Tư liệu thôn Trà Trung, xã Hải Nam

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THÔN TRÀ TRUNG

Từ vùng biển mênh mông, được phù sa sông Hồng bồi đắp hàng năm dần dần hình thành lên các bãi bồi. Cư dân các nơi đến sinh sống đánh bắt cá chim hình thành lên các cụm dân cư trù phú. Đến thời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức 1470-1497), hình thành lên xã Trà Hải, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ (ngày nay là mảnh đất hai bên sông Ninh Cơ gồm các xóm 9 và 13 xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh và thôn Trà Thượng, thị trấn Xuân Trường).

Năm 1558, sau trận lũ lụt lớn, bài vị Triệu Việt Vương bị cuốn từ đền Độc Bộ, huyện Đại An (nay thuộc xã Yên Nhân, Ý Yên, Nam Định) qua nơi đây, người dân vớt được, cho là linh thiêng, liền lập chùa đền thờ phụng Triệu Việt Vương làm thần tối linh của xã từ ngày 21/06 đến ngày 05/08/1558. Ba vị thành hoàng làng có công mộ dân lập ấp cũng được thờ phụng gồm: Hiếu túc Đại vương, Uy linh Đại vươngPhạm Đại vương.

Vào đầu cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, các cư dân từ Trà Hải (nay là thôn Trà Thượng, TT Xuân Trường) xuống khai khẩn lập ấp ở vùng đất bồi phía đông sông Rộc (nay thuộc các thôn Trà Trung, xã Hải Nam và thôn Trà Hạ, xã Hải Thanh). Mở đầu là tứ tổ khai sáng những năm 1675-1700: Gia đình cụ Trần Đạo Trung từ Cát Chử, huyện Nam Chân sang (nay thuộc xóm 1 cũ), gia đình cụ Nguyễn Thanh Liêm từ Trà Hạ xuống (nay thuộc xóm 3 cũ), gia đình cụ Hoàng Chân Thực từ Cẩm Hà lên (nay thuộc xóm 5 cũ), dòng họ Mai Từ Đoài Thọ (xã Trà Hạ) xuống (nay thuộc xóm 3 cũ). Gia đình cụ Nguyễn Phúc Thông từ Thanh Hóa lên Bích Câu rồi quay xuống khai khẩn mảnh đất còn lại của Trà Hải (nay là thôn Trà Hạ, xã Hải Thanh).

Từ Tân ấp hình thành nên các thôn Trung Nghiêm, Trung Nhung, Phú Thọ, Xuân Hòa là 4 trong 6 thôn (cùng với Đông Nam, Đoài Thọ) của xã Trà Hải, tổng Kiên Lao, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường. Những dòng họ khác xuống định cư gồm gia đình cụ Đỗ Tảo Minh (nay thuộc xóm 3 cũ), gia đình cụ Đỗ Phúc Định (nay thuộc xóm 1 cũ) từ đất Kiên Lao sang, gia đình cụ Phạm Phúc Hảo (nay thuộc xóm 1 cũ), gia đình cụ Phạm Xứng (nay thuộc xóm 1 cũ), gia đình cụ Tống Phúc Đức từ Lý Nhân sang. Tiếp theo là gia đình cụ Trần Phúc Hải từ xã Nhượng Đông, huyện Nam Trực sang (nay thuộc xóm 6 cũ), gia đình cụ Nguyễn Như Đóa (con cụ Nguyễn Như Hân, cháu 5 đời của cụ Nguyễn Phúc Thông) từ thôn Phú Thọ chuyển lên; gia đình cụ Nguyễn Khắc Nhượng (cháu 4 đời của cụ Nguyễn Phúc Thông) (nay thuộc xóm 3 cũ), gia đình cụ Trần Huyền Chân từ Quất Lâm sang (nay thuộc xóm 4 cũ); gia đình cụ Đinh Đức Hiến từ Thái Bình sang (nay thuộc xóm 5), gia đình cụ Nguyễn Phúc Chân từ Nga Sơn, Thanh Hóa lên (nay thuộc xóm 5 cũ).

