Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng cách mạng (9/1945 - 12/1946)

CHƯƠNG III: HẢI HẬU TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)

1. Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng cách mạng (9/1945 - 12/1946):

Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền cách mạng được thiết lập từ xã tới huyện. Nhân dân ta được giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Mặc dù vậy, ở một số làng, xã trong huyện đến lúc này vẫn chưa có cơ sở cách mạng, do đó chính quyền còn bị bọn địa chủ cường hào cũ lũng đoạn, có nơi nghiêm trọng. Chính quyền cách mạng non trẻ cùng nhân dân Hải Hậu phải đương đầu với nhiều khó khăn, phức tạp.

Về kinh tế, mọi ngành sản xuất đều sút kém, đình đốn do hậu quả của nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 và nạn "đổ cây nước" do bão biển năm Thân (1944) gây thiệt hại nặng nề cho vùng biển từ Xuân Hà đến Hạ Trại (nay là Hải Đông đến Hải Triều). Nhiều khu ruộng bị nhiễm mặn phải để hoang hoá. Đồng muối, nhiều ô nề bị tróc vỡ, đời sống nhân dân lao động quá khó khăn, lương thực cạn kiệt. Nông dân thiếu ruộng cầy, vì ruộng đất vẫn còn nằm trong tay địa chủ chiếm giữ... các ngành nghề bị đình trệ, nhất là nghề dệt truyền thống, hàng nghìn khung cửi phải ngừng hoạt động vì không có nguyên liệu. Hàng hoá khan hiếm. Nạn đầu cơ tích trữ phát triển, tài chính, ngân quỹ, kho tàng của huyện trống rỗng. Nguy cơ một nạn đói đe doạ, giữa lúc đó, các thế lực để quốc núp dưới danh nghĩa quân Đồng Minh để tước vũ khí quân đội Nhật cũng tràn vào từ hai đầu đất nước.

Sau cách mạng tháng 8 vẫn còn một bộ phận quân Nhật đóng lại ở Nam Định chờ ngày giải giáp. Ở Hải Hậu chúng cướp thuyền của ngư dân hòng vượt biển chạy trốn. Cuối tháng 9/1945, quân Tường Giới Thạch kéo vào Nam Định, lợi dụng danh nghĩa quân Đồng minh, chúng sách nhiễu, vơ vét hàng hoá, lương thực, thực phẩm trả với giá rẻ mạt, ép ta tiêu tiền "Quan kim", "Quốc tệ" đã mất giá. Chúng kích động, che chở bọn phản động khiêu khích, vu cáo chính quyền cách mạng. Bọn cơ hội, nhất là các tên trong các đảng phái phản động lợi dụng tôn giáo dần dần lộ mặt, ra sức tuyên truyền xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng của ta, nói xấu chính phủ, ly gián giáo dân với cách mang, gây khó khăn cho việc phát triển các đoàn thể cứu quốc cũng như xây dựng và củng cố chính quyền.

Cách mạng vừa mới thành công, Chi bộ đảng chưa kinh qua công tác lãnh đạo chính quyền. Các tổ chức quần chúng nói chung mới được xây dựng, lực lượng vũ trang địa phương đang hình thành, trang bị còn nghèo nàn. Nhìn chung tất cả chưa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.

Tuy vậy, thuận lợi cơ bản nhất là được sự ủng hộ của nhân dân. Các tầng lớp nhân dân toàn huyện luôn tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng đem tính mạng và của cái để bảo vệ độc lập dân tộc và bảo về chế độ mới.

Ngay sau cách mạng thành công, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách nhằm phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói, tổ chức tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân, cần kiệm, liêm chính, bài trừ những thói hư, tật xấu do chế độ thực dân, phong kiến để lại, bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện, tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.

Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc chỉ rõ: "Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng". Đồng thời để ra nhiệm vụ cần kíp "Cùng có chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân".

