Tộc ước
LỜI NÓI ĐẦU
Để tồn tại và phát triển, loài người ngay từ khi mới xuất hiện, đã phải sống chung với nhau trong một cộng đồng nhất định. Để duy trì cuộc sống cộng đồng, buộc phải có những quy tắc quy định cách thức ứng xử giữa những con người với nhau. Những quy tắc ứng xử đó, ban đầu được thể hiện qua những phong tục, tập quán và tín ngưỡng tôn giáo, rồi đến những tiền lệ pháp. Ngày nay, được thể chế bằng những văn bản quy phạm pháp luật.
Gia đình, dòng họ là những cộng đồng hạt nhân nền tảng trong cộng đồng xã hội rộng lớn, bao gồm những thành viên cùng chung huyết thống, là anh em ruột thịt được tổ tiên truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, không bao giờ bị mất đi. Vì vậy, để giữ gìn mối quan hệ keo sơn, gắn bó đó, mỗi dòng họ đề ra Tộc ước để răn dạy con cháu muôn đời giữ gìn kỷ cương gia lễ tốt đẹp của dòng họ mình, sống xứng đáng với công đức khai sáng của tiền nhân trước đây.
Bộ Tộc ước họ Mai Đại tộc - Làng Trà Trung - Xã Hải Nam là những quy định điều chỉnh toàn bộ các hoạt động của dòng họ và các thành viên trong họ; được xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận và thể hiện ý chí, nguyện vọng của tất cả anh em, con cháu trong họ.
Bộ Tộc ước này là sự kế thừa và phát triển những quy định của dòng họ đã có từ xưa; được tập hợp lại, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện hiện nay và nhiều năm về sau.
Hội đồng Đại tộc yêu cầu tất cả thành viên trong dòng họ thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản trong bộ Tộc ước; đồng thời rất mong nhận được các ý kiến đóng góp bổ sung để bộ Tộc ước hoàn thiện hơn, góp phần xây dựng dòng họ ngày càng đoàn kết, phồn thịnh và phát triển bền vững.
HỘI ĐỒNG MAI ĐẠI TỘC
CHƯƠNG I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1: Mọi thành viên của dòng họ Mai Đại tộc - Làng Trà Trung - Xã Hải Nam phải vì lợi ích của Họ tộc; mà tâm huyết đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của dòng họ. Có lòng tự hào, tự tôn và có ý thức giữ gìn thanh danh của cá nhân và dòng họ để xứng đáng là con cháu dòng họ Mai Đại tộc.
Điều 2: Thế thứ, xưng hô trong dòng họ phải theo đúng phổ hệ của tiền nhân để lại. Đảm bảo duy trì tôn ty, trật tự. Tránh sự ly khai, chia rẽ, mất đoàn kết.
Điều 3: Lấy tình thân Họ tộc làm phương châm xử thế. Các thành viên trong dòng họ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Giữ gìn gia phong – kỷ cương – gia lễ và truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã truyền dạy cho con cháu muôn đời. Vì vậy, mọi người luôn có ý thức tham gia đầy đủ, tích cực các công việc sinh hoạt, nghi lễ của dòng họ.
Điều 4: Tất cả con cháu trong dòng họ đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Không ai có quyền ngăn cản con cháu (trai, gái, dâu, rể) đóng góp trí tuệ, công sức, vật chất, tiền của vào việc xây dựng Từ đường và phụng sự tiên tổ (trừ trường hợp bị Họ kỷ luật, đình chỉ).
Điều 5: Con cháu Họ Mai Đại tộc – Làng Trà Trung – Xã Hải Nam thành kính hướng về cội nguồn; đặc biệt là ngày lễ Phụng tổ nghinh xuân (từ 15, 16, 17 tháng giêng âm lịch) hàng năm.
