Thời kỳ mở đất lập xã Quần Anh (1485 - 1511)

CHƯƠNG II: HUYỆN HẢI HẬU TỪ KHI THÀNH LẬP ĐẾN TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945

2. Thời kỳ mở đất lập xã Quần Anh (1485 - 1511):

Năm 1470, Lê Thánh Tông đặt niên hiệu là Hồng Đức, ông đã có nhiều chiếu chỉ thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp. Triều đình lệnh cho các quan phủ, huyện phải thân hành xem xét ruộng nương trong hạt mình. Định lệ thuế bãi dâu, tính theo mẫu thuộc hạng nhất, nhì, ba mà nộp tiền. Các phủ, huyện ở Sơn Nam phải đắp đê, đào sông.

Tháng Giêng (Âm lịch) 1473, vua thân đi cày tịch điền và đốc thúc các quan đi theo cùng cày. Đặt các chức quan khuyến nông và hà đê. Lệnh cho cả nước đắp đê, đập và đường sá. Sắc chỉ cho các quan trong cả nước chăm lo việc sản xuất nông nghiệp, định luật đắp bờ ruộng để giữ nước, định lệnh đắp dựng mốc giới ruộng đất công, tư. Đặc biệt, tháng 6 (Âm lịch) 1486 (Bính Ngọ, Hồng Đức thứ 17) triều đình ra lệnh cho các phủ, huyện xã rằng: “Nơi nào có ruộng đất bỏ hoang ở bờ biển mà người ít ruộng tình nguyện bồi đắp đê khai khẩn nộp thuế thì phủ, huyện xét thực cấp cho làm".

Chính thức từ đây, cụ Trần Vu cùng các cụ Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập đẩy mạnh công cuộc khai khẩn bãi bồi Lạch Lác.

Đất đai tiếp tục san lấp, mở rộng sang phía Tây và phía Nam Lạch Lác. Quyến thuộc các dòng họ cùng dân ly tán các xã phía Bắc kéo về ngày một đông. Đất Phú Cường trở nên chật hẹp, dần dần nhà cửa dựng nên rải khắp trên các ngọn cồn từ cửa Múc đến đầu sông Trệ. Xen kẽ với dân khẩn điền, cụ Hoàng và thân tộc ở khu cồn Cao (nay gọi là Cồn họ Hoàng). Cụ Trần, cụ Vũ ở khu cồn Bồ Đề (nay là xóm Bồ Đề Hải Anh). Cụ Phạm ở khu cồn Cát, sát đê sông Lác, phía Tây xóm Bồ Đề. Bốn vị đứng đầu các dòng họ phân công nhau phụ trách từng công việc. Trần Vu lo tổ chức lực lượng khẩn hoang. Vũ Chi phụ trách công việc kiến thiết, trị thủy. Phạm Cập chuyên giấy tờ, số sách, đo đạc ruộng đất dinh điền. Hoàng Gia mở trường dạy học. Đến cuối thế kỷ XV các cồn đất bãi bồi, phía Bắc giáp sông Ninh Cơ ngày nay đã được san lấp liên kết với nhau thành ấp dân cư. Các cụ đặt tên là Cồn Ấp. Lạch Lác chảy mạnh đổi tên thành sông Cường Giang. Nhân dân đắp đẻ Cường Giang ngăn lũ, đồng thời đắp đê Hậu Đồng, trấn giữ phía Nam ngăn nước mặn (đê ở phía Nam sông Múc 2, đoạn chảy từ Hải Trung sang Hải Anh ngày nay). Cồn đất cao san xuống bãi đất trũng. Sông Múc hình thành lấy nước từ Cường Giang về tưới tiêu, thau chua rửa mặn cho đồng ruộng.

Nối tiếp Từ tính là Cửu tộc: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ và Trần, Vũ phái khác lần lượt cùng về mở đất.

Từ Cồn Ấp, đất đai khẩn tiếp những vùng đất mới đều lấy chữ “Phú”, chữ “Cường” đặt tên. Đất “Phú” mở dần như Thượng Phú (Xóm Thượng), Phú Nghĩa (xóm Phe Nhì, Mộc Tây), Phú Mỹ (xóm Phe Tư), Phú Sâm (xóm Sách Sâm) (nay thuộc địa phận xã Hải Trung). Đất "Cường" mở rộng như Đông Cường, Tây Cường, Nam Cường, An Cường, Trung Cường, Ninh Cường...

Lúc này đồng đất đã rộng, người đã đông, để giữ gìn mốc giới khu khai khẩn với Quần Mông và ngăn nước mặn biển Đông tràn vào, nhân dân tập trung lực lượng đắp đê Đông. Theo "Quần Anh địa chí”, đây là đê chống mặn có vị trí quan trọng nhất, từ Bắc tới Nam hơn nghìn thước. Tương truyền chân đê nguyên là cát non, đắp rồi lại vỡ, sau phải từ chân đê đào thành đường hào, rồi chuyển đất thịt nơi khác đắp vào lòng hào đê làm chân đê, từ đó đắp dần lên mới hoàn thành được.