Thực hiện chỉ thị đó, sau ngày giành chính quyền, phủ Hải Hậu đổi lại thành huyện như trước năm 1937.

Chi bộ đảng thuộc cơ quan huyện thành lập tháng 8/1945 gồm 5 đáng viên. Nhờ tích cực tuyên truyền vận động, giác ngộ những quần chúng ưu tú để lựa chọn phát triển Đảng, đến tháng 6/1946 số lượng đã tăng lên 11 Đảng viên, tổ chức thành ba chi bộ mới ở các xã Quần Phương Trung, Xuân Thuỷ, Phương Đê. Đơn vị hành chính cấp cơ sở thành lập thêm làng Tang Văn do xứ họ đạo phía nam Tang Điền (họ Gio An), biển lở, năm 1936 chuyển cư vào vùng cánh đồng cỏ Năm Nhuận địa phận Văn Lý (ghép hai chữ đầu Tang Điền - Văn Lý thành Tang Văn). Đến đây toàn huyện có 61 làng xã.

Nhiệm vụ củng cố chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu. Để tăng khối đoàn kết toàn dân của chính quyền cách mạng, huyện chủ trương mở rộng thành phần Uỷ ban cách mạng lâm thời, mới thêm một số trí thức, thân sỹ tiến bộ tham gia trên nguyên tắc bảo đảm quyền lãnh đạo của Đảng. Thời kỳ đầu, nhiều làng xã đưa cả cường hào, địa chủ vào chính quyền, thậm chí cả con trai Tham biện Vũ Ngọc Oánh vào Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện.

Chấp hành sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ thị hướng dẫn của Trung ương. Mặt trận Việt Minh huyện Hải Hậu tổ chức đợt tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp rất sôi nổi, sâu rộng tới từng thôn xóm. Từ cuối năm 1945, phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày hội lớn của dân tộc được phát động rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Khi thể cách mạng sôi nổi trong khắp xóm làng. Càng gần đến ngày bầu cử, các hoạt động cổ động, tuyên truyền càng nhộn nhịp. Khắp các ngả đường, nơi công cộng, đình chùa, các địa điểm đặt hòm phiếu.. đều treo cờ, căng khẩu hiệu nổi bật các dòng chữ Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm. Tất cả cử tri hãy tới nơi bỏ phiếu!

Nhiều nơi trong huyện đã viết những câu văn vần tuyên truyền, cổ động cho các ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu để được đắc cử làm đại biểu Quốc Hội của nhân dân tỉnh Nam Định lúc đó:

"Quốc dân chọn lấy người hiền

Tứ, Khiêm, Âu, Mẫn, Trác, Anh, Trọng, Thiều

Quốc dân yêu nước bao nhiêu

Dồn cho các vị bấy nhiêu phiếu bầu!"

"Khiêm, Thiều, Trọng, Tuệ, Tín, Anh

Sắc, Đoan, Đức, Trác, Mẫn, Thành, Tứ, Trân

Những người yêu nước thương dân

Thêm Âu xin cũng một lần chớ quên!".

Ngày 06/01/1946, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hài Hậu, bất kỳ nam hay nữ, từ 18 tuổi trở lên đều hân hoan, phấn khởi, lần đầu tiên được tự tay cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội.

Hòng chống phá cuộc bầu cử, ở một số làng bọn cường hào, lý dịch trước đây cấu kết với những phần tử lạc hậu, ra sức lôi kéo giáo dân hòng tạo ra cái gọi là "lực lượng đối lập" chúng cũng đưa ra danh sách 15 ứng cử viên đối lập để được bầu vào Quốc hội, đồng thời ráo riết tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Chính phủ và Việt Minh để phá hoại cuộc bầu cử, nhưng đã bị tuyệt đại bộ phận cử tri Hải Hậu tẩy chay.