* * *
CHƯƠNG II
TỪ ĐƯỜNG – LĂNG MỘ CUNG PHỤNG TỔ
Điều 6: Từ đường, lăng mộ là nơi tôn nghiêm lưu giữ di sản thiêng liêng của dòng họ; nơi con cháu về chiêm bái tổ tiên, để thể hiện tấm lòng tri ân, thành kính của mình. Từ đường là nơi gặp mặt các thế hệ con cháu cùng nhớ về cội nguồn. Bởi vậy, mọi người phải có thái độ trân trọng; có trách nhiệm gìn giữ, đóng góp, xây dựng, tôn tạo tổ đường với
cảnh quan khuôn viên xanh – sạch – đẹp. Đến từ đường, lăng mộ phải trang nghiêm, chỉnh tề và ứng xử có văn hóa.
Điều 7: Ngai khám tượng, bài vị, bát hương từ thời cổ được thờ phụng trong Từ đường Đại tộc theo vị trí của tiền nhân để lại. Từ đường có 5 cung thờ:
Cung thờ tổ: ở chính giữa gồm một ngai, một bát hương thờ tổ và một ỷ, một bát hương thờ Hội đồng.
Hai cung thờ quan mãnh tổ: ở bên trái và bên phải cung thờ tổ gồm ngai và bát hương thờ hai quan mãnh tổ.
Hai cung thờ tổ cô: ở phía Đông và Tây của Từ đường gồm khám và bát hương thờ hai tổ cô.
Điều 8: Không được tự tiện thay đổi đồ thờ cúng.
Ai có tâm tiến cúng đồ thờ, vật dụng khác phải được thống nhất với Ban Thường trực Hội đồng Đại tộc về kích thước, mẫu mã và khắc chữ.
Ai làm hư hỏng, mất mát đồ thờ mà không có lý do chính đáng phải bồi thường và bị kỷ luật.
Điều 9: Các lễ tiết trong năm
1. Tết nguyên đán.
2. Lễ Phụng tổ nghinh xuân (ngày 15, 16, 17 tháng giêng âm lịch).
3. Lễ Kỵ tổ cô (ngày 9 tháng 2 âm lịch).
4. Lễ tiết Thanh minh (tháng 3 dương lịch): do ngành 2 phụ trách.
5. Lễ vào hạ và kỵ tổ cô (ngày 8 tháng 4 âm lịch).
6. Lễ kỵ tổ cô (ngày 15 tháng 5 âm lịch).
7. Tết Trung nguyên và tán hạ (ngày 15 tháng 7 âm lịch): do chi 1, chi 2, chi 3, chi 4 – ngành 1 phụ trách.
8. Tết cơm mới (ngày 10 tháng 10 âm lịch): do gié 1, gié 3, gié 4, gié 5 – chi 5 – ngành 1 phụ trách.
9. Lễ tất niên (ngày 17 tháng 12 âm lịch): do gié 2 – chi 5 – ngành 1 phụ trách.
10. Các ngày kỵ và tuần tiết khác: do trưởng tộc phụ trách.
Điều 10:
1. Họ ghi nhận và khuyến khích tất cả con cháu (trai, gái, dâu, rể) về lễ tổ với tấm lòng thành kính tiến cúng bằng tiền của, vật chất để hương khói, tu sửa nơi thờ phụng tiên tổ và các công việc tình nghĩa của
dòng họ.
2. Tất cả cha chú, anh em, con cháu nội ngoại Mai Đại tộc cần bố trí thời gian về dự lễ Phụng tổ Nghinh xuân và họp mặt đầu năm.
Điều 11: Nghiêm cấm các hành vi làm tổn hại đến Từ đường và Lăng mộ tổ; nghiêm cấm các hành vi mê tín dị đoan trong Từ đường và Lăng mộ tổ.
Điều 12:
1. Lăng mộ của Họ Mai Đại tộc đã được xây dựng khang trang và kiên cố. Không được thay đổi, làm hư hỏng. Chỉ tiến hành tu bổ lăng mộ khi xuống cấp và phải được sự đồng nhất của toàn họ.
2. Ban Hội đồng Đại tộc phải thường xuyên giữ gìn, vệ sinh sạch sẽ và chuẩn bị lễ chu đáo trong kỳ lễ đầu năm, thanh minh và cuối năm.
