Củng cố hậu phương, xây dựng làng xã chiến đấu, sẵn sàng chống địch chiếm đóng (1947 đến 10/1949)

CHƯƠNG III: HẢI HẬU TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)

3. Củng cố hậu phương, xây dựng làng xã chiến đấu, sẵn sàng chống địch chiếm đóng (1947 đến 10/1949):

Ở Hải Hậu cuối năm 1946 đầu năm 1947, Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập. Các đoàn cứu quốc đã được hình thành. Một số phần tử đội lốt tôn giáo bị truy nã, đã trốn vào các nhà thờ lập ra những cái gọi là "Mặt trận dân tộc giải phóng", "Thanh niên diệt Cộng", "Liên minh tôn giáo diệt cộng” lừa gạt giáo dân, chống phá cách mạng.

Tháng 4/1947, bọn này đã bán tín phiếu chống Cộng để lấy tiền mua vũ khí. Ngày 25/5, chúng tổ chức cướp 50 vạn đồng của Ty thuế quan Văn Lý. Đầu tháng 7, thúc ép dân Xương Điền, Văn Lý biểu tình chống thuế muối. Cuối tháng 8 đầu tháng 9/1947 chúng đã gây vụ bạo loạn Xuân Hà, Tang Điền Ngày 31/8, chúng công khai bắt giết 2 công an về công tác tại địa phương Ngày 02/9, lại bắt giết một số cán bộ của phái đoàn Dân chính huyện. Sau đó một số cán bộ, huyện đội cùng với du kích vào làm công tác vận động quần chúng lại bị bắt giữ và thủ tiêu.

Ngày 05/9/1947, trung đội 160 bộ đội địa phương, do Ông Trần Quang Rượng quê Hải Trung làm Trung đội trưởng, hướng dẫn Đại đội Đề Thám của Tỉnh cùng đoàn cán bộ Mặt trận Liên Việt huyện Hải Hậu vào Xuân Hà tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Chính phủ. Vận động dân, giảm tán các cuộc biểu tình và những nhóm canh gác tập trung do bọn phản động tổ chức. Đồng thời ta trừng trị những tên đầu sỏ gian ác, tước khí giới bọn chúng, do đó vụ phiến loạn nhanh chóng bị dập tắt, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chính quyền Cách mạng.

Từ ngày 11/11/1945, Đảng tuyên bố “Tự giải tán” nhưng thực chất là Đảng rút vào hoạt động bị mật. Huyện uỷ lúc đó lấy bị danh là “Cứu quốc hội" với con dấu hình quả trám, chi bộ cơ sở lấy bí danh là "Nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác" Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật nhưng cơ sở Đảng vẫn được mở rộng, đến cuối năm 1947, huyện đã phát triển tới 105 đảng viên, sinh hoạt ở 17 chi bộ, đến cuối năm 1948 toàn huyện đã có 24 chi bộ với 501 đảng viên, đến cuối năm 1949, phát triển lên tới 927 đảng viên.

Đầu năm 1948 huyện quyết định hợp nhất 61 làng xã lại thành 19 liên xã, bỏ ranh giới các tổng cũ, chia huyện làm 4 phân khu, đồng thời kiện toàn lại Uỷ ban hành chính kháng chiến các cấp cho phù hợp với yêu cầu của tỉnh hình.

Khu I gồm:

1. Xã Minh Khai (gồm Phương Đê, Giáp Thất),

2. Xã Quần Anh (gồm Quần Phương Thượng, Quần Phương Đông, Tả Hữu, Tứ Trùng),

3. Xã Quần Phương (Quần Phương Hạ).

4. Xã Trung Nam (Quần Phương Trung, Quần Phương Nam).

Khu II gồm:

1. Xã Hải Nam (Hội Khê Nam, Trà Hải Trung);

2. Xã Hưng Đạo (Hà Quang, Hải Nhuận, Hà Lạn, Phúc Hải),

3. Xã Ái Quốc (Trả Hai Hạ, Thanh Quang).

4. Xã Phan Chu Chinh (Kiên Trung, Lạc Nam, Hà Nam).

Khu III gồm:

1. Xã Tân Anh (Hải Tân, Hải Tiến, Cồn),

2. Xã Quang Trung (Trung Phương, Thanh Trà, Trùng Quang);

3. Xã Xuân Phương (Quế Phương, Liên Phú, Doanh Châu, Xuân Hà);

4. Xã Tân Hưng (Văn Lý, Xương Điền, Hoà Định, Xuân Hoà),

Khu IV gồm:

1. Xã Liên Tiến (Xuân Thuỷ, Xuân Đài, Xuân An, Cần Tròn, Phú Văn Nam);

2. Xã Liên Phương (Lục Phương Lý.,Quần Phương Trung Trai, Quỳnh Phương, Quần Phương Thượng Trại).

3. Xã Hải Châu (Phú Lễ ấp, Hoàng Hải, Long Châu);

4. Xã Tử Mỹ (Kiên Chính, Quần Phương Hạ Trại, Tang Điền),

5. Xã Phù Ninh (Ninh Cường Trại, Phú Quý Lý, Phú Văn Lý);

6. Xã An Ninh (An Nghiệp, An Nghĩa, An Nhân, An Trạch, An Đạo),

7. Xã Phúc An (An Phong, An Lễ, Phúc Hải, An Phú, An Lac).

Đầu năm 1948, huyện rút gọn đại đội "Tự vệ lưu động" thành trung đội 160, có chức năng chiến đấu cơ động trong toàn huyện khi cần thiết. Đơn vị này thoát ly sản xuất, huấn luyện tập trung, có hàng chục khẩu súng trường và mìn, lựu đạn, trang bị hơn hẳn dân quân xã, các xã đều thành lập trung đội du kích tập trung, có xã xây dựng tới 2 trung đội, được trang bị mìn, lựu đạn cùng một vài khẩu súng trường. Một số xã có điều kiện thì may sắm cho du kích quần áo đồng phục.

Cuối năm 1949, tất cả các đơn vị vũ trang của tỉnh, bao gồm du kích tập trung, cảnh vệ, tự vệ xung phong, quyết tử quân đều được chấn chỉnh thống nhất thành đại đội, tiểu đoàn bộ đội địa phương theo đúng sắc lệnh qui định của Chính phủ. Trong khi Hải Hậu chưa thành lập đại đội bộ đội địa phương, theo yêu cầu của tỉnh, huyện rút một phần trung đội 160 làm nòng cốt để tổ chức thêm 1 trung đội bổ sung cho tỉnh thành lập đại đội bộ đội địa phương huyện Vụ Bản.

Về lực lượng công an, lúc đầu còn trực thuộc quận Hai gồm 2 huyện Trực Ninh, Hải Hậu, chưa tổ chức thành đơn vị công an cấp huyện, địa bàn huyện chia thành một số vùng, mỗi vùng có từ 2 đến 3 công an viên, gọi là chỉ công an trực thuộc quân. Năm 1948 ngành công an huyện bắt đầu hình thành, người phụ trách gọi là đặc phải trường, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện uỷ. Các đoàn thể cứu quốc tích cực hoạt động. Thanh niên có phong trào tòng quân giết giặc. Phụ nữ có phong trào “Hội mẹ chiến sỹ” đỡ đầu bộ đội, thương binh và phong trào “Hũ gạo kháng chiến”. Các cụ phụ lão có hội bảo trợ du kích và du kích Bạch đầu quân... Nhân dân trong huyện đã đóng góp công của cho kháng chiến, chăm lo giúp đỡ bộ đội, du kích với tất cả tấm lòng yêu nước nồng nàn của mình. Ở ấp Xuân Thuỷ, từng gia đình nhân kết nghĩa, đỡ đầu các chiến sỹ Trung đội 160. Nhân dân nhiều xã nhân trồng lúa, làm muối để đóng góp phần tự túc cho du kích. Có những cá nhân như bà Phạm Thị Hỗ, Hội trường hội Phụ nữ xã Quần Anh, kết hợp với vận động nhân dân còn xuất tiền của gia đình sắm vũ khí may quần áo, chăn màn, có thời gian nuôi cả đại đội Đề Thám (sau này là đại đội 91 thuộc tiểu đoàn bộ đội địa phương đầu tiên của tỉnh). Cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ” ở Hải Hậu thực hiện chỉ tiêu mỗi làng 2 áo trấn thủ và 2 chăn cho bộ đội. Cuộc Vận động mua "Công phiếu kháng chiến", ngay tuần lễ đầu phát động, toàn huyện đã mua 253.800 đồng, tháng cao nhất (11/1948) là 363.600 đồng, có cá nhân đã mua tới 1 vạn đồng, giữ kỷ lục cao nhất của tỉnh Nam Định, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi.