Được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, cuộc bầu cử Quốc hội khoá I thành công tốt đẹp. Gần 100% cử tri đã đi bỏ phiếu. Các ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều đắc cử ở tất cả các hòm phiếu trong huyện.

Ngày 20/01/1946, Cử tri Hải Hậu lại nô nức đi bầu cử HĐND cấp tỉnh và tiến hành bầu cử HĐND cấp xã vào ngày 18/3/1946 để cử ra Uỷ ban hành chính các cấp.

Ở Hải Hậu, một số làng xã do tình hình chính trị phức tạp nên chưa tiến hành bầu cử được. Song nhìn chung cuộc bầu cử HĐND tỉnh, xã đã kết thúc thắng lợi, chọn ra được những đại biểu xứng đáng của nhân dân lao động vào các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước địa phương, nhờ vậy chính quyền nhân dân ở cơ sở đã được kiện toàn, củng cố một bước. Huyện coi trọng công tác xây dựng khối đoàn kết toàn dân, nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân vào mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược và thực hiện nhiệm vụ "kháng chiến Kiến quốc".

Mặt trận Việt Minh có uy tín lớn trong nhân dân. Các hội Cứu quốc của nông dân, thanh niên, phụ nữ không ngừng được cùng cố và phát triển. Tiếp đó thành lập Hội Phật giáo cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc, cán bộ các ngành giới được huấn luyện, đào tạo cấp tốc đưa về cơ sở làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng.

Các tổ chức đoàn thể nhân dân trong Mặt trận Việt Minh ngay những ngày đầu thành lập đã thu hút đông đảo quần chủng tham gia.

Để mở rộng và củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, ngày 01-10-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập, bao gồm Mặt trận Việt Minh và các tổ chức ngoài mặt trận Việt Minh (Đoàn thanh niên Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam). Hội Liên Việt còn thu hút cá những cá nhân yêu nước, tiến bộ ngoài Mặt trận Việt Minh. Đây là bước phát triển mới của Mặt Trận dân tộc thống nhất ở địa phương.

Thực hiện cải thiện đời sống nhân dân, ngay sau khi cách mạng thành công, chính quyền cách mạng đã xoá bỏ các loại thuế bất công, nhất là thuế thân, bãi bỏ độc quyền về muối, rượu, miễn thuế môn bài cho những người buôn bán nhỏ, giảm thuế điền thổ 20%. Một phong trào tăng gia, sản xuất, tiết kiệm lương thực để cứu đói và phòng đói được phát động sôi nổi. Nấu nượu bằng gạo, đầu cơ tích trữ lương thực bị ngăn cấm. Mỗi gia đình tự nguyện giảm bữa ăn, lập hũ gạo cứu đói, quyên góp lương thực tương trợ lẫn nhau. Đê điều được cùng có. Đê biển đồng muối Xương Điền, Kiên Chính, Doanh Châu đã đào đắp được 13km, với khối lượng 20.000m3 đất do nhân dân tự túc hoàn toàn cả về nhân lực và vật lực.

Tổng sản lượng muối trong toàn huyện từ 1 vạn tấn lên 2,5 vạn tấn/năm. Huyện đã chỉ đạo các xã chia lại công điền, buộc địa chủ phải giảm tô 25% cho tá điền, hoãn nợ cho nông dân, chia ruộng đất của Việt gian cho dân cây nghèo....

Tất cả công dân, không phân biệt nam nữ từ 18 tuổi trở lên đều được quân cấp công điền theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng. Riêng việc thực hiện giảm tô kết quả còn thấp.

Tại Đồn điền gồm 1.300 mẫu ruộng do Vũ Ngọc Oánh chiếm đoạt, y dựa vào thế lực phong kiến và tôn giáo bóc lột nông dân hết sức tàn bạo. Tá điền phải chịu mọi hình phạt do y tự ý đặt ra.

