Quá trình khai khẩn lập tổng Kiên Trung
CHƯƠNG I: ĐẤT HẢI HẬU TỪ KHỞI NGUỒN ĐẾN THÀNH LẬP HUYỆN (1888)
4. Quá trình khai khẩn lập tổng Kiên Trung:
Sông Hồng sau khi đã phân nhánh thành Lạch Lác (nay là sông Ninh Cơ) tiếp tục tiến ra biển, đến địa phận cuối huyện Xuân Trường ngày nay, tiếp giáp với Ngô Đồng (Giao Thủy) lại phân nhánh thành một chi lưu, chảy xuôi về phía Nam, nay là địa giới giữa hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Dòng sông cửa biển có nhiều sò huyết nên gọi là sông Sò.
Nhờ sông Ninh Cơ và sông Sò bồi tụ, vùng đất phía Đông huyện được hình thành nhanh. Đến thời Lê Sơ (1428 - 1527) nhân dân đã khẩn hoang mở đất Quần Mông, Ngọc Tỉnh, Kiên Lao.
Từ khi “Tứ tính Cửu tộc” Quần Anh lập ấp Quần Cường thì người Quần Mông cũng đã tràn xuống khẩn hoang vùng đất Nghĩa Xá, chợ Ấp (xã Xuân Ninh, Xuân Trường ngày nay) cho tới sát vùng đất Bắc Biên của Quần Anh.
Từ khi nhân dân Quần Anh đắp đê Đông làm đường giới Đông thì cư dân Lạc Quần, đứng đầu là Tổ Mai Phúc Tình, cháu Tổ Mai Phúc Viễn tổ chức mở đất dọc theo phía Đông đường giới.
Đến thời Lê, niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) vua ra lệnh xuất công khố đắp đê, ngăn sóng biển suốt từ Quảng Yên đến Nghệ An, con đê này thực sự là thành lũy vững chắc, tạo điều kiện cho nhân dân phía trong đê nơi đây khai khẩn nhanh.
Tiếp giáp với khu vực khẩn hoang của Quần Mông, nơi có con sông Rộc bắt nguồn từ sông Ninh Cơ chảy qua, ở Kiên Lao có hai cha con người chở đỏ tên là Thưởng và Tứ đã cùng một số dân làng ngày ngày qua sông sang bãi khẩn hoang lập nên Trại Đò (nay thuộc đội sản xuất số 1 xã Hải Vân). Từ Trại Đò, tiếp tục có các dòng họ Ngô, Đặng, Bùi, Lê, Đỗ cùng về mở đất lập thành ấp Kiên Trung, trực thuộc xã Kiên Lao.
Phía đông ấp Trại Đò cho tới cánh đồng “Chóp Chài” đê Hồng Đức giáp sông Sò, cũng trong thời gian này người Hội Khê và Trà Thượng cùng một số dân đánh cá ở Thạch Cầu, Nga Sơn (Thanh Hóa) thuộc các dòng họ Lê, Phạm, Nguyễn, Mai, Trần làm nghề thu bắt hải sản, đăng đó tôm cá đến đây lập đất Trại Đăng. Từ Trại Đăng mở rộng thành các giáp Hội Khê Nam (gọi tắt là Hội Nam), Hội Khê Ngoại (gọi tắt là Hội Khê), Trà Hải Trung (gọi tắt là Trà Trung) và Trà Hải Hạ (Trà Hạ).
Hội Khê và Hội Nam là vùng đất thuộc xã Hội Khê Bắc, còn đất Trà Trung, Trà Hạ thuộc về xã Trà Hải phía Bắc sông Rộc. Xã Trà Hải có 6 thôn, 2 thôn Trung Nghiêm và Trung Nhưng thuộc về Trà Trung, 2 thôn Phú Thọ, Xuân Hòa thuộc về Trà Hạ. Trà Trung và Trà Hạ được hình thành từ khoảng 16751705 do cụ Trần Đức Tâm từ Cát Chử cùng các cụ họ Mai- Trà Thượng, họ Hoàng- Cẩm Hà, họ Nguyễn- Xuân Thượng về kiến ấp.
Đền Thái Hòa Xuân xã Hải Vân - Thờ 26 vị mở đất Kiên Trung
Đầu thế kỷ XVI vùng cửa sông Hà Lạn về phía Tây cồn bãi đã nổi lên, dân đánh cá từ nhiều nơi tụ về. Hai dòng họ đến sớm là họ Lâm từ Phúc Kiến (Trung Quốc) và họ Nguyễn từ An Cường (Quần Anh) đến cùng lập nên Cẩm Hà Trang. Nhưng chính thức từ khoảng 1619- 1628, cụ Vũ Duy Hòa từ Mộ Trạch (Hưng Yên) cùng nhạc phụ là Trần Quốc Thể và các cụ Phạm Hương an, Đỗ Minh Thông, Đoàn Công Cai với con cháu họ hàng, bè bạn và nhân dân Cẩm Hà Trang đứng ra trưng khẩn, tạo thành một mũi lấn biển mạnh mẽ, tiến về phía Tây, khép kín tới đất Quần Anh lập thành 8 thôn: Thương Phúc, Trung Tư. Phương Đông, Phúc Tự, Phúc Thuy, Phúc Lộc, Phượng Đoài, Trung Lương thành ấp Hà Lạn.