Từ Đông sang Tây lại đắp đê Đồng Mục, ngăn nước mặn phía Nam, thân để cấy dứa dại, tầm xuân, dứa gai chắn cát và ngăn trâu bò phá hoại.

Thời Lê Sơ, do những yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, quân sự, kinh tế của khu vực ven biển và trong điều kiện của một chính quyền Trung ương tập quyền cao độ, công cuộc đắp đê vùng ven biển Nam Định mới được quan tâm và triển khai với quy mô lớn nhất từ trước đến đương thời.

Nửa sau thế kỷ XV trên vùng biển Nam Định chứng kiến một công trình kết tinh thành quả lao động to lớn của nhân dân Đại Việt, đó là việc khởi công và hoàn thành đê Hồng Đức, một con để ngăn nước mặn có quy mô lớn đầu tiên của vùng châu thổ.

Theo "Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược": "Tương truyền thời cổ vùng ven biển chưa có đê bồi gì cả, thường xuyên bị nạn nước biển tràn vào phá hoại, thiệt hại về người và của không sao kể được. Thời Lê niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) vua ra lệnh xuất công khố đắp lên phía Bắc từ Quảng Yên, qua Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa đến Nghệ An". Trên địa bàn Hải Hậu, qua những dấu tích còn lại thì thấy đê Hồng Đức kéo dài từ Bắc Nghĩa Hưng sang Ninh Cường gần trùng với trục đường 56 ngày nay đến tận Hà Lạn, Hội Khê, dấu đê cũ còn lại những dải đất cát đồn cao như khu Nam Biên, Cồn Cối (Hải Anh, Hải Trung). “Có đoạn như Kiên Trung, Hà Lạn trông thấy như những núi đất kéo dài".

Đến đây đê Hồng Đức đã hoàn thành, đê Đồng Mục không còn là đường chắn sóng. Sông Giữa giữ một vị trí trung tâm cho dân ấp đến ở dọc hai bên bờ. Đất đẹp, người đông, từ tính, cửu tộc quyết định đổi tên Cồn Ấp thành ấp Quần Cường. Thôn, ấp hình thành một qui mô rộng rãi, dân cư hai bờ sông giữa chia làm 10 giáp (từ Giáp Nhất đến Giáp Thập) cho những người đến trước ở. Từ Đông sang Tây mỗi giáp một dong, mỗi dong có một cầu bắc qua sông Giữa để nối liền khu giáp. Riêng cầu Giáp Thập (Phe Mười) được kiến thiết theo kiểu Thượng gia hạ trì (trên nhà dưới sông). Cầu Phe Sáu và cầu Phe Ba là 2 cây cầu tống cố, kiến thiết rộng hơn. Các sách bản cũng dựng cầu đá (Sách Bản Nhất, Bản Nhì, Bản Ba...), cầu gạch, cầu gỗ, cầu tre, cầu ván, cầu đất... để nối hai bờ. Bốn biên ấp lập thành 4 thôn: Nam Cường, Bắc Cường, Đông Cường, Tây Cường cho những người đến sau ở và cũng được kiến thiết tương tự như cảnh trí trong làng.

Ở cửa Lác, là một trong 12 cửa biển vua Lê Thánh Tông cho xây đền Hải Thần (nay là đền Ninh Cường, thờ Tống Hậu). Các thôn dựng đền thành hoàng, nhân dân Quần Cường kiến thiết chùa Lương, thiết lập 2 ngôi đình chung (một ngôi ở chợ Lương, một ngôi ở Phe Tư) để tiện hội họp. Trong 10 giáp lập 3 chợ Chợ Lương (Giáp Thập), chợ Đình (Giáp Tứ), chợ Muối (Giáp Nhất) cùng một số chợ khác như chợ dâu, chợ sáng, chợ cá…

Tận dụng phù sa và nước ngọt vào đồng, tiếp tục nối dài hai con sông Múc và sông Trệ, vét các sông ngang như Cửu Khúc, sông Giữa, sông Hoành. Đắp các đường đỗi chạy dọc, lệch theo hướng Tây - Nam để kiến thiết thổ cư cho vuông đất, tránh chính hướng Nam quốc cấm.

Đặt các quán khuyến nông, đồn phong quán, thương gia kiều, bồi nông điếm... để người làm ruộng nghỉ ngơi.

