-NQ/TU về công tác vận động tôn giáo trong tình hình mới, yêu cầu các cấp, các ngành cần ra sức vận động quần chúng trong các tôn giáo đoàn kết cùng toàn dân nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Chỉ thị số 108-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, ngày 12-9-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 20-NQ/TU chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ công tác đấu tranh chống tiêu cực hiện đang là vấn đề đặt ra hết sức khẩn trương, có ý nghĩa chiến lược trong cả quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và tăng cường xây dựng cơ sở vật chất hiện nay. Việc đấu tranh chống tiêu cực phải được tiến hành cả trong nội bộ tổ chức và ngoài xã hội, gắn với việc chống sự phá hoại của địch từ nhiều phía; là trách nhiệm của mọi người, mọi cấp, mọi ngành. Các cấp, các ngành phải nắm vững 5 yêu cầu của Trung ương đề ra, tập trung vào nội dung chính là đấu tranh chống ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, hối lộ, ức hiêp quần chúng, nạn đầu cơ, buôn lậu, làm ăn phi pháp; bọn lưu manh, côn đồ; bọn hoạt động chiến tranh tâm lý, phản động, phá hoại. Quá trình đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực là quá trình xây dựng về tư tưởng, nếp sống mới, con người mới, vì vậy phải đảm bảo mục tiêu và xây dựng được cơ chế quản lý mới. Đối với các tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội cần kết hợp các biện pháp hành chính và pháp luật để trừng trị nghiêm minh, nhất thiết không để tồn đọng. Những vụ việc lớn phải tập trung giải quyết, xử lý ngay từ trong Đảng ra ngoài quần chúng.
Cùng với công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội công tác xây dựng đảng trong những năm 1981-1985 của Đảng bộ tỉnh được chú ý triển khai khá toàn diện, tập trung vào một số nội dung lớn như tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nâng cao chất lượng đảng viên, phát thẻ Đảng xây dựng tổ chức đảng vững mạnh.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), toàn Đảng bộ tiến hành đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng và lãnh đạo việc tiến hành đại hội đảng bộ các cấp vòng 2. Các nội dung trên được chỉ đạo gắn với các phong trào cách mạng, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua nghiên cứu, thảo luận, nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước hầu hết cán bộ, đảng viên biểu thị sự nhất trí cao và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội V của Đảng.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (vòng 2), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng và duy trì quy chế, chương trình làm việc. Hoạt động của các cấp ủy bước đầu có chuyển biến tích cực. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc triển khai, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, đề ra các nghị quyết chỉ đạo các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III (vòng 2) tháng 3-1983.
Công tác tư tương của Đảng bộ đã bám sát các sự kiện lớn của Đảng, của đất nước và của tỉnh để tổ chức tuyên truyền, giáo dục. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo sát nội dung và các hình thức tuyên truyền. Các đợt sinh hoạt chính trị được tổ chức sôi nổi, rộng rãi. Thực hiện Quyết định số 15-QĐ/TW ngày 2-1-1983 của Ban Bí thư về công tác trường Đảng, hệ thống trường Đảng, trường chính trị của tỉnh, huyện được tăng cường, liên tục mở các lớp tập trung và tại chức, đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận cho hàng vạn cán bộ, đảng viên. Trường Đảng tỉnh mỗi năm mở 1 đến 2 lớp hệ trung cấp chính trị. Riêng năm 1983, mở 2 lớp trung cấp chính trị tại trường cho 172 học viên, và 3 lớp tại chức cho 273 học viên. Trong 3 năm từ 1983 đến 1985, tỉnh đã cử 3.067 cán bộ đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị, lý luận, văn hoá, quản lý kinh tế ở trong nước và ở nước ngoài. Qua các hình thức tuyên truyền giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng của đội ngũ đảng viên của tỉnh từng bước được nâng lên. Số đảng viên có trình độ văn hoá cấp III chiếm từ 23,8% năm 1982 tăng lên 29,5% năm 1985; trình độ cao đẳng, đại học từ 4,3% năm 1982 lên 5,67% năm 1985; trình độ sơ cấp lý luận chính trị từ 31,4% năm 1982 lên 37% năm 1985; trình độ trung cấp lý luận chính trị chiếm 5,62%. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo có 54% đã học trung cấp đến cao cấp lý luận chính trị; 15,8% học quản lý kinh tế; 12,6% học quản lý Nhà nước.
