Quá trình thăm dò, trưng khẩn vùng bãi bồi Lạch Lác (1428 - 1484)
CHƯƠNG I: ĐẤT HẢI HẬU TỪ KHỞI NGUỒN ĐẾN THÀNH LẬP HUYỆN (1888)
1. Quá trình thăm dò, trưng khẩn vùng bãi bồi Lạch Lác (1428 - 1484)
Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định ở phía Đông - Nam đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải châu thổ sông Hồng. Vào thời Ngô - Đinh - Tiền Lê, Lý - Trần, nơi đây còn là biển cả. Theo những tư liệu lịch sử và kết quả nghiên cứu của các nhà địa lý, địa chất về dấu tích đường bờ biển thế kỷ X trên đất Nam Định tương đương với khu vực ngã ba sông Đáy - sông Nam Định (tức là vùng của biển Đại Nha xưa), chạy ngang qua khu vực Bách Tính huyện Nam Trực, mà dấu tích còn lại là đường Vàng, cồn Vàng ngày nay.
Từ tháng 12 năm Mậu Dần (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Trần khởi nghiệp Đế. Theo chủ trương ban hành vào năm 1226, nhà Trần khuyến khích các vương hầu, công chúa, phò mã, quí tộc chiêu mộ dân ly tán khai hoang lập ra các điền trang.
Thân phụ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu được ban thái ấp ở nhiều nơi, trong đó có ấp An Lạc bên bờ sông Châu Giang. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Hoàng tử thứ sáu của vua Trần Thái Tông đã sinh sống ở Mạt Lăng (nay thuộc Cổ Lễ, huyện Trực Ninh). Quí tộc Trần Chiêu Đức lập điền trang Vô Hoạn Phủ Thiên Trường (nay thuộc huyện Nam Trực). Cha con, thầy trò Tri Thẩm Hành Viện Đào Toàn Bân, Trạng nguyên nhập nội hành khiển Đào Sư Tích cũng chọn đất Cổ Lễ lập điền trang sinh sống.
Vùng đất bãi phía trên Cổ Lễ (giáp sông Hồng) vào đầu triều Trần còn hoang hóa. Được chính sách nhà nước khuyến khích khẩn hoang, các vương hầu, quí tộc là hậu duệ của Hưng Đạo Đại Vương và các quan lại thuộc các dòng họ Trần, Vũ, Hoàng, Phạm tập hợp dân xiêu tán, không có sản nghiệp về đây khai khẩn ruộng hoang thành một vùng rộng lớn lập thành Xã Tương Đông”. Đây chính là vùng quê gốc của tứ Tổ khai sáng Quần Anh sau này.
Trị vì đất nước được 175 năm thì nhà Trần suy vong buộc phải rời bỏ địa vị thống trị vào năm 1400. Quyền bính rơi vào tay nhà Hồ, nhưng không được bao lâu, năm 1407 giặc Minh kéo sang xâm lược.
Trải qua 20 năm (1407 - 1427) nhà Minh đô hộ và cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế nước ta. Đồng ruộng, làng xóm điêu tàn, nhân dân xiêu tán. Sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (15/4/1428) cho 25 vạn quân về làm ruộng và khôi phục lại sản xuất; Kêu gọi nhân dân xiêu tán trở về quê cũ, cùng nhau xây dựng lại xóm làng, đồn điền, phát triển nghề nghiệp.
Nhờ có sông Hồng hằng năm đưa phù sa bồi tụ ra biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, cộng với tác động của hướng sóng biển, gió mùa, hướng khúc xạ của sóng vào bờ... phần lớn phù sa lắng về phía Nam, thuộc khu vực bờ biển Nam Định, vì thế các bãi bồi tiến ra biển trung bình đạt từ 60 - 80 m/năm.
Đến cuối thời Trần, sông Hồng đã tiến dần ra cửa Ba Lạt, đến ngã ba Mom Rô đầu đất Hành Thiện ngày nay phân nhánh thành một chi lưu, chảy xuôi về phía Nam, qua Quần Mông, tới bến Múc chuyển sang phía Tây rồi xuôi xuống Nam ra biển. Ban đầu nhánh sông này nhỏ như một con lạch, chảy giữa hai bờ đầy ắp phù sa, có nhiều cá Lác, nên được đặt tên là lạch Lác.