Sáng 24/6/1946, nông dân quyết định biểu tình, đoàn biểu tình gồm hơn 600 người, sau khi chào cờ, bắn súng thị uy rầm rộ kéo đến dinh thự Hoánh đấu tranh. Cha con Oánh ngoan cố, tàn ác, xả súng liên thanh từ tầng cao xuống đoàn biểu tình làm 1 người chết và 2 người bị thương. Căm thù ngùn ngụt dâng cao, nông dân vây chặt dinh thư suốt 2 ngày đêm. Hỗ trợ đoàn biểu tình, Mặt trận Việt Minh huyện huy động nông dân 4 xã lân cận cùng về phối hợp, có sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền tỉnh, huyện. Cuối cùng Vũ Ngọc Oánh buộc phải thực hiện đầy đủ yêu sách giảm tô của nông dân, bồi thường người bị hại và chịu truy tố trước pháp luật.

Trước đây cả huyện mới có 2 trường tiểu học, mỗi làng chỉ có một, vài lớp hương sư, 95% dân số chịu cảnh thất học. Ngay từ cuối tháng 11/1945, Ban Bình dân học vụ huyện được thành lập. Cán bộ Bình dân học vụ, cán bộ Mặt trận kiên trì đến từng nhà vận động từng người đi học. Nên chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn người đã biết đọc, biết viết. Phong trào Bình dân học vụ huyện Hải Hậu trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh, đơn vị thi đua xuất sắc của liên khu Ba, Giám đốc nha Bình dân học vụ Vương Kiêm Toàn trực tiếp về kiểm tra, biểu dương khen ngợi. Thành tựu giáo dục này thực sự là một cuộc cách mạng ý nghĩa to lớn, giúp nhân dân thoát nạn mù chữ, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, quyền lợi công dân của mình.

Chính quyền tiến hành rộng rãi cuộc vận động "Đời sống mới", động viên mọi người nêu cao tinh thần "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thực hiện nhiều biện pháp hạn chế và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là việc đấu tranh ngăn ngừa những tập tục cũ như cheo cưới nặng nề, ma chay phiền phức và đồng bóng, bói toán.

Tệ nạn cô đầu, nhà thổ, thuốc sái, cờ bạc, trộm cắp, kiên quyết ngăn chặn, xoá bỏ. Nữ giới được đối xử bình đẳng như nam giới.

Hưởng ứng phong trào xây dựng quỹ "Độc lập" và "Tuần lễ vàng" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân Hải Hậu ai cũng hết lòng ủng hộ. Người dành dụm từng đồng tiền, bát gạo, người đem cả phần vốn hoặc những kỷ vật thiêng liêng đóng góp cho kháng chiến, góp phần đưa thành tích của tỉnh nhà đứng hàng thứ ba cả nước.

Để bảo vệ chính quyền trước mọi âm mưu phá hoại và lật đổ của kẻ thù. Ngay sau khi cách mạng thành công huyện đã kịp thời tổ chức một trung đội cảnh vệ làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan và thực hiện kiểm tra, niêm phong các kho muối ở ven biển. Tháng 9 - 1945, đã phối hợp cùng lực lượng cấp trên bắt gọn một thuyền chở lính Nhật chạy trốn ở vùng biển Hạ Trại, thu toàn bộ vũ khí.

Việc xây dựng lực lượng bán vũ trang ở cơ sở để canh gác, bảo vệ xóm làng, bảo vệ các cuộc bầu cử bắt đầu hình thành. Tổ chức tự vệ mang tính toàn dân được đông đảo mọi người tham gia, do vậy ở khắp các thôn xóm nơi nào cùng có tổ chức tự vệ. Hầu hết các làng, xã đều có từ một đến hai, ba đội tư vệ.