Công tác tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên cốt cán nơi đồng bào theo đạo Thiên Chúa được quan tâm thực hiện. Ngày 6-8-1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri số 12-TT/TU yêu cầu toàn bộ số đảng viên gốc giáo trong toàn tỉnh đều được bồi dưỡng một số kiến thức cần thiết đế đảm đương trách nhiệm vận động lãnh đạo nhân dân, làm nòng cốt của phong trào ở nơi đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Ban Tuyên huấn, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tập thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện.
Thực hiện Quyết định số 153-QĐ/TU ngày 22-5-1985 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xây dựng các khu lưu niệm, các nhà bảo tàng cách mạng và tượng đài các chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai xây dựng khu lưu niệm như Xuân Hồng (Xuân Thuỷ), Nam Vân (Nam Ninh) và xây dựng tượng đài đồng chí Tống Văn Trân... Thông qua các hình thức tuyên truyền và các đợt sinh hoạt đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, đảng viên.
Công tác tổ chức cán bộ các cấp được gắn với các đợt hoạt động lớn và tập trung vào xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ vững mạnh. Qua thực hiện việc phát thẻ Đảng, bầu cử hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, tổ chức lại theo hướng tăng cường lãnh đạo về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý hành chính; xây dựng và thực hiện quy chế làm việc. Việc xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh tới các huyện, xã được tiến hành thường xuyên, các cơ sơ yếu kém được chú ý kiện toàn. Đội ngũ bí thư chi bộ và đội trưởng sản xuất được tổ chức tập trung bồi dưỡng nên đã có tác dụng thiết thực trong việc nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực thực tiễn. Một số ban, ngành ở tỉnh, huyện, thành, thị cũng bước đầu được kiện toàn theo yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới. Việc đề bạt, sử dụng cán bộ đã chú ý đến trình độ khoa học - kỹ thuật, thực tiễn và tuổi trẻ. Năm 1981, tỉnh đề bạt 201 cán bộ trong diện tỉnh quản lý, bố trí, sắp xếp mới 47% bí thư, 58% chủ tịch các huyện. Trong tiếp nhận sử dụng cán bộ, hướng chung của tỉnh là ưu tiên cho cơ sở, nhất là những đơn vị sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các cán bộ mới được đề bạt đều có trình độ quản lý, trình độ học vấn; tỷ lệ tuổi trẻ đã qua rèn luyện trưởng thành từ thực tế tăng lên.
Việc tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng những năm 1981-1985 được chú trọng, mỗi năm kết nạp từ trên 1.600 đến trên 2.000 đảng viên mới. Trong 5 năm, toàn tỉnh kết nạp được 9.406 đảng viên, tăng 1,7% so với nhiệm kỳ trước.
Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 29-9-1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác xây dựng các đảng bộ huyện vững mạnh gắn với việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, cuộc vận động xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh ở tỉnh được triển khai liên tục và thu được nhiều kết quả mới. Ngày 5-6-1984, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đánh giá về công tác tổ chức và cán bộ của tỉnh trong 3 năm 1981-1983. Ngày 7-6-1984, Tỉnh ủy ra nghị quyết chỉ đạo về việc tăng cường xây dựng cấp huyện, gắn với xây dựng đảng bộ huyện và cơ sở vững mạnh; ngày 15-5-1985, ra nghị quyết chỉ đạo việc xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Các nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng đảng bộ, chi bộ vững mạnh đã đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Nhiều địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo được chuyển biến tích cực. Qua thực hiện, số đảng bộ, chi bộ vững mạnh ngày càng tăng. Năm 1982, toàn tỉnh có 23,51% số đảng bộ, chi bộ cơ sở đạt vững mạnh, đến cuối năm 1985 tăng lên là 49,64%; số đảng bộ, chi bộ yếu chiếm từ 14,42% năm 1982 giảm xuống còn 6,34% năm 1985 .Đến năm 1985, toàn tỉnh có 3 đảng bộ huyện đạt vững mạnh, riêng Đảng bộ huyện Hải Hậu đạt vững mạnh 3 năm liền. Một số huyện khác như Ý Yên, Nam Ninh, Nghĩa Hưng... cũng có bước tiến bộ.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 83-CT/TW ngày 26-11-1979 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phát thẻ đảng viên, ngày 10-4-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri số 31-TT/TU về việc tăng cường lãnh đạo hoàn thành tốt công tác phát thẻ đảng viên, yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác phát thẻ Đảng trong toàn Đảng bộ. Công tác phát thẻ Đảng được kết hợp chặt chẽ với công tác tư tưởng, tổ chức, kiểm tra. Trong quá trình phát thẻ đảng viên, các đơn vị đều tiến hành nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình, đồng thời đối chiếu với tư cách đảng viên để phân loại đảng viên. Nhiều cơ sở đã tổ chức cho quần chúng góp ý kiến phê bình cán bộ, đảng viên. Thông qua việc phát thẻ Đảng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các tổ chức cơ sở đảng đã có những chuyển biến tốt, nhiều cơ sở yếu kém đã vươn lên khá. Tính đến cuối năm 1981, toàn Đảng bộ có gần 105.700 đảng viên được phát thẻ, bằng 96% tổng số đảng viên, ở 15 đảng bộ huyện, thành thị, sau khi phát thẻ, số lượng đảng viên loại I chiếm 47%; loại II chiếm 36,15%; loại III chiếm 7,23%; số còn lại từ loại IV tới loại VI chiếm 8-9%.