Bên Bắc sông Giữa, dân cư đông đúc gọi là "Trên làng", bên Nam sông Giữa có nhiều trang trại, gọi là "Dưới trại”. Cánh đồng sau làng gọi là "Đồng sau”, cánh đồng trước làng gọi là “Đồng trước". Theo hình thể tự nhiên của đất đặt tên: Ngọc Lâm, Thạch Bàn, các Cồn Thái Phượng, Kim Qui, các ao hồ, ao gò, ao khe, các con đường, đường dong, đường bạch..., các con sông sông Đối, Sách Văn..., sông Cửu Khúc…

Ruộng đất mới khẩẳn điền, theo phả ngôn của họ Trần Đại Tôn "Khai khẩn lập thành ấp, ruộng đất ước hơn 1 vạn mẫu, chịu về ngạch thuế diêm hoang (đồng chua, nước mặn bỏ hoang) có mẫu 3 tiền, có mẫu 6 tiền cả năm, trung gian đổi thành thuế thóc..." Nhân dân tập trung sản xuất thu lợi theo ba nguồn chính: cá, muối, lúa và 1 loại cây đặc sản: dâu.

Nhân dân dốc sức làm ăn. Nếp sống, lối sống căn bản theo phong tục của cư dân đồng bằng sông Hồng. Tình làng, nghĩa xóm, cố kết cộng đồng bền chặt, có nhiều mặt cải thiện phù hợp với phong thổ mới.

Nhà nho học Hoàng Gia đã mở trường dạy chữ. Tuy nhiên là vùng đất mới, còn đang phải tập trung nhân lực khẩn điền, kiến thiết ấp trại nên khoa cử chưa có nhiều thành tựu. Trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật chủ yếu thể hiện bằng văn bản các loại sổ sách, giấy tờ dân sự, gia phả họ hàng, thơ, đối, đại tự, ca dao, bia biển, khoản, ước phản ảnh sinh hoạt cuộc sống.

Các cụ Doanh điền phỏ sứ Trần Vu, cựu Phó ba tướng quân Vũ Chi, nhà Nho học Hoàng Gia, công nghệ gia Phạm Cập, cựu thừa chỉ Nguyễn Hào, Điền gia Lê Công... là những danh nhân đương thời.

Đến đây, Quần Cường ấp đã trở thành một làng gồm 10 giáp, 4 thôn, diện tích rộng lớn. Theo bia đền liệt tổ xã Thượng (nay là Hải Anh) ghi lại: “Toàn bức dài rộng ước 2 vạn mẫu nay là đất cả 4 xã Tổng Quần Anh và Ninh Lác".

Ruộng đất khẩn hoang đã đến lúc phải khám đạc, chịu ngạch thuế. Năm 1511 (Hồng Thuận Tam niên) vua Lê Tương Dực phê chuẩn Quần Cường ấp đổi tên là Quần Anh xã, thuộc tổng Thần Lộ, huyện Tây Chân, Phủ Thiên Trường, Trấn Sơn Nam.

Địa dư chiều Nam - Bắc từ tả ngạn sông Cường Giang xuống đến Nam đê Hồng Đức trên 3 km. Phía Đông giáp Quần Mông kéo xuống hết thôn An Cường sát sông Cường Giang khoảng 11 km. Địa khoán vua ban là đất "Tư điền thế nghiệp” thuộc quyền sở hữu tư nhân, được truyền đời con cháu quản lý, sử dụng lâu dài. Triều đình cho tiếp tục khai khẩn bãi biển theo địa án:

- Đông Cồn Quay, Cần Bẹ

- Tây núi Nẹ Thần Phù

- Bắc giáp Đại Hà

- Nam tới biển sâu 18 sải nước (quản vu hải thập bát xích thủy thâm)

Trải qua hơn nửa thế kỷ ròng rã, gian khổ vật lộn với sóng gió. Từ thăm đò, nhân đất xin trưng khẩn đến chung lưng đấu cật khai hoang, lấn biển lập nên Cồn ấp, rồi Quần Cường ấp, đến đây (1511) chính thức xã Quần Anh ra đời, trở thành một đơn vị hành chính, được đăng bạt trên bản tịch quốc gia Đại Việt.

Biết ơn những người có công mở đất dựng làng, nhân dân Quần Anh lập đền thờ liệt tổ: 4 dòng họ khai sáng gọi là Tứ tính, 9 tổ tiếp theo gọi là Cửu tộc (chung thành liệt tổ). Những dòng họ tới sau gọi là Kế chí liệt tổ, hậu Kế chí liệt tổ. Tinh thần “Từ tính, Cửu tộc" trở thành truyển thống quí báu, tự hào của cư dân Quần Anh, cũng như nhân dân Hải Hậu ngày nay.

Họ Mai Trà Trung Họ Mai Hải Nam Họ Mai Hải Hậu Họ Mai Nam Định Họ Mai Việt Nam