* * *
CHƯƠNG III
QUAN HỆ GIA ĐÌNH VÀ DÒNG TỘC
Điều 13: Gia đình hạnh phúc là nền tảng hạt nhân cho sự phát triển ổn định, bền vững của dòng họ và xã hội. Vì vậy, trong mỗi gia đình phải giữ gìn nề nếp, gia phong, thực hiện tốt đạo lý “ông bà, cha mẹ
mẫu mực, con cháu thảo hiền”; mỗi thành viên phải tích cực học tập, lao động để xây dựng gia đình giàu mạnh và có văn hóa, chấp hành nghiêm chỉnh tộc ước của dòng họ; chính sách, pháp luật của nhà nước.
Điều 14: Quan hệ trong dòng họ và gia đình phải tuân theo tôn ty, trật tự. Xưng hô, ứng xử với nhau luôn thể hiện sự khiêm tốn, thân thiện, tế nhị. Đối với người mắc lỗi hoặc có ý kiến khác biệt, cần phải
bình tĩnh phân tích, thuyết phục; tuyệt đối không lăng mạ, kích bác làm nghiêm trọng hóa sự việc. Mọi thắc mắc, nghi vấn liên quan đến công việc của Họ phải phản ánh đến Ban Thường trực để xem xét, xin ý kiến và giải quyết tại các cuộc họp. Không tụ tập bàn tán, loan tin thất thiệt. Không phát ngôn bừa bãi. Không phát tán tài liệu bằng tờ rơi, băng đĩa… gẩy
tổn hại đến thanh danh dòng họ và các cá nhân trong họ. Khi phát sinh mâu thuẫn: các ngành, các chi, các gié phải có trách nhiệm chủ động giải quyết. Đại tộc chỉ giải quyết các vụ việc khi có văn bản đề nghị của các ngành, các chi, các gié. Không giải quyết các vấn đề vượt cấp lên Đại tộc.
Điều 15: Hôn nhân
1. Trai gái chung dòng huyết thống thờ tổ tại Từ đường Mai Đại tộc – Làng Trà Trung – Xã Hải Nam không được quan hệ luyến ái. Họ không cho phép kết hôn. Ai vi phạm sẽ không được tham gia tất cả công việc của họ.
2. Bố mẹ của đương sự không được tham gia các công việc của họ trong 3 năm. Sau 3 năm, phải có đơn cam kết và được sự nhất trí của Hội đồng Đại tộc.
Điều 16:
1. Trước khi làm lễ thành hôn. Trai, gái nên đến từ đường lễ tổ. Trưởng tộc có trách nhiệm lễ tổ và ghi tên vào sổ đinh của Họ (đối với nam); ghi tên của rể vào sổ họ (đối với nữ).
2. Việc đặt tên cho con cháu cần thận trọng để tránh phạm húy.
Điều 17: Mừng thọ
Các bậc cao niên có thư chúc mừng của Hội người cao tuổi thuộc nội tộc tuổi 70, tuổi 75, tuổi 80, tuổi 85 do ngành, chi, gié tổ chức mừng thọ. Đại tộc mừng thọ các cụ tuổi 90, tuổi 95, tuổi 100 trở lên.
Điều 18: Thăm hỏi
Trong Họ có thành viên ốm nằm viện hoặc tai nạn nặng. Các ngành, chi, gié báo cho Họ cả để tổ chức thăm hỏi, động viên một lần. Trường hợp gia đình đặc biệt khó khăn thì Họ tổ chức quyên góp hỗ trợ.
Điều 19: Tang lễ
1. Thực hiện quy định trong văn bản nghi lễ của dòng họ Mai Đại tộc. Việc phúng viếng đinh họ, dâu họ gồm 6 phần: Thượng quan, Phát tang, Lễ viếng, Tế điếu (dành cho các cụ từ 70 tuổi trở lên), Tiễn biệt, Đưa tang. Đối với bố mẹ của các bà thím, bà cô, chú rể, bố mẹ chồng của các bà cô; Họ Mai Đại tộc kết hợp với ngành, chi, gié tổ chức nghi lễ phúng viếng.
2. Gia đình nhà hiếu phải có giấy báo tử và lễ xin họ Mai Đại tộc và Họ ngành, Họ chi, Họ gié. Trường hợp ở xa, nhà hiếu phải bố trí và lo phương tiện đi và về cho thuận lợi.