Năm 1734, cư dân xã Trà Hải ngày càng đông đúc, trung tâm của xã dần chuyển dần xuống các thôn Trung Nghiêm, Trung Nhung; các cụ Nguyễn Xuân Toản và Phạm Công Tưởng đã tổ chức di dời chùa - đền từ vùng Đoài Thọ về thôn Trung Nghiêm.

Chùa Linh Ứng ở thôn Trà Trung, xã Hải Nam

Năm 1821, phân tách xã Trà Hải thành 3 thôn:
- 2 thôn Đông Nam, Đoài Thọ thành thôn Thượng.
- 2 thôn Trung Nghiêm, Trung Nhung thành thôn Trung.
- 2 thôn Phú Thọ, Xuân Hòa thành thôn Hạ.

Năm 1828 - 1829, thời Hương trưởng Mai Huy Thảng, người dân thôn Trung xây dựng trục đường thôn bằng đá.

Năm 1886, dưới thời Lý trưởng Trần Cựu Tuyển, nâng 3 thôn của xã Trà Hải thành 3 xã thuộc tổng Kiên Lao, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường:
- Thôn Thượng thành xã Trà Hải Thượng.
- Thôn Trung thành xã Trà Hải Trung.
- Thôn Hạ thành xã Trà Hải Hạ.

Năm 1888, huyện Hải Hậu được thành lập. Năm 1892, cắt xã Trà Hải Thượng thuộc tổng Kiên Lao, huyện Giao Thủy; 2 xã Trà Hải Trung và Trà Hải Hạ thuộc tổng Kiên Trung, huyện Hải Hậu. 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu đều thuộc phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Theo kết quả điều tra dân số của xã Trà Hải Trung năm 1899 là 1.060 người. Kê từ khi phân lập xã Trà Hải Trung, có thêm các dòng họ Phạm (nay thuộc xóm 6 cũ), họ Đoàn, họ Bùi, họ Vũ... xuống định cư.

Ngày 23/8/1945, nhân dân xã Trà Hải Trung khởi nghĩa giành chính quyền. Chính quyền lâm thời xã được thành lập do ông Đoàn Phúc Chiều làm Chủ tịch, ra mắt nhân dân tại chùa Linh Ứng.

Tháng 6/1947, sáp nhập xã Trà Hải Trung và Hội Khê Nam thành lập xã Hải Nam, thuộc khu II, phủ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ngày 25/3/1948, bỏ đơn vị hành chính phủ, phủ Hải Hậu thành huyện Hải Hậu.

Tháng 10/1949, thực dân Pháp tiến hành cuộc hành quân Ăng-tờ-ra-xít-tờ đánh chiếm 6 huyện miền nam tỉnh Nam Định. Ngày 5/11/1949, quân Pháp từ Xuân Trường đánh sang Trung Thành, lấy đó làm bàn đạp đánh vào Hải Hậu. Trong thời kỳ Pháp chiếm đóng Hải Hậu (từ tháng 12/1949 - 5/3/1952), chính quyền thân Pháp đổi huyện Hải Hậu thành quận Hải Hậu, tỉnh tự trị Bùi Chu.

Năm 1953, giải thể xã Phan Châu Chinh, thôn Trung Thành sáp nhập vào xã Hải Nam thành xã Nam Vân. Đến tháng 3/1956, sáp nhập thôn Hội Khê Ngoại của xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường và trại Hà Quang của xã Hải Phúc vào xã Hải Nam. Đồng thời trả lại thôn Trung Thành để tái lập xã Hải Vân. Đơn vị hành chính xã Hải Nam ổn định cho đến nay.

Năm 1956, chính quyền cách mạng tiến hành cải cách ruộng đất, xóa bỏ tàn tích chế độ địa chủ, phong kiến, chia ruộng đất cho dân cày. Trong những năm này, đình chùa của làng bị phá hoại.

Năm 1959, xây dựng thí điểm Hợp tác xã Trần Phú ở xóm 6 (nay là xóm 1) do ông Mai Văn Khoản làm chủ nhiệm, ông Phạm Văn Cam làm cố vấn. Sau đó lần lượt thành lập 6 hợp tác xã từ xóm 1 (Thần Từ) đến xóm 6 (xóm 1 hiện nay).