Cuối năm 1982, Tỉnh ủy chỉ đạo tổng kết công tác phát thẻ đảng viên từ cơ sở. Toàn tỉnh có 97% cơ sở đảng và 100% các đảng bộ trực thuộc tỉnh (24 đảng bộ) tiến hành tổng kết. Qua tổng kết công tác phát thẻ, các đảng bộ rút ra được nhiều kinh nghiệm; đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương. Chất lượng đội ngũ đảng viên qua đó được nâng lên, góp phần làm cho nội bộ Đảng thêm trong sạch, vững mạnh.
Công tác kiểm tra của Đảng bộ từ năm 1981 đến 1985 có nhiều chuyển biến tích cực. Uỷ ban kiểm tra các cấp đã xây dựng và thực hiện được chương trình kiểm tra của cấp ủy. Cùng với việc kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các nguyên tắc, Điều lệ Đảng, công tác kiểm tra còn tập trung vào rà soát, xem xét, kết luận những cán bộ, đảng viên có sai phạm, giải quyết những đơn thư khiếu tố và thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, giữ gìn kỷ luật. Từ năm 1982, được uỷ ban Kiểm tra Trung ương giúp đỡ, tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng công tác kiểm tra tại chỗ. Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Hải Hậu làm điểm công tác kiểm tra ở cơ sở. Đến năm 1983, ủy ban kiểm tra các cấp được kiện toàn và củng cố tốt hơn. Trong 3 năm từ 1983 đến 1985, ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành xem xét, đề nghị kỷ luật khai trừ và đưa ra khỏi Đảng 1.924 trường hợp. Công tác giải quyết đơn thư tố cáo từng bước được triển khai có hiệu quả. Việc tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra đã có tác dụng tích cực trong việc duy trì nền nếp kỷ luật đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Ngày 18-10-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri số 29-TT/TU chỉ đạo việc chuẩn bị đại hội các cấp cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Chỉ thị yêu cầu trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình hành động của Đảng bộ trong thực hiện Nghị quyết 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 8 của Tỉnh ủy, chương trình hành động của Tỉnh ủy, huyện ủy và 5 yêu cầu xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đại hội các cấp phải phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiến hành phê bình và tự phê bình nghiêm túc; đánh giá đúng tình hình, bàn bạc, quyết định những nhiệm vụ chính trị sát đúng, thiết thực; tăng cường đoàn kết, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, gắn với thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ và các nhiệm vụ trên giao.
Trong thời gian năm 1982-1983, Đảng bộ huyện Xuân Thuỷ do tư tưởng cá nhân cục bộ của một số cán bộ dẫn đến mất đoàn kết trong Huyện ủy, thậm chí là trong cán bộ chủ chốt của huyện. Ngày 14-10-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra nghị quyết về giải quyết tình hình huyện Xuân Thuỷ, yêu cầu Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Xuân Thuỷ kiểm điểm nghiêm túc, đề ra chủ trương, biện pháp giải quyết cụ thể để sớm ổn định tình hình. Sau khi tiến hành xem xét, nghiên cứu và có kết luận rõ về tình hình mất đoàn kết ở Xuân Thuỷ, ngày 6-9-1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 06-NQ/TU về việc tập trung sức kiện toàn Đảng bộ huyện Xuân Thuỷ kiên quyết củng cố khối đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ và huyện Xuân Thuỷ vững mạnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, trên cơ sở tăng cường đấu tranh tự phê bình và phê bình, huyện đã xử lý kỷ luật, cho nghỉ hoặc điều chuyển công tác một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt huyện và một số đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Tỉnh ủy phân công đồng chí Tô Xuân Toàn - ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trực tiếp làm Bí thư Huyện ủy. Tình hình mất đoàn kết ở huyện Xuân Thuỷ được giải quyết và dần đi vào ổn định. Tháng 11-1984, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VIII được tổ chức thành công; nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của huyện đạt kế hoạch đề ra. Trong dịp tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1985), huyện Xuân Thuỷ được nhận cờ Đảng bộ vững mạnh, tạo ra khí thế và niềm vui mới trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong huyện.
