Cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ, thúc ép đi cư; hoàn thành cải cách ruộng đất (1954 - 1957)

CHƯƠNG IV: HẢI HẬU KHÔI PHỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1954-1975)

1. Cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ, thúc ép đi cư; hoàn thành cải cách ruộng đất (1954 - 1957):

Sau ngày 01/7/1954, quân Pháp rút khỏi Nam Định, nhưng chúng để lại khá đông ngụy quân, ngụy quyền, bảo an dân vệ và các tổ chức đảng phải phản động với một số lượng lớn vũ khí quân dụng mà chính quyền cách mạng chưa thể kiểm soát ngay được. Những tháng cuối năm 1954, đầu năm 1955, bọn phản động tăng cường hoạt động. Chúng ra sức dụ dỗ và thúc ép nhân dân Nam Định, đặc biệt là những gia đình có người tham gia ngụy quân, ngụy quyền, địa chủ, tư sản, một số trí thức, đồng bào Công giáo di cư vào Nam, hòng gây khó khăn cho ta trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tạo cơ sở xã hội cho chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, chống phá cách mạng nước ta. Địa bàn trọng yếu để chúng phá hoại là các vùng Công giáo, vùng mới giải phóng và các thành phố.

Hải Hậu là địa bàn có trên 40% đồng bào Công giáo, lại thuận lợi giao thông thuỷ bộ, nên địch chọn nơi đây làm một trong những trọng điểm để thực hiện âm mưu dụ dỗ và thúc ép nhân dân di cư. Từ cuối tháng 7 năm 1954, dịch ra sức tuyên truyền xuyên tạc chính sách tôn giáo, chính sách khoan hồng, chính sách của Cách mạng. Chúng tung tin "Chúa đã vào Nam" để thúc ép giáo dân di cư vào Nam.

Trước tình hình đó, ta xác định công tác tuyên truyền, vận động đồng bảo với phương châm “Lấy thuyết phục, vận động là chính”, làm cho nhân dân thông suốt chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng, nhận rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù; kêu gọi đoàn kết lương - giáo và biểu dương thành tích của đồng bào trong kháng chiến để khích lệ lòng tự hào, tình cảm gắn bó với quê hương, với cách mạng. Hàng ngàn cán bộ, bộ đội đã đến các thôn xóm, thực hiện "Ba cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân; có những cán bộ đã nhường cơm, sẻ áo cho các cụ già, các em bé bị đói lả nằm ở ven biển đợi tàu.

Nhờ những biện pháp thích hợp, đến tháng 6/1955 tình hình Hải Hậu cơ bản đã được ổn định. Ta đã phá âm mưu của địch: "Đưa thật nhiều đồng bào di cư vào Nam”, vận động hàng nghìn gia đình trở về quê hương, ổn định tâm lý cho hàng vạn đồng bào yên tâm sinh sống tại quê hương.

Ở Hải Hậu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), chính quyền cách mạng đã thực hiện tạm cấp, tạm giao 15.694 mẫu ruộng cho 17.650 hộ với 66.220 nhân khẩu và phát động quần chúng đấu tranh đòi giảm tổ, giảm tức. Nhưng hầu hết ruộng đất vẫn còn nằm trong tay địa chủ. Tổng số địa chủ trên địa bàn toàn huyện chiếm tỷ lệ 2,2% dân số nhưng lại chiếm 33,4% ruộng đất, nhà Chung, nhà Chùa chiếm 3,5 %, Nông dân hơn 90% dân số nhưng chỉ có 39% tổng số ruộng đất. Cuối năm 1955, Uỷ ban cải cách Trung ương đã cử 4 đội cái cách ruộng đất về Hải Hầu làm thí điểm ở xã Hải Phúc và Hải Lộc.

Tháng 01 năm 1956, theo quyết định của Uỷ ban hành chính tỉnh Nam Định, Uỷ ban Hành chính huyện Hải Hậu đã thực hiện chia tách, lập xã mới.

- Xã Hải Anh chia thành 2 xã: Hải Anh, Hai Hùng.

- Xã Hải Đường chia thành 2 xã: Hải Đường, Hải Cát.

- Xã Hải Long chia thành 2 xã: Hải Long, Hải Sơn.