Đơn vị hành chính xóm ở thôn Trà Trung, xã Hải Nam từ sau cải cách ruộng đất đến năm 1992

Tháng 10/1961, tiến hành đào sông và lập con đường dọc thôn từ Chợ Trâu đến khu Mười Nhất.

Năm 1964, hợp nhất các Hợp tác xã đội xóm của thôn thành Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Trung do bà Nguyễn Thị Kim Liên làm chủ nhiệm.

Năm 1969, xây dựng cầu bê tông nối qua sông Rộc nối với quốc lộ 21 bắt đầu từ Chợ Trâu vào trong thôn, công trình do ông Hoàng Mạnh Thức thiết kế.

Năm 1974, hợp nhất các Hợp tác xã 3 thôn (Trà Trung, Hội Khê, Hội Nam) thành Hợp tác xã Nam Sơn với quy mô toàn xã.

Trải qua các cuộc đấu tranh cách mạng, thôn Trà Trung đã có nhiều đóng góp và công sức và tài sản cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Toàn thôn có 16 liệt sĩ chống Pháp, 39 liệt sĩ chống Mỹ, 2 liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

Ngày 26/8/1992, tách Hợp tác xã Nam Sơn thành 3 Hợp tác xã tương ứng từng thôn. Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Trung do ông Mai Khải Hoàn làm chủ nhiệm, Hợp tác xã gồm có 7 xóm đội sản xuất, mỗi xóm một đội sản xuất duy trì 1 đội trưởng để quản lý điều hành và làm công tác thanh toán với xã viên trong đội.

Hành chính xóm ở thôn Trà Trung từ 1992-2022

Từ tháng 8-12/1992, tiến hành công trình đưa mạng lưới điện quốc gia vào xã thôn. Tổng số vốn xây dựng công trình ở thôn Trà Trung là 197.283.405 đồng.

Năm 1994, đổ đường nhựa con đường xã đi qua thôn. Ngoài ra ở các xóm dân cư cũng tiến hành bê tông hóa các con đường vào thôn xóm và gia đình.

Ngày 13/1/2010, Cổng làng Trà Trung được xây dựng hoàn thành. Nhà văn hóa của 7 xóm của thôn cũng được xây dựng trong khoảng thời gian này.

Cổng làng Trà Trung, xã Hải Nam

Tháng 2/2016, giải thể Hợp tác xã Trà Trung.

Năm 2020, tiến hành nâng cấp con đường thôn, thiết lập tuyến đường cấp huyện (đường Nam Đông) từ chợ Trâu đến trường Mầm non thôn Trà Trung đi ra xã Hải Đông.

Đường Nam Đông đi qua xã Hải Nam

Đầu năm 2022, tiến hành sáp nhập 20 xóm ở xã Hải Nam thành 7 xóm mới. Trong đó thôn Trà Trung bao gồm 3 xóm:
- Sáp nhập các xóm 1, 2, 19 thành xóm 1 có diện tích 59,19 ha; với 466 hộ gia đình và 1.400 nhân khẩu.
- Sáp nhập các xóm 3, 4 thành xóm 2 có diện tích 49,42 ha; với 352 hộ gia đình và 993 nhân khẩu.
- Sáp nhập các xóm 5, 6 thành xóm 3 có diện tích 59,92 ha; với 402 hộ gia đình và 1.214 nhân khẩu.

Địa danh thôn xóm thôn Trà Trung hiện nay

Đến nay thôn Trà Trung, xã Hải Nam là một cộng đồng dân cư con cháu của 35 dòng họ lớn nhỏ định cư trên 3 xóm dân cư.

 

THẦN TÍCH - TỤC LỆ LÀNG TRÀ TRUNG

T.T Nội dung Thời gian
1. Nguồn gốc của các vị thần Hồng Bàng thị
2. Thần tích Minh Lang Vương Triều Lạc
3. Thần tích Linh Lang Vương Triều Lý
4. Thần tích Triệu Việt Vương Tiền Lý
5. Tục lệ xã Trà Trung ???

