Thành lập huyện Hải Hậu 27 - 12 - 1888

CHƯƠNG I: ĐẤT HẢI HẬU TỪ KHỞI NGUỒN ĐẾN THÀNH LẬP HUYỆN (1888)

7. Thành lập huyện Hải Hậu 27 - 12 - 1888:

Vùng đất mới ven biển huyện Chân Ninh và Giao Thủy khẩn hoang ngày càng vươn xa ra biển. Nhận thấy đây là một vùng đất rộng, địa bàn trọng yếu, cửa ngõ của đồng bằng Bắc Bộ, ngày 27/12/1888, Kinh lược Bắc Kỳ quyết định thành lập huyện Hải Hậu (Nam Định). Địa bàn huyện Hải Hậu bao gồm: Tổng Quần Phương (năm 1887 Đinh Hợi, Đồng Khánh thứ hai vì kiêng miếu hiệu Tự Đức là Dực Anh. Tổng Quần Anh đổi thành tổng Quần Phương), Tổng Ninh Nhất (của huyện Chân Ninh) gồm 7 xã: Kiên Trung, Hội Khê, Hà Lạn, Hà Quang, Trà Trung. Trà Hạ, Lạc Nam (của huyện Giao Thủy) lập thành Tổng Kiên Trung và lập tổng Tân Khai bao gồm vùng đất Đỗ Phát đã định điền thành 4 lý: Văn Lý, Tang Điền, Kiên Chính, Hòa Định và bao gồm tất cả các phần đất thuộc các tổng này chạy dài ra biển.

Huyện Hải Hậu trực thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Quyết định này đã được Tổng Trú Sứ Trung - Bắc Kỳ chuẩn y bằng Nghị định ngày 27/12/1888.

Đình Giáp Thị Đông Cường (xã Hải Bắc)

Đình Giáp Thị Đông Cường (xã Hải Bắc)

Huyện lỵ ban đầu chính quyền bảo hộ quyết định xây dựng ở xóm Đảo Mãn, khu vực "Cựu diêm xứ” (khu dược muối cũ), thôn Đông Cường xã Quần Anh Hạ.

Tiến sỹ Đỗ Phát (1813-1893) người Giáp Tây xã Quần Anh Hạ, nguyên là Tri phủ đô đốc học, thăng Quốc Tử Giám tế tửu, sung chức Doanh điền sứ, kiêm chức Phòng Hải sự vụ. Sau khi triều đình kỳ hàng ước Pa tơ nốt (1884) chịu sự bảo hộ của thực dân Pháp, cuối đông năm đó linh mục Hiền (cố đạo nước ngoài mang tên Việt) về hiểu dụ dân chúng ở Đông Biên. Vì có liên quan đến việc nghênh tiếp linh mục, ông bị triều đình cách hết chức tước, sau đó mới được khôi phục chức Hàn Lâm biên tư, thăng chức Thị Lang Ôn mục hầu và bổ làm Tri huyện, đứng ra chỉ đạo kiến thiết huyện đường Hải Hậu.

Huyện lỵ xây dựng theo kiến trúc có thành lũy bao bọc hình vuông, mỗi chiều dài 30 trượng. Bên trong có ba đồn trì độc lập. Một trại lính lệ, một nhà lao (tất cả đều xây dựng bằng tre). Công trình khởi công từ cuối năm 1888 đến đầu mùa hạ 1889 xây dựng xong. Đỗ Phát làm tri huyện đầu tiên. Sau một năm gây dựng ổn định, cuối năm 1889 ông được nghỉ hưu ở tuổi 76.

Huyện Hải Hậu ra đời là một tất yếu lịch sử, phản ánh thành quả của công cuộc khẩn hoang lấn biển vô cùng gian khổ, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh trong suốt quá trình hơn 400 năm mở đất. Tuy nhiên, với thời điểm thực dân Pháp bắt đầu áp đặt chế độ "bảo hộ" nước ta, phong kiến câu kết với thực dân Pháp làm tay sai cho chúng, lại căng ra sức áp bức, bóc lột nhân dân, nhưng với truyền thống đấu tranh mở đất và giữ đất kiên cường, nhân dân Hải Hậu tiếp tục lấn biển mở rộng bờ cõi, xây dựng Hải Hậu trở thành huyện lớn của tỉnh Nam Định.

Địa hình các làng xã từ khi khai sáng đến đây tuy có nhiều biến đổi qua mua bán, sang, nhượng... Song vẫn còn giữ y thế đất nam tiến. Địa danh các xã tuy có thay đổi do chia tách, hợp lại song vẫn mang dấu ấn tổ tiên, như chữ "Ninh" chữ "Cường" của người Ninh Cường. Chữ "Anh", chữ "Phương" của người Quần Anh. Chữ “Trà", chữ "Hà" của người Trà Hải, Hà Lạn...

Họ Mai Trà Trung Họ Mai Hải Nam Họ Mai Hải Hậu Họ Mai Nam Định Họ Mai Việt Nam