Đi đôi với công tác xây dựng đảng, công tác xây dựng và kiện toàn hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp luôn được các cấp ủy chú trọng. Hội đồng nhân dân từ tỉnh đến cơ sở duy trì tốt nề nếp sinh hoạt và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Để phát huy và bảo đảm quyền hạn của đại biểu hội đồng nhân dân, Tỉnh ủy chỉ đạo, yêu cầu chuẩn bị kỹ nội dung các kỳ họp để các đại biểu hội đồng nhân dân có điều kiện tham gia quyết định các vấn đề lớn của địa phương. Các đại biểu hội đồng nhân dân còn được tạo điều kiện để giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, tiếp nhận các ý kiến và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Ngày 22-4-1984, hơn 98% số cử tri trong toàn tỉnh đã phấn khởi đi bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân hai cấp, cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân hai cấp huyện, xã đạt được kết quả tốt. Toàn tỉnh bầu được 1.008 đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện, 14.045 đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã.
Đồng chí Trường Chinh xem mặt hàng do Nhà máy Dệt sản xuất (1980).
Cùng với việc nâng cao chất lượng chính quyền cấp tỉnh, chất lượng của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp từng bước được nâng cao, tập trung vào giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, các hoạt động của cơ sở; đổi mới, nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Thực hiện Nghị quyết 16/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, tỉnh tổ chức sắp xếp lại một số cơ quan và tinh giảm biên chế hành chính. Phương pháp chỉ đạo và lề lối làm việc của chính quyền các cấp từng bước được tăng cường, củng cố và cải tiến. Ủy ban nhân dân tỉnh và ủy ban nhân dân các cấp đều xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, chương trình hoạt động, tổ chức tiếp dân, có nhiều tiến bộ trong việc thể chế hoá về mặt nhà nước các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy và tiến hành tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn. Những thủ tục hành chính phiền hà từng bước được khắc phục.
Việc phân cấp quản lý cho huyện được triển khai tương đối toàn diện, tạo điều kiện cho cấp huyện phát huy tính năng động, tự chủ trong quản lý kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước, chăm lo đẩy mạnh sản xuất và đời sống nhân dân. Cuộc vận động xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh đạt kết quả khá, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ có tiến bộ.
Tuy nhiên, hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền có mặt còn hạn chế. Các chỉ thị, nghị quyết được thể chế hoá chậm và thực hiện thiếu triệt để. Công tác quản lý trật tự an toàn xã hội chưa đi vào nền nếp. Ở một số đơn vị sở, ban, ngành, ý thức chấp hành của cá nhân còn tuỳ tiện, chưa nghiêm; sinh hoạt, hội họp nhiều, nhưng chất lượng chưa cao; việc tổ chức, sắp xếp, quản lý còn nhiều bất cập.
Trước tình hình hoạt động của các tổ chức đoàn thể gặp nhiều khó khăn, Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm, ra nhiều văn bản chỉ đạo củng cố, xây dựng Mặt trận và các đoàn thể để phát huy vai trò chức năng của các đoàn thể chính trị - xã hội. Ngày 24-6-1985, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 (khoá III) đã ra Nghị quyết số 25-NQ/TU về việc tăng cường công tác quần chúng của Đảng. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tích cực giáo dục, vận động quần chúng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phương thức hoạt động bước đầu được cải tiến, gắn với bồi dưỡng cán bộ, tăng cường củng cố xây dựng các tổ chức quần chúng ở cơ sở, nhất là những nơi có khó khăn. Thông qua việc tiến hành đại hội các cấp từ tỉnh tới cơ sở, hệ thống tổ chức các đoàn thể đã được củng cố thêm một bước, hoạt động của các đoàn thể bước đầu có chuyển biến, tiến bộ trong việc phối hợp công tác, hướng vào xây dựng tổ chức cơ sở, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều phong trào cách mạng trong quần chúng được phát động. Sự phối kết hợp hoạt động giữa các tổ chức đoàn thể ngày càng chặt chẽ hơn.