3. Khi có đám hiếu nội tộc thì tất cả các đinh thuộc ngành, chi, gié phải có mặt đầy đủ (chồng vắng thì vợ phải có mặt) để thăm hỏi, giúp đỡ, phúng viếng, đưa tang và cùng Họ Đại tộc tổ chức các nghi lễ sao cho nghiêm túc và trang trọng.
4. Đối với những người bị kỷ luật, đình chỉ khi qua đời và đinh họ không đóng góp từ 3 năm trở lên. Hai trường hợp này gia đình phải có đơn xin Họ, ký cam kết và được sự nhất trí của Hội đồng Đại tộc.
5. Đối với bố mẹ có con trai và con gái vi phạm điều 15, họ không tổ chức lễ tế điếu.
* * *
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC
Điều 20: Cơ cấu tổ chức họ Mai Đại tộc - Làng Trà Trung - Xã Hải Nam:
Điều 21: Hội đồng Đại tộc gồm các ông trưởng ngành, trưởng chi, trưởng gié và một số đại biểu có đạo đức, năng lực và có điều kiện. Ban Thường trực Hội đồng Đại tộc khóa cũ phân bổ số đại biểu tới các ngành, các chi, các gié để đề cử và được tập thể dòng họ đồng thuận.
Điều 22:
Ban thường trực thay mặt Hội đồng Đại tộc tổ chức triệu tập và điều hành các phiên họp toàn họ. Trong Hội nghị toàn họ, đinh họ phải có mặt đầy đủ (nếu chồng vắng, vợ đi thay). Nghị quyết của dòng họ phải dựa trên sự đồng thuận của toàn họ. Nếu trong Hội nghị có nhiều ý kiến khác nhau thì tiến hành biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín; kết quả quá bán được lấy làm Nghị quyết của toàn họ. Mọi người phải tuân theo Nghị quyết toàn họ. Trường hợp số phiếu bằng nhau, Trưởng ban Hội đồng Đại tộc, Trưởng tộc và Ban Thường trực tạm thời quyết định.
Điều 23: Trưởng họ từ trước đến nay kế vị theo nguyên tắc tử tôn. Trường hợp người kế vị không thể đảm nhiệm được thì Họ phải bầu Trưởng họ. Trưởng họ có quyền bao quát, giám sát tất cả hoạt động và công việc của dòng họ. Cụ thể:
1. Hương khói các tuần tiết, tạo điều kiện hướng dẫn các thành viên vào Từ đường lễ bái tiên tổ.
2. Quản lý cơ sở vật chất đồ thờ cúng và các tài sản khác của Từ đường.
3. Đại diện cho dòng họ quan hệ với làng, xã và các hoạt động khác.
4. Trực tiếp điều hành các trưởng ngành, trưởng chi, trưởng gié và một số thành viên có uy tín của họ trong các công việc chung.
Điều 24: Trưởng ban Hội đồng Đại tộc là chủ tài khoản và là Trưởng ban Hội đồng khen thưởng - kỷ luât của họ, trực tiếp điều hành các thành viên của Hội đồng Đại tộc và các tiểu Ban của dòng họ.
Điều 25: Các ngành, các chi, các gié đông đinh cần phải có một ban giúp việc từ 3 đến 5 đại biểu để thực hiện các công việc của mình và của Đại tộc; có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho các các ban giúp việc của Đại tộc hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 26:
Trai họ đã lập gia đình và từ 25 tuổi trở lên trở thành Đinh họ; phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của một Đinh họ; các bà cô, cháu gái sống độc thân đóng họ như đinh nam
Trường hợp Đinh họ không sinh hoạt, không đóng góp cúng lễ Họ cả, Họ ngành, Họ chi, Họ gié từ 3 năm trở lên thì bị coi là bỏ họ.
Điều 27: Tiểu ban Nội từ và Tang lễ có nhiệm vụ tập hợp các văn bản về nghi lễ và tổ chức tang lễ của Họ phù hợp với điều kiện đương thời. Lựa chọn nhân sự và tổ chức luyện tập cho các đội tế nam, tế nữ và Ban lễ tân để đảm bảo khi hành lễ đúng, đều, đẹp và trang trọng.
