Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, bước đầu tiên xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở địa phương (1961-1965)

CHƯƠNG IV: HẢI HẬU KHÔI PHỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1954-1975)

3. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, bước đầu tiên xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở địa phương (1961 - 1965)

Từ tháng 9/1960, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Ba của Đảng, miền Bắc nước ta bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, vừa xây dựng cơ sở vật chất của Chủ nghĩa xã hội vừa tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước.

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, bên cạnh những thuận lợi, Hải Hậu cũng còn nhiều khó khăn. Quan hệ sản xuất tuy đã thay đổi nhưng mới chỉ là bước đầu, năng suất lao động thấp, tốc độ phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp còn rất chậm. Trình độ cán bộ chưa tiến kịp với yêu cầu mới. Tư tưởng bảo thủ, tập quán làm ăn riêng lẻ chưa hoàn toàn được khắc phục. Khi gặp khó khăn, một số xã viên dao động muốn xin ra hợp tác xã.

Trong bối cảnh đó, huyện tập trung củng cố các hợp tác xã. Đến cuối năm 1961, đã rút gọn được 78 hợp tác xã, tổng toàn huyện có 198 hợp tác xã, trong đó có 33 hợp tác xã toàn thôn và 1 hợp tác xã toàn xã ở Hải Hùng, về quy mô có 55 hợp tác xã cấp thấp có trên 50 hộ xã viên, 133 hợp tác xã cấp thấp có từ 150 đến 200 hộ xã viên và 10 hợp tác xã cấp cao qui mô trên 200 hộ xã viên. Đến năm 1962, toàn huyện tiếp tục hợp nhất 198 hợp tác xã thành 26 hợp tác xã cấp thấp và 68 hợp tác xã cấp cao.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Hải Hậu vẫn mang tính chất độc canh, tự túc, tự cấp, mất cân đối giữa chăn nuôi và trồng trọt. Năm 1961 năng suất lúa bình quân toàn huyện là 4.055 kg/1 mẫu (chỉ đạt xấp xỉ bằng năm 1959 là năm được mùa trước đó), cây màu toàn huyện năm 1961 đạt 1.483 mẫu, năm 1962 giảm còn 1.457 mẫu. Một số nơi thu nhập của hộ xã viên hợp tác xã chỉ bằng 60% thu nhập hộ riêng lẻ. Năm 1962 có 84 hộ xin ra hợp tác xã.

Để khắc phục những thiếu sót nêu trên, Hải Hậu thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nông nghiệp toàn diện. Từ cuối năm 1962 đến hết năm 1964, tiến hành cuộc vận động lần 1 gồm 5 đợt và 1 đợt thí điểm tại 2 hợp tác xã: Tiền Phong (Hải Phong) và Quỳnh Phương (Hải Phủ).

Tuy có nhiều khó khăn, nhưng các cấp các ngành và nhân dân Hải Hậu quyết tâm tổ chức thực hiện với phương châm: Làm đến đâu, ăn chắc đến đấy, đợt sau làm tốt hơn đợt trước. Tiến hành phân cấp định mức “3 khoán" (Khoán sản lượng, khoán công điểm, khoán chi phí) có hiệu quả, ngày công và giá trị ngày công tăng 90,91% số hộ nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, chuyển 100% hợp tác xã cấp thấp lên cấp cao.

Phong trào thi đua đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong huyện Lệ Thuỷ- Quảng Bình (là đơn vị điển hình cả nước về mô hình hợp tác xã cấp cao) diễn ra sôi nổi. Tổng kết phong trào này có 19 hợp tác xã được Chính phủ khen thưởng, 2 hợp tác xã Tiền Phong (Hải Phong) và Quỳnh Phương (Hải Phú) được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong 3 năm (1963 - 1965), hầu hết các hợp tác xã đều thành lập đội thủy lợi, toàn huyện xây dựng trên 1.000 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, nhân dân dành hàng triệu ngày công đào đắp 2.218.077 mở đất. Tiêu biểu là xã Hải Phong, được tỉnh tổ chức Hội nghị tại chỗ, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

Phong trào "Biển bèo dâu, rừng điền thanh, núi phân bùn", cấy chăng đây, thẳng hàng, cấy dầy vừa phải, cầy sâu, bừa kỹ ngày càng được các hợp tác xã áp dụng. Các công cụ cải tiến như liềm xén, cào có cải tiến 54-A, cày 51, 58; trục dúi bèo hoa dâu, guồng nước chạy bằng sức gió v.v.. được ứng dụng ở hầu hết các hợp tác xã.

Năng suất lúa bình quân năm 1961 đạt 22,5 tạ/ha, năm 1964 đạt 28 ta/ha, chăn nuôi phát triển từ 4 cơ sở chăn nuôi lợn tập thể năm 1961 đến cuối năm 1964 tăng lên 27 cơ sở. Năm 1964, các hợp tác xã đã bán cho nhà nước 2.709 tấn thóc và tích luỹ cho hợp tác xã 233.991 đồng, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, xã viên phần khởi yên tâm sản xuất.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng đẩy mạnh sản xuất muối, đánh bắt hải sản, tăng cường quốc phòng an ninh các xã ven biển. Trong những năm từ 1961 - 1965, đã tổ chức động viên điều chuyển di dân, chủ yếu là gia đình cán bộ đảng viên từ các xã nội địa như Hải Anh, Hải Hùng, Hải Long. Hải Trung... ra lập nghiệp tại các vùng thưa dân ở xã Hải Hoà, Hải Thịnh, Hải Chính, Hải Triều...