Các vùng đất thuộc tổng Kiên Trung đều được khai khẩn vào thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Tuy vị trí của vua Lê ngày càng bị lu mờ nhưng những qui định hành chính từ buổi đầu thời Lê Sơ vẫn còn được thực hiện. Năm 1428, Lê Lợi qui định có ba loại xã: Xã lớn 100 người trở lên, xã vừa 50 người trở lên, xã nhỏ 10 người trở lên. Năm 1490, Lê Thánh Tông qui định lại, xã lớn 500 hộ, xã viza 300 hộ trở lên, xã nhỏ từ 100 hộ trở lên. Vì vậy, tuy ở đây đã lập được các trại mới nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để được công nhận là một làng. Do phụ thuộc vào xã cũ nên bị bọn chức dịch chèn ép, bắt phu phen, tạp dịch năng nề.
Trải qua một thời gian dài đấu tranh đòi chia xã, cho mãi tới thời ký Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782) nhân dân Hội Khê, Hội Nam mới hội đủ điều kiện để được triều đình phê chuẩn.
Theo gia phả họ Lê tại từ đường họ chỉ Bính xóm 13 Hội Khê, thì người có công xin chia xã là Tổ Lê Đình Mai, vốn làm trong phủ chúa đã tâu với cung phi Đặng Thị Huệ xin với Trịnh Sảm, được triều đình phê duyệt. Sau sự kiện này, Lê Đình Mai được phong chức cai tổng.
Các giáp và các ấp còn lại chưa được thăng lên cấp xã tiếp tục mở đất.
Nhân dân Kiên Trung mở đất đến ngang Trà Hải Trung thì gặp người Quần Mông khẩn đất ép sát sang phía Đông nên đã xảy ra tranh chấp ở vùng Cổ Đồn. Cả hai bên cùng phải đắp “Ba mô, chín miếng" phân ranh giới, rồi Kiên Trung mở đất xuống phía Nam, mở rộng địa vực về phía tây giáp Quần Anh (xã Hải Bắc ngày nay) cho tới chân sóng (nay thuộc Hải Quang) thì dùng lại. Vì vậy đất Quần Mông từ thôn Hưng Nhân thu hẹp lại chỉ bằng 1/3 bề rộng của Kiên Trung.
Đến Gia Long thứ 16 (Bính Tý 1818), triều đình phê chuẩn cho Kiên Trung tách khỏi Kiên Lao, lập thành xã bao gồm 4 giáp: Trung Thành, Thái Hòa, Hưng Nghĩa, Hưng Lễ. Những người có công vào kinh đô dâng sở xin lập xã, cả hai lần gồm 29 vị, được dân xã ghi công là “Bán xã tiền bối danh hiệu" Trong văn tế ở đền Thái Hòa, đứng đầu là tiên chỉ Bùi Vũ Cát và Quốc sư Trần Trọng Quí.
Cầm Hà Trang và Hà Lạn ấp do quá trình khai khẩn đất rộng, người đông. đến thời kỳ Nguyễn Minh Mạng (1820-1840) cũng được thăng lên cấp xã. Cẩm Hà đổi tên thành xã Hà Quang, còn Hà Lan vẫn giữ nguyên tên cũ.
Hội Khê, Hội Nam, Trà Trung, Trà Hạ phát triển xuống phía Nam gặp dân Hà Lan, Kiên Lao đã khẩn đến vùng chợ Cầu Đôi thì dừng lại ở đây.
Năm 1885, Đồng Khánh nguyên niên, Trà Thượng phân xã Trà Trung, Trà Hạ. Đến 1888 cuối đời Đồng Khánh mới chính thức được riêng biệt xã.
Vùng đất do người Quần Mông khẩn hoang suốt từ nửa đầu thế kỷ XV, mãi đến 1704, sau khi xẻ xong sông Gianh khoanh vùng ngăn mặn thì công cuộc khai khẩn mới được đẩy mạnh. Đến giữa thế kỷ XIX đã hình thành một vùng đất kéo dải suốt từ vùng chợ Áp (Xuân Nính ngày nay) tới An Định. Vùng đất này cùng với các xã Kiên Trung, Hội Nam, Hội Khê, Trà Hải Trung, Hà Quang, Hà Lạn đều trực thuộc tổng Kiên Lao, huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường.
Năm 1888 (Đồng Khánh thứ ba) các xã này tách khỏi tổng Kiên Lao, thành lập tổng Kiên Trung. Riêng Hội Khê (Hội Khê Ngoại) vẫn ở lại tổng cũ. Đất Quần Mông phần ở lại tổng Kiên Lao gọi là Lạc Quần, phần chuyển về tổng Kiên Trung gọi là Quần Nam (Năm 1956 lại trở về Lạc Quần) và Nam Lạc (nhân dân vẫn quen gọi là Lạc Nam). Đến 1889 Thành Thái nguyên niên, Lạc Nam mới chính thức được thăng lên cấp xã ". Xã Lạc Nam có 4 giáp, An Định (Yên Định) được coi là đất “an cư, định nghiệp” nên đặt tên đất này là giáp nhất của xã.