- Xã Hải Phương chia thành 2 xã: Hải Phương, Hải Bắc.

- Xã Hải Tân chia thành 2 xã: Hải Tân, Hải Tiến.

- Xã Hải Châu chia thành 2 xã: Hải Châu, Hải Thịnh.

- Xã Hải Triều chia thành 2 xã: Hải Triều, Hải Chính.

- Xã Hải Phú chia thành 2 xã: Hải Phú, Hải Cường.

- Xã Hải Trung chuyển các xóm: Mi Điền, Đồng Hoành, Phú Cường sáp nhập với An Ninh, Hùng Mỹ, Phạm Rỵ thuộc huyện Trực Ninh về huyện Hải Hậu lập thêm xã mới Hải Thành.

- Tháng 3 năm 1956, tách thôn Trung Thành của xã Hải Nam để lập thêm xã mới Hải Vân.

- Sáp nhập thôn Hội Khê Ngoại thuộc xã Xuân Hoà (huyện Xuân Trường) và Trại Hà Quang (xã Hải Phúc) vào xã Hải Nam.

- Xã Xương Điền trong cải cách ruộng đất đổi thành xã Hải Lương (để ghi danh 1 cán bộ đội cái cách ruộng đất đã từ trần ở xã Xương Điền ngày đó), đến năm 1958 sáp nhập vào xã Hải Lý.

Năm 1956, xây dựng được trường cấp 2 Quốc lập Hải Hậu cho học sinh toàn huyện và khu vực Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng theo học (địa điểm tại khu vực trường Trung học cơ sở thị trấn Yên Định ngày nay, trường được thành lập từ 1952, trong kháng chiến chống Pháp).

Song song với việc chia tách, đổi tên, lập xã mới và lập trường học, từ đầu năm 1956, cuộc cải cách ruộng đất được triển khai trên quy mô toàn huyện.

Đến cuối năm 1956, trên địa bàn toàn huyện đã tịch thu, trưng thu hàng trăm con trâu bò, nông cụ và hàng nghìn nhà ở cùng với 5.098 mẫu ruộng của 754 địa chủ đem chia cho 16.626 hộ với 65.647 khẩu (bình quân 0,7 sáo khẩu).

Về cơ bản, Cải cách ruộng đất đã thực hiện thành công khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, giai cấp địa chủ bị đánh đổ, quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ phong kiến bị thủ tiêu, chính quyền cách mạng xác lập quyền sở hữu toàn dân về ruộng đất. Nông dân phấn khởi, tin tưởng vào chế độ mới và trở thành người làm chủ nông thôn về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Tuy vậy trong Cải cách ruộng đất “Việc tổ chức thực hiện đã có nhiều thiếu sót nghiêm trọng".

Khi phát hiện sai lầm, Trung ương đã kịp thời chỉ đạo sửa sai. Tháng 12/1956, Hải Hậu được tỉnh chọn làm điểm, tiến hành thông qua 3 bước.

- Bước 1, trọng tâm là học tập chính sách sửa sai và cùng cố tổ chức, điều chỉnh lại diện tích, sản lượng, trả lại tự do cho 105 người, khôi phục Đảng tịch cho 107 đảng viên, phục hồi chức vụ cho 200 chi uỷ viên và cán bộ, đảng viên, xóa án, minh oan cho những người bị bắt oan sai trong cải cách ruộng đất.

- Bước 2, từ tháng 01/1957 phân định lại thành phần, toàn huyện còn 45 địa chủ gian ác, 62 địa chủ thường, 47 địa chủ kháng chiến, hạ thành phần cho 575 gia đình, đồng thời đền bù 4 thứ tài sản chính là ruộng, trâu bò, nhà cửa và nông cụ. Tổng số đã đền bù 1.051 mẫu ruộng.

- Đầu tháng 5/1957 tiến hành bước 3, giải quyết dứt điểm những tồn tại và kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể. Đến tháng 7/1957, nhiệm vụ sửa sai trong cải cách ruộng đất ở Hải Hậu đã cơ bản hoàn thành, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố.

Họ Mai Trà Trung Họ Mai Hải Nam Họ Mai Hải Hậu Họ Mai Nam Định Họ Mai Việt Nam