Lê Lợi lên ngôi vua, bắt đầu tiến hành củng cố địa vị quyền lực. Tháng 4/1428 ra sắc chỉ cho các đại thần định lại các quan lộ, huyện, quan trấn thủ cùng các quan giữ đầu nguồn, cửa biển và những nơi xung yếu.
Nhận thấy vùng đất Tương Đông chật hẹp, đồng bãi không ổn định, tiên tổ họ Trần vốn giỏi nghề sông nước đi tìm thế đất mới ven biển Thiên Trường Thừa Tuyên, đã tìm được bãi bồi Lạch Lác. Địa thế của vùng đất này đã được ghi lại trong huân tích ký thờ liệt tổ khai sáng Quần Anh: “Trước, tổ ta xây dựng làng ta, vào lúc ấy đất đai Tây Bắc giáp sông, Đông Nam tới bể, gốc do làm cát nổi lên. Khi nước lên thì cá bơi, hạc đứng, bốn mặt mênh mông. Khi nước xuống thì u chệch, lầu ngao, một vùng gò đống.
Năm đầu Thuận Thiên (1428) vua Lê Thái Tổ, nhuận Hồ khói lạnh, giặc Bắc bụi tan, đời được thái bình, dân yên chăn đệm. Tổ ta (Họ Trần) vì đất ở cũ hẹp hòi, nghĩ tìm làng mới. Nhìn xuống Nam sông, trông qua Bắc bể, thấy nơi đây thế rộng bằng, bãi bồi mầu mỡ. Cồn Rồng vươn lên phương Bắc, nước hổ chảy từ phương Đông. Từ Đông sang Tây tốt lành chung đúc, bể vùng, sông lượn đẹp đất làm ăn. Vì vậy, mắt thấy lòng ưa, bèn cùng các tổ Vũ, Hoàng, Phạm bàn việc đến đây lập ấp...”
Bãi bồi Lạch Lác là một vùng đất đẹp, đầy triển vọng cho việc mở mang, xây dựng cơ nghiệp muôn đời, nhưng là đất “Chân nguồn, ngọn biển” nên khai phá ban đầu gặp nhiều khó khăn.
côn Lúc này bãi biển còn thấp, nước biển lên thì ngập lòa, chỉ còn lô nhô mấy ngọn cao, lác đác có dân chài lưới đến thu bắt hải sản ở tạm. Các dấu tích cổ xưa ở các địa tầng dưới, trong một địa bàn hẹp, phía Bắc Lạch Lác xưa, nay đào ao, xẻ sông, làm thủy lợi... vẫn còn tìm được. Năm 1939, mở rộng và xẻ thêm sông Múc, đoạn qua Mộng Chè (phía Bắc cầu Đông xã Hải Trung khoảng 500 mét) đào được một thuyền đắm, trong có xương người và một đôi trầm đeo tai. Qua bến đá đầu đường Mộc Đông, đào được 1 thuyền ván, nằm ngang dưới đất, giữa đường cái, sâu hơn mặt đường khoảng 1 mét, còn một tấm gỗ cầu, mui thuyền đan bằng tre nứa lợp lá, trong thuyền có bếp, một só xương trẻ... Ruộng khoai ao gò (trước chùa Phúc Lâm) thường đào được gốc sú, vẹt. Một số lòng ao khe, ao gò thuộc xóm 13, xóm 15 xã Hải Trung ngày nay, trước đây vẫn tìm được các đầu сос lồi lên, thường gọi là đầu ống khói, cột buồm... Các nơi khác trong huyện cũng đào được một số di vật tương tự. Đặc biệt năm 1994, trong khi làm thủy lợi nhân dân xã Hải Cường đào được dưới lòng mương nguyên vẹn 1 bộ xương cá Voi (nay để ở bảo tàng Hải Dương học - Nha Trang).
Qua những hiện vật tìm được chứng tỏ nơi đây bờ biển nông sâu khác nhau. Từ rất sớm đã có nhiều thuyền bè qua lại. Sử sách ghi lại, vào thời Lê vùng đất Thiên Trường càng trở nên đặc biệt quan trọng với các hoạt động quân sự phòng vệ phía Nam cho vùng Trung Châu Bắc Bộ, cho kinh thành Đông Kinh. Vua Lê Thánh Tông đã từng qua đây theo đường thủy để đi dẹp Chiêm Thành, vì vậy tuyến biển này còn là đường giao thông thủy ven biển, lên Bắc, vào Nam của cư dân Bắc Bộ.