Ngày 16/3, Pháp dùng tầu chiến và ca nô chở 1 tiểu đoàn từ thành phố Nam Định theo sông Hồng bất ngờ đổ bộ lên Ngô Đồng, rồi tiếp tục hành quân theo đường số 56 tràn qua khu vực Quần Phương, khi đến Yên Định chúng ập vào trạm thuế bắt trưởng trạm, phá két bạc, đốt 2 nóc nhà xóm Tây Lễ, 8 nóc nhà khu vực Đông Biên, xuống Ninh Cường rồi lên tầu thuỷ về Nam Định.

Sau cuộc hành quân của địch, ta gấp rút thực hiện kế hoạch xây dựng làng chiến đấu, tiêu thổ kháng chiến và kế hoạch tản cư, bảo toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Toàn huyện đã huy động lực lượng bản vũ trang và đông đảo nhân dân, đưa hàng vạn cây phi lao và tre hoa rào cửa sông Ninh Cơ chặn tàu chiến Pháp qua lại, phá các đoạn đường 50, 51, 56, 21 thuộc địa phận Hải Hậu để hạn chế sức cơ động của cơ giới địch. Nhân dân các xã trong huyện cất cử lực lượng phá huỷ công sở của huyện, đề phòng quân Pháp tràn về đồn trú, tích cực xây dựng trận địa, cải tạo địa hình sẵn sàng chiến đấu giữ làng. Xung quanh các thôn xóm, đều có hàng rào tre dày đặc bao bọc kín. Các đầu cầu, đầu đường vào thôn, xã đều đào hào, đắp ụ trồng tre tạo thành những chướng ngại vật cản bước tiến của địch. Mỗi làng chiến đấu đều dựng chòi canh để theo dõi địch, mỗi trận địa đều bố trí ụ súng, bãi chông mìn, có dậu luỹ để cản địch, có hào giao thông liên hoàn, thuận tiện việc cơ động chiến đấu. Các đường nhỏ vào xóm đều rào kín bằng những cây tre kiên cố, mở lối đi tắt giữa các hộ dân cư, thành thế đánh địch quần lộn liên hoàn. Ven các trục đường lớn đào cắt thành hào chữ chi. Dân quân còn đào thêm và củng cố các hầm tập thể làm nơi tạm thời sinh hoạt, hội ý, cấp cứu thương binh khi chiến sự xảy ra. Khu vực huyện lỵ, phố Đông Biên, Đông Cường từng nhà khoét tường thông nhau thành thế trận phòng ngự liên hoàn, đường vào phố bố trí bãi mìn, bãi chông và đắp nhiều ụ đất cản bước tiến của địch.

Nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, giết giặc bảo vệ quê hương được toàn dân hưởng ứng với tinh thần không tiếc công, tiếc của, không sợ gian khổ hy sinh.

Họ Mai Trà Trung Họ Mai Hải Nam Họ Mai Hải Hậu Họ Mai Nam Định Họ Mai Việt Nam