Điều 28: Tiểu ban Xây dựng chỉ đạo các công trình xây dựng, tôn tạo hoặc sửa chữa.
Phải có thiết kế kỹ thuật, thẩm mỹ; dự toán kinh phí trình Hội nghị Ban Thường trực và Hội đồng Đại tộc mở rộng họp quyết định. Báo cáo công khai, rộng rãi và xin ý kiến toàn họ.
Tổ chức thi công và quản lý xây dựng theo đúng thiết kế, bảo đảm chất lượng.
Nếu có sự thay đổi thiết kế thì Trưởng ban Xây dựng phải báo cáo, xin ý kiến của Thường trực và Hội đồng Đại tộc để thống nhất.
Điều 29: Tiểu ban Văn hóa.
Kế thừa phả tộc đã được phiên dịch ra chữ quốc ngữ từ các ngành, các chi, các gié. Cuốn phả tộc của Họ chưa được hoàn chỉnh; vì vậy các ngành, các chi, các gié phải viết phả tộc của ngành, của chi, của gié mình để làm tư liệu cho đời sau; đồng thời phải thường xuyên đối chiếu để thống nhất với phả tộc của toàn Đại tộc.
Tổ chức sưu tầm, biên tập và bổ sung Lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dòng họ.
Điều 30: Tiểu ban Hòa giải tập hợp những thành viên có uy tín trong họ vào việc giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong gia đình, trong dòng họ theo phương châm: “Đóng cửa bảo nhau”. Lấy phân tích, thuyết phục là chính. Không đặt vấn đề thắng – thua. Mọi người trong họ luôn lấy tấm lòng vị tha, độ lượng làm nguyên tắc ứng xử để trong họ luôn đoàn kết, yên ấm.
Điều 31: Tiểu ban liên lạc có trách nhiệm giữ mối liên hệ chặt chẽ với đại diện các khu vực nhằm thường xuyên thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác giữa con cháu ở xa quê và dòng họ ở quê.
* * *
CHƯƠNG V
KHUYẾN HỌC – KHUYẾN TÀI
Điều 32: Tiểu ban Khuyến học, Khuyến tài
Tham mưu, đề xuất các biện pháp động viên, khích lệ thế hệ trẻ học tập và tu dưỡng tốt để có thể nối tiếp và phát huy truyền thống hiếu học, đảm bảo cho từng gia đình và dòng họ phát triển bền vững.
Tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Giữ gìn mối quan hệ chặt chẽ với gia đình, nhà trường và xã hội nhằm nâng cao chất lượng học tập của các cháu.
Điều 33: Tất cả các gia đình phải tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học tập đạt trình độ phổ cập giáo dục bắt buộc. Họ khuyến khích các cháu học lên Đại học, Cao đẳng và Học nghề theo đúng năng lực, khả năng của từng cháu. Các ngành, các chi, các gié thường xuyên quan tâm và động viên khích lệ các cháu học tập, rèn luyện đạo đức, tác phong của con cháu mình.
Điều 34: Hàng năm, Họ Đại tộc tổ chức ngày hội Khuyến học, khuyến tài vào tháng 8 dương lịch.
Điều 35: Tổ chức Lễ báo công và lập Bảng vàng danh dự ghi danh các cháu đã tốt nghiệp Đại học trở lên. Tổ chức Lễ vinh quy bái tổ và lập bia đá ghi danh những người đỗ tiến sỹ.
* * *
CHƯƠNG VI
KINH TẾ - TÀI CHÍNH
Điều 36: Xây dựng quỹ
Xây dựng quỹ họ từ hai nguồn:
1. Đinh họ đóng góp, ủng hộ và tiến cúng của tất cả con cháu nội tộc và ngoại tộc.
2. Động viên kịp thời những người tiến cúng tiền của, vật chất có giá trị cao.
Điều 37: Quản lý quỹ
Tiểu ban Kinh tế - Tài chính quản lý toàn bộ hoạt động thu và chi quỹ theo đúng nguyên tắc tài chính và những quy định của họ.
Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ cho từng năm.
Khi chi tiêu bất thường từ 5 triệu đồng trở xuống, phải có sự nhất trí của chủ tài khoản. Chi lớn phải thông qua Thường trực và Hội đồng Đại tộc.
Điều 38: Sử dụng quỹ
Quỹ họ được sử dụng vào việc cung phụng tổ, xây dựng, sửa chữa, tôn tạo Từ đường, Lăng mộ, sắm sửa đồ thờ của Đại tộc; hoạt động tình nghĩa: thăm hỏi, mừng thọ, đám hiếu.
Thưởng cho các cháu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi; các cháu thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng; các cháu đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh; các gia đình vượt khó nuôi con học giỏi và các hoạt động khác.
* * *
CHƯƠNG VII
QUAN HỆ XÃ HỘI
Điều 39: Các thành viên của họ chung sống với cộng đồng dân cư với các họ khác, phải giữ gìn mối quan hệ thân thiết, đoàn kết và thực hiện tốt những quy định của địa phương. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Điều 40: Họ Mai Đại tộc – Làng Trà Trung – Xã Hải Nam sẵn sàng trao đổi và học tập, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng dòng họ, giao lưu với Hội họ và các họ khác nhưng không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
* * *
CHƯƠNG VIII
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 41: Khen thưởng.
Hàng năm, họ biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt. Khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích học tập suất sắc.
Họ lập Sổ vàng truyền thống, Sổ vàng công đức, Bia truyền thống, Bia công đức để vinh danh, tôn vinh các cá nhân có công, có tâm huyết với dòng họ.
Sổ vàng truyền thống ghi thân thế, sự nghiệp những người có công như sau:
1. Những người có công lao đã được tiền nhân ghi lại trong tộc phổ.
2. Các Liệt sỹ.
3. Những người có học vị, chức vụ cao.
4. Những người được tặng danh hiệu cao quý của Nhà nước như: Anh hùng, Huân chương quân công, Huân chương lao động, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú…
5. Những người được ghi vào Lịch sử Địa phương.
6. Những người vượt khó thành đạt.
7. Những người tiêu biểu được Họ xét chọn.
Sổ vàng công đức ghi tên các thành viên đã đóng góp tiền của, vật chất có giá trị cao cho các công việc của dòng họ. Họ xét chọn các cá nhân có tên trong sổ vàng công đức để khắc tên vào Bia công đức.
Danh sách những người được ghi danh vào Sổ vàng công đức và Bia đá, được toàn họ đồng thuận.
Điều 42: Kỷ luật.
Những người vi phạm tộc ước, gây chia rẽ khối đoàn kết, làm mất thanh danh của dòng họ. Tùy theo lỗi nặng nhẹ phải chịu những hình thức kỷ luật sau:
1. Nhắc nhở, phê bình, khiển trách ở ngành, ở chi, ở gié và Đại tộc. Cảnh cáo trước Đại tộc, thông báo trong dòng họ.
2. Những người bị kỷ luật, cảnh cáo, đình chỉ nếu tiến bộ, biết ăn lăn, hối lỗi sẽ được họ xem xét xóa kỷ luật nhưng trước đó người bị kỷ luật phải làm đơn đề nghị trình trước Hội nghị của gié, của chi, của ngành.Các gié, các chi, các ngành có văn bản đề nghị và xác nhận trước khi Đại tộc họp để xem xét cho phép được dâng lễ cẩn cáo tiên tổ đại xá.
* * *
CHƯƠNG IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Tộc ước họ Mai Đại tộc – Làng Trà Trung - Xã Hải Nam đã được Hội đồng Đại tộc họp ngày 07/01/2017 (10/12/Bính Thân) thông qua và nhất trí 100%. Các ngành, các chi, các gié và các gia đình nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc và chưa thông suốt, các ngành, các chi, các gié có văn bản đề nghị với Ban Thường trực và Hội đồng Đại tộc để xem xét, nghiên cứu, giải quyết.
Hải Nam, ngày 01 tháng 01 năm 2018
Trưởng tộc và Trưởng ban Hội đồng Đại tộc đã ký