Tháng 4/1946, Uỷ ban bảo vệ của huyện và các xã được thành lập, trong đó Uỷ viên thường trực Uỷ ban là ủy viên quân sự. Các đơn vị tự vệ được xây đựng, có qui chế hoạt động. Mỗi thôn đều xây dựng từ một tiểu đội đến một trung đôi, mỗi xã có từ một đến hai đại đội. Riêng xã gần huyrrjn do đồng chí Chủ nhiệm Việt Minh (Phạm Văn Xuân) trực tiếp chỉ đạo xây dựng một trung đội bán vũ trang. Các đơn vị tự vệ còn là nòng cốt trong các phong trào ở địa phương, cuối năm 1946 trung đội tự vệ của huyện phát triển thành "Đại đội tự vệ lưu động" là lực lượng bảo vệ chủ lực của chính quyền lâm thời.

Thời gian đầu nhiều cán bộ chỉ huy và cán bộ huấn luyện quân sự là cựu binh sỹ của chế độ cũ, đã tự nguyện bỏ hàng ngũ về với nhân dân. Phong trào toàn dân tập luyện quân sự được phát động rộng rãi, thu hút đủ mọi tầng lớp, trai, gái, trẻ, già tham gia. Tuy vũ khí thô sơ, giáo mác, gậy gộc, luyện tập còn hạn chế, nhưng phong trào đã làm cho mọi người hăng hái sẵn sàng, chuẩn bị mọi mặt chống giặc cứu nước, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Ngày 23/9/1945 Thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ, Hồ Chủ Tịch và Trung ương Đảng kêu gọi cả nước ủng hộ đồng bào Nam bộ kháng chiến. Đầu năm 1946 các báo Trung ương và địa phương dồn dập đưa tin và bình luận về chiến công của 4 chiến sỹ cảm tử, đã giả làm người bán hàng chợ, lọt vào bộ tham mưu quân đội Pháp ở đồn Cái Răng (Cần Thơ) dùng dao đâm chết bọn chỉ huy đầu sỏ (tháng 12/1945). Trong số đó có cảm từ quân Trần Chiên, người quê gốc Quần Phương Trung vào Cần Thơ làm thợ may đã gia nhập Tự Vệ Cuộc (nay là Bộ Công an). Tự hào với chiến công này, nhân dân Quần Anh đã làm lễ truy điệu anh, làm dấy lên lòng căm thù giặc sâu sắc.

Nhân dân Hải Hậu cùng với nhân dân trong tỉnh đã biểu tình phản đối hành động xâm lược của thực dân Pháp và nhiệt liệt hướng ứng phong trào "Nam tiến". Hàng trăm thanh niên trong huyện hăng hái đăng ký lên đường vào Nam giết giặc. Huyện bộ Việt Minh đã thành lập đại đội, tổ chức hành quân lên Nam Định để gia nhập vào đoàn quân Nam tiến của tỉnh.

Khi Hiệp định sơ bộ 06/3/1946 được ký kết, ta tổ chức nhiều cuộc mít tinh lớn, nhất là ở Đông Biên và chợ Cồn nhằm giới thiệu tính chất đúng đắn của hiệp định và bày tỏ sự đồng tình của nhân dân đối với Mặt trận Việt Minh.

Tháng 7/1946, lực lượng tự vệ và hàng nghìn người đã biểu tỉnh tuần hành 35km để biểu dương lực lượng và biểu thị thái độ cực lực phản đối thực dân Pháp vi phạm hiệp định và đả đảo chính phủ bù nhìn tay sai giặc.

Chỉ hơn một năm sau Cách mạng Tháng 8 thành công, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng cán bộ và nhân dân Hải Hậu đã thu được những thắng lợi to lớn, nhất là xây dựng và củng cố chính quyền, mặt trận, phục hồi kinh tế cải thiện đời sống nhân dân, chống giặc đói và giặc dốt, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, ổn định tình hình xã hội. Thắng lợi đó tạo nên niềm tin của nhân dân với cách mạng. Sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Họ Mai Trà Trung Họ Mai Hải Nam Họ Mai Hải Hậu Họ Mai Nam Định Họ Mai Việt Nam