Theo sách “Quần Anh địa chỉ” của tú tài Trần Xuân Hân thì: “các Tổ Quần Anh đến đây, ở cửa Lác đã có miếu thờ Tống Hậu do dân chài lập”. Việc thờ Tống Hậu được tôn là nữ thần cửa biển, để cầu may sự bình an cho ngư dân, nói lên bão biển, sóng biển ở đây cũng rất hung dữ.
Lê Lợi lên ngôi vua, đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó phát triển tiềm lực kinh tế, quân sự của quốc gia, và sự ưu tiên được hướng về phía Nam, thì Thiên Trường trở thành địa bàn chuẩn bị trực tiếp, nơi đóng góp nhiều sức người, sức của.
Nhà nước thời Lê rất quan tâm đến việc nông trang nói chung, công cuộc khai hoang mở rộng diện tích canh tác nói riêng bằng hàng loạt chính sách. Chính sử còn ghi lại hàng loạt các sắc chỉ và sự kiện có liên quan đến các chính sách này:
- Tháng Chạp (Âm lịch) năm Mậu Thân (1429), khám lại các loại ruộng đất công tư, đầm bãi, cá, mắm muối... cùng vàng bạc, chì, thiếc, tiền ở các lộ.
- Tháng Chạp (Âm lịch) năm Kỷ Dậu (1430) chiếu cho các xã ruộng nhiều dân ít cho phép người các xã không có ruộng đất đến cày cấy, chủ ruộng xã đó không được chiếm giữ để bỏ hoang.
Tháng ba (Âm lịch) năm Quang Thuận thứ hai (1461), vua Lê Thánh Tông ra lệnh cho các quan ở các phủ, huyện, xã phải đôn đốc, khuyến khích nhân dân chăm nghề làm ruộng, không được bỏ nghề gốc theo nghề ngọn, mượn cớ đi buôn bán, làm thợ để chây lười. Ra lệnh trị tội những kẻ có ruộng mà không chịu cày cấy.
Thoát khỏi họa diệt tộc, lại được triều đình ban hành các chính sách khuyến nông, cụ Trần Vu cùng bàn với các đồng liêu Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập từ Tương Đông đưa quyến thuộc xuống bãi bồi lạch Lác xin trưng khẩn. Được triều đình chấp thuận, phong cụ Trần Vu chức Doanh Điền phó sứ, đứng ra chiêu tập dân đinh, tổ chức lực lượng mở đất.
Theo gia phả dòng họ Vũ ở Tương Nam, lập từ thời Lê Vĩnh Trị (1676 - 1679) do nhất trường Vũ Văn Tần lưu giữ thì “các cụ Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập để lại 1.000 mẫu ruộng ở Tương Đông cho các ông Trần Lang Tướng, Đoàn Đô Quan, Nguyễn Chiêu Thảo coi giữ, lại xuống phía nam Trấn Sơn Nam trưng khẩn một bãi bồi phù sa ven biển”.
Ban đầu, các cụ đưa gia đình xuống ở bên đất Xối Nước phía Bắc Lạch Lác (Xối Nước có nghĩa là góc đựng nước của sông Hồng. Tên gọi lấy chữ “Xối” giống như địa danh các vùng quê cũ: Xối Đông, Xối Tây, Xối Trì, Xối Thượng...) do đất của một nhà họ Nguyễn nhượng lại, diện tích 19 mẫu, 9 sào, 3 thước Bắc Bộ (ngày nay nhân dân vẫn thường gọi vùng đất này là đất cầu ông Vu, hay cầu Ngô), làm chỗ trú chân. Ngày ngày, phụ nữ ở lại chăm sóc con cái, bếp núc, còn trai tráng đẩy thuyền sang bãi đảo đất đắp vùng, chiều tối mới trở về. Nhân dân đã phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian san đắp, vượt nền, dựng nhà. Dành khu đất cao trồng cấy, đào kênh mương dẫn nước, thau chua, rửa mặn, đến khi thành thổ cư mới đưa gia đình từ Xối Nước sang ở. Khu đất này đặt tên là Phú Cường (nay ở phía Nam liền kề Âu Múc cũ, xóm 6 xã Hải Trung).
Đến đây, giai đoạn thăm dò, lập đất đứng chân trưng khẩn bãi bồi Lạch Lác của bốn dòng họ Trần, Vũ, Hoàng, Phạm đã hoàn thành, mở đầu cho quá trình tạo lập làng xã sau này.