Từ năm 1961 đến cuối năm 1964, toàn huyện đã phát triển được 95% số hộ ngư dân tham gia hợp tác xã và tổ chức hợp nhất thành 10 hợp tác xã, tổng sản lượng đánh bắt cá đạt 1.427 tấn (chiếm 2/3 tổng sản lượng của tỉnh Nam Định).

Cuối năm 1962 đã xây dựng được 23 hợp tác xã diêm nghiệp đạt 88,2% số hộ diêm dân vào hợp tác xã. Năm 1964, đưa tổng sản lượng muối lên 56.125 tấn (chiếm 81,5% sản lượng toàn tỉnh Nam Định).

Ngành Thương nghiệp thu mua theo chế độ hợp đồng 2 chiều, nhân dân bán thóc theo nghĩa vụ và giá khuyến khích. Song song với cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật là cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống quan liêu, tham ô, lãng phí” (gọi tắt là cuộc vận động “3 xây, 3 chống").

Năm 1961, hệ thống chính quyền bắt đầu được tổ chức và hoạt động theo mô hình Hội đồng nhân dân. Từ ngày 17 đến ngày 19/7/1961, Hội đồng nhân dân huyện khoá 1, họp kỳ thứ nhất để bầu Uỷ ban hành chính huyện. Cuối năm 1962, Uỷ ban hành chính tỉnh Nam Định lấy huyện Hải Hậu làm thí điểm về công tác cải tiến tổ chức và lề lối làm việc; từ tháng 01 năm 1963, Uỷ ban hành chính huyện hoạt động theo quy chế mới. Bộ máy của Uỷ ban hành chính gồm 9 uỷ viên chia làm bộ phận Thường trực (gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và Uỷ viên thư ký) và bộ phận không thường trực (gồm 5 Uỷ viên phân công chịu trách nhiệm từng phòng, từng lĩnh vực là Ban nông nghiệp, Phòng công thương - tài chính, Phòng văn xã và Văn phòng. Uỷ ban hành chính huyện làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Mỗi tháng họp 1 kỳ vào cuối tháng. Bộ phận thường trực căn cứ vào Nghị quyết của HĐND, Nghị quyết của Uỷ ban hành chính và các Thông tri, Chỉ thị của Nhà nước cấp trên mà chỉ đạo công tác hàng ngày trong các lĩnh vực quản lý xã hội và phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Sự nghiệp giáo dục thời kỳ này coi trọng phương châm “Cần gì, học ấy, học đi đôi với hành". Năm 1961, toàn huyện đã có 35 lớp Bổ túc văn hoa vừa học văn hoá, vừa học kỹ thuật nhân bèo hoa dâu, năm 1962 đã có 11.697 người mãn khoá các lớp bổ túc. Cùng với các lớp bổ túc văn hoá, huyện Hải Hậu có mô hình trường cấp 2 phổ thông nông nghiệp ở xã Hải Quang và Hải Phong vừa đào tạo văn hoá, vừa học chuyên sâu về kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1962, 1963, Hải Hậu đã xuất hiện nhiều trường tiên tiến, điển hình là trường THCS Hải Phương, trường Tiểu học Hải Trung, Hải Hùng, so với năm 1958, số trường tăng lên: 184,3%; số lớp tăng 311,8%; số học sinh tăng 305,9%, giáo viên tăng 330,1%.

Ngày 01/12/1964, thành lập Bệnh viện huyện Hải Hậu tại khu vực trung tâm huyện với quy mô ban đầu gồm 50 giường bệnh và đội ngũ y, bác sĩ gồm 20 người.

Hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, chiếu phim, truyền thanh, triển lãm, sách báo được phổ biến đến cơ sở và từng bước phát triển trên địa bàn toàn huyện. Năm 1961, toàn huyện đã xây dựng được 296 tủ sách của hợp tác xã nông nghiệp, 24 tủ sách của hợp tác xã thủ công, 6 tủ sách công đoàn, 124 tủ sách thiếu niên. Năm 1962 có 42 đội tuyên truyền lưu động, 182 loa truyền thanh, 62 đội văn nghệ, với 1.025 nam nữ diễn viên biểu diễn 1.013 lần. Hải Hậu là một trong 3 huyện khá nhất miền Bắc về phát hành sách; một trong 5 huyện khá nhất về phát hành báo. Đội văn nghệ xã Hải Chính được tặng Huy chương Bạc trong hội diễn do Trung ương tổ chức. Đội điện ảnh P.2 của huyện là đội khá nhất tỉnh.

Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất đang thực hiện có kết quả thì bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Họ Mai Trà Trung Họ Mai Hải Nam Họ Mai Hải Hậu Họ Mai Nam Định Họ Mai Việt Nam