Tổ chức công đoàn trong tỉnh được kiện toàn từ tỉnh tới cấp huyện và cơ sở. Các cấp công đoàn có nhiều cố gắng nâng cao năng lực hoạt động, coi trọng giáo dục xây dựng người công nhân, viên chức xã hội chủ nghĩa, tập trung thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; phát động nhiều phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, phong trào phát huy sáng kiến và tiết kiệm, phong trào phục vụ nông nghiệp và phong trào tăng gia tự cải thiện đời sống.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực sự phát huy vai trò “ba xung kích làm chủ tập thể”, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đoàn đã tập trung vào việc củng cố tổ chức, phát thẻ đoàn viên, giáo dục truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh cho thanh niên; phát động sôi nổi phong trào “Cuộc hành quân theo chân Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “Theo bước chân những người anh hùng”, tích cực giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng và xung kích, đi đầu trong các lĩnh vực khó khăn như chống lụt bão, làm thuỷ lợi, nuôi thả bèo hoa dâu...
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xã hội, giáo dục, xây dựng người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa, chăm lo quyền lợi của phụ nữ, tổ chức tốt đời sống gia đình; phát động các phong trào: “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”, tích cực mua công trái, gửi tiền tiết kiệm, thực hiện nam nữ bình đẳng, sinh đẻ có kế hoạch...
Hội Nông dân tập thể các cấp hướng vào giáo dục, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể cho xã viên, góp phần thúc đẩy thực hiện ba cuộc cách mạng trong nông nghiệp, tích cực động viên bà con nông dân hăng say sản xuất, bán thêm nhiều lương thực, thực phẩm cho Nhà nước và xây dựng nông thôn mới.
Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy khối đoàn kết toàn dân, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tôn giáo, thực hiện chính sách dân tộc, đi sâu kiện toàn các tổ công tác phường, xã theo tinh thần Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời tích cực động viên các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia lao động sản xuất, tích cực mua công trái xây dựng Tổ quốc. Nhiều phong trào được phát động sôi nổi như: “Ba cây, ba việc”; “Tiết kiệm tuổi già”; “Hiến kế, hiến công”...
Tuy nhiên, do nhận thức của một số cấp ủy đảng về công tác vận động quần chúng còn hạn chế, việc lãnh đạo chỉ đạo chưa được thường xuyên nên hoạt động của các đoàn thể chưa đều, chưa mạnh, chậm đổi mới; nội dung phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa thực sự hấp dẫn; điều kiện và các phương tiện vật chất phục vụ cho hoạt động đoàn thể còn nhiều khó khăn.
Những năm 1981-1985, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh đoàn kết, từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi lên trong cơ chế mới và đã đạt được những kết quả quan trọng. Sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất, có bước chuyển biến mới về thâm canh, phát triển tương đối toàn diện; năng suất sản lượng lúa tăng. Công nghiệp địa phương đã khắc phục được những khó khăn, bước đầu áp dụng cơ chế mới duy trì thường xuyên sản xuất và có mặt phát triển. Xuất nhập khẩu đã xác định được bước đi và có tiến bộ. Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể được quan tâm củng cố an ninh, quốc phòng được tăng cường và giữ vững. Mặc cho còn nhiều khó khăn song tỉnh cũng rất cố gắng trong việc giải quyết đời sống của nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần; các nghĩa vụ với Nhà nước được đảm bảo. Nhiều hộ nông dân đã có lương thực dự trữ. Các hoạt động văn hoá, y tế, giáo dục có nhiều cố gắng khắc phục những khó khăn trong chuyển đối cơ chế, từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Với những thành tích đó, nhân dịp kỷ niện 40 năm ngày Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 - 2-9-1985), Hội đồng Nhà nước đã quyết định tặng thưởng cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh “Huân chương Sao Vàng”, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn và khủng hoảng. “Sản xuất nhìn chung phát triển chậm, thiếu ổn định, thiếu vững chắc, dân số tăng nhanh, chưa phát huy được thế mạnh của ba vùng kinh tế. Năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các hoạt động kinh tế - xã hội còn thấp. Tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng. Phân phối lưu thông, nhất là giá cả thị trường diễn biến phức tạp và có nhiều khuyết điểm. Chưa có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế trong tỉnh. Công tác quản lý kinh tế - xã hội bị buông lỏng, các hiện tượng tiêu cực trong kinh tế - xã hội phát triển và diễn biến phức tạp, có mặt, có nơi nghiêm trọng. Công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể chưa đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới”.