SẮC PHONG LÀNG TRÀ TRUNG

T.T Tên thần Ngày sắc phong
1. Quốc mẫu Hoàng bà – Tứ vị Thánh nương Đại vương 24/07/Cảnh Hưng 1
2. Khâm thiên Minh Đạo Đại vương 24/07/Cảnh Hưng 1
3. Đô nguyên soái Đại vương 24/07/Cảnh Hưng 1
4. Quốc mẫu Hoàng bà – Tứ vị Thánh nương Đại vương 08/08/Cảnh Hưng 28
5. Khâm thiên Minh Đạo Đại vương 08/08/Cảnh Hưng 28
6. Đô nguyên soái Đại vương 08/08/Cảnh Hưng 28
7. Hiếu Túc Đại vương 16/07/Cảnh Hưng 44
8. Triệu Việt Vương 26/07/Cảnh Hưng 44
9. Uy Minh Đại vương 26/07/Cảnh Hưng 44
10. Phạm Đại vương 26/07/Cảnh Hưng 44
11. Quốc mẫu Hoàng bà – Tứ vị Thánh nương Đại vương 26/07/Cảnh Hưng 44
12. Khâm thiên Minh Đạo Đại vương 26/07/Cảnh Hưng 44
13. Đô nguyên soái Đại vương 26/07/Cảnh Hưng 44
14. Quốc mẫu Hoàng bà – Tứ vị Thánh nương Đại vương 22/03/Chiêu Thống 1
15. Khâm thiên Minh Đạo Đại vương 22/03/Chiêu Thống 1
16. Đô nguyên soái Đại vương 22/03/Chiêu Thống 1
17. Triệu Việt Vương 03/10/Chiêu Thống 1
18. Hiếu Túc Đại vương 03/10/Chiêu Thống 1
19. Đô nguyên soái Đại vương 21/05/Quang Trung 4
20. Quốc mẫu Hoàng bà – Tứ vị Thánh nương Đại vương 10/09/Quang Trung 4
21. Khâm thiên Minh Đạo Đại vương 10/09/Quang Trung 4
22. Triệu Việt Vương 15/01/Quang Trung 5
23. Uy Minh Đại vương 15/01/Quang Trung 5
24. Hiếu Túc Đại vương 24/11/Cảnh Thịnh 1
25. Uy Minh Đại vương 24/11/Cảnh Thịnh 1
26. Phạm Đại vương 24/11/Cảnh Thịnh 1
27. Quốc mẫu Hoàng bà – Tứ vị Thánh nương Đại vương 21/05/Cảnh Thịnh 4
28. Khâm thiên Minh Đạo Đại vương 21/05/Cảnh Thịnh 4
29. Đô nguyên soái Đại vương 10/09/Cảnh Thịnh 4

SẮC PHONG THEO THỜI GIAN

T.T Ngày ban hành Năm âm lịch Ngày dương lịch Số lượng
1. 24/07/Cảnh Hưng 1 Canh Thân 15/08/1740 3
2. 08/08/Cảnh Hưng 28 Đinh Hợi 31/08/1767 3
3. 16/07/Cảnh Hưng 44 Quý Mão 13/08/1783 1
4. 26/07/Cảnh Hưng 44 Quý Mão 23/08/1783 6
5. 22/03/Chiêu Thống 1 Đinh Mùi 09/05/1787 3
6. 03/10/Chiêu Thống 1 Đinh Mùi 12/11/1787 2
7. 21/05/Quang Trung 4 Tân Hợi 22/06/1791 1
8. 10/09/Quang Trung 4 Tân Hợi 07/10/1791 2
9. 15/01/Quang Trung 5 Nhâm Tý 07/02/1792 2
10. 24/11/Cảnh Thịnh 1 Quý Sửu 26/12/1793 3
11. 21/05/Cảnh Thịnh 4 Bính Thìn 26/06/1796 2
12. 10/09/Cảnh Thịnh 4 Bính Thìn 10/10/1796 1

SẮC PHONG THEO TÊN THẦN

T.T Tên thần Số lượng
1. Uy Minh Đại vương 3
2. Hiếu Túc Đại vương 3
3. Phạm Đại vương 2
4. Triệu Việt Vương 3
5. Quốc mẫu Hoàng bà – Tứ vị Thánh nương Đại vương 6
6. Khâm thiên Minh Đạo Đại vương 6
7. Đô nguyên soái Đại vương 6
Họ Mai Trà Trung Họ Mai Hải Nam Họ Mai Hải Hậu Họ Mai Nam Định Họ Mai Việt Nam